Thuyết minh về cột cờ kinh thành Huế

thuyet-minh-ve-cot-co-kinh-thanh-hue

Thuyết minh về cột cờ kinh thành Huế.

Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc… Nơi đây, có kỳ đài (cột cờ), một trong 4 cột cờ cổ xưa nhất của nước ta, là niềm tự hào của người dân xứ Huế.

Cột cờ Kinh thành Huế, còn gọi là kỳ đài của Kinh thành Huế là một di tích kiến trúc thời nhà Nguyễn, nằm chính giữa mặt nam của Kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình. Đây là một công trình trong tổng thể các công trình thuộc quần thể kiến trúc cố đô Huế, là biểu tượng của quyền lực của Nguyễn triều.

Kỳ đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng kinh thành. Đến thời Minh Mạng, Kỳ Ðài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840.

Kiến trúc kỳ đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ được xây dựng bằng gạch nung, gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5 m, tầng giữa cao khoảng 6 m, tầng trên cùng cao hơn 6 m. Tổng cộng của ba tầng đài cao khoảng 17,5 m. Từ mặt đất lên tầng dưới bằng một lối đi nhỏ ở phía trái Kỳ Ðài, tầng dưới thông với tầng giữa bằng một cửa vòm rộng 4 m, tầng giữa thông với tầng trên cùng cũng bằng một cửa vòm rộng 2 m. Ðỉnh mỗi tầng có xây một hệ thống lan can cao 1 m được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền ba tầng lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới. Trước đây còn có hai chòi canh và tám khẩu đại bác.

Cột cờ được dựng ở vị trí chính của mặt bằng tầng cao nhất. Cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm hai tầng, cao gần 30 m. Năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài hơn 32 m. Đến năm Thành Thái thứ mười sáu (1904), cột cờ này bị một cơn bão lớn quật gãy, nên sau phải đổi làm bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa. Năm 1948, cột cờ bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37 m hiện nay mới được xây dựng.

Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ còn đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu. Thỉnh thoảng, lính canh phải trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển.

Ngày 23/8/1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thay thế cho lá cờ hình quẻ ly của triều đình Nguyễn. Trong Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, Quân Giải phóng miền Nam chiếm được Kỳ đài và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm. Năm 1975, sau khi giành thắng lợi trong Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, lá cờ dài 12 m, rộng 8 m của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại được kéo lên Kỳ đài.

Ngày nay, trên đỉnh cột cờ Huế lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh cột có chiều dài 12m, chiều rộng là 8m. Kỳ Đài không chỉ là vị trí trung tâm của Thành phố Huế mà còn là một biểu tượng của mảnh đất Cố đô. Nơi đây là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đặt chân đến xứ Huế mộng mơ. Hằng ngày, du khách thập phương vẫn rộn ràng bước chân khám phá và những bài học lịch sử của non sông đất Việt.

Với một di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy của dân tộc, kì đài Huế là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Trải qua bao thăng trầm, kỳ đài kinh thành Huế vẫn bền vững với thời gian, là chứng tích của cuộc đấu tranh anh hùng, quật khởi của nhân dân xứ Huế và toàn thể dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược và dựng xây đất nước.

Thuyết minh về di tích Phu Văn Lâu tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.