Thuyết minh tác giả Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập.

thuyet-minh-ve-tac-gia-ho-chi-minh-va-tac-pham-tuyen-ngon-doc-lap

Thuyết minh tác giả Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập.

  • Mở bài:

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là một lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam vừa là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Hồ Chí Minh còn để lại một di sản văn học quý giá, với phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo. Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm xuất sắc của Hồ Chí minh, được viết sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

  • Thân bài:

Tác giả Hồ Chí Minh.

– Từ tuổi thơ đau thương cho đến khi lên tàu ra đi tìm đường cứu nước năm 1911.

Hồ Chí Minh (1890-1969), quê tỉnh Nghệ An, một vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều nhân tài xuất chúng. Quê hương có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh sau này.

Lúc còn nhỏ, Bác có tên là Nguyễn Sinh Cung tự là Tất Thành. Đến khi theo mẹ vào Huế, Bác dùng luôn tên gọi là Nguyễn Tất Thành. Cha Nguyễn Sinh Cung là một nhà Nho tên là Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), từng đỗ phó bảng, có lòn yêu nước sâu sắc. Chính cha là người dạy Bác học chữ và đạo lí ở đời. Mẹ Bác là bà Hoàng Thị Loan (1868-1901), một người phụ nữ hiền hậu, hết mực yêu chồng thương con. Bác có một người chị gái là Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1884), một người anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm (sinh năm 1888, tự Tất Đạt cùng một em  trai nhưng đã mất từ sớm.

Tuổi thơ Hồ Chí Minh trải qua nhiều gian khổ đâu thương tột cùng. Khi mới 5 tuổi, Bác phải theo mẹ vào Huế. Năm 11 tuổi, mẹ Bác qua đời, Bác phải trở về Nghệ An với bà ngoại rồi sau đó theo cha. Tuổi thơ nghèo khó, lại sớm mỗ côi mẹ, thiếu vắng tình yêu thương đã hun đúc trong Hồ Chí Minh về ý nghĩa cuộc sống và khát vọng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ cho mình mà cho cả dân tộc.

Năm 20 tuổi, Bác vào dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Trong thời gian này Bác có tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều chí sĩ yêu nước. Chính tư tưởng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc của các nhà cách mạng là động lực cỗ vũ mạnh mẽ đối với chàng trai Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên, Bác không hoàn toàn tán thành đường lối và phương pháp của các chí sĩ cách mạng tiền bối. Người nhận thấy những tư tưởng ấy không những không mang lại kết quả gì mà còn có thể mang đến mối hiểm họa cho dân tộc.

Thực tế, các nhà cách mạng lão thành chưa thực sự hiểu gì về chủ nghĩa thực dân thế giới. Bằng cách này hay cách khác, họ cũng chỉ lặp lại cách mà Nhật Bản đã làm, trong chờ vào lòng thương của kẻ thù dân tộc. Bác nhận rõ, đó là một sự ảo tưởng, không thể có kết quả. Muốn chiến thắng kẻ thù phải hiểu rõ kẻ thù. Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Bác đã lên tàu viễn dương, ra đi tìm kiếm con đường cứu nước.

Những năm tháng Bác hoạt động ở nước ngoài.

Với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước phương Tây, bác đã không ngần ngại chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ. Nơi đất khách quê người, một thân một mình, nhiều lúc ốm đau không người chăm sóc, tưởng chừng như bác không thể vượt qua. Thế nhưng bằng ý chí, nghị lực và bản lĩnh phi thường của một con người cách mạng yêu nước, Người đã chiến thắng nghịch cảnh và có những hoạt động ý nghĩa.

Trên con tàu viễn dương, bác đã đi khắp châu Âu, châu Mĩ, châu Phi. Ở nước ngoài, khi có điều kiện, người lại tham gia diễn thuyết, đấu tranh vì hòa bình thế giới. Năm 1920, Bác đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin. Từ đó Bác hoàn toàn tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản. Đó là một móc son quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành trong tư tưởng và đường hướng cách mạng của Hồ Chí Minh.

Ngoài các hoạt động tích cực ở Pháp, Bác còn hoạt động ở Nga, Anh, Đức, Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác. Người tham gia vào nhiều tổ chức đảng và tổ chức xã hội trên khắp thế giới. Người cũng là thành viên của Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người luôn giữ liên lạc với các đồng chí cách mạng khác ở trong nước.

Trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng làm nên những kì tích lịch sử.

Khi tư tưởng và đường hướng đã sáng rõ, năm 1941, Hồ Chí Minh trở về nước và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong nước. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, phong trào đấu tranh cách mạng của Việt nam không ngừng lớn mạnh, lực lượng cách mạng cũng hình thành và phát triển trên khắp cả nước. Từng bước, dưới sự dìu dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chiến thắng lịch sử Cách mạng tháng Tám dẫn đến việc khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954, quét sạch quân Pháp ra khỏi nước ta.

Sau đó, Người tiếp tục lãnh đạo nhân dân làm cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước cho đến khi qua đời năm 1969. nguyện vọng của Người tiếp tục được Người cẩn thận gửi gắm vào các thế hệ kế cận dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng nhất định phải giải phóng dân tộc, nhất định phải giải phóng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi là tổn thất to lớn của đất nước, để lại trong lòng nhân dân biết bao đau thương, mất mát. Như đồng chí Lê Duẩn đã viết trong bài điếu văn truy điệu: Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này vô cùng lớn lao. Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch – Người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta…

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh đã sống vì nước vì dân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chưa bao giờ Người nghĩ đến bản thân Mình. Tư tưởng của Bác là đoàn kết dân tộc, đó là sức mạnh làm nên cuộc cách mạng vĩ đại khiến kẻ thù phải đầu hàng, chấp nhận thất bại. người cũng chú trọng đến đoàn kết quốc tế, thiết lập các mối quan hệ ngoại giao bền chặt với các nước anh em. Với tinh thần ham học hỏi, Hồ Chí Minh đã tiếp thụ được nền tri thức tiến bộ và am hiểu nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Kết hợp với bản lĩnh phương Đông đã tạo ra một nét văn hóa hoàn toàn mới mẻ ở Người. Như một nhà báo nước ngoài đã nhận xét đó là nền văn hóa của tương lai.

Sự nghiệp văn học.

Quan điểm sáng tác văn chương.

Hồ Chí Minh coi văn chương là một thứ vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát tử mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định hình thức và nội dung tác phẩm.

Di sản văn học.

Hồ Chí Minh để lại một di sản văn học lớn lao về tầm vóc và tư tưởng, phong phú về thể loại và đa dạng về phong cách nghệ thuật:

* Văn chính luận: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Tuyên ngôn Độc lập” (1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946), “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (1966).

* Truyện và kí: “Paris” (1922), “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” (1922), “Con người biết mùi hun khói” (1922), “Vi hành” (1923), “Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu” (1925), “Con Rùa” (1925), “Nhật kí chìm tàu” (1931), “Vừa đi vừa kể chuyện” (1963).

* Thơ ca: “Nhật kí trong tù” (1942 – 1943). “Thơ Hồ Chí Minh” (1967). “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” (1990).

Phong cách nghệ thuật.

Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh độc đáo và đa dạng. Văn chính luận thường ngắn gọn, tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng đầy sức thuyết phục; giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp. Truyện và kí rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng vừa có sự sắc bén thâm thúy của phương Đông, vừa có cái hài hước, hóm hỉnh của phương Tây. Thơ tuyên truyền vận động cách mạng với lời lẽ giản dị mộc mạc mang màu sắc dân gian hiện đại, dễ thuộc, dễ nhớ, có sức tác động lớn. Thơ nghệ thuật hàm súc, uyên thâm, có sự kết hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, chất trữ tình và tính chiến đấu.

Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập.

Hoàn cảnh sáng tác.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật, kẻ đang chiếm đóng nước ta đã đầu hàng quân Đồng minh. Trên cả nước nhân dân ta đã vùng dậy giành chính quyền.

Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà 48 – phố Hàng Ngang – Người đã soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập.

Ngày 2/9/1945 tại quãng trường Ba Đình, người đã độc bản Tuyên Ngôn Độc Lập trước hàng chục vạn đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Cũng vào thời gian đó, nhà cầm quyển Pháp tuyên bố: Đông Dương là thuộc địa của Pháp bị quân Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông dương đương nhiên phỉa thuộc quyển “bảo hộ” của ngưởi Pháp. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã cương quyết bác bỏ luận điệu này.

Mục đích sáng tác.

+ Khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước quốc dân và thế giới.

+ Tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bày tỏ quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

+ Bác bỏ luận điệu sai trái Pháp trước dư luận quốc tế, chặn đứng âm mưu xâm lược Việt Nam của các nước đồng minh, đặc biệt là Pháp.

+ Tranh thủ sự đồng tình của thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Đối tượng sáng tác.

+ Toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới

+ Các thế lực thù địch, nhất là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Giá trị của bản “Tuyên ngôn Độc lập”.

Giá trị lịch sử: Là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, thoát khỏi thân phận thuộc địa. Là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng dân tộc ta trên toàn thế giới Là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta.

Giá trị văn học: Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm chính luận mẫu mực, đặc sắc. Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ; lí lẽ sắc bén; bằng chứng xác thực; ngôn chữ hùng hồn, gợi cảm…

Giá trị tư tưởng: Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn tâm huyết của Hồ Chí Minh, hội tụ vẻ đẹp và tình cảm của Người, thể hiện lí tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần yêu chuộng độc lập, tự do của dân tộc ta.

  • Kết bài:

Bác Hồ là một biểu tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”; đã có “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. Không những được nhân dân Việt Nam yêu thương và tôn kính, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được nhân dân khắp thế giới ngưỡng mộ và ngợi ca. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác nhiều tác phẩm. Tên tuổi, sự nghiệp và hình ảnh của Người sống mãi trong lòng nhân loại.

Nghị luận: Tuyên ngôn Độc lập vừa là một văn kiện lịch sử vô giá vừa là một áng văn chính luận mẫu mực

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn độc lập (Bùi Đình Phong) (Bài 5, Ngữ văn 6, tập 1, Cánh Diều) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.