Thuyết minh về danh nhân Nguyễn Trãi

thuyet-minh-ve-nguyen-trai.png

Thuyết minh về danh nhân Nguyễn Trãi.

I. Mở bài:

– Nguyễn Trãi người anh hùng của dân tộc được cả thế giới biết đến.

– Một nhà quân sự nổi tiếng có công sáng lập ra nhà Hậu Lê và cũng là nhà thơ lớn.

II. Thân bài:

1. Cuộc đời và sự nghiệp:

– Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, quê gốc ở Hải Dương.

– Nguyễn Trãi là con của gia đình có truyền thống yêu nước, văn học.

– Vào năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, cả cha và con đều làm quan.

– Năm 1407, nhà Hồ khởi nghĩa thất bại, giặc Minh chiếm nước ta, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Trung Quốc, còn ông Nguyễn Trãi tham gia nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống giặc.

– Vào những năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi trước quân Minh, đó cũng là thời gian mà ông viết “Bình Ngô đại cáo”.

– Chỉ sau thời gian ngắn, triều đình lục đục, gian lận lộng hành, ông xin về ở ẩn.

– Vua mời ông ra phụ giúp việc nước nhưng vào năm 1442 ông dính vào vụ án Lệ chi Viên nổi tiếng, gia đình 3 đời bị xử trảm.

– Vụ án Lệ Chi Viên vụ án oan trong lịch sử và được vua Lê Thánh Tông minh oan vào năm 1464.

– Nguyễn Trãi được minh oan và trong sạch để lại tiếng thơm muôn đời.

– Nguyễn Trãi chính thức trở thành danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1980.

2. Đóng góp vào văn học:

– Không chỉ là nhà quân sự, Nguyễn Trãi có rất nhiều những đóng góp quan trọng vào văn học đương thời và có giá trị đến hiện nay.

– Nguyễn Trãi nhiều tác phẩm nổi tiếng văn chính luận, thơ trữ tình. Các tác phẩm của ông được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán.

– Ông là nhà chính luận nổi tiếng: “Quân trung từ mệnh tập”, “Bình Ngô đại cáo”, các thể loại chiếu…

– Ông là nhà thơ xuất sắc với các tập thơ: “Ức Trai thi tập”, “Quốc âm thi tập”.

– Nội dung tác phẩm văn chính luận, thơ trữ tình của Nguyễn Trãi.

– Các tác phẩm của ông đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân, lý tưởng nhân nghĩa. Thơ trữ tình của ông chân thực, giản dị và gần gũi với thực tế.

III. Kết bài:

– Nguyễn Trãi xứng đáng là người hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của thời đại.

– Cuộc đời của ông để lại nhiều đau thương, bị thảm nhưng tiếng thơm muôn đời và sự kính phục của thế hệ sau.


Tham khảo:

Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Trãi.

  • Mở bài:

Nguyễn Trãi là một nhà thơ, nhà văn, nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc của dân tộc ta; là danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời một sự nghiệp văn học đồ sộ. Trong đó nổi bậc nhất là tập “Quân trung từ mệnh tập” – một tập đại thành về nghệ thuật đánh giặc và áng văn “Bình Ngô đại cáo” – một thiên cổ hùng văn nức tiếng đến muôn đời. Thế nhưng, cuộc đời của Nguyễn Trãi cũng là một cuộc đời phi thường và nghiệt ngã xưa nay chưa từng có.

  • Thân bài:

1. Cuộc đời đầy trắc trở của thiên tài Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi sinh năm 1380 mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông là con thứ của Nguyễn Phi Khanh, một đại quan triều Hồ. Gia tộc ông có truyền thống hiếu học, lại nổi tiếng nghĩa khí, cương trực, luôn giúp đỡ và bảo vệ dân lành. Truyền thống tốt đẹp ấy gây ảnh hưởng sâu sắc đối với tài năng và tính cách của ông sau này.

Tròn 6 tuổi, mẹ mất, ông phải về Côn Sơn ở với ông ngoại Trần Nguyên Đán. Năm 1390, Trần Nguyên Đán cũng qua đời, Nguyễn Trãi theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê, Hà Nội. Tuổi thơ Nguyễn Trãi là một thời kỳ thanh bần nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập. Ông nổi tiếng là một người học rộng, có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân. Nhà sử học Phan Huy Chú từng nhận xét Nguyễn trãi tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, ông đều am hiểu cả.

