Tác giả và tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 9

tac-gia-tac-pham-chuong-trinh-ngu-van-lop-9-12259-2

Tác giả và tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

Các tác giả và tác phẩm thơ hiện đại trong chương trình Ngữ Văn 9 nằm trong giai đoạn văn học từ sau 1945 đến sau 1975. Bởi thế, nội dung thâu tóm trọn vẹn nền văn học hiện đại. Tuy là sơ lược nhưng cũng khá đầy đủ, thể hiện sâu sắc vẻ đẹp hình tượng người lính.

I. Tác phẩm thơ hiện đại:

1. Chính Hữu và bài thơ “Đồng chí”.

– CHÍNH HỮU (1926 -2007) tên khai sinh là Trần Đình Đắc, sinh năm 1926 quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn thủ đô và hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

– Chính Hữu làm thơ từ năm 1947 và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Thơ ông đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Chính Hữu được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

– Tác phẩm: “Đầu súng trăng treo”.

– Bài thơ: Đồng chí” ra đời năm 1948 sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến tranh Việt Bắc – Thu Đông 1947. “Đồng chí” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạnh của văn học thời kì kháng chiến chống Pháp (1946 -1954)

Nội dung: Tình đồng chí, đồng đội của những người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu được thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng. Bài thơ có nhiều chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm.

2. Phạm Tiến Duật và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

– PHẠM TIẾN DUẬT (1941 – 2007) quê ở Thanh Ba – Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp trường ĐHSP Hà Nội, năm 1964 ông gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ, cứu nước.

– Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyền đường Trường Sơn. Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” nằm trong chùm thơ được tặng giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 và được in trong tập “Vầng trăng quầng lửa”

Nội dung: Bài thơ khắc họa một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính. Qua đó, tác giả khắc họa nổi bật hình ảnh những người chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mỹ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam. Tác giả đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống chiến trường, ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn.

3. Huy Cận và bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.

– HUY CẬN (1919 -2005) tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở Hà Tĩnh. Huy Cận đã nổi tiếng trong phong trào thơ mới với tập “Lửa thiêng” (1940). Ông tham gia Cách mạng từ trước năm 1945 và sau CMT8 từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, đồng thời là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam. Huy Cận được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

– Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” ra đời trong một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh năm 1958, được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”.

– Nội dung: “Đoàn thuyền đánh cá” khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan.

4. Bằng Việt và bài thơ “Bếp lửa”.

– BẰNG VIỆT tên khai sinh là Nguyễn Bằng Việt, sinh năm 1941, quê ở huyện Thách Thất, tỉnh Hà Tây. Bằng Việt làm thơ từ những năm 60 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. hiện nay ông là chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.

– Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài, được in trong tập “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

– Nội dung: Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu thiêng liêng, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng đối với gia đình, quê hương, đất nước. Bài thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm và miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, là điểm tựa khơi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

5. Nguyễn Duy và bài thơ “Ánh trăng”.

– NGUYỄN DUY tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở Thanh Hóa. Năm 1946, Nguyễn Duy gia nhập quân đội, vào binh chủng Thông tin, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Sau năm 1975, ông chuyển về làm báo Văn nghệ giải phóng. Từ năm 1977, Nguyễn Duy là đại diện thường trú báo Văn nghệ tại TP.HCM.

– Bài thơ “Ánh trăng” in trong tập thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, tác phẩm đã được tặng giải A của Hội nhà văn Việt Nam năm 1984.

– Nội dung: Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, “Ánh trăng” của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”,  ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ.

6. Thanh Hải và bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

– THANH HẢI (1930 -1980) tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kì chống Mĩ cứu nước, Thanh Hải ở lại quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạnh ở miền Nam từ những ngày đầu.

– Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết không lâu trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện niềm yêu mến tha thiết cuộc sống, đất nước và ước nguyện của tác giả.

– Nội dung: Bài thơ là tiếng lòng thiết tha yêu mến và gắn bó với đất nước với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Bài thơ được viết theo thể năm tiếng, có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo.

7. Viễn Phương và bài thơ “Viếng lăng Bác”.

– VIỄN PHƯƠNG (1928 -2005) tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Viễn Phương đã cho xuất bản nhiều tập thơ, trường ca, truyện ngắn, truyện kí và nhận được nhiều giải thưởng văn học.

– Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác vào năm 1976 khi nhà thơ ra thăm miền Bắc và in trong tập thơ “Như mây mùa xuân” (1978)

– Nội dung: Bài thơ “Viếng lăng Bác” thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào viếng lăng Bác. Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị, cô đúc.

8. Hữu Thỉnh và bài thơ “Sang thu”.

– HỮU THỈNH sinh năm 1942, tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Năm 1963, ông nhập ngũ, vào binh chủng Tăng – Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ. Ông tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa III, IV, V. Từ năm 2000, Hữu Thỉnh là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.

– Bài thơ “Sang thu” in trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố”, một tác phẩm tiêu biểu của Hữu Thỉnh giai đoạn sau chiến tranh.

– Nội dung: Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự biến chuyển này đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong bài “Sang thu”. Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh là khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lý

9. Y Phương và bài thơ “Nói với con”.

– Y PHƯƠNG tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày, sinh năm 1948, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại Sở văn hóa – thông tin Cao Bằng. Từ năm 1993, ông là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

– Bài thơ “Nói với con” được in trong tập thơ “Thơ Việt Nam 1945 – 1985”.

– Nội dung: Qua bài thơ “Nói với con” bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi cảm, Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

II. Truyện ngắn hiện đại:

1. Kim Lân và truyện ngắn “Làng”.

– KIM LÂN ( 1920 – 2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở Tiên Sơn – Bắc Ninh. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo trước CMT8. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

– Truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

– Nội dung: Tình yêu làng và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư đã thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở ông nhân vật ông Hai trong truyện “Làng”. Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật.

2. Nguyễn Thành Long và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.

– NGUYỄN THÀNH LONG (1925 -1991), quê ở Duy Xuyên – Quảng Nam, viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và kí.

– Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa là kết quả chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hẻ 1970 của tác giả, in trong tập “GIữa trong xanh” (1972).

– Nội dung: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Truyện đã xây dựng được tình huống hợp lí, cách lê chuyện thật tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.

3. Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn “Chiếc lược ngà”.

– NGUYỄN QUANG SÁNG sinh năm 1932, quê ở Chợ Mới – An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ năm 1954, ông tập kết ra Bắc, bắt đầu viết văn. Những năm chống Mỹ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

– Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 khi tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, được tin trong tập cùng tên.

Nội dung: Bằng việc sáng tạo tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí, đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Truyện đã thành công trong việc miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật, đặc biệt là nhân vật bé Thu.

4. Lê Minh Khuê và truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”.

– LÊ MINH KHUÊ sinh năm 1949, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Mĩ, gia nhập thanh niên xung phong và bắt đầu viết văn vào đầu những năm 70 của thế kỉ XX. Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên viết về truyện ngắn. trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở chiến tuyến đường Trường Sơn. Sau năm 1975, tác phẩm của nhà văn bám sát những biến chuyển của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

– Truyện ngắn “Những ngôn sao xa xôi” ở trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.

– Nội dung: Truyện đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Truyện sử dụng vai kể là nhân vật chính, có cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.