Thuyết minh di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi

thuyet-minh-dia-dao-cu-chi

Thuyết minh di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

  • Mở bài:

Nhắc đến cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc Việt Nam không thể không nhắc đến Đa đạo Củ Chi, một trong nhưng kì quan lịch sử vĩ đại, trở thành nỗi khủng khiếp của kẻ thù. Bằng ý chí kiên trì phi thường, lòng căm thù giặc sâu sắc, quân và dân huyện Củ chi đã tạo nên huyền thoại Củ Chi còn vang danh cho đến ngày nay.

  • Thân bài:

Nguồn gốc và lịch sử hình thành Địa đạo Củ Chi.

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống đường hầm đào sâu trong lòng đất, địa đạo nằm trong bộ phận huyện Củ Chi nên gọi là Địa đạo Củ Chi. Ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 thuộc hai xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ có những đoạn ngắn cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trú ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu. Sau đó các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường “xương sống”, hình thành hệ thống Địa đạo Củ Chi liên hoàn.

Hệ thống Địa đạo Củ Chi liên tục được xây dựng củng cố  từ lúc hình thành cho đến giai đoạn cuối thời kì kháng chiến chống Mỹ mới ngừng xây dựng đào mới. Khi cuộc kháng chiến chống mỹ thắng lợi năm 1975, Địa đạo Củ Chi mới ngừng xây dựng. Từ đó đến nay, địa đạo luôn được bảo tồn, gìn giữ, trở thành niềm tự hào của nhân dân.

Đặc điểm, cấu tạo các đường hầm Địa đạo Củ Chi.

Toàn bộ hệ thống địa đạo dài khoảng 250 km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Đây là địa đạo dài nhất trên thế giới được bảo tồn cho đến ngày nay. Từ những căn hầm trú ẩn nhỏ, đơn lẻ, do nhu cầu liên kết, chuyển thu và hỗ trợ nhau khi chiến đấu, các căn hầm đã được đào thông với nhau tạo thành một chuỗi đường hầm đồ sộ.

Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần. Đó là sáng tạo độc đáo của quân dân Củ Chi rút kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu. Nhiều lần quân địch phát hiện và phá hủy đường hầm nhưng chỉ làm tổn hại một phần. Các phần khác đã được cô lập nhờ các cồn đất hoặc rãnh nước mà ta đã chuẩn bị sẵn.

Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Các cửa đường hầm thường xuyên ra bờ sông nhưng được ngụy trang kín đáo nhằm tránh sự phát hiện của quân địch. Chiều cao của hầm khoảng từ 0.8-1 mét, chiều rộng khoảng 0.6 mét, vừa bằng một người đi khom. Nóc hầm hình cong mái vòm. Bốn bên được mài nhẵn để tránh va vấp khi di chuyển trong bóng tối.

Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường hầm chính toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Nhìn vào kết cấu đường hầm giống như một tổ mối khổng lồ.

Tầng 1 cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép và xe cơ giới hạng nặng. Tầng này dùng để di chuyển nhanh, thực hiện ẩn nấp kẻ địch hoặc tổ chức tấn công nhanh trên mặt đất. Đó cũng là tầng hình thành đầu tiên, tạo cơ sở hình thành tầng hai.

Tầng 2 cách mặt đất 5m, nối liền tới tầng 1, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Đây là tầng chuyển tiếp, thường bố trí lối đi và các phòng: nhà bếp, phòng học, phòng nghỉ ngơi, phòng họp… Hầu hết sinh hoạt, hội họp, kho lưu trữ đều bố trí ở tầng này bởi nó an toàn lại có nhiều không khí để thở lại có thể thực hiện tấn công hoặc di chuyển nhanh khi cần.

Tầng 3 là tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m. Tầng 3 có thể chống lại được các loại bom hạng nặng xuyên sâu. Đây là tầng trú ẩn khi kẻ thù càn quét mạnh. Do nằm sâu trong đất, thiếu dưỡng khí và ánh sáng, các lối đi vòng vèo bất lợi cho việc ở lâu và di chuyển nhanh nên tầng này chỉ được sử dụng để trú ẩn.

Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên ngụy trang kín đáo bằng lá khô hoặc búi cỏ tươi, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Do nhu cầu lấy không khí và ánh sáng tự nhiên nên đường hầm bố trí rất nhiều lỗ thông hơi. Để tránh sự tìm kiếm của quân địch, các lỗ thông hơi được đào giống như hang chuột, hang cua trong bụi rậm. Người ta còn đặt trước cửa hang cục xà phòng đánh lừa chó nghiệp vụ lùng xục.

Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu… Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.

Cuộc sống và chiến đấu của nhân dân dưới Địa đạo Củ Chi.

Vào thời kỳ đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều diễn ra dưới lòng Địa đạo Củ Chi. Trong điều kiện nguy khó vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc cho trên mặt đất không ngớt bom đạn cày xới, lửa khói mịt mù…

Do cần bảo tồn lực lượng để chiến đấu lâu dài nên phải chấp nhận mọi sự khắc nghiệt vượt quá sức chịu đựng của con người. Bởi trong lòng đất đen tối, chật hẹp đi lại rất hạn chế, phần lớn đi khom hoặc bò. Đường hầm có nơi ẩm ướt và ngột ngạt do thiếu dưỡng khí, ánh sáng chỉ le lói đèn cầy hoặc đèn pin…

Vào mùa mưa, dưới lòng Địa đạo Củ Chi phát sinh nhiều côn trùng độc hại, nhiều nơi có cả rắn, rết… Đối với phụ nữ, sinh hoạt càng khó khăn hơn, có chị sinh con và nuôi con trong hầm địa đạo phải chịu biết bao cực khổ. Hay mỗi khi có người ngất xỉu, phải đưa ra cửa hầm để hô hấp nhân tạo mới tỉnh lại được…

Đã thế, hàng trăm người lên xuống hằng ngày qua miệng hầm mà vẫn bảo đảm giữ bí mật Địa đạo Củ Chi là chuyện vô cùng phức tạp, mỗi thành viên ra vào phải kỹ lưỡng xóa mọi dấu vết có thể gây ra nghi ngờ, làm nguy hại đến đại cục.

Thế nhưng, tất cả mọi bí mật của đường hầm này đã được giữ bí mật cho đến sau giải phóng. Đó là kì công thứ hai mà quân và dân Củ Chi đã kiên trì thực hiện trong suốt  hai cuộc kháng chiến.

Ý nghĩa lịch sử của di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi:

Địa đạo Củ Chi là cơ quan bảo vệ, xây dựng, củng cố và phát triển của lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam. Với vị trí cạnh sát kẻ thù, lợi thế bí mật, các lực lượng cách mạng đa hình thành và phát triển ngay dưới đường hầm này. Các tin tức, hoạt động của kẻ thù được thu thập nhanh chóng và chính xác, cung cấp thông tin chiến lược để xây dựng kế hoạch tác chiến hiệu quả. Địa đạo Củ Chi là hậu phương vững chắc, làm bàn đạp tiện lợi khi có hiệu lệnh tấn công vào Sài Gòn.

Đây cũng là nơi diễn ra các trận chiến đấu quyết liệt chống càn, tiêu diệt địch trong các chiến lược chiến tranh. Củ chi luôn nằm trong tầm ngắm chiến lược của Mỹ ngụy, chúng quyết tiêu diệt bằng được căn cứ ngầm này trong suốt cuộc chiến tranh. Chúng đã thực hiện rất nhiều cuộc càn quét, tìm và tiêu diệt lực lượng cách mạng nhưng đều thất bại, nhận lấy những hậu quả nặng nề. Địa đạo Củ chi trở thành điều khủng khiếp đối quân Mỹ, chúng không thể hiểu làm sao quân và dân Củ Chỉ có thể tồn tại và chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của chúng.

Không những trực tiếp đối diện với kẻ thù, Địa đạo Củ Chi còn là hậu phương vững chắc làm nên chiến thắng thần thánh của quân và dân ta. Hầu hết khí giới, quân dụng, quân trang chuẩn bị cho cuộc tấn công đều được tập kết và cất giấu ở đây. Quân và dân Củ Chi còn tổ chức sản xuất bí mật, tạo nên nguồn chi viện tại chỗ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của cuộc cuộc chiến.

Địa đạo Củ Chi được xem là đường ngầm dài nhất trên thế giới với hơn 250km đường ngầm và thông hào. Là kì quan độc đáo có một không hai, vừa mang chiều sâu thăm thẳm của tinh thần yêu nước, lòng căm thù và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thế kỉ 20.

  • Kết bài:

Ngày nay, Địa đạo Củ Chi đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia, có giá trị đặc biệt cần được bảo tồn, gìn giữ. Địa đạo Củ Chi đang trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đem về cho thành phố khoản thu nhập có giá trị kinh tế lớn. Nơi đây cũng trở thành địa điểm tham quan, giáo dục về lịch sử đấu tranh bất khuất của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ đất nước cho nhiều thế hệ trẻ. Hình ảnh Địa đạo Củ Chi đã không ngừng được giới thiệu với bạn bè trên thế giới và nhận được rất nhiều tình yêu, sự trân trọng và ngưỡng mộ. Địa đạo Củ Chi là chứng tích của chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu nước thiết tha của nhân dân Nam Bộ.

Thuyết minh về khu du lịch sinh thái Rừng Sác Cần Giờ

8 bình luận

11 Trackbacks / Pingbacks

  1. Thuyết minh thắng cảnh Gành Đá Dĩa ở Phú Yên - Thế Kỉ
  2. Thuyết minh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Thế Kỉ
  3. Thuyết minh di tích chùa Dâu tỉnh Bắc Ninh - Thế Kỉ
  4. Thuyết minh di tích chùa Một Cột ở Hà Nội - Thế Kỉ
  5. Thuyết minh di tích miếu thờ Nàng Han tỉnh Lai Châu - Thế Kỉ
  6. Thuyết minh về nhà thờ Đức Bà Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Thế Kỉ
  7. Thuyết minh di tích chùa Đá Trắng tỉnh Phú Yên - Thế Kỉ
  8. Thuyết minh di tích đền Đông Cuông tỉnh Yên Bái - Theki.vn
  9. Thuyết minh di tích thắng cảnh Núi Nhạn Phú Yên - Theki.vn
  10. Thuyết trình và thảo luận về một địa chỉ văn hóa (Bài 4, Ngữ văn 10, Cánh Diều) - Theki.vn
  11. Thuyết minh di tích lịch sử địa đạo Gò Thì Thùng tỉnh Phú Yên - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.