Thuyết minh về Chùa Hang (Kim Sơn Tự) tỉnh Thái Nguyên

Thuyết minh về Chùa Hang (Kim Sơn Tự) tỉnh Thái Nguyên

Chùa Hang – Kim Sơn Tự nằm ở trung tâm phường Chùa Hang, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 3 km về phía bắc, bên trái quốc lộ 1B, hướng Thái Nguyên đi Lạng Sơn. Tương truyền Chùa Hang có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), được coi là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chùa còn có tên chữ “Kim Sơn Tự”, hay được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”.

Chùa Hang – Kim sơn tự với huyền thoại “Động tiên lữ” một bức tranh thủy mạc đã say đắm bao tâm hồn của nhiêu danh sĩ thuộc hàng “tao nhân mặc khách” từ đời Lê sơ đến Hậu nguyễn, hiện còn nhiều văn bia thơ phú bằng chữ hán khắc trên vách hang, ca ngợi cảnh đẹp thiên tạo vô song khi đến vãng cảnh nơi đây.

Di tích thắng cảnh Chùa Hang có ba ngọn núi đá lớn, độc lập trên vùng đất bằng phẳng. Ngọn núi đứng giữa có tên là “Huyền Vũ” cao to vững trãi, hai bên là hai ngọn “Thanh Long – Bạch Hổ” vươn cao uy nghi, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa.

Theo quy hoạch, Chùa Hang sẽ được xây dựng và trùng tu chia làm 5 khu, đó là khu bảo tồn gồm toàn bộ hang động, núi đá với tổng diện tích 2,7ha; khu trục chính đạo tâm linh, bao gồm 8 công trình là Chính điện Tam Bảo, nhà thờ tổ, giảng đường Hoằng pháp, Bảo tháp, lầu chuông, lầu trống, tam quan nội, tam quan ngoại; phía bên phải của chùa là khu thiền viện chuyên tu; trung tâm từ thiện xã hội; khu sân bãi để phục vụ lễ hội.

Qua Tam quan, vào chùa, hai bên trái phải có hai tượng Hộ pháp Khuyến thiện – Trừng ác, cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi. Càng vào sâu, hang rộng dần, trên vòm hang nhũ đá tưởng như “Mây già quyện đá quái chơi vơi”, nhiều cột đá lớn sừng sững chống lên vòm hang như những trụ chống trời. Quanh vách hang nhiều nhũ đá nhô ra thành các bệ thờ và nhiều hình thù kỳ lạ hấp dẫn. Hang có nhiều ngóc ngách, có đường lên trời, đường xuống âm phủ, có cửa thông trước sau, nên không khí trong chùa rất trong lành, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, khói hương luôn toả mờ làm cho chùa càng trở nên thâm u kì bí.

Trong động có một số tượng Phật và đồ thờ cúng. Quanh hang cũng còn nhiều văn bia khắc trên vách đá, là những bút tích lưu đề có niên đại từ thời Lê Sơ đến Hậu Nguyễn, ca ngợi cảnh đẹp “Chùa Hang – Kim Sơn Tự” như: Thơ của Tiến sĩ Thượng thư Vũ Quỳnh; thơ của danh sĩ Đặng Nghiệm; thơ của giải nguyên Cao Bá Quát; Phú văn của Chánh tổng Phạm Đức Độ.

Chùa Hang là nơi tu hành của nhiều bậc chân tu. Đến nay, chúng ta mới chỉ biết được một số vị như: Sư cụ Tâm Lai, Sư Ông Chính, Sư Ông Đức, Sư cụ Đàm Hinh, là những nhà sư đã có công lao lớn trong việc tu tạo bảo tồn chùa, phụng sự đạo tràng, không những phát triển Phật giáo tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc, mà còn có công lớn trong phát triển Phật giáo Việt Nam.

Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, đến nay Di tích Chùa Hang đã xuống cấp về mặt kiến trúc và quy mô. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của nhân dân và du khách thập phương, đồng thời phục vụ cho các hoạt động lễ hội của Chùa Hang, nhân dân toàn tỉnh Thái Nguyên góp công góp sức trùng tu Di tích lịch sử – Văn hóa Chùa Hang nhằm tôn vinh các giá trị tâm linh của đạo Phật, giúp con người hướng tới cái đích chân thiện mỹ.

Với tất cả những giá trị lịch sử vốn có ở nơi đây cùng tâm nguyện của sư trụ trì và toàn thể nhân dân, trong 3 năm qua đã có nhiều tăng ni phật tử, đơn vị, doanh nghiệp góp công, góp của để xây dựng chùa. Cả một quần thể kiến trúc chùa được sơn bao thuỷ bọc. Toàn bộ phía sau chùa là những dãy núi, phía trước chùa là dòng sông Cầu uốn lượn bao quanh. Các công trình chính điện tam bảo, cửa tam quan, lầu chuông, lầu trống đã và đang xây dựng hoàn thành sẽ sớm viên thành sở nguyện, góp phần gìn giữ một di sản văn hoá tâm linh, nâng tầm giá trị di tích tạo nên một danh lam thắng cảnh đẹp như bức tranh sơn thuỷ, thơ mộng chốn bồng lai.

Với giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của chùa Hang cùng tâm nguyện của sư trụ trì – Đại đức Thích Nguyên Thanh và toàn thể nhân dân, quần thể kiến trúc di tích chùa Hang được tôn tạo, mở rộng sẽ góp phần gìn giữ một di sản văn hóa, nâng tầm giá trị di tích, trở thành trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Thái Nguyên và là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang