Thuyết minh nguồn gốc, đặc điểm và vai trò của con trâu

thuyet-minh-nguon-goc-dac-diem-va-vai-tro-cua-con-trau-678

Thuyết minh nguồn gốc, đặc điểm và vai trò của con trâu.

  • Mở bài:

Trâu là một loài vật quen thuộc đối với người nông dân Việt Nam và nhiều nước châu Á. Con trâu không những là một loài vật nuôi hữu ích mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn. Hình ảnh con trâu ăn sâu vào cội rễ văn hóa người Việt, trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước, đời sống nông thôn, đức tính cần cù, hiền lành và sức mạnh bảo vệ công lý và lẽ phải.

  • Thân bài:

Trâu nuôi ở nước ta hiện nay và nhiều nước châu Á có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy, phân bố rộng rãi khắp nước. Ngoài ra, ở các vùng miền khác, do đặc trưng thuần hóa, còn có nhiều giống trâu khác như trâu Lang-bi-ang, trâu Ngố,…

So với loài bò, trâu có ngoại hình vạm vỡ, to lớn hơn. Thế nhưng, đầu trâu hơi bé; trán và sống mũi khá thẳng, có con hơi võng; tai mọc ngang, rất thính, hay ve vẫy. Sừng trâu dài và dẹt,có  hình cánh cung, hướng về phía sau và hơi vểnh lên trên. Loài trâu rừng nguyên thủy có bệ sừng khá lớn, rắn chắc. Trán trâu rộng, phẳng, hơi gồ. Da mặt rất khô, nổi rõ mạch máu. Mắt to tròn, đen láy lanh lẹ, mí mắt mỏng; lông mi dài; mũi kín, bóng, ướt. Trâu chỉ có một hàm răng dưới. Lợi hàm trên rất dày, khỏe. Mũi trâu thường ẩm ướt, lỗ mũi rộng.

Cổ trâu tròn, khỏe khoắn. Trên cổ có u vai, dưới có yếm dài. Ụ và yếm trâu nhỏ hơn hẳn loài bò. Lưng trâu thẳng, mông xuôi, ngực nở. Đuôi trâu dài đến kheo, tận cùng có chòm lông thưa. Toàn thân trâu phủ bởi một lớp long mỏng, sợi cứng.

Chân trâu rất khỏe, vững chắc để đỡ cả thân mình, bốn chân thẳng to, gân guốc. Hai chân trước cách xa nhau, thẳng. Bàn chân thẳng, ngắn, vừa phải. Hai đùi sau to dài, bàn chân sau xuôi, ngắn. Bốn móng rất cứng, khít tròn, đen bóng và chắc chắn.

Lúc mới sinh, trâu nghé nặng từ 28 – 30kg. Trâu cần từ 2 đến 4 năm mới trưởng thành. Khi trưởng thành, trâi có cân nặng lên tới 400 – 450 kg. Thông thường trâu cái đẻ 3 năm 2 lứa. Con non bú sữa mẹ. Sau 1 tháng, nghé non cí thể ăn được. Sức sản xuất sữa của trâu cái thấp, chỉ đủ cho con bú. Bởi thế, chẳng bao giờ có bán sữa trâu trên thị trường.

Trâu cày kéo rất khỏe, hơn hẳn loài bò. Nó có khả năng làm việc tốt ở những chân đất năng hay lầy thụt. Trâu chịu đựng kham khổ rất tốt, khả năng chống bệnh tật cao, thích nghi tốt được với khí hậu nóng ẩm và khu vực có nhiều đầm lầy.

Trâu chủ yếu được nuôi để lấy sức kéo. Từ ngàn năm qua, con trâu gắn bó hết sức mật thiết với đồng ruộng và đời sống sản xuất nông nghiệp của con người. Ngoài sức kéo, con trâu còn cung cấp cho con người nhiều sản phẩm khác, trở thành con vật được con người yêu mến, chăm sóc kĩ lưỡng.

Trâu cung cấp thực phẩm cho con người. Trâu cung cấp hai loại thực phẩm có giá trị cao đối với con người là thịt và sữa. Thịt trâu bò được xếp vào loại thịt có giá trị dinh dưỡng cao. Thịt trâu có màu nâu, tính hàn. Bởi thế đặc điểm ấy, thịt trâu không được sử dụng rộn rãi bằng thịt bò.

Sữa được xếp vào loại thực phẩm cao cấp vì nó hoàn chỉnh về dinh dưỡng và rất dễ tiêu hoá. Tuy nhiên, trâu cái cho ít sữa. Bởi thế, sữa trâu là loại thực phẩm hiếm có.

Trâu cung cấp sức kéo phục vụ sản xuất. Trâu được sử dụng từ lâu đời nay vào mục đích cung cấp sức kéo để làm đất phục vụ trồng trọt. Ngoài việc làm đất, trâu còn được sử dụng để kéo xe vận chuyển hàng hoá và các mục đích lao tác khác như kéo gỗ, kéo nước, kéo cối xay, v.v… Lợi thế của sức kéo trâu là có thể hoạt động ở bất kỳ địa bàn nào và sử dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn cung cấp năng lượng.

