Tài liệu luyện thi: Tổng hợp các Biện pháp tu từ cú pháp thường gặp trong Tiếng Việt

tai-lieu-on-thi-tong-hop-cac-bien-phap-tu-tu-cu-phap-thuong-gap-trong-tieng-viet

Tổng hợp các biện pháp tu từ cú pháp thường gặp trong Tiếng Việt

1. Phép lặp.

Biện pháp lặp cú pháp là biện pháp lặp đi lặp lại một cấu trúc cú pháp, trong đó có láy đi láy lại một số từ nhất định và cùng diễn đạt một nội dung chủ đề.

Lặp cú pháp có tác dụng nhấn mạnh, khẳng định hoặc khắc sâu nội dung hoặc hình ảnh tác giả hướng tới.

Ví dụ:

“Con sóng dưới lòng sâu.
Con sóng trên mặt nước”.
( Xuân Quỳnh – Sóng )

Hai câu thơ này có dùng phép lặp cú pháp, tạo nên một thế đối xứng, có tác dụng khắc hoạ hình ảnh mọi con sóng (mọi con người) đều đang ở trong tâm trạng nhớ trương day dứt khôn nguôi.

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”.

2. Phép đối.

– Là cách sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh về ý, gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói, biểu đạt cảm xúc tư tưởng…

– Có 2 kiểu:

  • Đối tương phản (ý trái ngược nhau)
  • Đối tương hỗ (bổ sung ý cho nhau).

Ví dụ:

“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”.
(Tú Xương)

Người quốc sắc / kẻ thiên tài

Người nách thước / kẻ tay đao

Người lên ngựa / kẻ chia bào

Người yểu điệu / kẻ văn chương

3. Đảo ngữ.

– Đảo ngữ là sự thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh và làm nổi bật ý cần diễn đạt.

Ví dụ:

“Chất trong vị ngọt mùi hương.
Lặng thầm thay những con đường ong bay”.
(Nguyễn Đức Mậu).

“Lom khom dưới núi tiều cài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”.
(Bà huyện Thanh Quan)

4. Phép liệt kê.

– Liệt kê là sắp xếp, nối tiếp nhau các từ hoặc cụm từ cùng loại với nhau nhằm diễn tả các khía cạnh hoặc tư tưởng, tình cảm được đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc hơn đến với người đọc, người nghe.

– Các kiểu kiệt kê:

  • Xét theo cấu tạo: kiểu liệt kê theo từng cặp và kiểu liệt kê không theo từng cặp.
  • Xét theo ý nghĩa: kiểu liệt kê tăng tiến và kiểu liệt kê không tăng tiến

Ví dụ:

  • Phép liệt kê không theo cặp và không tăng tiến:

“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từĐồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đồi De, núi Hồng.”

  • Phép liệt kê tăng tiến:

“Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương, ai oán,…”

“Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.

5. Phép chêm xen.

– Chêm xen là thêm câu một cụm từ không trực tiếp có quan hệ đến quan hệ ngữ pháp trong câu, nhưng có tác dụng rõ rệt để bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc. Thường đứng sau dấu  gạch nối hoặc trong ngoặc đơn.

Ví dụ:

“Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích!
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)”
(Quê hương – Giang Nam)

6. Phép trùng điệp.

Phép điệp là biện pháp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, âm, thanh, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật.

Các hình thức điệp:

  • Điệp âm
  • Điệp vần
  • Điệp thanh
  • Điệp từ
  • Điệp ngữ (cụm từ)
  • Điệp cấu trúc cú pháp

Hiệu quả nghệ thuật của phép điệp:

  • Gợi hình ảnh
  • Mô phỏng âm thanh
  • Tạo ra sự nhấn mạnh
  • Nhằm tạo ra sự liệt kê.

Ví dụ:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xa xa những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.

7. Câu hỏi tu từ.

– Là đặt câu hỏi nhưng không đòi hỏi câu trả lời mà nhằm nhấn mạnh một ý nghĩa khác.

Ví dụ:

“Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?”
(Người con gái Việt Nam – Tố Hữu)

=> Nhấn mạnh vẻ đẹp của người con gái Việt Nam, không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà còn là nét đẹp về sự dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu trước kẻ thù.

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu”.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Các kiểu văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn THCS - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.