Năm 1400, nhà Hồ thành lập và mở khoa thi Nho học, Nguyễn Trãi tham dự và đỗ Thái học sinh. Năm đó ông đứng thứ tư, được trao chức Ngự sử đài Chính chưởng. Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta. Hồ Quý Ly do khinh địch, không kịp phòng bị, lại không được lòng dân nên kháng chiến thất bại. Nguyễn Phi Khanh, cha Nguyễn Trãi, cùng nhiều quan lại khác bị bắt giải về Trung Quốc. Ông cùng người em đi theo chăm sóc cha. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi tìm đường trở về, tính kế trả thù cứu nước.

Khi trở về nước, tại Đông Quan, ông bị giảm lỏng đến gần 10 năm trời. Trong lòng không lúc nào quên nghĩ kế đánh giặc báo thù, cứu nước.

Năm 1416, nghe tiếng Lê Lợi ở Lam Sơn, một người anh hùng có chí lớn đang chiêu binh, ông tìm yết kiến và dâng cho Lê Lợi tác phẩm Bình Ngô sách. Ông nhanh chóng được Lê Lợi thâu nhận và trọng dụng. Từ đó, ông gắn bó với phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, làm nên không biết bao nhiêu công trạng hiển hách.

Không những tham gia xây dựng đường lối quân sự, chính trị phù hợp, Nguyễn Trãi còn đảm đương những nhiệm vụ quan trọng như soạn thảo thư từ địch vận, tham mưu, vạch ra chiến lược chiến thuật cho nghĩa quân. Ông góp công sức rất lớn tạo nên những chiến thắng vang dội của nghĩa quân Lam Sơn.

Năm 1428, kháng chiến thành công, ông được Lê Lợi giao cho soạn bài cáo Bình Ngô. Từ đó, ông làm quan dưới triều Lê, góp công xây dựng, phát triển đất nước vững bền. Thời kì làm quan thăng trầm trôi nổi. Nhiều lúc chứng kiến kẻ gian thần lộng hành mà ông can gián vua không nghe, bất mãn ông xin từ quan ở ẩn một thời gian ở núi Côn Sơn.

Khi Lê Thái Tôn lớn lên, hiểu rõ Nguyễn Trãi, nhà vua đã cho vời ông trở lại làm quan. Vua cho ông giữ chức Tả gián nghị đại phu. Rất mừng rỡ, ông viết bài Biểu tạ ơn hết sức xúc động và lại hăng hái ra giúp nước, chỉnh đốn kỷ cương, đào tạo nhân tài.

Năm 1442, một lần ghé thăm gia đình Nguyễn Trãi ở vườn Lệ Chi, vua Lê Thái Tôn chẳng may băng hà. Lợi dụng sự việc này, bọn gian thần vốn xưa nay ganh ghét Nguyễn Trãi đã vu cho ông tội giết vua và nhận án bị tru di tam tộc. Đây là một kì án thảm khốc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Mãi 20 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới giải được hàm oan này, khôi phục lại danh dự cho Nguyễn Trãi.

Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc đời chiến đấu không ngừng nghỉ. Ông kiên quyết chiến đấu chống bạo lực xâm lược và chống gian tà. Tư tưởng nhân nghĩa là đỉnh cao chói sáng trong thơ ông. Quan điểm xem văn chương là vũ khí chiến đấu thể hiện rõ trí tuệ sáng suốt của một thiên tài và bản lĩnh của một chiến sĩ dũng cảm.

Cuộc đời Nguyễn Trãi cho chúng ta bài học quý báu về tinh thần nhân đạo, nhiệt tình chiến đấu, quan điểm mạnh dạn đổi mới, sáng tạo. Trên cơ sở của thực tiễn và kinh nghiệm chiến đấu của các thời đại, Nguyễn Trãi đã xây dựng cho mình những quan điểm đúng đắn về khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược.

Nguyễn Trãi còn vận dụng rất thành công thuật tâm công (đánh vào tâm lí) trong cuộc chiến chống kẻ thù. Bởi ông nắm vững tâm lí của con người, thấu hiểu quy luật vận động của nó, sự biến chuyển của thời cuộc, nên đã có những lời lẽ đi thằng vào lòng người làm nên những đổi thay to lớn theo chiều hướng mà ông mong muốn. Bộ Quân trung từ mệnh tập được Phan Huy Chú đánh giá có sức mạnh hơn mười vạn quân là cũng bởi vì thế. Có thể nói, Nguyễn Trãi là người đầu tiên đặt nền móng cho tư tưởng chiến tranh nhân dân.

2. Sự nghiệp văn học phong phú và đồ sộ.

Nguyễn Trãi để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi…

– “Bình Ngô đại cáo” là bài cáo tổng kết toàn bộ công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn. Có thể nói, công lao lớn đầu tiên của Nguyễn Trãi trên lĩnh vực tư tưởng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và cũng rất sớm đối với lịch sử thế giới, Nguyễn Trãi đã khẳng định một cách mạnh mẽ và đanh thép sự tồn tại của dân tộc Việt Nam. Đó là quyền độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết và quyền bảo tồn phát triển nền văn hoá của dân tộc Việt Nam.

– “Quân trung từ mệnh tập” là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi gửi cho các thủ lĩnh các cứ, các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ năm 1423 đến năm 1427. Nội dung chính là trình bày quan điểm, khẳng định lập trường, nhận định thời thế, kêu gọi chiêu hàng.

–  “Lam Sơn thực lục” là quyển lịch sử ký sự ghi chép về công cuộc 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn. Quyển này Nguyễn Trãi kết hợp với các sử quan triều đình biên soạn theo lệnh của Lê Thái Tổ năm 1431

–  “Văn bia Vĩnh Lăng” do Nguyễn Trãi soạn năm 1433, kể lại thân thế và sự nghiệp của Lê Thái Tổ.

– “Dư địa chí” là quyển sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam.

– “Ức Trai thi tập” là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ. Tập thơ thể hiện sâu sắc phong thái thanh cao và tinh thần cứng cỏi của một bậc đại Nho.

– “Quốc âm thi tập” là tập thơ bằng chữ Nôm duy nhất của Nguyễn Trãi và cũng là tập thơ chữ Nôm  đầu tiên của nền văn học Việt Nam. Cho đến nay, tập thơ này được lưu truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn, trở thành nguồn tư liệu quý giá trong công tác nghiên cứu chữ Nôm.

– “Chí Linh sơn phú” là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422.

– “Băng Hồ di sự lục” là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời ông ngoại Trần Nguyên Đán.

Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn có một số tác phẩm khác như “Ngọc đường di cảo”, “Thạch khánh đồ”, “Luật thư”, “Giao tự đại lễ” nhưng đều không còn lại đến ngày nay.

Những đóng góp của Nguyễn Trãi vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, là một khí phách, là tinh hoa của dân tộc. Công lao quý giá và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng vì nước thương dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Ông đã giành cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng cống hiến cho lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần không nhỏ cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi.

  • Kết Bài:

Trong tâm trí thế hệ các con cháu hôm nay và mai sau, ngôi sao Khuê Nguyễn Trãi mãi mãi còn chiếu sáng, mãi mãi là một vị anh hùng dân tộc, thể hiện trong ông ý chí kiên cường, sáng suốt của một vị cố vấn quan trọng, một thi sĩ tài ba, một nhà ngoại giao và là nhà chiến lược quân sự xuất sắc. Nguyễn Trãi là sản phẩm của dân tộc, là sự kết tinh của tinh hoa dân tộc và thời đại, là người phát ngôn tư tưởng lí tưởng lớn của thời đại. Sự nghiệp và tác phẩm của ông là một bài ca yêu nước và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trãi

6 bình luận

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Thuyết minh danh nhân: Thành Cát Tư Hãn - Thế Kỉ
  2. (Bài 7). Đọc mở rộng theo thể loại: Nguyễn Trãi - Nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ (Ngữ Văn 10, Chân trời sáng tạo) (Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo). - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.