thuyet-minh-di-tich-chua-da-trang-tuy-an-phu-yen

Thuyết minh di tích chùa Đá Trắng tỉnh Phú Yên

Thuyết minh di tích chùa Đá Trắng tỉnh Phú Yên.

  • Mở bài:

Từ lâu, Chùa Đá Trắng đã trở thành một địa danh quen thuộc đối với nhân dân và phật tử Phú Yên. Chùa Đá Trắng Phú Yên được tôn vinh là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở vùng đất này. Lịch sử của chùa phản ánh sâu sắc quá trình hoằng pháp và truyền bá tư tưởng phật giáo của các nhà sư thuộc dòng Lâm Tế ở đàng trong.

  • Thân bài:

Chùa Đá Trắng (Chùa Từ Quang, Bạch Thạch Từ Quang Tự) là một ngôi chùa cổ ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cách thành phố Tuy Hoà khoảng 35 km về phía Bắc, chùa nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng.

Chùa Đá trắng có lịch sử hình thành từ cuối thế kỉ 18. Năm 1793, thiền sư Pháp Chuyên (Diệu Nghiêm), vị hòa thượng đời thứ 36 phái Lâm Tế đến đây dựng cất một thảo am trên đồi đá nhấp nhô để dịch kinh Hoa Nghiêm, truyền bá tư tưởng phật giáo ở miền đất này. Đến năm 1797, hòa thượng Pháp Chuyên kiến tạo thảo am ấy thành một ngôi chùa mái lá đồ sộ, bề thế nhất nhì ở Phú Yên lúc bấy giờ.

Năm 1989 chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ và từ đó chùa có tên “sắc tứ Từ Quan tự”. Đến năm 1929 chùa bị hỏa hoạn cháy rụi và được đông đảo bà con phật tử khắp các tỉnh miền Trung quyên góp xây dựng lại. Năm 1988, chùa Đá Trắng trùng tu lần nữa. Hiện trong chùa còn giữ bảo vật là khuôn Đại Hồng nặng 330 cân, do Hòa thượng Pháp Ngũ đúc tại kinh đô Phú Xuân năm 1915 và nhiều tượng phật cổ hàng trăm năm tuổi.

Chùa Đá Trắng có vị trí vô cùng đắc địa. Nằm ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển, lại tọa lạc ngay đỉnh núi Xuân Đài, mặt hướng về biển Đông, địa thế chùa Đá Trắng trang nghiêm, kì vĩ thật hiếm có. Những khối đá trắng phau bao quanh, tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của chùa. Lưng chùa hướng về phía bắc dựa vào dãy núi vịnh Xuân Đài.

Mặt trước chùa hướng về phía nam, nhìn ra con sông Cái (sông Ngân Sơn) và sông Nhân Mỹ bao bọc tựa một dải lụa bạc lấp lánh ánh trời. Đứng ở sân chùa có thể nhìn bao quát cả một vùng sông, núi xanh biếc tuyệt vời. Những cụm đá màu trắng nhấp nhô ẩn hiện trong những chòm cây um tùm càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm.

Ba mặt còn lại là triền núi thoai thoải đổ về hướng Đông với những lùm bụi nhỏ, cỏ xanh tạo cảm giác cho du khách thập phương như đang đứng nhìn ngắm một thảo nguyên thu nhỏ trong những bức danh hoạ cổ điển lúc trời quang mây tạnh, nắng hanh nhẹ. Những buổi chiều ánh sáng phản chiếu mặt nước biếc dòng sông và dãy núi đá trắng trong khoảnh khắc trời mây sông núi liền một màu trông rất thơ mộng. Phía tây chùa là nơi xây dựng tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì.

Trong chiến tranh, phần chính của chùa bị phá hoại, phải dựng lại gần như hoàn toàn mới, nhưng vẫn giữ được một số đường nét kiến trúc của thuở ban đầu. Cổng chùa và đặc biệt là khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc cổ. Với quy mô lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, tất cả các bảo tháp đều được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo phong phú.

Từ tượng hổ đến tượng nghê, kỳ lân… đều toát lên sức mạnh phi thường trong nhiều tư thế khác nhau. Khu mộ tháp cổ là phần quan trọng hình thành chỉnh thể độc đáo toàn cảnh chùa Đá Trắng. Bên cạnh đó, những phiến đá lát lớn tạo nên con đường từ quốc lộ 1A lên cổng chùa, cũng có một ý nghĩa đáng kể về mặt xây dựng. Tuy không kỳ vĩ bằng những khối đá khổng lồ xây nên Kim tự tháp ở Ai Cập, nhưng những viên đá được đẽo khéo léo, công phu với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài hằng cây số đã cho thấy óc thẩm mỹ lẫn công tích lớn lao của người xưa…

Vườn chùa có tất cả 8 ngôi tháp xây dựng trên khu đất rộng ở phía Tây. Trong số đó có một ngôi thật đồ sộ, những ngôi tháp khác nhỏ hơn nhưng không kém phần tráng lệ. Nhưng tấm bia của mộ tháp trải qua thời gian đã bọ mòn phai nhiều không còn nhìn rõ chữ khắc càng tôn vẻ thiêng liêng cổ kính.

Trong chùa có hai đại hồng chung nặng đến 330 cân, do hòa thượng Pháp Ngữ đặt vào năm Duy Tân thứ 9. Trên đại hồng chung còn ghi rõ kích thước và trọng lượng.

Xung quanh chùa có vườn xoài cổ thụ quý giá hàng trăm năm tuổi, bóng cây rợp mát. Chùa đá trắng nổi tiếng thơm ngon. Trước đây là vật phẩm cung hiến cho nhà vua, nên xoài còn có tên là “xoài ngự”. Ngày nay, vườn xoài này đã hết sức cằn cõi và đang được bảo tồn nghiêm ngặt.

Chùa Đá Trắng là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của vùng đất phú yên, là một danh lam cổ tự của miền trung, có giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử xã hội. Cảnh sắc tôn nghiêm lạ thường, khí thiêng sông núi tụ hội, trong quá khứ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống mỹ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, góp phần làm nên những thắng lợi hào hùng của quân và dân Phú Yên. Chùa Đá Trắng được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1997.

  • Kết luận:

Ngày nay, chùa Đá Trắng được phật tử và du khách thập phương đến tham quan, phúng viếng. Chùa đá trắng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.

Thuyết minh di tích thắng cảnh Núi Nhạn Phú Yên

1 bình luận trong “Thuyết minh di tích chùa Đá Trắng tỉnh Phú Yên”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang