Suy nghĩ về văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay

suy-nghi-ve-van-hoa-ung-xu-xua-con-nguoi-ngay-nay

Suy nghĩ về văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay

  • Mở bài:

Hằng ngày, khi đi học, đi làm, ta vẫn bắt gặp những con người tốt. Họ tận tình nhắc nhở ta về việc ta quên bật đèn cho xe máy vào ban đêm, quên gạt chông chống xe,.. Thậm chí còn ân cần giúp đỡ khi ta gặp sự cố trên đường. Ngược lại, có những người bỏ mặt làm ngơ trước những sơ xuất của người khác, buông lời khó nghe hoặc hành hung người khác chỉ cần một va chạm nhỏ hay một hành động trái ý nào đó. Mỗi cách ứng xử thể hiện một kiểu người khác nhau và bản lĩnh ứng xử của con người.

  • Thân bài:

Văn hóa ứng xử là gì?

Ứng xử là thể hiện thái độ, hành động thích hợp trước những việc có quan hệ giữa mình với người khác. Văn hóa ứng xử là cách xử sự tốt đẹp của con người trong cuộc sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và đạo lí được xã hội đã quy định hoặc công nhận.

Văn hóa ứng xử sẽ bao gồm những chuẩn mực xã hội về mọi hành vi của con người như trang phục, cách nói năng, cử chỉ, ăn uống… trong quan hệ với người khác, đặc biệt là ở nơi công cộng.

Những biểu hiện của văn hóa ứng xử trong xã hội ngày nay.

Văn hóa ứng xử là một lĩnh vực đời sống văn hóa sinh động, phong phú của con người diễn ra hàng ngày, luôn luôn gắn liền với sự tồn tại, phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó cũng chính là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp và là chìa khóa thành công của mỗi người, mỗi dân tộc.

Trong quá khứ, dân tộc ta có một nền văn hóa với cung cách ứng xử vô cùng tốt đẹp. Hệ thống lễ nghi và chuẩn mực làm người tuy không được lập thành văn bản nhưng con người Việt Nam ta đã biết tuân thủ tốt các nguyên tắc ấy. Người Việt biết sống khiêm nhường, lễ độ, hòa nhã và thân thiện. Đó cũng là nét đẹp mà các vị khách nước ngoài đánh giá về chúng ta.

Có nhiều người có hành vi ứng xử văn minh, lịch sự và cao thượng khiến chúng ta kính trọng và khâm phục. Họ nhiệt tình nhắc nhở về những sơ xuất của người khác. Khi gặp người hoạn nạn, họ tận tình giúp đỡ, động viên, ủng hộ hết sức chu đáo. Không những bản thân học có hành vi ứng xử văn hóa nơi công cộng mà họ còn trở thành tấm gương sáng cho người khác noi theo.

Những có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở thành mối lo lắng, quan ngại thường trực của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội như hiện nay. Bất cứ ở đâu, đô thị hay nông thôn, không khó để bắt gặp những hành vi “chướng tai gai mắt” được người dân vô tư thể hiện. Nói tục, chửi thề hay xả rác nơi công cộng có lẽ… vẫn còn là nhẹ. Cướp hoa, bẻ cành trong các lễ hội, hay chen lấn, xô đẩy bất kể trẻ em, người già dường như đã trở thành chuyện thường ngày.

Văn hóa giao thông thật sự trở thành một mối nguy, với quyền chiếm ưu thế thuộc về những kẻ bất chấp luật lệ, khiến những người hiền lành luôn phải mang tâm lý chấp nhận thua thiệt để được yên thân, và tự nhủ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhiều người chỉ vì một va chạm nhỏ mà lập tức buông lời khó nghe hoặc gây sự, hành hung người khác. Hành vi xô lấn, chèn ép, gây ồn ào trong đám đông không tuân thủ luật lệ hay tín hiệu điều khiển trở thành hiện tượng quen thuộc.

Một khi văn hóa ứng xử trở nên thấp kém thì nhân cách của con người cũng xuống cấp trầm trọng. Điều nguy hại nhất là nó có thể tạo nên sự chai sạn, vô cảm trong tâm hồn người khác, khiến người khác không còn tin tưởng vào lòng tốt. vào những điều tốt đẹp vốn có trong xã hội.

Tại sao phải có lối ứng xử văn hóa tốt đẹp khi ra ngoài xã hội?

Mỗi cá nhân là một phần tử trong xã hội, chịu những tác động mạnh mẽ từ tập thể và cộng đồng. Nếu mỗi các nhân có lối ứng xử văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên văn hóa cộng đồng lành mạnh, tiến bộ.

Xã hội luôn tôn trọng sự tự do lựa chọn của con người. Nghĩa là mỗi cá nhân có quyền tự do lựa chọn cách ăn mặc, lối ứng xử, ngôn ngũ, lời nói,… miễn là không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội. Thế nhưng, không ai muốn sống trong một xã hội mất trật tự, ai muốn gì thì làm nấy. Bởi thế, ở xã hội nào cũng luôn có những nguyên tắc ứng xử phù hợp với số đông và nền văn hóa dân tộc. Tuân thủ văn hóa giao tiếp nơi công cộng thể hiện lối sống lịch sự, nhã nhặn, tôn trong người khác.

Người biết ứng xử có văn hóa nơi công cộng luôn được mọi người kính trọng, yêu mến và giúp đỡ. Mỗi một hành động tốt đẹp góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Các trường hợp vi phạm, các hành vi lệch chuẩn cũng ít dần đi. Người tốt lấy đó làm gương. Kẻ xấu thấy thế mà kiêng nể và xấu hổ về mình mà điều chỉnh hành vi cho đúng đắn.

Xây dựng lối ứng xử có văn hóa nơi công cộng như thế nào?

Trước hết là nâng cao giáo dục đạo đức và văn hóa trong nhà trường. Nhà trường là môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất đối với con người. Nội dung và chương trình giáo dục quyết định phần lớn sự định hình lối ứng xử cảu con người trong xã hội.

Để nâng cao văn hóa ứng xử trong xã hội, cần bắt đầu điều chỉnh từ thế hệ trẻ và gốc rễ phải là từ gia đình. Vì đây mới là nơi trẻ học được những giá trị sống thật sự và những kỹ năng sống trong cuộc đời. Các bậc bố mẹ trước hết phải làm gương cho con. Thực tế cho thấy, dù hoàn cảnh xã hội có tha hóa đến đâu, nếu giữ được nếp nhà thì người trẻ sẽ có bản lĩnh đối phó với cái xấu. Con cái không giống ai bằng giống cha mẹ. Sự kế thừa các năng lực và nhân cách gia đình là quy luật tất yếu của quá trình phát triển con người.

Ở những nơi công cộng như công viên, nhà hát, thư viện, trung tâm mua sắm,…. cần có quy định ứng xử rõ ràng cho cả người tham dự và nhân viên. Nếu không có cơ chế bắt buộc thi hành thì văn hóa ứng xử sẽ không thể nhân rộng, thậm chí ngày càng thui chột đi.

Sự phát triển kinh tế nhanh chống khiến cho sự cập nhật thông tin của con người có nhiều thiếu sót. Các nhà văn hóa và cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đưa những quy tắc ứng xử tiến bộ và phù hợp mới đến gần hơn nữa với người dân.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần vào cuộc, xây dựng các chương trình thực tế chung quanh chủ đề này. Thực tế cho thấy, người trẻ rất khát khao học văn hóa ứng xử, chỉ là không biết học ở đâu và thế nào là chuẩn mực. Từ việc xây dựng ý thức tuân thủ các quy định, cũng như bồi đắp nền tảng nhận thức về văn hóa trong mỗi con người, sẽ là tiền đề để nâng cao văn hóa ứng xử cho cả xã hội.

Mọi hành vi côn đồ, thô lỗ, bạo lực xảy ra nơi công cộng cần bị lên án và xử lí nghiêm khắc để ổn định trật tự an ninh, trấn áp kẻ xấu, bảo vệ người hiền lành, tạo niềm tin vững chắc trong xã hội. Tích cực xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Và quan trọng hơn tất cả là mỗi con người phải có ý thức ứng xử có văn hóa nơi công cộng. Cần khiêm nhường, kiên nhẫn và bao dung mỗi khi ta bước vào cuộc sống. Cuộc sống bề bộn, thật khó có sự công bằng hay lợi ích cho tất cả. Bởi thế, mỗi cá nhân biết sống vì mọi người, biết nhường nhịn, tôn trọng người khác sẽ không có những xích mích, xung đột nào xảy ra nữa.

Bài học về hành vi ứng xử văn hóa nơi công cộng:

Rèn luyện lối sống hiền hòa, văn hóa và lành mạnh là trách nhiệm của mỗi học sinh trước khi bước vào đời. Vật chất làm con người thoải mái trong đời sống còn văn hóa làm giá trị con người.

  • Kết bài:

Trong thời đại ngày nay, tâm lí coi trọng vật chất khiến cho văn hóa ứng xử của con người bị suy thoái nghiêm trọng. Thế nhưng, đó chỉ là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kì xây dựng và thời kì phát triển ổn định mà thôi. Một xã hội phồn vinh, tiến bộ và văn hóa sẽ hình thành trong tương lai nếu mỗi cá nhân đều phấn đấu xây dựng. Bởi thế, không có gì quan trọng hơn là bồi dưỡng những giá trị văn hóa tốt đẹp cho chính mình, sẵn sàng bước vào cuộc sống rộng lớn hơn.

Nghị luận: “Văn hóa không chỉ là một cái thắng giúp chúng ta dừng lại trước những cái xấu mà văn hóa còn vun đắp, giúp con người thăng hoa trước cái đẹp” (Giản Tư Trung).

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Cuộc sống cần có lòng thương người - Theki.vn
  2. Văn học và tình thương: "Cái cốt lõi của văn học là lòng nhân ái” (Rasul Gamzatop) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.