Tầm quan trọng của tác phẩm trong đời sống văn học

tam-quan-trong-cua-tac-pham-trong-doi-song-van-hoc

Tầm quan trọng của tác phẩm trong đời sống văn học.

Ðời sống văn học bao gồm nhiều chỉnh thể: tác phẩm, tác giả, trào lưu, nền văn học của một dân tộc. Trong những chỉnh thể đó, tác phẩm văn học là đơn vị cơ bản, trực tiếp của người sáng tác, nghiên cứu, phê bình, thưởng thức. Chính vì vậy, có thể nói tác phẩm văn học có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống văn học. Tầm quan trọng đó còn được biểu hiện trên các phương diện của việc nghiên cứu văn học Mọi bộ môn của khoa nghiên cứu văn học đều xuất phát từ sự tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu tác phẩm.

Đối với các nhà nghiên cứu văn học, tác phẩm là đối tượng xem xét trực tiếp, chủ yếu. Từ tác phẩm mới mở ra các bình diện phân tích: tác phẩm với tác giả, tác phẩm với hiện thực, thời đại, tác phẩm với người đọc, tác phẩm với các truyền thống văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật. Chúng ta nghiên cứu tác phẩm văn học để hiểu giá trị, quy luật phản ánh đời sống và sự phát triển lịch sử của văn học.

Tác phẩm là một sản phẩm tồn tại độc lập tương đối với tác giả và người đọc. Tính chất nổi bật của một tác phẩm là tính chỉnh thể. Chỉnh thể là một tổng thể gồm các yếu tố có mối liên hệ mật thiết nội tại, tương đối vững bền, bảo đảm cho sự hoạt động của nó cũng như mối quan hệ của nó với môi trường xung quanh. Chỉnh thể không phải là một tổng cộng giản đơn của các yếu tố tạo nên nó. Chỉnh thể là sự liên kết siêu tổng cộng để tạo ra nội dung mới, chức năng mới vốn không có trong các yếu tố khi tách rời ra. Ví dụ, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì  sáng” là một chỉnh thể mà trong kết cấu vững bền của nó, mực và đèn, đen và sáng hàm chứa những nội dung vàý nghĩa mà những chữ ấy thông thường tách riêng ra không có được. Về nguyên tắc, mọi tác phẩm văn học bất luận lớn hay nhỏ đều là những chỉnh thể như vậy.

Tính chỉnh thể sở dĩ quan trọng đối với tác phẩm văn học là bởi vì chỉ trong tính chỉnh thể thì hình thức và nội dung đích thực của tác phẩm mới xuất hiện. Ví dụ, các chữ trong một câu thơ phải được kết hợp với nhau theo một cách nào đó mới tạo ra được hình thức câu thơ lục bát hay câu thơ tự do có nhịp điệu và nhạc điệu riêng, một điều mà các chữ trong dạng tách rời không thể có được. Cũng như vậy, sự liên kết các chi tiết, sự kiện theo một cách nào đó mới thành những hình thức chân dung, phong cảnh, cốt truyện, nhân vật. Đến lượt mình, các hình thức lại thể hiện các nội dung cuộc sống và tư tưởng, tình cảm tương ứng. Vì vậy, nội dung và hình thức tác phẩm văn học vừa là hệ quả của sự thống nhất nội tại của các yếu tố tác phẩm, lại vừa là quy luật chỉnh thể của tác phẩm.

Hiện nay, còn có nhiều cách hiểu tác phẩm không thống nhất với nhau. Nhiều nhà nghiên cứu hiểu cấu trúc tác phẩm một cách hình thức, quy nó về cấu trúc ngữ pháp hay cấu trúc văn bản, cấu trúc kí hiệu. Cách hiểu đó phiến diện, vì bản chất tác phẩm văn học là một quan hệ chủ quan và khách quan, một hoạt động tinh thần và thực tiễn xã hội được quy định bởi nhiều phương diện, không thể quy về một cấu trúc văn bản.

Lí luận văn học Mácxít đang cố gắng tìm hiểu một cấu trúc tác phẩm phản ánh đúng bản chất và đặc trưng của nó. Theo quan điểm này, nhìn chung cấu trúc chỉnh thể tác phẩm gồm có bốn cấp độ như sau:

– Cấp độ ngôn từ: là lớp lời văn của tác phẩm, tạo thành khách thể tiếp nhận trực tiếp của người đọc. Lớp này bao gồm mọi thành phần của ngôn từ và lời văn như âm thanh, từ ngữ, câu, đoạn, chương, phần trong truyện, vần, nhịp điệu, câu thơ, khổ thơ trong thơ. Nó có đặc điểm là trực tiếp chịu quy định của quy luật ngôn ngữ như ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, phong cách học, đồng thời, lại chịu sự chi phối của quy luật thơ văn, thể loại.

– Cấp độ hình tượng: là các chi tiết tạo hình, ý tưởng, biểu tượng, hình ảnh, các tình tiết, sự kiện và từ đó hiện lên các đồ vật, phong cách, con người, quan hệ, xã hội, thế giới. Đó là lớp tạo hình và biểu hiện được tổ chức theo nguyên tắc miêu tả, quan sát, kí ức, liên tưởng, biểu hiện. Lớp này thường có các bộ phận như nhân vật và hệ thống nhân vật, cốt truyện, không gian, thời gian. Người ta gọi lớp này là “bức tranh đời sống”, là “hình thức của bản thân đời sống” của tác phẩm.

– Cấp độ kết cấu: là sự thâm nhập, chi phối lẫn nhau để tạo thành cấp độ kết cấu của tác phẩm. Sự thống nhất văn bản với hình tượng tạo thành nghệ thuật trần thuật. Thành phần của nó bao gồm toàn bộ các liên hệ, ghép nối của các yếu tố hình tượng, các phương tiện tổ chức, sự phối hợp của các chủ thể lời văn với hình tượng. Lớp này
trực tiếp do quy luật thể loại và ý đồ nghệ thuật của tác giả chi phối.

– Cấp độ chỉnh thể: là sự thống nhất của cả ba lớp trên tạo thành lớp ý nghĩa tồn tại trong toàn bộ chỉnh thể. Nó bao gồm các thành phần như đề tài, chủ đề, sự lí giải các hiện tượng đời sống, các cảm hứng đánh giá, cảm xúc, các tình điệu thẩm mĩ. Đây là một cấp độ nội dung chỉnh thể chi phối toàn bộ tác phẩm. Cùng với sự hình thành cấp độ này là sự hình thành các nguyên tắc tạo hình thức của tác phẩm, có tác dụng thống nhất các cấp độ kia vào một cấp độ duy nhất của chỉnh thể tác phẩm văn học. Cấp độ này trực tiếp bị chi phối bởi lập trường, tư tưởng, tình cảm, vốn sống và các truyền thống văn hóa nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn, trước hết bị chi phối bởi bản
thân hiện thực.

Cho nên, khi nói đến đời sống văn học bao gồm nhiều chỉnh thể: tác phẩm, tác giả, trào lưu, nền văn học của một dân tộc, thì trong những chỉnh thể đó, tác phẩm văn học là thành tố cơ bản, để người đọc nghiên cứu, phê bình, thưởng thức. Chính vì vậy, có thể nói tác phẩm văn học có một tầm quan trong đặc biệt trong đời sống văn học. Tầm quan trọng đó còn được biểu hiện trên các phương diện của việc nghiên cứu văn học, một bộ môn của khoa nghiên cứu văn học xuất phát từ sự tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu tác phẩm.

Từ sự phân tích tác phẩm, lịch sử văn học mới có thể đánh giá thành quả của từng tác giả, dựng lại chân thật bộ mặt văn học của một thời kì lịch sử, khái quát những qui luật phát triển của văn học dân tộc, khu vực. Phê bình văn học cũng luôn tiếp xúc trực tiếp với những tác phẩm cụ thể nhằm kịp thời khẳng định, biểu dương những tìm tòi, khám phá, sáng tác, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc về cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Trên cơ sở nghiên cứu tác phẩm, lí luận văn học mới có thể khái quát một cách chính xác vấn đề đặc trưng, bản chất, quy luật phát triển của văn học. Việc giảng dạy văn học, nhất là giảng văn, đòi hỏi thầy trò phải tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm. Những nguyên tắc và phương pháp phân tích do lí luận đề xuất chỉ mới là chỗ dựa cần thiết cho giảng dạy chứ không thể thay thế cho việc tìm hiểu trực tiếp tác phẩm được.

Như vậy, mọi vấn đề của văn học đều tập trung trước hết ở tác phẩm. Có thể coi tác phẩm như một chỉnh thể trung tâm của hoạt động văn học. Tính chỉnh thể của tác phẩm văn học được xem xét chủ yếu trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.