Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học.

1. Khái miện thời gian nghệ thuật.

Thời gian là một phạm trù triết học, và cùng với không gian là hình thức tồn tại của vật chất, của thế giới. Không có gì tồn tại ngoài thời gian, không gian và chỉ trong thời gian và không gian thì sự vật mới có tính xác định. Cuộc sống và con người được phản ánh trong tác phẩm văn học cũng tồn tại trong thời gian, không gian. Mỗi thời gian trong tác phẩm văn học luôn mang tính quan niệm của tác giả, có một độ dài, một kiểu dạng hình thái thẩm mỹ, một hướng vận động được thể hiện trong 3 thời là quá khứ, hiện tại và tương lai.

2. Đặc điểm thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học.

Đặc điểm thời gian trong tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nếu thời gian tự nhiên, vật lý có tính chất là không thể đảo ngược được, chỉ vận động theo một chiều thì thời gian nghệ thuật có thể được tái tạo lại với nhiều hình thức như đảo ngược thời gian, gián cách thời gian, dồn nén thời gian, kéo dài thời gian, ngưng tụ thời gian. Thời gian được thể hiện có thể là cả một đời người, nhiều thế hệ, nhưng cũng có thể chỉ một vài ngày, một ngày, hoặc thậm chí là một khoảnh khắc trong đời một con người. Thời gian nghệ thuật thể hiện tính tư tưởng và thẩm mỹ của hình tượng trong sáng tạo của nhà văn. Cũng có khi thời gian thành chính đối tượng được miêu tả, có hương vị của riêng mình:

“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”

(Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ).

Đối với độc giả, thời gian nghệ thuật còn là một kênh dẫn, lối vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, qua đó, có thêm điều kiện để hiểu rõ, hiểu sâu cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Còn với nhà văn, muốn người đọc hiểu tác phẩm, phải tạo nên được tính hình tượng, thẩm mỹ và đặt người đọc vào thời gian do mình sáng tạo nên trong tác phẩm. Bởi thời gian nghệ thuật luôn luôn mang cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh, cũng như mang tính chất chủ quan của người nghệ sĩ nên nó sẽ chinh phục người đọc trong tính đặc thù thẩm mỹ của nó. Nhà văn vận dụng những cảm xúc thời gian để tạo nên các hình tượng thời gian khác nhau.

Như vậy, khi thời gian được dùng làm phương tiện nghệ thuật để phản ánh đời sống thì thời gian trở thành thời gian nghệ thuật. Đó là một hình tượng thời gian được sáng tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, thời gian đóng vai trò là hình thức triển khai hành động, diễn trình xung đột, mô tả tâm lý nhân vật và đặc điểm xúc cảm của hình tượng. Do vậy, nó cũng là một kênh dẫn, một bình diện cảm thụ, tìm hiểu, khám phá hình tượng. Thời gian trong văn học là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của nghệ thuật.

Thời gian nghệ thuật cũng là một phạm trù có tính lịch sử, thể hiện trong việc nó luôn gắn liền với tiến trình lịch sử, văn hóa và văn học. Theo đó, mỗi thời kì văn học có những kiểu thời gian nghệ thuật khác nhau. Thời gian nghệ thuật trong văn học chịu sự qui chiếu của các dòng văn học, thể loại và giai đoạn văn học. Trong văn học dân gian, thần thoại, do cách tư duy của người cổ đại, giống như trẻ thơ chưa ý thức được thời gian nên chưa được sử dụng
như một phương tiện nghệ thuật để phản ánh hiện thực. Do vậy, thời gian trong thần thoại chỉ được dùng như các mốc thời điểm trong việc thuật xuôi chuyện một cách đơn giản. Chẳng hạn, Truyện Họ Hồng Bàng có thời gian thần thoại, trong đó các nội dung của truyện được thuật xuôi theo các đời tiếp nối nhau, từ Đế Minh, cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông, đến Lộc Tục (Kinh Dương Vương), Sùng Lãm (Lạc Long Quân), Âu Cơ, Hùng Vương. Trong truyện Thần Trụ Trời, thời gian chỉ được dùng để chỉ trời đất trước, trong và sau khi Thần Trụ Trời hoạt động xây cột chống trời với các từ ngữ: thuở ấy, từ đó, sau khi. Sử thi thể hiện sức mạnh của thị tộc, của tập thể ở một thời xa xưa.

