Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện Chiếc lá vàng và chồi non

suy-nghi-ve-y-nghia-cau-chuyen-chiec-la-va-choi-non

Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa được gợi ra từ câu chuyện “Chiếc lá vàng và chồi non”.

“Một chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
– Sao sớm thế ?
Lá vàng giơ tay lên chào, cười và chỉ vào những lộc non”.


Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài :

– Dẫn dắt, giới thiệu câu chuyện về chiếc lá rơi.

– Nêu vấn đề nghị luận: sống vì người khác, chấp nhận hi sinh để tạo cơ hội, niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

  • Thân bài :

1. Giải thích ý nghĩa câu chuyện:

– Câu chuyện kể về sự ra đi của một chiếc lá vàng. Nó tự bứt khỏi cành cây rơi xuống gốc khi những lộc non bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Cái gốc ngạc nhiên hỏi thì lá vàng giơ tay chào, cười và chỉ vào những lộc non.

– Hình ảnh tượng trưng: “Lá vàng”: tượng trưng cho lớp người già, thế hệ đi trước. “Lộc non” tượng trưng cho lớp trẻ, thế hệ sau, chủ nhân tương lai của đất nước. “Lá vàng tự bứt khỏi cành cây rơi xuống gốc khi những lộc non bắt đầu đâm chồi nảy lộc”: sự nhường chỗ cho thế hệ sau tiếp bước.

– Mượn câu chuyện về “Chiếc lá vàng và chồi non”, tác giả muốn gửi gắm tới chúng ta một cách sống, thái độ sống tích cực: sẵn sàng tự nguyện hi sinh tạo điều kiện cho thế hệ sau phát triển, có niềm tin vào thế hệ sau

2. Bình luận về ý nghĩa câu chuyện:

– Chiếc là vàng chủ động rời khỏi cành: tự nguyện bứt khỏi cành sớm hơn thời gian mà nó có thể tồn tại để nhường chỗ cho lộc non đâm chồi, khiến cho cái gốc phải bật hỏi: “Sao sớm thế ?”

– Điều quan trọng hơn nữa là cách “chiếc lá vàng” nhìn nhận về sự ra đi của mình: mỉm cười và “chỉ vào những lộc non”. Đó là sự thanh thản khi chiếc lá đã tìm thấy được ý nghĩa cho cuộc đời của mình: tự nguyện hi sinh để nhường chỗ cho một thế hệ mới ra đời.

– Câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đối với mọi người:

+ Từ mối quan hệ giữa “lá vàng”“chồi non”, câu chuyện chỉ ra cũng đưa ra một quy luật của sự sống: Cuộc sống là một sự phát triển liên tục mà ở đó cái mới thay thế cái cũ là điều tất yếu.

+ Hình ảnh chiếc lá vàng rơi là quy luật của thiên nhiên, lá lìa cành là quy luật tất yếu của đời sống, có bắt đầu thì có kết thúc để bắt đầu một đời sống khác. Lá rơi để bắt đầu, lá rơi vì đã đi hết một quãng đường đời, đã hoàn thành sứ mệnh của đời mình, tạo cơ hội cho những chồi non mới nhú.

+ Mỗi chúng ta cần phải nhận thức rõ quy luật đó, để tránh trở thành những vật cản của bánh xe lịch sử; đồng thời phải biết đặt niềm tin và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ. Mỗi phút giây được sống, trên cõi đời này là niềm hạnh phúc nhưng giá trị sự sống không phải chúng ta sống được bao lâu mà là chúng ta đã sống như thế nào.

– Câu chuyện gợi lên một bài học về lẽ sống ở đời: Phải biết sống vì người khác, dám chấp nhận cả những thiệt thòi, hi sinh về phía bản thân mình để tạo cơ hội, niềm vui cho người khác. Đó cũng chính là một trong những cách sống của mỗi con người.

3. Vì sao phải biết sống vì người khác?

– Đời người là hữu hạn, giống như chiếc lá vàng kia chỉ có thể tồn tại trong một thời gian nhất định. Theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” ai cũng phải chết. Không ai có thể tồn tại vĩnh viễn trong cuộc đời. Tuy nhiên, có cái chết không phải là hết, vẫn gieo mầm sự sống, để lại cho muôn đời sau tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ “Có cái chết hoá thành bất tử ” (Tố Hữu). Cái chết của họ không hề vô nghĩa.

– Quy luật của cuộc sống còn là một sự phát triển liên tục. Cái mới thay thế cái cũ là điều tất yếu. Khi tuổi xuân của con người qua đi, sức khỏe và trí tuệ sẽ giảm. Nó cản trở con người trong công việc, lao động cống hiến. Vì thế, lớp người già, thế hệ đi trước cần biết hi sinh, nhường chỗ cho lớp trẻ tràn đầy sức sống, nhiệt huyết đam mê phấn đấu… Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý.

4. Bài học nhận thức và hành động:

– Câu chuyện ngắn gọn mà ý nghĩa thật sâu sắc, khẳng định lối sống tích cực, có ý nghĩa cao cả, phù hợp với truyền thống đạo lí của dân tộc. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người biết chia sẻ, quan tâm đến người khác, dám chấp nhận cả thiệt thòi, hi sinh lợi ích bản thân mình mà không cần đền đáp; biết sống và chết vì tương lai tươi sáng của cộng đồng …

– Cách sống đã thể hiện thái độ của người nắm vững quy luật cuộc đời, dũng cảm chấp nhận thực tế, biết tự nhận thức đúng giá trị bản thân, ý thức được mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, tin tưởng vào thế hệ trẻ…

– Tuy nhiên, chiếc lá vàng chỉ lìa cành khi đã kết thúc cuộc đời cống hiến của mình, khi đã tích xong nhựa sống cho lộc non. Thế hệ trước nhường chỗ cho thế hệ sau tiếp bước khi họ đã hoàn thành trách nhiệm với cuộc đời, những đóng góp của thế hệ đi trước là nền tảng để thế hệ sau kế thừa, phát triển.

– Đây là lối sống giúp chúng ta khẳng định giá trị sự sống của bản thân, tạo ra niềm vui hạnh phúc cho mình và cộng đồng; giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

– Thế hệ trẻ phải biết hướng tới lối sống cao đẹp, biết vì lợi ích chung của cộng đồng, biết sống, phấn đấu và cống hiến sao cho xứng đáng với những gì được “trao nhận”. Ra sức động viên cổ vũ con người nỗ lực vươn lên, nỗ lực cống hiến; sẵn sàng hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ người, biết sống vì người khác, biết cho đi mà không cần nhận lại

– Phê phán lối sống vị kỉ, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, chỉ biết đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết.

  • Kết bài :

Đánh giá chung: Câu chuyện về “Chiếc lá vàng và chồi non” là một bài học nhân sinh sâu sắc về lẽ sống, lối sống cao đẹp.

Nghị luận: Suy nghĩ về vấn đề cho và nhận trong cuộc sống

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.