Phân tích tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

tai-nang-mieu-ta-tam-li-bac-thay-cua-nguyen-du-qua-doan-trich-kieu-o-lau-ngung-bich

Tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

  • Mở bài:

Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ thành công trong việc khắc họa chân dung nhân vật hay tả cảnh thiên nhiên bằng bút pháp tạo hình mà còn được tôn là bậc thầy khi miêu tả rõ nét tất cả những cung bậc tình cảm của con người trong rất nhiều cảnh huống bình thường, cũng như éo le của cuộc sống.

  • Thân bài:

Nói đến tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trường đoạn: Kiều ở lầu Ngưng Bích. Nguyễn Du thật “khéo” đặt Kiều ở một hoàn cảnh thật éo le: Bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, một thân một mình tuyệt nhiên không có ai bầu bạn. Lầu Ngưng Bích – Ngưng đọng lại màu xanh, cái tên thật đẹp, thật tươi, nhưng lòng Kiều thì u sầu, buồn bã.

Khi ở trên lầu cao, Thúy Kiều chỉ thấy một không gian bát ngát, cồn bãi nối tiếp nhau không dứt. Bao la quá mà tịnh không thấy một bóng người, không một hơi ấm của con người. Sự vắng lặng đến ghê người khiến Kiều chạnh lòng nghĩ về phận mình:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

Có lẽ không có từ nào có thể diễn tả đúng hơn tâm trạng Kiều lúc này. Tủi hổ, thẹn thùng biết bao! Khi xưa “Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” vậy mà nay nàng lại rơi vào cái cảnh trớ trêu: bị lừa gạt bán vào lầu xanh, bị giam lỏng. Cô đơn, buồn tủi, chỉ có thiên nhiên làm bầu bạn, để chia sẻ nỗi niềm với nàng. Trong cảnh ngộ đó người nàng nhớ thương nhiều nhất chính là chàng Kim. Nguyễn Du thật tinh tế khi để cho Kiều nhớ người yêu trước, bởi từ ngày phải lìa xa cha mẹ Kiều luôn mang nặng nỗi đau mình đã lỗi hẹn ước với người yêu, với tình đầu sâu sắc mặn nồng. Kiều độc thoại với chính mình và có lẽ nàng mong chàng Kim nghe được những lời này:

“Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”

Nguyễn Du thật hiểu Kiều khi dùng hình ảnh ẩn dụ” tấm son” để diễn tả tấm chân tình của Kiều với Kim Trọng. Câu hỏi mà lại là lời khẳng định đinh ninh lòng chung thuỷ sắt son không gì có thể làm nhạt phai.Ngôn ngữ độc thoại tiếp tục được tác giả sử dụng để diễn tả nỗi thương cha, nhớ mẹ của Kiều. Nghĩ tới đấng sinh thành nàng vẫn không thôi xót xa, day dứt:

“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng, ấp lạnh những ai đó giờ?”

Đã dứt “chữ tình” để báo đền “chữ hiếu”, vậy mà Thúy Kiều vẫn thổn thức khi nghĩ đến cha mẹ già không ai chăm sóc. Lòng hiếu thảo của nàng sẽ mãi được người đời sau ca ngợi, như ý nguyện của Nguyễn Du.

Tám câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn Du tập trung toàn bộ bút lực để diễn tả tâm trạng Kiều trong cảnh ngộ đáng thương. Cô độc một mình trên lầu cao nên Kiều nhìn đâu cũng chỉ thấy buồn:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây, mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Tám câu thơ với rất nhiều biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng để miêu tả sao cho thật tình, thật rõ tâm trạng của nhân vật. Nổi bật là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Có thể nói đây là đoạn tả cảnh ngụ tình hay nhất, đặc sắc nhất trong truyện Kiều. Tám câu thơ với 4 lần từ “buồn trông” được lặp lại là một bức tranh thiên nhiên rộng lớn mà vắng lạnh, gợi cảnh tan tác, chia li, bèo dạt, mây trôi, gió cuốn… Bức tranh đó chính là tấm gương phản ánh nội tâm chất chứa nỗi buồn khổ của Kiều. Nàng vốn đa sầu, đa cảm nên càng cảm thấy thấm thía, sâu sắc hơn ai hết nỗi cô độc, buồn tủi, hãi hùng như lớp lớp sóng dồi đang dâng lên trong lòng. Thúy Kiều dự cảm đó chính là bức tranh định mệnh của cuộc đời mình…

Có thể nói với đoạn trích này, thi hào Nguyễn Du đã hoá thân là Kiều để có thể miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật một cách xác thực nhất. Tâm trạng của Thúy Kiều là một vòng tròn khép kín: Nhìn một khung cảnh vắng lặng và xa lạ. Thúy Kiều thấy tủi hổ, thương thân biết bao. Nghĩ đến thân mình, nàng lại chạnh thương đến người yêu. Lại nhớ thương đến cha mẹ già.

Đối diện với thực tế phũ phàng, nỗi buồn lại ập đến dài dặc, triền miên. Nỗi buồn khiến Kiều chỉ thấy cảnh vật thấm đẫm sự hoang vắng, tan tác với đầy những âm thanh đe dọa. Đó là vòng tròn tâm lí của sự bế tắc và tuyệt vọng. Nguyễn Du đã thật tài tình khi nắm bắt được sợi dây vô hình mà bền chặt giữa lòng người và cảnh vật:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

  • Kết bài:

Chỉ hơn 20 câu thơ, đoạn thơ đã bộc lộ rõ tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du. Đó là lí do chứng tỏ rằng chẳng phải 200 năm sau mà là mãi mãi người đời sau sẽ không chỉ khóc cùng Tố Như mà còn cúi đầu thán phục trước một nhà thơ có cái tâm, cái tài của một nhà tâm lí vĩ đại.

8 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du) - Thế Kỉ
  2. Phân tích bút pháp tả cảnh ngụ tình trong 8 câu cuối “Kiều ở lầu Ngưng Bích" - Theki.vn
  3. Tóm tắt văn bản truyện lớp 9 - Theki.vn
  4. Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh mùa xuân trong "Cảnh ngày xuân" (Truyện Kiều - Nguyễn Du) và "Bến đò xuân đầu trại" (Nguyễn Trãi) - Thế Kỉ
  5. Đoạn trích: "Kiều ở lầu Ngưng Bích" (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) - Theki.vn
  6. Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự là gì? - Theki.vn
  7. Cái nhìn nghệ thuật về con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du - Theki.vn
  8. Đọc hiểu văn bản "Kiều ở lầu Ngưng Bích" (trích "Truyện Kiều" của Nguyễn Du) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.