Thời gian trong sử thi là thời gian quá khứ tuyệt đối, Quá khứ tuyệt đối là đối với người nghe, còn thời gian trần thuật là thời gian hiện tại tuyệt đối. Thời gian trong sử thi chủ yếu là thời gian dùng để chỉ các hoạt động chính trong từng chặng đời của nhân vật trung tâm. Chẳng hạn, trong sử thi Đăm Săn, các mốc thời gian là: Theo tập tục hôn nhân cổ của người Ê đê, tục “nối dây”, Đăm Săn buộc phải lấy cả hai chị em Hơ Nhí và Hơ Bhí. Đăm Săn đánh thắng các tù trưởng Mơtao Gơrứ và Mơtao Mơxây, Đăm Săn chặt cây thần, lên trời bắt Nữ thần Mặt Trời về làm vợ. Đăm Săn bị lún xuống bùn, chết ngập trong rừng sáp đen. Hồn của Đăm Săn đầu thai vào người chị ruột của mình để làm chồng dòng họ Hơ Nhí.

Thời gian trong ca dao là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng. Các dấu hiệu là tần số lặp các từ ngữ: Bây giờ, hôm nay, giờ đây. Chẳng hạn như các bài ca dao:

“Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu”

“Bây giờ ta gặp nhau đây
Như con cá cạn gặp ngày trời mưa”

“Hôm nay sum họp trúc mai
Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm.”

Trong truyện cổ tích, thời gian mang tính chất sự kiện, không có thời gian tâm lý. Đó cũng là thời gian khép kín, bao giờ nó cũng là chuyện đời xưa, truyện thường mở đầu bằng cụm từ ngày xưa, hoặc ngày xửa ngày xưa. Nhân vật không có đời sống nội tâm, tâm lí rõ rệt, không biết hồi tưởng, không biết ước mơ, nghĩa là nhân vật luôn luôn sống với hiện tại. Nhân vật được thể hiện dường như hoàn toàn mang tính chủ quan của người sáng tác, tức là do người kể chuyện kể theo những mô típ biến cố; thiên về hành vi, hành động nên thời gian chỉ là yếu tố được sử dụng để ghi lại các sự kiện, biến cố, hành động trong truyện và của nhân vật. Do đó, thời gian trong cố tích cũng không có tính xác định của lịch sử.

Thời gian nghệ thuật trong văn học viết có những đặc trưng khác với văn học dân gian. Thời gian nghệ thuật trong văn học trung đại là thời gian tuần hoàn, hồi cố. Nó có tính chất chu kỳ, bốn mùa, dựa trên sự vận hành của tinh tú, của mùa màng. Ví dụ: Sen tàn cúc lại nở hoa,/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Do tuần hoàn nên sự vật trong hiện tại cũng là của ngày xưa: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” (Truyện Kiều – Nguyễn Du); “Mấy chùm trước giậu, hoa năm ngoái” (Thu vịnh – Nguyễn Khuyến); “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,/ Mảnh tình san sẻ tí con con” (Tự tình – Hồ Xuân Hương).

Thời gian trong văn học hiện đại đặc biệt phong phú với nhiều hình thức đa dạng, như thời gian tâm lý, thời gian sinh hoạt, thời gian lịch sử… Từ thế kỷ XVIII, XIX đến nay, thời gian được khám phá theo nhiều bình diện khác nhau. Thời gian sinh hoạt là một cống hiến của văn học hiện thực phê phán thế kỷ XIX. Truyện tình trung cổ không có thời gian sinh hoạt, Truyện Kiều không có thời gian sinh hoạt, Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) cũng không có thời gian sinh hoạt, còn trong Bà Bôvari (Gustave Flaubert), Hồng lâu mộng (Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc), Sống mòn (Nam Cao) thì chủ yếu là thời gian sinh hoạt. Trong văn học hiện đại, bên cạnh kiểu thời gian sinh hoạt là kiểu thời gian lịch sử, thời gian xã hội. Đó là kiểu thời gian vận động xã hội, thời gian của những biến thiên lịch sử, của những cuộc cách mạng. Nhưng trong chủ nghĩa hiện thực phê phán, thời gian lịch sử chưa được tái hiện một cách hoàn thiện. Thời gian lịch sử bộc lộ rõ nhất trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (Người mẹ – Mácxim Goócki,
Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu…).

Trong văn học hiện đại Việt Nam, kiểu cảm thức thời gian tuần hoàn trong văn học trung đại được thay bằng cảm thức tuyến tính của thời gian. Thời gian tuyến tính là kiểu dạng thời gian tồn tại theo đường thẳng, trong hành trình một đi không trở lại. Chẳng hạn: Mỗi người đứng trên trái tim trái đất,/ Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời./ Và chưa chi chiều đã tắt (Savatore Quasimodo – Đại thi hào Ý). Cảm thức thời gian tuyến tính trong văn học hiện đại Việt Nam một phần là do ảnh hưởng từ triết học, văn học hiện đại phương Tây, nhất là văn chương Pháp; mặt khác là do những đặc điểm mới về hiện thực và con người thời hiện đại tạo nên cảm thức mới về thời gian.

Cảm thức thời gian tuyến tính thể hiện rõ nhất là trong thơ Xuân Diệu:

“Mau lên chứ vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi, tình non sắp già rồi
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Yêu đi em, anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy, tình ta không chung thủy”

Trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam, thời gian tuyến tính cũng là một hình tượng nghệ thuật, kết hợp với không gian tạo nên tính đặc thù của bức tranh thời gian – không gian tâm trạng, bộc lộ tâm lý và tình cảm của hai nhân vật An và Liên. Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh thảng thốt và âu lo trước thời gian tuyến tính một đi không trở lại của đời người, khi sóng của tự nhiên thì vĩnh hằng mà đời người thì hữu hạn: Cuộc đời tuy dài thế,/ Năm tháng vẫn đi qua./ Như biển kia dẫu rộng,/ Mây vẫn bay về xa./ Làm sao được tan ra,/ Thành trăm con sóng nhỏ,/ Giữa biển lớn tình yêu,/ Để ngàn năm còn vỗ.

Thời gian nghệ thuật bao gồm các bình diện: Thời quá khứ, thời hiện tại và thời tương lai. Trong lịch sử thời gian nghệ thuật thì thời gian quá khứ xuất hiện muộn. Chỉ khi có ý thức về đời sống nội tâm trong tư duy nghệ thuật của nghệ sĩ và trong cách thể hiện nhân vật thì thời gian quá khứ mới xuất hiện và phát triển, đó là lý do vì sao trong truyện dân gian, truyện trung đại, thời gian quá khứ không phát triển. Hồi tưởng là kiểu thời gian quá khứ tiêu biểu, nhưng không phải lúc nào trong văn học cũng có thời gian hồi tưởng, như trong cổ tích, trong truyện trung đại, trong tiểu thuyết từ đời Minh trở về trước của Trung Quốc, đều không có thời gian hồi tưởng. Thời gian hồi tưởng chỉ xuất hiện khi mà ý thức bên trong xuất hiện.

Từ chủ nghĩa hiện thực phê phán trở đi, thời gian hồi tưởng mới phát triển mạnh. Thậm chí có tác phẩm chỉ có thời gian hồi tưởng như “Đi tìm thời gian đã mất” của Macxen Pruyxt. Trong truyện ngắn của Lỗ Tấn, thời gian hồi tưởng được dùng như một phương tiện đắc lực để nhà văn nén một dung lượng lớn vào trong một tác phẩm có quy mô nhỏ (trong “Cố hương”, “Lễ cầu phúc”). Thời gian hồi tưởng thường được dùng để gọi về một mảng kí ức quá khứ đồng hiện với hiện tại, có thể tương đồng với hiện tại, như trong “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc; cũng có thể tương khắc với hiện tại, chẳng hạn trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, “Sông Lấp” của Tú Xương, “Cố hương” của Lỗ Tấn.

Trong văn học hiện đại Việt Nam ở những năm 60 của thế kỉ XX, các nhà thơ Việt Nam coi quá khứ là quá khứ đau thương:

“Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du”

(Các vị La Hán chùa Tây Phương – Huy Cận);

“Cha ông ta xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa
Những pho tượng chùa Tây phương không biết cách trả lời”.

(Các vị La Hán chùa Tây Phương – Huy Cận).

“Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
“Văn chiêu hồn” từng thấm giọt mưa rơi”

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng – Chế Lan Viên).

Trong thơ Tố Hữu, đến “Ra trận”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ khơi mạch trở lại quá khứ anh hùng dân tộc.

Thời hiện tại là chiều thời gian có nhiều cách thể hiện nhất, và cũng là kiểu thời gian chiếm dung lượng nhiều nhất. Thời gian hiện tại được xây dựng trong tác phẩm tùy thuộc quan niệm, triết lý và mục đích sáng tạo của nhà văn. Trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, thời hiện tại thường không được miêu tả như một bức tranh nhất mảng, không biến đổi mà đa mảng đa màu, biến đổi mau lẹ, hướng về tương lai hoặc biến chuyển về chất theo chiều hướng tích cực:

“Thừa cơ rét, rệp xông vào đánh
Mừng sáng nghe oanh hót xóm gần”

(Dạ túc Long Tuyền – Hồ Chí Minh)

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng, không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”

(Chiều tối – Hồ Chí Minh)…

Người nghiên cứu khi tiếp cận với tác phẩm cần phải tìm hiểu từng yếu tố thời gian và mối tương quan thời gian trong tác phẩm đó trong mối quan hệ thẩm mỹ chung với chủ đề, tư tưởng để phát hiện ra những tầng ý nghĩa ngầm ẩn trong tác phẩm.

Thời Tương lai là thời gian nói về những điều chưa xảy ra, sẽ xảy ra gắn liền với phương hướng phát triển của đời sống, của nhân vật, và nằm trong cái nhìn, trong miêu tả, trữ tình của người thuật chuyện, cũng như trong cảm nghĩ của nhân vật. Nguyễn Du dõi cái nhìn dự cảm đầy âu lo về tương lai: Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh (Truyện Kiều) cho nhân vật Thúy Kiều, mà cũng là dự cảm của chính Thúy Kiều về tương lai của mình. Tương lai được thể hiện trong nhiều phương tiện: có khi, tương lai được thể hiện bằng mơ ước, bằng viễn tưởng, hoặc bằng dự cảm về tương lai, như trong Con người biết mùi hun khói, hay trong Giấc ngủ mười năm của Nguyễn Ái Quốc. Có khi, tác giả dùng giấc ngủ để đến với tương lai, chẳng hạn Thúy Kiều biết trước tương lai của mình trong giấc ngủ được Đạm Tiên báo mộng Mà xem trong sổ đoạn trường có tên, buồn lo cho tương lai:
Cứ trong mộng triệu mà suy,/ Thân con thôi có ra gì mai sau.

Hình tượng trẻ thơ cũng được các nhà văn hay dùng để thể hiện tương lai, trong Số phận con người (Sô-lô-khôp), nhân vật chú bé Va-nhi-a xuất hiện bên cạnh người cựu chiến binh Xô-cô-lốp, với ý nghĩa tư tưởng và thẩm mỹ là nói về hạnh phúc của cuộc đời sau những đau thương mất mát gây ra cho cả hai người nói riêng và nhân dân Liên Xô nói chung, và hứa hẹn về một tương lai yên bình, nhân ái, hạnh phúc. Trong Sông Đông êm đềm (Sô-lô-khôp), đứa trẻ đứng chờ và gặp cha (Gri-gô-ri Mê-lê-khốp) ở bến sông là hình ảnh nói về tương lai của nhân vật Gri-gô-ri Mê-lê-khốp. Mô típ người đàn bà có thai cũng là một cách báo hiệu tương lai, chẳng hạn, trong Chí Phèo (Nam Cao), cái bào thai trong bụng thị Nở là sự báo trước những kiếp Chí Phèo trong tương lai, những thân phận con người cùng bi kịch của nó trong xã hội chưa kết thúc.

Thời gian nghệ thuật cùng với không gian nghệ thuật làm nên hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật và qua đó, góp phần làm nên tính xác định của nội dung, tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm. Bởi thế, nghiên cứu thời gian nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng giúp ta khám phá tác phẩm như là một thế giới, một chỉnh thể nghệ thuật được xác định trong không gian – thời gian.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang