Thuyết minh di tích đền Đông Cuông tỉnh Yên Bái
- Mở bài:
Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đền Đông Cuông là một trong những di tích tâm linh quan trọng bậc nhất của tỉnh Yên Bái.
- Thân bài:
Đền Đông Cuông trước đây được gọi là “Đền Đông”, “Đền Mẫu Đông”. Khánh tự và sớ văn ghi rõ “Đông Quang linh từ”, gọi nôm là “Đền Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn”. Ngày nay, người ta gọi là Đền Đông Cuông, Đền Thần Vệ quốc hoặc Đền Đông Quang.
Đền nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái về phía Tây Bắc 52 km, cách huyện lỵ Văn Yên 18 km về phía Tây Bắc và cách ga Trái Hút 4 km về phía Tây Nam. Đền Đông Cuông được xây dựng trên một thế đất rộng. Tọa sát bên đôi bờ sông hồng, xung quanh là đồng ruộng và núi rừng bao bọc, không giống những ngôi đền khác trường tồn giữa chốn phồn hoa, cửa nhà san sát mà Đền Đông Cuông “Đông Quang” đã được người xưa chọn phương cắm hướng ngay cấp sa bồi của thế đất vùng “Thượng lưu châu thổ sông Hồng”. Thế đất binh sự – phên dậu nhưng không xa lìa thế nhân, chốn này tĩnh tại nhưng không hề âm u hiu quạnh. Vì vậy ngôi đền ấy mãi mãi sáng trong như đúng tên gọi “Đông Quang” cổ nhân đã đặt. Vậy nên từ xa đã khiến du khách nhận ngay được bóng dáng cây Đa khoảng 800 tuổi cạnh ngôi đền tuy cổ mà không cũ, tuy hiện đại mà mang tính dân tộc cao.
Ngoài Đền chính thờ Mẫu Thượng Ngàn còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông (Miếu Đức Ông tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi Đền Chính về hướng Nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích Đền Đông Cuông). Đền Đuông Cuông có kết cấu hình chữ đinh gồm hai tòa đại bái và hậu cung cấm. Đền được trang hoàng lộng lẫy với những vân mây, sóng nước, điểm xuyến đôi hình hoa lá hoa dây.
Qua bố trí kết cấu khung và ở tòa cung cấm là dạng đình ở trên mang dáng dấp kiến trúc của thời Nguyễn với lối sử dụng cổ truyền có hiệu quả. Đây là nét điển hình nghệ thuật kiến trúc cổ dân gian mà tới hôm nay dù xây dựng có công nghệ kỹ thuật hiện đại song vẫn ứng dụng kiểu hệ thống cổ truyền này, chỉ có điều biến dạng vị trí đi với một tên gọi khác “con sơn” mà ta thường bắt gặp.
Năm 1924, bà Lái Lộc một nhà buôn lâm sản bỏ tiền riêng xây gạch cho đền Mẫu và sửa miếu Đức Ông bằng gỗ lim. Năm 1978-1979 nổ ra chiến tranh biên giới phía bắc, Đền dỡ đi để xóa mục tiêu, đồ thờ được thủ từ Hà Văn Giấy cất giữ cẩn thận. Năm 1982 tình hình tạm yên. Hội người cao tuổi ở thôn Bến Đền đã dựng lại trên nền đền cũ bằng vật liệu tranh tre, nứa lá.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền Đông Cuông chịu nhiều sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh. Sau nhiều năm tôn tạo, tu bổ, đền Đông Cuông toạ lạc khang trang trên nền cũ. Kiến trúc đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa thời Lý Trần với mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật.
Các hiện vật trong Di tích, do sự biến thiên của lịch sử, ngôi đền cổ xưa không còn nguyên vẹn về nhân vật thờ cúng như hình thức. Trong tòa hậu cung còn bảo lưu hai pho tượng đồng cỡ lớn, một pho tượng mẫu, một pho là quan Hoàng Báo. Tuy mỗi pho tượng có một sự tích kích cỡ khác nhau. Song đều được tạo dáng hài hòa (đường sơn viết thiếp bên ngoài ăn nhập với nội dung bên trong của từng pho tượng bài trí theo thể thức nam tả – nữ hữu). Cách thơ kính cho thấy người Tày xem trọng mẫu hệ, là một lực lượng siêu đẳng là hiện thân của một sự kính trọng, là nguồn của cải vô biên, là linh hồn của vũ trụ, từ mẹ mà muôn vật nảy sinh – muôn loài tồn tại.
Ngoài ra còn có ban thờ ngũ vị tiên ông, ban Trần triều (thờ vọng), phủ sơn trang, tòa công đồng chúa, đại Tự (4 bức) và nhiều khánh đồng, chuông đồng, hòm sắc phụ vụ cho công việc thờ cúng, tế lễ.
Đền Đông Cuông tuy tọa ở nơi heo hút, nhưng ấm hơi người. Các triều đại đều phong tặng sắc quý cho Đông Cuông những ơn sâu, nghĩa cả, ý đẹp điều lành để cứu độ toàn dân, nên đã xuất hiện khá sớm Đền Thần Vệ Quốc và cần nguồn của cải vô biên nên đã thêm cả Mẫu. Một ngôi đền thiêng để thiên cổ trường tồn ngàn năm bất hủ, mang lại tiếng thơm ấy là sức đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh phi thường được nên thành Thần Vệ Quốc là vậy. Đền tọa ở nơi địa thế đẹp, khí tốt tụ về bãi bồi vạn niên của xứ Hưng Hóa khi xưa, cũng bắt đầu từ ngôi đền thiêng ấy mà tả hữu hai bên mạch đất đều có thần ngự, thường xuyên có khí tốt đón gió lành thổi đến, vì thế Đền Thần Vệ Quốc nơi đây không đâu sánh được.
Lễ hội Đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày “Mão” tháng Giêng hàng năm. Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày mão đầu năm. Trâu dùng để tế phải là trâu đực trắng, to khoẻ, được tuyển chọn kĩ lưỡng từ nhiều tháng trước. Tới giờ phút thiêng liêng nhất, trâu mổ ra lấy 9 chén tiết trâu xuống bến sông để tế, ông mo bước từ cung cấm ra cùng các giai chay và dân làng làm lễ, tiến hành lễ hiến sinh cầu cho linh hồn những anh hùng đã hi sinh ở thác Ghềnh Ngai trên dòng sông Hồng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thủa trước, sau đó trâu được thui và được chủ tế dâng lên cầu mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, làm ăn phát tài. Sau khi cúng, thịt trâu được đem ra chế biến thành các món ăn mời du khách đến đền làm lễ. Cuộc tế lễ diễn ra một cách nghiêm linh, muôn dân trăm họ hướng về cội nguồn để cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, bình an hạnh phúc, v.v.
Trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng, có một nghi lễ hết sức đặc biệt, đó là nghi lễ hầu đồng – một nghi thức tín ngưỡng thực hành tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.
Hầu đồng có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, dụng cụ, trang phục, nghệ thuật diễn xướng và tấm lòng tôn kính với thần linh. Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các thánh. Sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị từ điện thờ, người phục vụ đến dàn nhạc, trang phục, lễ vật đã góp phần tạo nên cho nghi thức hầu đồng tại đền Đông Cuông mang sắc màu huyền bí rất riêng, thiêng liêng mà cũng không kém phần độc đáo.
- Kết bài:
Năm 2000, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng tỉnh Yên Bái (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái) lập hồ sơ trình tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh có diện tích trên 17.600 m2. Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho Quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.