Tham khảo bài viết cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2019 – 2020

Tham khảo bài viết cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2019 – 2020

PHẦN II. PHẦN THI TỰ LUẬN

Câu hỏi – Phần thi tự luận:

Dựa vào nhận định sau:

“Nội dung giáo dục an toàn giao thông được lồng ghép, tích hợp trong các môn học, hoạt động giáo dục một cách phù hợp sẽ đảm bảo cho việc giáo dục an toàn giao thông được liên tục, đa dạng và tránh cho học sinh bị quá tải”.

  1. Thầy/cô hãy nêu ý kiến của cá nhân về nhận định nêu trên?
  2. Theo thầy/cô nội dung giáo dục an toàn giao thông có thể được giáo dục tích hợp vào những môn học nào?
  3. Khả năng, nguyên tắc giáo dục tích hợp vào môn học mà thầy/cô đảm trách.

Trả lời:

1. “Nội dung giáo dục an toàn giao thông được lồng ghép, tích hợp trong các môn học, hoạt động giáo dục một cách phù hợp sẽ đảm bảo cho việc giáo dục an toàn giao thông được liên tục, đa dạng và tránh cho học sinh bị quá tải”. Đây là một nhận định đúng đắn, phù hợp với tình hình của nền giáo dục hiện đại.

Hiện nay, vấn đề an toàn và tai nạn giao thông trở thành vấn đề nóng bỏng của đất nước, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình trật tự, an ninh xã hội và chất lượng cuộc sống. Ý thức thực hiện và chấp hành an toàn giao thông của người người dân thực sự chưa tốt, chưa nghiêm túc. Giáo dục an toàn giao thông cho đối tượng học sinh là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Đưa nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép, tích hợp trong các môn học, hoạt động giáo dục một cách phù hợp là giải pháp hợp lí, phù hợp với tình hình thực tại, một mặt tránh được cho học sinh tình trạng bị quá tải chương trình học tập, một mặt có thể cập nhật thông tin về an toàn giao thông đến với đối tượng học sinh một cách liên tục và hiệu quả.

2. Nội dung giáo dục an toàn giao thông có thể được giáo dục tích hợp vào một vài môn học. Tùy theo bản chất và thời lượng môn học, ta có thể tích hợp nội dung này vào các môn học sau:

– Tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào môn Giáo dục công dân (GDCD). Trong nội dung giáo dục của bộ môn GDCD đã có bài học về an toàn giao thông. Tuy nhiên, chúng ta có thể tăng thêm nội dung giáo dục và làm sinh động hơn nội dung này bằng các giờ ngoại khóa, sân chơi học tập, cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông,…

– Tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào môn Ngữ văn. Thông qua các bài văn nghị luận về vấn đề trong đời sống xã hội, giáo viên có thể tích hợp kiến thức về an toàn giao thông  vào bài học và bài tập. Nội dung tích hợp cần cụ thể, sinh động và phù hợp với bộ môn.

– Tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào môn Địa lí. Thông qua các bài học tìm hiểu về địa hình, địa mạo, các vấn đề kinh tế, xã hội,… giáo viên có thể tích hợp kiến thức về an toàn giao thông và những ảnh hưởng của an toàn giao thông đến sự phát triển của một địa phương, vùng miền.

– Tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào môn Vật lí. Thông qua các bài học về mạch điện, chuyển động của vật hoặc các quy luật chuyển động khác, giáo viên có thể tích hợp kiến thức về an toàn giao thông vào bài học. Tuy nhiên, nên tích hợp ở dưới dạng bài tập vật lí là phù hợp hơn cả.

Tóm lại, trong nhiệm vụ giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh, bất kì môn học nào cũng có thể tích hợp kiến thức này và giáo dục, rèn luyện ý thức tham gia giao thông an toàn cho mỗi học sinh. Đây là nhiệm vụ chung của toàn toàn xã hội, của đất nước.

3. Đối với bộ môn Ngữ văn, việc tích hợp kiến thức giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh là hết sức thuận lợi.

– Thứ nhất, thời lượng của bộ môn là rất lớn. Giáo viên có thể chủ động lựa chọn kiến thức giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh. Mặt khác, giáo dục kỹ năng sống cho mỗi học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bộ môn này.

– Thứ hai, giáo dục và rèn luyện nhân cách, nhân phẩm, phẩm chất đạo đức, lý tưởng sống, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng nhất của bộ môn Ngữ văn. Kiến thức và ý thức về vấn đề an toàn giao thông là một phạm trù xã hội, mang bản chất xã hội. Thông qua bài học Nghị luận về vấn đề đời sống xã hội, giáo viên có thể dễ dàng lồng ghép kiến thức và kiểm tra hiểu biết, nhận thức của học sinh về vấn đề an toàn giao thông, kết hợp với các hoạt động đánh giá, nhận xét, tổng kết kết quả đạt được. Nội dung và nhiệm vụ này đã được các giáo viên Ngữ văn thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua và mang lại những hiệu quả tích cực, hình thành được ý thức tham gia giao thông an toàn cho đối tượng học sinh.

– Thứ ba, nguyên tắc của bộ môn Ngữ văn là thông qua quá trình tương tác giữa giáo viên và học sinh, tiến tới hình thành và khẳng định kiến thức, kỹ năng và thái độ sống cho mỗi học sinh. Không có gì tốt hơn là thông qua hoạt giáo dục nghiêm túc ở nhà trường cung cấp, rèn luyện và bồi dưỡng cho các em học sinh những kỹ năng sống thiết thực, thái độ sống tích cực, trở thành người có hiểu biết, biết tôn trọng trật tự, kỉ cương, góp phần xây dựng và phát triển xã hội, đất nước.

Kết luận:

Hiểu biết và thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Tuyên truyền, giáo dục, cập nhật kiến thức về an toàn giao thông là công việc và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nhiệm vụ của mỗi giáo viên là giáo dục kiến thức, nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với vấn đề an toàn giao thông, hình thành và rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Nếu mỗi học sinh hôm nay được giáo dục nghiêm túc và hiệu quả về vấn đề an toàn giao thông, chắc chắn, trong tương lai chúng ta sẽ có văn hóa giao thông văn minh, tiến bộ và nhân văn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.