Trâu tạo ra sức kéo nhờ năng lượng lấy từ cỏ và các phụ phẩm cây trồng, mà năng lượng trong cây cỏ (hoá năng) lại được cố định trực tiếp nguồn năng lượng vô tận của mặt trời thông qua quá trình quang hợp. Do vậy, sử dụng sức kéo của trâu giúp tránh được các cuộc khủng hoảng gây ra bởi các nguồn năng lượng hoá thạch đang được khai thác cạn kiệt dần. Thực tế với tốc độ tăng giá dầu ngày càng tăng cao như hiện nay thì sức kéo của trâu lại trở nên có nhiều ưu thế so với sức kéo cơ giới và việc khai thác trâu bò cày kéo sẽ có tính bền vững cao.

Trâu cung cấp một nguồn phân bón và chất đốt hữu cơ. Phân trâu là loại phân hữu cơ có khối lượng đáng kể. Khoảng 1/3 khối lượng vật chất khô trâu ăn vào được thải ra ngoài dưới dạng phân. Hàng ngày mỗi trâu trưởng thành thải ra từ 15-20 kg phân. Phân trâu là loại phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng đối với đất và cây trồng. Đây là một nguồn phân bón rất cần thiết trong tình hình sản xuất hiện nay.

Trâu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thủ công mỹ nghệ. Sừng trâu nếu được gia công chế biến cẩn thận có thể trở thành nhiều mặt hàng mỹ nghệ khác nhau. Sừng trâu có nhiều hình dạng, có màu từ đen tuyền đến màu mật ong nhạt. từ sừng trâu, các nghệ nhân và các thợ thủ côngchế tác ra các mặt hàng có giá trị cao như cúc áo, trâm cài, lược, thìa, dĩa, cán và bao da, các vòng số đeo, đồ trang trí, kim đan, móc áo.. .

Da trâu bò là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho các nhà máy thuộc da. Da trâu bò có thể dùng làm áo da, găng tay, bao súng, dây lưng, giày, dép, cặp. Ở nhiều vùng nông thôn người ta còn dùng da trâu làm thực phẩm. Nhờ độ dày, sức bền và khả năng uốn mềm của nó mà lông trâu thích hợp cho việc sản xuất bàn chải mĩ nghệ và lau chùi một số máy móc quang học.

Mở da trâu còn được sử dụng như một loại dược phẩm trong điều trị một vài bệnh ở con người. Một điều đặc biệt, sỏi mật trâu (được gọi là ngưu hoàng) là một loại thuốc quý, được xem là thượng dược hết sức khó tìm và đắt đỏ.

Với việc khai thác những vai trò nói trên của trâu bò thì chăn nuôi trâu bò trước kết là một hoạt động kinh tế. Trong hoạt động kinh tế này trâu bò có thể coi như là “nhà máy sinh học” với nguyên liệu là cây cỏ và sản phẩm là thịt, sữa, sức kéo, phân bón kèm theo các phụ phẩm khác. Nguyên liệu cho hoạt động này dễ sản xuất còn thị trường sản phẩm thì hết sức rộng lớn.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu bò cho phép khai thác tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, kể cả những nguồn năng lượng có thể tái tạo đang bị bỏ phí gây ô nhiễm môi trường như rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng khác, để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao cho xã hội. Chăn nuôi trâu bò do vậy mà đã trở thành kế sinh nhai, là một phương tiện xoá đói giảm nghèo, là công cụ để góp phần phát triển bền vững. Thực tế đã cho thấy đối với nhiều người nghèo thì cho vay tiền họ không biết làm sao để cho tiền ”đẻ” ra được, nhưng khi cho ”vay” trâu bò thì họ lại dần dần thoát được nghèo nhờ số bê nghé hàng năm được đẻ ra.

Ở một trình độ cao hơn, nếu biết đầu tư và tổ chức hợp lý trên cơ sở khoa học thì chăn nuôi trâu bò sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất đai, tạo điều kiện làm giàu bền vững cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên. điều đó không có nghĩa là chăn nuôi trâu bò càng thâm canh, quy mô chăn nuôi càng lớn và càng ”hiện đại hoá” thì mới càng có lợi về mặt kinh tế. Ý nghĩa kinh tế có được khi biết sử dụng trâu bò để khai thác một cách bền vững nhất những nguồn lợi sẵn có.

  • Kết bài:

Bên cạnh ý nghĩa kinh tế – xã hội như trên, trâu bò đã từng gắn bó với đời sống văn hoá và tâm linh của người dân nông thôn Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Con trâu cùng với cây tre đã làm nên biểu tượng của làng quê đất Việt tự lực tự cường. Các hội thi trâu, chọi trâu, đâm trâu, các chợ trâu bò, v.v… là những sinh hoạt mang tính văn hoá truyền thống sâu sắc của các dân tộc Việt Nam. Mỗi người Việt Nam càng đi xa càng nhớ về hình ảnh làng quê của mình và không thể không có trong đó hình bóng của con trâu. Chính con trâu đã góp phần làm cho người Việt gắn bó với nhau trên một nền văn hoá và truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Thuyết minh về hình ảnh con trâu làng quê Việt Nam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.