Thuyết minh hoa Bỉ ngạn

thuyet-minh-hoa-bi-ngan

Thuyết minh hoa Bỉ ngạn.

  • Mở bài:

Bỉ Ngạn hoa khai khai bỉ ngạn,
Vong Xuyên hà bạn diệc vong xuyên.
Nại Hà kiều đầu không nại hà,
Tam Sinh thạch thượng tả tam sinh.

(Nhật kí của Trọng Duy Ly)

Hẳn các “tín đồ” ngôn tình ai cũng biết về hoa Bỉ Ngạn vì hầu như các truyện đều nhắc đến nó như một biểu tượng của tình yêu trác việt. Nhưng chắc có ai đã hiểu biết rõ ràng, đầy đủ về loài hoa kiêu sa, xinh đẹp này. Không những có một vẻ đẹp yêu mị, sắc đỏ như máu huyết, loài hoa này còn gắn với một truyền thuyết vô cùng kì bí. Nhắc đến hoa bỉ ngạn khiến ai cũng nghĩ đến một mối tình tuyệt đích nhưng cũng tuyệt vọng.

  • Thân bài:

1. Nguồn gốc loài hoa bỉ ngạn.

Cây hoa bỉ ngạn có tên khoa học là Lycoris Radiata. Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người Trung Quốc vốn đã xem nó là một loài hoa quý, có sức quyến rũ kì lạ, vừa đáng yêu lại vừa đáng sợ. Ngoài cái tên chính Bỉ Ngạn hoa, loài hoa này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: Mạn Châu Sa Hoa, Hồng hoa Thạch Toán, Thạch Toán, Long Trảo hoa, Vô Nghĩa thảo, San Ô Độc, U Linh hoa, hoa Địa Ngục, Tử Nhân hoa, Vong Xuyên hoa.

Loài cây này được trông thấy ở châu Mỹ lần đầu tiên năm 1854. Đó là khi nước Mỹ mở cửa thương mại cho Nhật Bản. Thuyền trưởng William Roberts trong một lần trở lại Mỹ đã mang theo loài Lycoris radiata này từ Nhật. Ông mang theo 3 cây, những cây này được trồng và chăm sóc bởi cô cháu gái. Sau một thời gian chăm sóc và cô thấy rằng loài cây này không nở hoa cho đến khi sau một cơn mưa đầu mùa của mùa thu. Kể từ đó, theo bước chân của các thuyền buôn, hoa bỉ ngạn nổi tiếng trên toàn thế giới.

2. Đặc điểm hình thái.

Hoa bỉ ngạn có 3 màu sắc chính là đỏ, vàng, trắng. Trong đó, màu đỏ là màu chủ đạo. Hoa màu trắng gọi là Mạn Đà La Hoa (mandarava), hoa màu đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa (Manjusaka). Sắc hoa đỏ như máu huyết, trông nhìn hết sức ấn tượng.

Bỉ Ngạn là giống cây thân thảo, có chiều cao trung bình 40-100 cm thường mọc hoang trên những triền đồi, đôi bờ sông, ven đường đi, những bờ ruộng và rất nhiều trong nghĩa địa. “Củ” của loài hoa này rất độc vì chứa lycorine, một chất độc thuộc nhóm alcaloid, gây tổn hại đến hệ thần kinh. Truyền thuyết kể rằng có người đã tuyệt mệnh bằng cách ăn “củ” của loài hoa này trong lúc đói. Có lẽ vì thế, thời xa xưa, người Nhật cho rằng đó là loài hoa của điềm gở và chết chóc.

Người ta còn lấy ngày hoa Bỉ ngạn nở để đoán định thời gian. Trong một năm có 2 ngày mặt trời chiếu thẳng góc xuống xích đạo, vào thời điểm đó độ dài của ngày và đêm bằng nhau, đó là ngày xuân phân và thu phân. Ba ngày trước và sau xuân phân gọi là Xuân Bỉ Ngạn, ba ngày trước và sau thu phân gọi là Thu Bỉ Ngạn. Hoa Bỉ Ngạn nở vào mùa thu, thời gian rất chính xác cho nên mới gọi là hoa Thu Bỉ Ngạn. Đây cũng là thời gian mà theo lời dạy của phật trong thời gian 7 ngày của mùa thu, người sống có thể đi vào thế giới của người chết để gặp gỡ ông bà tổ tiên.

3. Đặc điểm sinh thái.

Các cây Bỉ Ngạn thường được trồng ở những khu vực có hệ thống thoát nước tốt để các bông hoa không bị tổn hai và phát triển bình thường. Đặc biệt là khu vực trồng cũng không bị ảnh hưởng bởi gió quá nhiều vào những tháng mùa đông. Bỉ Ngạn không thích nhiệt. Nó thích một môi trường ấm áp. Khi nhiệt độ vào mùa hè quá cao, các cây Bỉ Ngạn sẽ chết

Để trồng được một khóm hoa bỉ ngạn cũng không hề khó. Cây hoa bỉ ngạn ưa bóng mát nên bạn cần ưu tiên lựa chọn những vùng đất dốc để có khả năng thoát nước tốt. Trồng cây vào thời gian tốt nhất thường là cuối đông đầu xuân. Bạn vẫn có thể trồng vào các mùa trong năm. Nếu trồng vào mùa hè thì cây vẩn phát triển xanh tươi tốt. Tuy nhiên, trồng vào mùa xuân thì sẽ có hoa đẹp, phát triển nhanh hơn.

4. Ý nghĩa hoa bỉ ngạn trong ời sống con người.

Trong dân gian, người ta cho rằng Bỉ Ngạn là cửa ngõ để đi vào thế giới của những người đã chết, cũng có người lại nói rằng, vào những ngày người trần gian gặp người âm giới, Bỉ Ngạn là nơi trú ngụ của những linh hồn.

Người Trung Quốc xem hoa bỉ ngạn tượng trưng cho sự ưu mỹ thuần khiết, cũng là sự phân ly, khổ đau, vẻ đẹp của cái chết. Người Triều Tiên xem hoa bỉ ngạn tượng trưng cho nỗi nhớ nhung của các đôi lứa yêu nhau. Với người Nhật, khi hoa bỉ ngạn nở, họ đi thăm viếng sửa sang mồ mả của những người đã khuất.

Nhìn chung, hoa bỉ ngạn thường mang đến ý nghĩa chia ly, u buồn, không may mắn hay biểu thị sự chết chóc, tan thương. Đồng thời, chúng còn gửi gắm đến mọi người rằng ái tình chỉ là ảo mộng, duyên hết thì tình đứt, trả hết nợ một đời thì không nên luyến tiếc để rồi thêm đau khổ.

  • Kết bài:

Cái đẹp của Mạn Châu Sa Hoa là vẻ đẹp chẳng lành của yêu dị, tai nạn, tử vong và chia lìa. Có lẽ bởi vì màu đỏ thẫm tươi đẹp của nó làm cho người ta liên tưởng đến máu, cũng có lẽ bởi vì thân của nó có chứa kịch độc, trong các tác phẩm văn học, hình tượng của nó thường liên hệ với các khái niệm như “điên cuồng, máu tanh”… Dù sao Bỉ Ngạn hoa cũng được nhiều người ưa thích vì màu sắc đẹp đẽ và chói mắt của nó. Bỉ ngạn hoa mãi mãi là huyền thoại khiến ta nhớ đến những ảo vọng trong tình yêu và sức mạnh tìm kiếm cái vĩnh hằng của con người.

Xem thêm:

Thuyết minh về vẻ đẹp cây hoa hồng

2 bình luận

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Dàn ý giới thiệu về cây hoa lan - Thế Kỉ
  2. Thuyết minh về hoa ly - Thế Kỉ
  3. Thuyết minh về cây lúa trong đời sống con người Việt Nam - Theki.vn
  4. Thuyết minh về hoa trinh nữ có yếu tố biểu cảm - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.