Thuyết minh về Phố cổ Đồng Văn tỉnh Hà Giang

Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

  • Mở bài:

Với bề dày lịch sử của Hà Giang, ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của con người Hà Giang còn chứa đựng nhiều vốn văn hóa dân gian tiềm ẩn, lưu truyền trong nhân dân. Trong đó, Phố cổ Đồng Văn là một trong những di sản nổi bậc nhất, biểu hiện sinh động cho đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người dân Hà Giang xưa, vẫn được gìn giữ đến ngày nay, đồng thời cũng cho thấy giá trị văn hóa đậm nét của vùng đất này.

  • Thân bài:

Khu phố cổ nằm trong khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay. Ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến.

Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.

Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ cao cao… Từ trên cao nhìn xuống, bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Một khu dân cư chủ yếu là người Tày với hàng chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê và được xem như một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn. Sự giao thoa kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của cư dân vùng Hoa Nam (Trung Quốc) còn tồn tại đến nay rất ít gặp ở nước ta.

Theo tài liệu từ một cuộc hội thảo về phố cổ Đồng Văn thì tại khu vực này còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày và được xây dựng từ khoảng năm 1860.

Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 “đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.

Hầu hết các ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đều đang ở trong tình trạng cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, việc dãn dân ra khỏi khu phố cổ chỉ nên áp dụng với những hộ quá đông người, đồng thời cần phải duy trì một cuộc sống bình thường của con người để bảo tồn một không gian văn hóa của nhiều dân tộc đang sống ở Đồng Văn. Nét văn hóa phi vật thể này có thể hấp dẫn du khách hơn những ngôi nhà cổ dù được gìn giữ tốt nhưng lại không gắn với sự sống, với sinh hoạt của con người.

  • Kết bài:

Sự đa dạng, giàu có của di sản văn hoá là hội tụ nét văn hóa đặc sắc của các tộc người ở Hà Giang. Với nét đặc trưng vốn có, vẻ đẹp trong nền văn hóa đa màu sắc  kies trúc của người dân trong khu phố cổ Đồng văn đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng và độc đáo của miền đất này. Năm 2009, Bảo tàng Hà Giang đã hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Hy vọng rằng, thời gian tới, phố cổ Đồng Văn sẽ được bảo tồn, trùng tu tôn tạo và trường tồn trên mảnh đất Cao nguyên đá cực Bắc của Tổ quốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang