Thuyết minh về thác Bản Giốc tỉnh Cao Bằng

thuyet-minh-ve-thac-ban-gioc-tinh-cao-bang

Thuyết minh về thác Bản Giốc tỉnh Cao Bằng.

  • Mở bài:

Giữa bốn bề núi non hùng vĩ Cao Bằng, Thác Bản Giốc hiện ra sừng sững, đẹp như miền cổ tích khiến bất cứ ai khi đến đây cũng không khỏi choáng ngợp. Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà vô cùng thơ mộng, thác nước từ trên cao đổ xuống tựa như dải lụa trắng mềm mại nổi bật trên nền xanh của núi rừng miền biên giới, là niềm tự hào của người Việt Nam, đồng thời là điểm đến mà bất cứ ai cũng phải tới thăm nơi ấy.

  • Thân bài:

Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của Đàm Thuỷ, qua bãi ngô trên bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Lòng sông ở đó đột ngột trụt xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi đổ xuống chân thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.

Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất, hùng vĩ nhất khu vực Đông Nam Á. Thác bao gồm cả thác chính và phụ với tổng chiều rộng là 208 m, cao 70 m, chia làm 3 tầng. Chính giữa là dòng chảy chính, nước tuôn ào ạt quanh năm. Xung quanh có vô số dòng chảy phụ. Khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi, tạo thành một màn bụi nước trắng xóa. Ở giữa dòng chính có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng nước thành 3 luồng như ba dải lụa trắng. Dưới chân thác là mặt sông Quây Sơn phẳng lặng như gương, nước trong xanh soi bóng núi mây trời. Hai bên bờ là ruộng đồng xanh tốt của người Tày, Nùng sinh sống lâu đời ở xóm Bản Giốc.

Vẻ đẹp của Thác Bản Giốc được phô bày rõ nhất là vào mùa mưa, khi lưu lượng nước chảy đều cả dòng chính lãn dòng phụ. Đây là thời điểm thác Bản Giốc mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội. Dòng nước vĩ đại cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa, ngỡ như làn mây trời đang lũ lượt kéo về khi mưa đến. Từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau là mùa khô. Dòng nước hiền hòa và thanh bình hơn, các dòng chảy phụ giảm tốc nhô ra các ghề đá xanh rêu. Lúc này, thác Bản Giốc mang trên mình nét đẹp yên bình, dòng nước xanh trong vắt, lại kết hợp với mùa lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau dưới chân thác tạo nên một khung cảnh không thể lãng mạn hơn, đẹp tựa một bức họa muôn màu.

Thác sở hữu vẻ đẹp hoang sơ nguyên vẹn, là ngọn thác hùng vĩ mà ai đã từng một lần chứng kiến, tận mắt chiêm ngưỡng sẽ nhớ mãi những cảm xúc choáng ngợp, ấn tượng khó có thể diễn tả trước vẻ đẹp mà tạo hóa đã vẽ lên. Nhìn từ xa, thác tựa như những dải lụa trắng vắt ngang lưng đồi. Dưới chân thác Bản Giốc là dòng sông Quây Sơn xanh ngắt, hiền hòa. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt.

Thác Bản Giốc là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng và đẹp nhất nước ta. Thác cũng đã đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đặc sắc. Ngoài giá trị du lịch và nghệ thuật, thác cũng có tiềm năng thủy điện. Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch của tỉnh Cao Bằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 người đến thăm Bản Giốc.

Cách thác Bản Giốc khoảng 500m là Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc – ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Ngoài ra, bên cạnh thác còn có các danh thắng khác như hồ Theng, động Ngườm Ngao,.. góp phần tạo nên quang cảnh trang nghiêm, hùng vĩ của thác.

  • Kết bài:

Trong những năm qua, sở du lịch tỉnh Cao Bằng đã đầu tư xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Với vẻ đẹp tự nhiên, thuần mĩ, thác Bản Giốc sẽ còn tiếp tục làm say mê lòng người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.