Cảm nhận tấm lòng trân trọng của Tố Hữu đối với thi hào Nguyễn Du qua bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du

tam-long-tran-trong-cua-to-huu-doi-voi-thi-hao-nguyen-du-qu-kinh-gui-cu-nguyen-du

Cảm nhận tấm lòng trân trọng của Tố Hữu đối với thi hào Nguyễn Du qua bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du

  • Mở bài:

Kết thúc bài thơ Độc Tiểu Thanh khí, Nguyễn Du viết:

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Ba trăm năm từ khi Tiểu Thanh qua đời, Nguyễn Du mới biết nàng và khóc cho nàng. Ông tự thán; không biết 300 năm sau, có ai còn nhớ đến ông mà khóc hay không? Thế nhưng, chưa đến 300 năm, Tố Hữu đã viết Bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du bày tỏ nỗi lòng cảm thương để đáp lại tấm chân tình ấy.

  • Thân bài:

Bài thơ được Tố Hữu sáng tác năm 1965, giữa lúc cả nước bước vào giai đoạn chống Mĩ ác liệt nhất. Bằng những vần thơ lục bát đậm đà tính dân tộc cùng với hình thức lẫy kiều. Tố Hữu thể hiện lòng thông cảm sâu xa và sự kính trọng rất mực đối với Nguyễn Du, Thúy Kiều, đối với di sản tinh thần của ông cha. Đồng thời thể hiện ý thức về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại.

Bài thơ mang đậm tính dân tộc. Nó thể hiện sự quý trọng và vận dụng truyền thống thơ ca dân tộc của tác giả. Những câu thơ lục bát có âm điệu cổ điển gợi ta nhớ tới những câu Kiều. Nhiều câu được lấy lại Kiều, nhiều câu vận dụng ý của Kiều (lối “tập Kiều”). Thế nhưng tình ý vẫn là của tác giả. Ngay cả khi nói về thời đại mình, tác giả cũng có dụng ý dùng lối nói ước lệ, tượng trưng và kết thúc là hình ảnh gợi không khí trang nghiêm cổ kính. Bài thơ đã làm một vạch nối giữa quá khứ với hiện tại. Nó đã nói lên sự trân trọng những giá trị tinh thần trong quá khứ. Nó nói lên tấm lòng của chúng ta với thiên tài Nguyễn Du và Truyện Kiều bất hủ của ông.

Mở đầu bài thơ là không gian, thời gian của nỗi ưu tư khởi phát:

“Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều… “

Hoàn cảnh ấy không thuận lợi cho cảm xúc thơ ca nảy sinh. Thế nhưng, những rung cảm mãnh liệt vẫn tìm đến trong tâm hồn Tố Hữu khiến ông không ngừng “Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều…”. Tiếp sau đó là những cảm nghĩ về cuộc đời và số phận của Thúy Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng số phận lại hẩm hiu, cay nghiệt:

“Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa lòng trong đục, cánh bèo lênh đênh
Ngổn ngang bên nghĩa bên tình

Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?
Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường!”

Nhà thơ tỏ lòng thương cảm với nàng Kiều tài sắc mà như cánh bèo lênh đênh. Nàng đã từng đứng trước sự lựa chọn chữ “Hiếu’ và chữ “Tình” khi quyết định bán mình chuộc cha, đã từng xao lòng trước vinh hoa để rồi xót xa thấy ngọn cờ đào Từ Hải, kết liễu đời mình nơi dòng Tiền Đường định mệnh.

Thế nhưng qua sự so sánh “đành như thân gái”, người đọc hiểu được đó là lời tâm huyết gan ruột của Tố Hữu gửi Tố Như. Trong cuộc đời bể dâu kia, Tố Như cũng như cánh bèo chìm nổi, từng đớn đau trước bi kịch cuộc sống “sống hay không sống” và sống như thế nào giữa đen tối và tội ác, “giữa dòng trong, dòng đục kia?”.

Nguyễn Du cũng đã từng đứng trước sự lựa chọn giữa “nghĩa”và “tình”. Ông hiểu xã hội phong kiến đã đến hồn cáo chung, hiểu được sự mục rỗng của triều Lê. Ông cũng nhìn thấy sự tiến bộ của nhà Tây Sơn. Thế nhưng, tư tưởng trung quân níu kéo Nguyễn Du về với triều đình. Bi kịch không tự giải thoái được, Nguyễn Du “đành như thân gái sóng xao Tiền Đường” phó mặc cho số phận. Tố Hữu thấy Thuý Kiều là hiện thân của Nguyễn Du.

Nguyễn Du viết truyện Kiều để ký thác tâm sự chính mình. Đó thực sự là một tấm lòng tri âm sâu sắc. Không chỉ hiểu bi kịch của Nguyễn Du, Tố Hữu còn chia sẻ cảm thông với bi kịch tình đời của Người:

“Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương:
Dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng…
Nhân tình , nhắm mắt, chưa xong
Biết đâu hậu thế khóc cùng Tố Như?
Mai sau dù có bao giờ…
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay”

Phải thương cảm Tố Như sâu sắc lắm, Tố Hữu mới có thể nhận thấy bi kịch ẩn sâu này. Nguyễn Du cả một đời yêu thương con người, cả đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa nguôi nỗi đau đáu hỏi người ba trăm năm sau: Ai người khóc Tố Như? Tố Hữu sử dụng ý thơ ấy thật linh hoạt. Khóc cùng không chỉ khóc cho Tố Như mà cùng Tố Như khóc cho nỗi đau của con người. Đó phải chăng cũng là điều Tố Như tìm kiếm, trăng trối trước lúc đi xa?

“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

Tiếng thơ ai nghe vừa trìu mến, vừa thân thương, vừa ngưỡng phục. Tiếng thơ của Nguyễn Du thấu lòng người, thấu cả trời xanh. Dường như trời xanh cũng rung động bở những vần thơ ấy. Thật là một tầm vóc lớn lao, vĩ đại! Không những vậy, Tố Hữu còn nghe thấy trong tiếng thơ ấy hồn của dân tộc, lời của nước non: “Nghe như non nước vọng lời ngàn thu”.

Tố Hữu đã từng vì tiếng nói của Hồ Chí Minh như lời non nước:

“Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…”

Lần thứ hai, Tố Hữu lại hình dung hình ảnh so sánh để ca ngợi sự vĩ đại của một nhà thơ – một danh nhân văn hoá lỗi lại của dân tộc và thế giới. Tiếng thơ của Nguyễn Du là tiếng nói của cá nhân đã trở thành lời của non nước. Non nước mượn thơ người để vọng lời:

“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu”.

Trong tiếng thơ ấy có cả tiếng lòng của dân tộc, của nước non. Cho nên nó có tầm vóc ngang hàng với không gian vũ trụ, dằng dặt mà còn gợi không gian mênh mông cho tiếng thơ cụ Tiên Điền vang vọng, chảy trôi. Hôm nay, mai sau, thậm chí nghìn năm sau người Việt Nam vẫn không quên được tiếng thơ ấy vì: “Tiếng thơ như tiếng mẹ ru tháng ngày”

Có thể nói, đây là sự tôn vinh rất cao, thậm chí chưa tùng có, đồng thời là lòng trân trọng biết ơn sâu sắc thiên tài Nguyễn Du. Tiếng thơ nguyễn Du là tiếng thơ ”động đất trời” nghĩa là có sức mạnh lay động lòng người và thấu cả trời đất. Nó là sự kết tinh của ngàn năm đất nước. Tiếng thơ Nguyễn Du nhập với lòng mẹ, tức là cái vừa gần gũi vừa thiêng liêng, cao cả, vì thế mà nó tỏa rộng trong không gian và trường tồn với thời gian. Quả là sự khẳng định mạnh mẽ về giá trị của thiên tài Nguyễn Du.

Trước Tố Hữu, đánh giá về Nguyễn Du, đáng chú ý nhất phải kể đến ý kiến của Mộng Liên Đường chủ nhân – nhà bình luận văn học thế kỉ XIX, khi ông cho rằng Nguyễn Du là người ”có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Hoặc Cao Bá Quát cũng từng khen Truyện Kiều ”là tiếng nói hiểu đời”. Các ý kiến đều thống nhất trong sự đánh giá rất cao về Truyện Kiều và tài năng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Thơ của Nguyễn Du được ví với “tiếng thơ”, “lời non nước”, “lời nghìn thu”, “tiếng thương”, rồi “tiếng mẹ ru”. Đó là những cấp bậc đánh giá hay chăng chính là con đường đi vào bất tử của thơ Nguyễn Du? Cái đích cuối cùng của thơ là “chảy đến lòng người” nên hình ảnh tiếng mẹ ru chính là cách đánh giá cao nhất dành cho một tiếng thơ. Tiếng thơ ấy đã nhập vào nguồn mạch văn hoá, vào đời sống tâm hồn, tình cảm của người dân Việt Nam trở thành dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng bao thế hệ. Tiếng thơ ấy là tình thương của mẹ dành cho người con, là hiện thân của tình mẹ mênh mông.

“Tiếng thương” là nội dung bản chất, là cội nguồn hay là phương tiện của tiếng thơ? Và thấu hiểu theo cách nào cũng là sự tri âm tuyệt đối của Tố Hữu và Tố Như rồi. Bởi lẽ Nguyễn Du là “nhà nhân đạo lỗi lạc” (Niculin), là trái tim lớn suốt đời mang nặng nỗi thương đời: “Đau đớn thay phận đàn bà”.

Không chỉ thấu hiểu, sẻ chia với cuộc đời, ngợi ca thơ Nguyễn Du, Tố Hữu còn tìm cách lí giải nỗi đau của Nguyễn Du. Ông cho rằng nỗi đau ấy không phải do trời mà chính là do xã hội vạn ác thời Nguyễn Du gây nên:

“Gớm quân Ưng khuyển, ghê bầy Sở Khanh
Cũng loài hổ báo, ruồi xanh
Cũng phường gian ác hôi tanh hại người!”

Chính thằng bán tơ, bè lũ Mã Giám Sinh, Tú Bà, Ưng Khuyển, Sở Khanh mới là những kẻ gieo mần đau khổ cho Nguyễn Du, Tiểu Thanh, Thuý Kiều. Cho nên muốn thay đổi số phận phải tiêu diệt xã hội vạn ác ấy đi. Và tiếng trống ba hồi gọi quân kết thúc bài thơ là sự giải quyết ấy. Xã hội nay vẫn còn những kẻ ác, nhưng cả dân tộc ra trận để tiêu diệt kẻ thù để cuộc đời nhiều hạnh phúc và tình yêu hơn.

Tố Hữu không sa vào tư tưởng bi quan như Nguyễn Du bởi ông là nhà thơ của cách mạng, được luồng gió mới của thời đai thổi mát. Nguyễn Du ơi, xin người hãy yêu lòng. Những cô Kiều, cô Cầm, người mẹ ăn xin…của Người sẽ không còn đau khổ nữa đâu.

Chính sự khác nhau về tiếng nói tri âm ấy đã chuyển hoá thành hình thức nghệ thuật khác nhau. Bài “Độc Tiểu Thanh ký” của Tố Như viết theo thể thơ Đường luật, cô đúc, hàm xúc nhưng phảng phất giọng điệu bi phẫn do rất nhiều thanh trắc, dấu nặng tạo cảm giác trĩu nặng, ngưng đọng. Còn Tố Hưu sử dụng thành công thể lục bát nhẹ nhàng, đằm thắm, trang trọng; hình thức tập Kiều, lẩy Kiểu để chuyển tải giọng điệu lạc quan, hào hứng, say mê.

Như vậy, tiếng nói tri âm giữa người đọc và người viết là điều văn học dân tộc nào, thời đại nào cũng hướng tới. Điều đó đặt ra yêu cầu với nghệ sĩ phải sáng tác từ những cảm xúc chân thành nhất, da diết nhất. Và người đọc hãy sống hết mình với tác phẩm để hiểu được thông điệp thẩm mĩ của tác giả, để chia sẻ cảm thông với tác giả. Mỗi người hãy rung lên khúc đàn Bá Nha như Tử kì để văn chương mãi tươi đẹp, kỳ diệu.

  • Kết bài:

Nguyễn Du suốt đời khắc khoải, da diết với thân phận con người. Thi hào đã từng rỏ bao nhiêu nước mắt khóc thương những người đau khổ ấy. Tố Hữu thấu cảm được tấc lòng sống vì con người của tiền nhân mà viết nên những lời thơ cảm động. Đó là sự tương cảm vượt thời gian, giống như Nguyễn Du đã từng xót thương cho số phận nàng Tiểu Thanh năm xưa vậy.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.