Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trãi

thuyet-minh-ve-nguyen-trai

Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trãi.

  • Mở bài:

Nguyễn Trãi là một nhà thơ, nhà văn lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, là vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Ông là một đại diện hùng hồn cho khí phách và tinh hoa của dân tộc ta. Công lao quý giá nhất và sự nghiệp vĩ đại nhất của thiên tài Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu nước, yêu dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang mà ông đã trọn đời theo đuổi. Dẫu cuộc đời phải chịu nhiều oan trái, tên tuổi của Nguyễn Trãi mãi mãi là niềm tự hào lớn lao của nhân dân ta.

  • Thân bài:

1. Cuộc đời đầy bất hạnh và vẻ vang của Nguyễn trãi.

Nguyễn Trãi sinh năm 1380 mất năm 1442, quê ở làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây. Ông là con của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại tướng công Trần Nguyên Đán. Xuất thân quyền quý đã tạo cho Nguyễn Trãi chí khí hơn người. Chính điều đó đã giúp ông vượt qua biết bao gian khổ và tạo lập sự nghiệp vĩ đại sau này.

Từ nhỏ, dẫu mẹ mất sớm, Nguyễn Trãi đã cố công chăm lo học tập để nối nghiệp tổ tông. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh và ra làm quan với cha dưới thời hồ Quý Ly. Năm 1407 giặc Minh xâm chiếm nước ta, cha bị giặc bắt đưa về Trung Quốc, ông cũng đi theo chăm sóc. Nghe lời cha, ông trở về quê nhà tìm kế cứu nước, báo thù. Trở về, Nguyễn Trãi bị giặc giam lỏng tại thành Đông Quan. Khi nghe tin ở vùng Lỗi Giang, đất Lam Sơn có Lê Lợi đang chiêu binh khởi nghĩa, Nguyễn Trãi lập tức trốn khỏi Đông Quan, vào Lam Sơn yết kiến và dâng “Bình Ngô sách” lên Lê Lợi, sau đó trở thành vị quân sư “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời”.

Năm 1428, ông thay lời Lê Lợi soạn thảo “Bình Ngô đại cáo”, bố cáo toàn thiên hạ về sự nghiệp đánh giặc Minh cứu nước vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn, mở ra một thời kì thái bình, thịnh trị của đất nước. Sau đó, ông được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi tiến sĩ đầu tiên của triều Lê và viết chiếu cầu hiền kêu gọi hiền sĩ ra giúp nước. Chẳng bao lâu sau, ông bị bọn nịnh thần chèn ép, gièm pha khiến nhà vua không còn tin tưởng. Quá buồn rầu,Nguyễn Trãi xin về Côn Sơn, gửi gắm niềm tâm sự vào thơ ca. Năm 1440, ông lại được vua vời ra giúp nước. Được tin dùng, ông lại đem hết tâm sức ra giúp nước, giúp dân, làm nên không biết bao nhiêu điều tốt đẹp.

Thế nhưng, oan nghiệt thay, đang tận lực phụng sự triều đình thì tai họa lại xảy ra đối với gia đình nguyễn Trãi. Năm 1442, nhà vua sau khi đi kinh lý, ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, đã băng hà ở Vườn Lệ Chi. Lợi dụng việc này, bọn gian thần đã vu khống khiến toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Đây có thể coi là oan án lớn nhất và thảm khốc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.

Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông sau khi đã xem xét, đã xuống chiếu minh oan cho ông và tìm kiếm con cháu của Nguyễn Trãi còn sót lại cho ra làm quan, kết thúc những tháng ngày sống lẩn khuất

Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam. Nguyễn Trãi còn là một thiên tài lỗi lạc nhưng có cuộc đời đầy oan khuất. Ông quả thật là anh hùng, là khí phách, là tinh hoa của dân tộc. Công lao quý giá nhất và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu nước yêu dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang của ông.

Với tình yêu nước thương dân nồng nàn, tha thiết, ông đã đem hết tâm hồn, trí tuệ, tài năng phục vụ lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của Nguyễn Trãi đã dẫn đường cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi. Tố chất thiên tài của Nguyễn Trãi là sản phẩm của phong trào đấu tranh anh dũng của dân tộc trong một cao điểm của lịch sử. Thiên tài ấy đã để lại một sự nghiệp lớn về nhiều mặt mà chúng ta còn phải tiếp tục tìm hiểu thêm mới có thể đánh giá đầy đủ và chính xác được. Dầu sao, nếu chỉ xét về mặt văn hóa thì cũng có thể khẳng định rằng Nguyễn Trãi đã cắm một cột mốc quan trọng trên con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực văn học.

2. Sự nghiệp văn học đa dạng và đồ sộ của thi hào Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, tất cả các tác phẩm nảy thể hiện phẩm chất trung quân ái quốc của ông. Nhiều tác phẩm trở thành áng văn bất hủ trong kho tàng văn học dân tộc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Có thể kể ra một số tác phẩm như: “Bình Ngô dại cáo”, “Dư địa chí “, “Lam Sơn thực lực”, “Phú núi Chí Linh”, “Quốc âm thi tập”, “Ức Trai thi tập”…

Thơ ca của Nguyễn Trãi thể hiện tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước và thương dân sâu sắc. Thương dân, trừng phạt kẻ có tội (điếu phạt) tiêu diệt quân tàn bạo hại nước hại dân (trừ bạo), đem lại yên vui, hạnh phúc cho nhân dân (yên dân), đó là việc nhân nghĩa:

“Việc, nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Sức mạnh nhân nghĩa là sức mạnh Việt Nam để chiến thắng thù trong giặc ngoài. Đó là “Đại nghĩa” (nghĩa lớn vì nước vì dân), là lòng “chí nhân” (thương người vô hạn):

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chi nhân để thay cường bạo”.

Lòng căm thù giặc sôi sục, quyết không đội trời chung với quân “cuồng Minh”:

“Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống”.

Tư tưởng nhân nghĩa của ức Trai luôn luôn gắn liền với lòng “trung hiểu” và niềm “ưu ái” (lo nước, thương dân):

“Bui có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chàng khuyết, nhuộm chăng đen”.

“Bui một tấc lòng ưu ái củ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông”.

Văn thơ Nguyễn Trãi thể hiện tình yêu thắm thiết đối với thiên nhiên, với với quê hương, gia đình. Ông dành tình yêu lớn đối với cây cỏ hoa lá, trăng nước mây trời, chim muông…

“Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then”.

Ông yêu quê hương, gia đình thiết tha:

“Quê cũ nhà ta thiếu của nào
Rau trong nội, cá trong ao”.

 Ông yêu thích và tự hào danh lam thắng cảnh đất nước :

“Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng,
Muôn hộc xanh om tóc mượt màu”.

Ông sống một cuộc đời thanh bạch, một tâm hồn thanh cao, khiết tịnh:

“Một tấm lòng son ngời lửa luyện.
Mười năm thanh chức ngọc hồ băng”.

Nếu thơ ca của Nguyễn Trãi mèm mại, uyển chuyển thì văn chính luận như “Bình Ngô đại cáo” lại rất hùng hồn, giọng điệu đanh thép, lí luận sắc sảo, đúng là tiếng nói của một dân tộc chiến thắng, một đất nước có nền văn hiến lâu đời. Thơ chữ Hán thì hàm súc, tinh luyện, thâm trầm. Thơ chữ Nôm hết mực bình dị mà tài hoa, thiết tha đằm thắm. Thơ thất ngôn xen lục ngôn là một dấu ấn kì lạ của nền thơ chữ Nôm dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nguyễn Trãi đã một bước phá vỡ tan tành luật thơ Đường Luật vốn thâm căn cố đế bao đời.

Nguyễn Trãi đã có những bước đột phá trong cách tân thể loại thất ngôn bát cú Đường luật và mở ra một thời kì phát triển huy hoàng của chữ Nôm, đánh dấu một móc son chói loại của nền thi ca dân tộc.

3. Đánh giá.

Nguyễn Trãi suốt đời sống trong sạch, suốt đời một lòng vì nước vì dân. Trở về với nông thôn, ông yên lòng và tự hào: “Quê cũ nhà ta thiếu của nào, Rau trong nội, cá trong ao”. Cấy cày là niềm vui: “Một cày một cuốc thú nhà quề, Áng chúc lan chen vãi đậu kê”. Người dân bùn lấm đáng được biết ơn: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Cuộc sống giản dị, nghèo mà thanh: “Bữa ăn dầu có dưa muối, Áo mặc nài chi gấm là”, “Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh, Áo bô quen cật vận xềnh xoàng”, xa lánh chốn lợi danh nham hiểm: “Co qoe thay bấy ruột ốc, Khúc khuỷu làm chi trái hòe”. Ông ca ngợi chi tiết của tùng, trúc, mai, ba cây không chịu khuất phục trước giá lạnh mùa đông và ông luôn giữ một tấm lòng trong sạch, một tấm “lòng thơm”.

Lòng thơm ấy là lòng yêu nước thương dân. Có khi ông gọi đó là “lòng trung hiếu”, “lòng ưu ái”. Nó suốt đời sôi nổi: “Bui có một lòng trung liễn hiếu, Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”, “Bui một tấc lòng ưu ái cũ, Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”. Nó dựa trên lý tưởng nhân nghĩa. Nhân nghĩa là một tư tưởng cao qúy xuyên thấm cuộc đời và thơ văn ông. Đối với ông, nhân nghĩa là “yên dân”, “trừ bạo” hay “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”. Được như vậy mới thực sự “Có nhân, có trí, có anh hùng”. Nhân trí, anh hùng ấy thuộc lòng yêu nước cao cả của ông, yêu nước bằng tư tưởng, tình cảm, bằng hành động cứu nước lo dân tuyệt vời. Nói cụ thể như : “cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt bạo tàn, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân”. Đất nước bị ngoại xâm, nó hiện thành lòng lòng căm thù giặc cao độ và ý chí kiên trì, gang thép tiêu diệt quân thù: “Căm giặc nước thề không cùng sống”, “Nếm mật nằm gai, há phải một sớm hai tối, Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh”. Quân giặc quét sạch rồi, nó là khát khao xây dựng một đất nước hưng thịnh, nhân dân đời đời ấm no hạnh phúc..

– Nguyễn Trãi – Bậc đại anh hùng dân tộc, nhân vật toàn tài của lịch sử Việt Nam. Ở Nguyễn Trãi là một nhà chính trị vĩ đại, một nhà quân sự tài ba, một nhà ngoại giao lỗi lạc, một nhà văn, một nhà thơ kiệt xuất. Năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới và tổ chức kỷ niệm 600 năm năm sinh của ông.

  • Kết bài:

Nguyễn Trãi là bậc anh hùng lỗi lạc, một nhà văn hóa vĩ đại, là đại thi hào kiệt xuất dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, danh nhân văn hoá thế giới. Một con người phải chịu những oan khiên thảm khốc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Nguyễn Trãi còn là ông tiên ở trong lầu ngọc thi ca mà tâm hồn lộng gió thời đại. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi là bài ca yêu nước, tự hào dàn tộc.


Tham khảo:

Thuyết minh về thiên tài Nguyễn Trãi.

  • Mở bài:

Nguyễn trãi là một nhà thơ, nhà văn, nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc của dân tộc ta; là danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời một sự nghiệp văn học đồ sộ. Trong đó nổi bậc nhất là tập “Quân trung từ mệnh tập” – một tập đại thành về nghệ thuật đánh giặc và áng văn “Bình Ngô đại cáo” – một thiên cổ hùng văn nức tiếng đến muôn đời. Thế nhưng, cuộc đời của Nguyễn Trãi cũng là một cuộc đời phi thường và nghiệt ngã xưa nay chưa từng có. (Thuyết minh về Nguyễn Trãi)

  • Thân bài:

1. Cuộc đời Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi sinh năm 1380 mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.

* Nguyễn Trãi thời kì đi học:

Ông là con thứ của Nguyễn Phi Khanh, một đại quan triều Hồ. Gia tộc ông có truyền thống hiếu học, lại nổi tiếng nghĩa khí, cương trực, luôn giúp đỡ và bảo vệ dân lành. Truyền thống tốt đẹp ấy gây ảnh hưởng sâu sắc đối với tài năng và tính cách của Nguyễn Trãi sau này.

Tròn 6 tuổi, mẹ mất, ông phải về Côn Sơn ở với ông ngoại Trần Nguyên Đán. Năm 1390, Trần Nguyên Đán cũng qua đời, Nguyễn Trãi theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê, Hà Nội. Tuổi thơ Nguyễn Trãi là một thời kỳ thanh bần nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập. Ông nổi tiếng là một người học rộng, có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân. Nhà sử học Phan Huy Chú từng nhận xét Nguyễn trãi tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, ông đều am hiểu cả.

* Nguyễn Trãi thời kì làm quan:

Năm 1400, nhà Hồ thành lập và mở khoa thi Nho học, Nguyễn Trãi tham dự và đỗ Thái học sinh. Năm đó ông đứng thứ tư, được trao chức Ngự sử đài Chính chưởng.

Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta. Hồ Quý Ly do khinh địch, không kịp phòng bị, lại không được lòng dân nên kháng chiến thất bại. Nguyễn Phi Khanh, cha Nguyễn Trãi, cùng nhiều quan lại khác bị bắt giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi cùng người em đi theo chăm sóc cha. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi tìm đường trở về, tính kế trả thù cứu nước.

* Nguyễn Trãi thời mười năm phiêu dạt tìm đến núi Lam Sơn, quyết tâm đánh giặc cứu nước:

Khi trở về nước, Nguyễn Trãi quyết chí phục thù, đánh giặc cứu cha. Ông rong ruổi khắp nơi vừa để trốn tránh bị bắt vừa mong gặp người hiền tài, kêu gọi những ai cùng chung ý chí đứng lên chống giặc.

Năm 1416, nghe tiếng Lê lợi, một người anh hùng có chí lớn đang chiêu binh, ông tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dâng cho Lê Lợi tác phẩm Bình Ngô sách. Ông nhanh chóng được Lê Lợi thâu nhận và trọng dụng. Từ đó, ông gắn bó với phong trào khởi nghĩa Lam Sơn.

Không những tham gia xây dựng đường lối quân sự, chính trị phù hợp, Nguyễn Trãi còn đảm đương những nhiệm vụ quan trọng như soạn thảo thư từ địch vận, tham mưu, vạch ra chiến lược chiến thuật cho nghĩa quân. Ông góp công sức rất lớn tạo nên những chiến thắng vang dội của nghĩa quân Lam Sơn.

Năm 1428, kháng chiến thành công, ông được Lê Lợi giao cho soạn bài cáo Bình Ngô. Từ đó, ông làm quan dưới triều Lê, góp công xây dựng, phát triển đất nước vững bền. Thời kì làm quan thăng trầm trôi nổi. Nhiều lúc chứng kiến kẻ gian thần lộng hành mà ông can gián vua không nghe, bất mãn ông xin từ quan ở ẩn một thời gian ở núi Côn Sơn.

Khi Lê Thái Tôn lớn lên, hiểu rõ Nguyễn Trãi, nhà vua đã cho vời ông trở lại làm quan. Vua cho ông giữ chức Tả gián nghị đại phu. Rất mừng rỡ, ông viết bài Biểu tạ ơn hết sức xúc động và lại hăng hái ra giúp nước, chỉnh đốn kỷ cương, đào tạo nhân tài.

Năm 1442, một lần ghé thăm gia đình Nguyễn Trãi ở vườn Lệ Chi, vua Lê Thái Tôn chẳng may băng hà. Lợi dụng sự việc này, bọn gian thần vốn xưa nay ganh ghét Nguyễn Trãi đã vu cho ông tội giết vua và nhận án bị tru di tam tộc. Đây là một kì án thảm khốc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Mãi 20 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới giải được hàm oan này, khôi phục lại danh dự cho Nguyễn Trãi.

* Nhận xét chung:

Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc đời chiến đấu không ngừng nghỉ. Ông kiên quyết chiến đấu chống bạo lực xâm lược và chống gian tà. Tư tưởng nhân nghĩa là đỉnh cao chói sáng trong thơ ông. Quan điểm xem văn chương là vũ khí chiến đấu thể hiện rõ trí tuệ sáng suốt của một thiên tài và bản lĩnh của một chiến sĩ dũng cảm.

Cuộc đời Nguyễn Trãi cho chúng ta bài học quý báu về tinh thần nhân đạo, nhiệt tình chiến đấu, quan điểm mạnh dạn đổi mới, sáng tạo. Trên cơ sở của thực tiễn và kinh nghiệm chiến đấu của các thời đại, Nguyễn Trãi đã xây dựng cho mình những quan điểm đúng đắn về khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược.

Nguyễn Trãi còn vận dụng rất thành công thuật tâm công (đánh vào tâm lí) trong cuộc chiến chống kẻ thù. Bởi ông nắm vững tâm lí của con người, thấu hiểu quy luật vận động của nó, sự biến chuyển của thời cuộc, nên đã có những lời lẽ đi thằng vào lòng người làm nên những đổi thay to lớn theo chiều hướng mà ông mong muốn. Bộ Quân trung từ mệnh tập được Phan Huy Chú đánh giá có sức mạnh hơn mười vạn quân là cũng bởi vì thế. Có thể nói, Nguyễn Trãi là người đầu tiên đặt nền móng cho tư tưởng chiến tranh nhân dân.

2. Sự nghiệp văn học Nguyễn Trãi:

Nguyễn Trãi để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi…

– Văn chính luận:

“Bình Ngô đại cáo” là bài cáo tổng kết toàn bộ công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn. Có thể nói, công lao lớn đầu tiên của Nguyễn Trãi trên lĩnh vực tư tưởng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và cũng rất sớm đối với lịch sử thế giới, Nguyễn Trãi đã khẳng định một cách mạnh mẽ và đanh thép sự tồn tại của dân tộc Việt Nam. Đó là quyền độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết và quyền bảo tồn phát triển nền văn hoá của dân tộc Việt Nam.

“Quân trung từ mệnh tập” là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi gửi cho các thủ lĩnh các cứ, các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ năm 1423 đến năm 1427. Nội dung chính là trình bày quan điểm, khẳng định lập trường, nhận định thời thế, kêu gọi chiêu hàng.

“Lam Sơn thực lục” là quyển lịch sử ký sự ghi chép về công cuộc 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn. Quyển này Nguyễn Trãi kết hợp với các sử quan triều đình biên soạn theo lệnh của Lê Thái Tổ năm 1431

“Văn bia Vĩnh Lăng” do Nguyễn Trãi soạn năm 1433, kể lại thân thế và sự nghiệp của Lê Thái Tổ.

– Địa lý: “Dư địa chí” là quyển sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam.

– Thơ phú:

“Ức Trai thi tập” là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ. Tập thơ thể hiện sâu sắc phong thái thanh cao và tinh thần cứng cỏi của một bậc đại Nho.

“Quốc âm thi tập” là tập thơ bằng chữ Nôm duy nhất của Nguyễn Trãi và cũng là tập thơ chữ Nôm đầu tiên của nền văn học Việt Nam. Cho đến nay, tập thơ này được lưu truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn, trở thành nguồn tư liệu quý giá trong công tác nghiên cứu chữ Nôm.

“Chí Linh sơn phú” là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422.

“Băng Hồ di sự lục” là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời ông ngoại Trần Nguyên Đán.

Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn có một số tác phẩm khác như “Ngọc đường di cảo”, “Thạch khánh đồ”, “Luật thư”, “Giao tự đại lễ “nhưng đều không còn lại đến ngày nay.

  • Kết Bài:

Trong tâm trí thế hệ các con cháu hôm nay và mai sau, ngôi sao Khuê Nguyễn Trãi mãi mãi còn chiếu sáng, mãi mãi là một vị anh hùng dân tộc, thể hiện trong ông ý chí kiên cường, sáng suốt của một vị cố vấn quan trọng, một thi sĩ tài ba, một nhà ngoại giao và là nhà chiến lược quân sự xuất sắc. Nguyễn Trãi là sản phẩm của dân tộc, là sự kết tinh của tinh hoa dân tộc và thời đại, là người phát ngôn tư tưởng lí tưởng lớn của thời đại. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.


Dàn bài tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp của thiên tài Nguyễn Trãi.

I. Cuộc đời Nguyễn Trãi.

1. Gia đình:

– Nguyễn Trãi (1930 – 1442) hiệu là Ức Trai. Ông quê gốc ở Chi Ngại Chí Linh – Hải Dương sau dời về Nhị Khê – Thường Tín – Hà Tây. Nguyễn Trãi là con trai của Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, cháu ngoại của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Sinh ra trong một gia đình có hai truyền thống lớn: yêu nước và văn hoá, văn học.

2. Quá trình trưởng thành:

– Tuổi thơ Nguyễn Trãi có nhiều bất hạnh: 5 tuổi mất mẹ; 10 tuổi, ông ngoại qua đời.

– Sống trong thời đại có nhiều biến động dữ dội:

+ 1400 thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), ra làm quan với nhà Hồ.
+ Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, cha bị bắt đưa về trung Quốc, Nguyễn Trãi gạt lệ chia tay khắc sâu lời cha dặn: lập chí, rửa nhục nước, trả thù nhà mới là đại hiếu.
+ Thoát khỏi sự giam lỏng của giặc ở Đông Quan, Nguyễn Trãi theo Lê Lợi làm nên chiến thắng ở Lam Sơn, Thanh Hoá
+ 1407 – 1420 : 10 năm thoát tay giặc, nương náu trong dân, tìm đường cứu nước. Sống giản dị, gần gũi với nhân dân lao động. Đây là tiền đề cho tư tưởng “dựa vào dân” (lấy dân làm gốc): Nhân nghĩa là yên dân, trừ bạo.
+ 1420 : Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi dâng Bình Ngô sách.
+ 1427 : Nguyễn Trãi viết thư, thảo hịch dụ hàng quân địch (Vương Thông)
+ 1428 : Thừa lệnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo”
+ 1431 – 1438 : buồn phiền vì không được tin dùng.
+ 1439 : xin về ở ẩn ở Côn Sơn.
+ 1440 : vua Lê Thái Tông mời làm việc (chủ khảo kì thi tiến sĩ)
+ 1442 : bị mắc vào án oan Lệ Chi Viên, dẫn đến việc bị tru di tam tộc (họ cha – mẹ – vợ)

→ Có thể nói rõ về vụ án Lệ Chi Viên khơi gợi sự thương xót Nguyễn Trãi – bậc kỳ tài, trung quân.

– 1464 : vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi: “Ức Trai lòng dạ sáng sao Khuê”.
– 1980 được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới

Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, danh nhân văn hoá thế giới. Một con người phải chịu những oan khiên thảm khốc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

II Sự nghiệp thơ văn:

1. Những tác phẩm chính :

Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại: quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá, văn học bằng chữ Hán, Nôm

* Tác phẩm viết bằng chữ Hán :

– Quân trung từ mệnh tập (quân sự – ngoại giao),
– Bình Ngô đại cáo (chính trị – lịch sử),
– Chí Linh sơn phú,
– Băng Hồ di sự lục,
– Văn bia Vĩnh Lăng,
– Lam Sơn thực lục (lịch sử ),
– Dư địa chí (bộ sách Địa lí cổ nhất Việt Nam),
– Ức Trai thi tập (Thơ ca)…

* Tác phẩm viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập (254 bài)

2. Nguyễn Trãi – nhà văn chính luận kiệt xuất :

– Tác phẩm chính: Quân trung từ mệnh tập, Bình ngô đại cáo, chiếu biểu (thời Lê)…
– Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong các áng văn chính luận : tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân → luận điểm cốt lõi.
– Văn chính luận của ông đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực, bố cục súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, chứng cứ cụ thể, giọng điệu linh hoạt (khi hào hùng, khi ôn tồn)…

3. Nguyễn Trãi – nhà thơ trữ tình sâu sắc :

* Hai tập thơ “Ức Trai thi tập”“Quốc âm thi tập” ghi lại hình ảnh Nguyễn Trãi vừa là người anh hùng vĩ đại vừa là con người trần thế.

a. Chân dung tinh thần của người anh hùng vĩ đại:

– Lí tưởng anh hùng: nhân nghĩa hòa hợp với yêu nước thương dân.

“Bui một tấm lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”

(Thuật hứng 2)

– Con người bình thường hoà quyện với con người anh hùng. Phẩm chất, ý chí người anh hùng: mạnh mẽ kiên trung, vì dân vì nước chiến đấu chống ngoại xâm và chống cường quyền bạo ngược. Vd : Tự thán 40, Tùng.

b. Con người trần thế :

– Nỗi đau thế sự, tình yêu thương con người. Vd : Tự thuật – bài 9.
– Tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Vd : Bảo kính cảnh giới – bài 26.
– Nghĩa vua tôi, tình cha con sâu nặng. Vd : Ngôn chí – bài 7
– Tình bằng hữu sáng trong. Vd : “Lòng bạn trăng vằng vặt cao”

Qua thơ, thấy được vẻ đẹp nhân bản của người anh hùng Nguyễn Trãi với những tình cảm bình dị sâu sắc.

4. Nghệ thuật:

– Sáng tạo thơ lục ngôn (6 tiếng)
– Việt hoá thơ Đường
– Hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi, bình dị
– Cảm xúc tinh tế

Các tác phẩm thơ Nôm của Nguyễn Trãi là bông hoa đầu mùa tuyệt đẹp của thơ Nôm Việt Nam (Lê Trí Viễn)

  • Kết bài:

Văn chương Nguyễn Trãi hội tụ hai nguồn cảm hứng lớn của văn học dân tộc là yêu nước và nhân đạo. Nêu cao chủ nghĩa yêu nước : ca ngợi cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì đạo lí chính nghĩa. Thể hiện tinh thần nhân đạo: tư tưởng nhân nghĩa, yên dân trừ bạo. Nguyễn Trãi có đóng góp lớn về thể loại và ngôn ngữ. Về thể loại, ông tạo ra những áng văn chính luận xuất sắc, mở đường cho thơ Nôm Đường luật phát triển. Ông cũng là người đưa ngôn ngữ tiếng Việt trở thành ngôn ngữ giàu và đẹp.


CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP THIÊN TÀI NGUYỄN TRÃI.

I. CUỘC ĐỜI NGUYỄN TRÃI.

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một qúy tộc đời Trần.

Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười tuổi, ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước tạ Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên , ông trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, ông tìm theo Lê Lợi. Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn. Đó là vào những năm 1438 – 1440. Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn chứa thù từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ năm 1442.

Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau, 1464, Lê Thánh Tông mới giải tỏa, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan.

Nhìn chung, ở cuộc đời Nguyễn Trãi nổi lên hai điểm cơ bản sau:

+ Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất.

+ Nhưng Nguyễn Trãi cũng là một người đã phải chiụ những oan.

II. SỰ NGHIỆP THƠ VĂN.

– Nhà văn, nhà thơ lớn: là anh hùng dân tộc, Nguyễn Trãi còn là nhà văn, nhà thơ lớn. Ông còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị.

+ “Quân trung từ mệnh tập” là những thư từ gửi cho các tướng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh, nhằm thực hiện kế “đánh vào lòng”, ngày nay gọi là địch vận.

+ “Bình Ngô đại cáo” lấy lời Lê Lợi tổng kết 10 năm chống giặc, tuyên bố trước nhân dân về chính nghĩa quốc gia, dân tộc, về qúa trình chiến đấu gian nan để đi đến chiến thắng vĩ đại cuối cùng giành lại hòa bình cho đất nước. “Lam Sơn thực lục” là cuốn sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

+ “Dư địa chí” viết về địa lý lịch sử nước ta.

+ “Chí Linh sơn phú” nói về cuộc chiến đấu chống giặc Minh gian khổ và anh hùng. Các tác phẩm ấy đều là văn bằng chữ Hán.

– Về thơ, có hai tập:

+ “Ức trai thi tập” bằng chữ Hán.

+ “Quốc âm thi tập” bằng chữ Nôm, tức chữ Việt, đó là thơ cả một đời, từ lúc trẻ đến tuổi già, nhiều nhất là khoảng 10 năm tìm đường và thời gian về nghỉ ở Côn Sơn. Nội dung thấy rõ trong đó là tâm tình đối với quê hương, gia đình, với nước, với dân, với bao éo le trong cuộc đời…

– Tình yêu quê hương gia đình: Nội dung thơ văn ông rất phong phú. Đây chỉ nói vắn tắt một vài khía cạnh. Nét đầu tiên là niềm tha thiết với thiên nhiên ở quê hương. Bắt đầu là những cái nhỏ nhặt, tưởng như không đâu, nhưng chan chứa thân thương. Rau muống, mồng tơi, râm bụt, cây chuối, cây đa, cây mía… đều thành vần điệu. Đào, liễu, tùng, trúc cao sang đứng liền bên cạnh rau muống, mồng tơi quê mùa một cách tự nhiên. Không chút gì phân biệt sang hèn. Tất cả đều được lòng ông trìu mến. Ông nói một cách trang trọng: “Hái cúc, ương lan, hương bén áo, Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn”, mà cũng vừa vui tươi chân chất: “Ao cạn, vớt bèo cấy muống, Trì thanh, phát cỏ ương sen“. Ông phát hiện ra cái đẹp bình dị rất bất ngờ: “Đêm trăng gánh nước thì gánh luôn trăng đem về” (“Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về”). Bầu trời không mây, trong suốt một màu xanh, ông thấy đó là một bầu ngọc đông lại (“Thế giới đông nên ngọc một bầu”). Thuyền bè chen nhau gối đầu lên bãi, ông nhìn thành một đám tằm lúc nhúc (“Tằm ươm lúc nhúc thuyền đầu bãi”). Con rùa, con hạc, núi, chim, mây, trăng, ông coi là con cái, là láng giềng, là anh em: “Rùa nằm, hạc lẩn nên bầy bạn, U ấp cùng ta làm cái con…”, “Núi láng giềng, chim bầu bạn, Mây khách khứa, nguyệt anh tam”. Có lúc, ông như hòa tan mình vào thiên nhiên đến mức dòng suối, tảng đá phủ rêu, vòm thông tán trúc như hòa nhập với ông làm một: “Côn Sơn có suối rì rầm. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai, Côn Sơn có đá rêu phơi, Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm, Trong lèn thông mọc như nêm, Tha hồ muôn lọng ta xem chốn nằm, Trong rừng có bóng trúc râm, Giữa màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”… (Côn Sơn ca – dịch).

– Tiếp theo là niềm tha thiết với bà con thân thuộc ở quê nhà. Thời còn giặc Minh, nhiều năm ông phải lẫn tránh khắp nơi, xa nhà, xa quê, xa bà con thân thuộc với bao nỗi buồn rầụ Đêm thu, xa nhà, bên ngọn đèn khuya, ông day dứt::

“Gió thu đến, lá rụng rồi. mình vẫn lận đận quê người.
Đêm mưa, bên ngọn đèn leo lét, hồn mộng cứ vẫn vơ mãi nơi đất khách”

(Đêm thu đất khách – dịch).

Tiết Thanh minh đến, theo tục, con cháu phải về thăm mồ mã ông bà, sửa sang, bồi đắp, thắp nén hương tưởng nhớ, cho đúng đạo làm con cháu, thế mà đã bao năm ông không về được. Ông chỉ não lòng:

“Thân mình xa ngàn dặm, mồ mã ông bà ở quê không sao giẫy cỏ thắp hương
Mười năm đã qua, những nguời ruột thịt, quen thân cũ đã chẳng còn ai
Đành mượn chén rượu ép mình uống, không cho lòng cứ ngày ngày xót xa nỗi nhớ quê”

(Thanh minh – dịch).

– Ông mất mẹ lúc mới lên sáu. Lòng con thương mẹ càng nồng. Ông bà ngoại, cậu, dì đều ở Côn Sơn. Quê nội nhiều đời cũng ở đó. Một lần đi thuyền về thăm, ông ôn lại bao nỗi đắng cay trong những ngày lưu lạc. Nghe sao mà tha thiết:

“Mười năm rồi mình trôi dạc như cánh bèo
Đêm ngày nổi nhớ quê cứ như giày vò trong lòng
Bao lần đã gửi hồn tìm về quê cũ

Nhưng rồi đành nhỏ nước mắt thấm máu mà gội rửa trong tưởng tượng nấm mồ mẹ, mồ mã ông bà, còn xóm làng, bà con, trong lúc giặc giày xéo thì tránh sao được những hành vi bạo tàn của chúng! mà mình thì cứ đang phải thương xót suông, Trời: biết làm sao đây! Một đêm trôi qua bên gối, không cách nào nhắm mắt được” (viết trên thuyền về Côn Sơn – dịch).

– Đời sống trong sạch, suốt đời một lòng vì nước vì dân: Trở về với nông thôn, ông yên lòng và tự hào: “Quê cũ nhà ta thiếu của nào, Rau trong nội, cá trong ao”. Cấy cày là niềm vui: “Một cày một cuốc thú nhà quề, Áng chúc lan chen vãi đậu kê”. Ông ca ngợi chi tiết của tùng, trúc, mai, ba cây không chịu khuất phục trước giá lạnh mùa đông và ông luôn giữ một tấm lòng trong sạch, một tấm “lòng thơm”.

Đất nước bị ngoại xâm, nó hiện thành lòng lòng căm thù giặc cao độ và ý chí kiên trì, gang thép tiêu diệt quân thù: “Căm giặc nước thề không cùng sống”, “Nếm mật nằm gai, há phải một sớm hai tối, Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh”. Quân giặc quét sạch rồi, nó là khát khao xây dựng một đất nước hưng thịnh, nhân dân đời đời ấm no hạnh phúc: “Xã tắc từ đây bền vững, Giang sơn từ đây đổi mới…., Muôn thưở nền thái bình vữngchắc”.

Làm sáng tỏ lòng yêu nước, thương dân, lo cho vận mệnh dân tộc trong thơ văn Nguyễn Trãi

5 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hướng dẫn làm bài thuyết minh về Nguyễn Trãi - Theki.vn
  2. Thuyết minh cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Chiểu - Thế Kỉ
  3. Quan điểm về văn chương nghệ thuật của Nguyễn Trãi - Theki.vn
  4. Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi (đầy đủ) - Theki.vn
  5. Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.