Thuyết minh Chiến khu rừng Sác Cần Giờ.

thuyet-minh-chien-khu-rung-sac-can-gio

Thuyết minh Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ.

  • Mở bài:

Nói đến rừng Sác là người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ. Sác là tên chung của các loại cây rừng ngập mặn như đước, vẹt, dưng, dà… Giữa mênh mông rừng sác, tiếng bìm bịp rúc con nước lớn, con nước ròng, tiếng chim cúc cu gọi bạn tình, tiếng lá reo hòa cùng tiếng sóng vỗ, bao la mênh mông một màu xanh, chiến khu Rừng Sác lặng lẽ với bao chiến tích oai hùng, là niềm tự hào của nhân dân địa phương và cả dân tộc.

  • Thân bài:

Vị trí:

Cần Giờ là một phần đồng bồi Đồng Nai, có tên là Rừng Sác Gia Định, từng rộng đến 170.000ha, chiếm một phần ba diện tích rừng ngập mặn của cả nước. Chiến khu Rừng Sác nằm trong khu rừng Sắc Cần Giờ.

Lịch sử hình thành.

Cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, thuyền chiến của quân Nguyễn Ánh như lá tre đậu kín các luồng lạch và mặt cửa sông Cần Giờ. Thuở ấy, rắn rết nhiều vô kể, cá sấu nối đuôi nha bơi lượn hàng đàn, chim trời hàng vạn con, chiều chiều đậu trắng xóa ngọn cây xanh, tiếng kêu vang động một vùng sông nước.

Đầu năm 1966, Quân ủy Trung ương chủ trương thành lập một đặc khu quân sự ở phía đông nam Sài Gòn để khống chế con đường thủy huyết mạch của địch là sông Lòng Tàu. Ngày 15/04/1966, Đặc khu quân sự Rừng Sác được thành lập (lấy mật danh là T 10, sau đổi thành Đoàn 10 Rừng Sác).

Cũng như địa đạo Củ Chi, Chiến khu Rừng Sác được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn – Gia Định. Trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, rừng Sác – Cần Giờ là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công anh hùng. Các chiến sĩ đặc công đã dũng sĩ ẩn nấp trong tán cây rừng, hoặc vùi mình trong bùn lầy, đã bơi lội trong dòng nước đầy rẫy cá sấu, ôm bom, vác súng, xuất quỷ nhập thần, đã hàng chục lần đốt cháy kho xăng Nhà Bè, đánh phá quân cảng Cát Lái, hàng trăm lần phục kích bắn cháy, bắn đắm tàu giặc trên bảy con sông chảy qua Cần Giờ. Các chiến sĩ đặc công đã đem chí khí, lòng quả cảm và xương máu của tuổi hai mươi để viết nên những trang sử, những chiến công hiển hách. Có bao chiến sĩ đã ngã xuống trong mưa bom bão đạn của Mỹ – Ngụy. Có nhiều cô gái đã bị cá sấu nuốt chửng trong những đêm phục kích giặc, đi tải đạn.

Nhằm ngăn chặn và tiêu diệt khu tiếp viện, quân Mỹ đã trút xuống rừng Sác – Cần Giờ khoảng một triệu gallons chất độc hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Sau năm 1975, cả một vùng rộng lớn rừng ngập mặn ở đây chỉ còn trơ lại đất hoàng hóa. Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đổ biết bao công sức, mồ hôi và tiền của, suốt hơn 30 năm trời, kể từ năm 1979, mới phục hồi được hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ngày nay có 31 ngàn ha rừng với 175 loài thực vật, cùng với bảy con sông lớn và chằng chịt hàng trăm con rạch nuôi nấng, bảo tồn 700 loài khu hệ thủy sinh không xương sống; 130 loài khu hệ cá; chín loài lưỡng thể, ba mươi mốt loài bò sát; bốn loài có vú của hệ sinh động vật có xương sống, trong đó có những loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ. Huyện Cần Giờ chiếm 1/3 diện tích Thành phố Hồ Chí Minh đã được phủ màu xanh. Phục hồi rừng ngập mặn là chiến công vô cùng to lớn của nhân dân ta trong hòa bình tái thiết đất nước.

Đến thăm khu nghĩa trang và Chiến khu Rừng Sác rừng Sác – Cần Giờ ngày nay, ta được hạnh ngộ một nhân chứng lịch sử và kháng chiến, một anh hùng của Đoàn 10 đặc công ngày xưa. Đó là ông Nguyễn Văn Tám, đã vào rừng đánh giặc từ năm 1958, lúc còn là một thiếu niên. Ông đã trải qua hàng trăm, hàng nghìn trận đánh ác liệt. Bao máu và nước mắt của ông đã đổ xuống. Ông đã nhiều lần ôm đồng đội tử thương bơi qua sông. Ông đã bao phen cùng đồng đội vào sinh ra tử đốt cháy kho xăng Nhà Bè, bắn cháy tàu chiến giặc trên sông Cần Giờ. Ông từng là Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ bốn khóa liên tục, là người chỉ huy trồng lại 3.000 ha rừng đước đầu tiên. Và mấy năm nay, ông trở lại đời thường là hướng dẫn viên du lịch của Khu Di tích căn cứ Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Ngày nắng hay ngày mưa, du khách vẫn nhìn thấy ông Tám, người nhỏ, da ánh màu phèn mặn, bộ quân phục bạc màu, đi thắp từng nén hương lê từng tấm mồ người liệt sĩ, bởi ông “không dứt được rừng“, “không xa rời được đồng đội đã hi sinh.”

  • Kết bài:

Xin nghiêng mình trước hương hồn các chiến sĩ anh hùng rừng Sác – Cần Giờ. Cúi đầu cảm phục ông Nguyễn Văn Tám, người anh hùng đoàn 10, huyền thoại đặc công rừng Sác. Nghe sóng vỗ trầm hùng, nghe gió thổi rừng cước reo, nghe cá quẫy và tiếng lao xao của đàn chim trời, ta mới thấm thía màu xanh của rừng Sác là màu xanh của tình nghĩa thủy chung, là màu xanh của niềm tin và hi vọng, màu xanh bất diệt, bền vững của giang sơn xứ sở muôn quý nghìn yêu. Rừng Sác nay đã xanh, đã vươn lên mạnh mẽ nhưng trong lòng những người còn ở lại, mỗi gốc cây vẫn còn màu của máu, màu của những năm tháng khốc liệt gian nan mà những người thân yêu của họ đã cống hiến máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Thuyết minh về khu du lịch sinh thái Rừng Sác Cần Giờ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.