Thuyết minh lễ hội Tháp Bà Pônagar tỉnh Khánh Hòa.

Thuyết minh lễ hội Tháp Bà Pônagar tỉnh Khánh Hòa.

  • Mở bài:

Lễ hội Tháp Bà Pônagar ở tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà. Đây là lễ hội dân gian lớn nhất trong năm ở tỉnh Khánh Hòa để tưởng nhớ nữ thần Yang Po Inư Nagar – người đã có nhiều công lao giúp dân, đem lại những điều tốt lành và hạnh phúc cho mọi người.

  • Thân bài:

Nguồn gốc lễ hội.

Lễ hội Tháp Bà diễn ra hàng năm tại di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Tháp Bà Pônagar, trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người Kinh (Việt) và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bà Thiên Y A Na hay Bà Thánh Mẫu Chúa Ngọc, người Chiêm Thành (gọi tắt là người Chiêm hay Chăm), gọi là nữ thần Poh Yang Inư Nagar (hay Po Ino Nogor). Người Chiêm xem nữ thần Pônagar là vị thần ạo dựng và bảo trợ cuộc sống yên bình thịnh vượng. Tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng, và đã được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần. Mẹ xứ sở không chỉ nâng đỡ người Chăm từ những bước đi đầu tiên thời lập quốc mà luôn luôn dẫn dắt đời sống tinh thần của từng gia đình cũng như cả cộng đồng. Tôn thờ mẫu hệ, mỗi làng Chăm đều có nơi thờ cúng Mẹ xứ sở, nhưng tháp Bà Pônagar ở Nha Trang là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất do người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến XIII chỉ để thờ cúng nữ thần Po Inưgar.

Các hoạt động trong lễ hội.

Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm, gồm những nghi thức tổ chức nghiêm trang. Đầu tiên là lễ thay y (lễ tắm tượng) được tiến hành đúng giờ Ngọ ngày 20 tháng 3. Thay mặt mọi người, vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Nghi lễ tiến hành với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn, …

Từ 19 giờ đến 21 giờ ngày 20 tháng 3 là lễ thả hoa đăng. Nến và hoa được thả trên sông để cầu siêu cho các vong linh, với hơn mười ngàn chiếc hoa đăng nhỏ và năm hoa đăng lớn …

Sang ngày hôm sau, người dân sẽ tiếp tục tổ chức lễ cầu quốc thái dân an do các sư tăng chủ trì. Đây là đại lễ cầu cho đất nước thanh bình, phồn vinh, nhân dân an vui, hạnh phúc. Sau đó, trong lễ cúng ngọ, tại ngôi tháp chính, mọi người sẽ dâng thức ăn lên Mẫu và bố thí cho các cô hồn …

Ngày hôm sau nữa, các cụ hào lão đình Cù Lao dâng lễ Tết cổ truyền theo nghi thức cổ truyền, rất trang nghiêm. Buổi sáng, mọi người tập trung về sân lễ được dựng trước Mandapa (tiền đình), mặt hướng vào điện thờ Đức Thánh Mẫu để làm lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương. Mọi người vừa dâng lễ, vừa tổ chức hát mừng. Lễ Tôn Vương được cử hành rất trang trọng trước khi tuồng kết thúc và trở thành một lệ bắt buộc phải có khi hát ở lễ hội Tháp Bà. Đến cuối ngày 23 tháng 3, mọi người tổ chức lễ Dâng hương tạ Mẫu để dâng hương đăng lễ tạ Mẫu. Tới đây là kết thúc phần lễ.

Trong 3 ngày lễ hội, các hội thi diễn ra liên tục, song song với các nghi lễ thờ cùng. Các phần hội bao gồm múa Bóng và hát Văn, hội thi rước nước và bày mâm hoa quả dâng Mẫu. Mâm lễ của đoàn nào đẹp nhất được dâng lên Mẫu ở tháp chính, các mâm còn lại sẽ được dâng ở các tháp khác trong di tích Tháp Bà Pônagar.

Ý nghĩa của lễ hội.

Tất cả những hoạt động diễn ra trong lễ hội ở di tích tháp Bà Pônagar với không khí trang nghiêm, thể hiện tấm lòng thành kính, cùng không khí nhộn nhịp và hồ hởi càng làm tăng “tính thiêng” cho lễ hội tháp Bà Pônagar thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.

Khu di tích tháp Bà ở Nha Trang, nơi diễn ra lễ hội Tháp Bà hàng năm, chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của qúa trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm trong lịch sử. Mỗi dịp lễ hội là một cơ hội để bà con trở về với cội nguồn, giáo dục thế hệ trẻ biết sống có đạo lý, góp phần bồi đắp những truyền thống văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ. Lễ hội là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam trên dải đất miền Trung.

  • Kết bài:

Lễ hội Tháp Bà Pônagar phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh và tín ngưỡng dân gian của tộc người Chăm, tạo nên nét độc đáo trong truyền thống văn hóa nước ta. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đời sống nhân dân ngày một nâng lên, đã tạo điều kiện cho nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn hóa ngày càng phong phú. Do đó, lượng người đổ về dự lễ hội Tháp Bà cũng ngày một tăng cao.

Thuyết minh thành phố biển Nha Trang tỉnh Khánh Hòa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang