Tiểu thuyết là gì?

tieu-thuyet-la-gi

Tiểu thuyết là gì?

Tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn khác với truyện ngắn, nó có một tốc độ phát triển mạnh nhất là vào thời kì cận đại và hiện đại, được nhiều nhà văn khai thác và tiếp nhận. Ðây là thể loại không bị giới hạn về dung lượng phản ánh hiện thực, cả về không gian cũng như thời gian. Qua tiểu thuyết, người đọc có thể hiểu được một giai đoạn lịch sử với nhiều sự kiện, nhiều cảnh ngộ, địa điểm, tình huống… mà khó có thể loại nào có thể đạt được. Các yếu tố khác của tác phẩm văn học, từ đề tài, chủ đề, nhân vật, kết cấu… cũng chịu sự chi phối của đặc điểm này.

Chính vì vậy, các nhà văn đã vận dụng điều này để bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện rõ những phong tục tập quán, tính cách con người, số phận con người, miêu tả bức tranh xã hội sống động, một nếp sống sinh hoạt đa dạng. Vì vậy, Phương Lựu cho rằng: “Tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn đặc biệt phổ biến trong thời cận đại và hiện đại. Với những giới hạn rộng rãi trong hình thức trần thuật, tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục của xã hội miêu tả cụ thể các điều kiện sinh hoạt giai cấp tái hiện lại nhiều tính cách đa dạng”.

Tuy nhiên, dung lượng hiện thực chưa phải là đặc điểm duy nhất và cơ bản nhất của tiểu thuyết mà chính là sự miêu tả cuộc sống từ góc độ đời tư. Tùy theo từng giai đoạn phát triển khác nhau, yếu tố đời tư và yếu tố lịch sử, dân tộc có thể kết hợp với nhau nhưng nếu yếu tố lịch sử dân tộc phát triển, tác phẩm sẽ gần với anh hùng ca; chất đời tư phát triển, tác phẩm sẽ đậm đà chất tiểu thuyết hơn.

Tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức, xã hội, miêu tả cụ thể các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng trong một không gian, thời gian rộng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà thể loại tiểu thuyết chiếm địa vị trung tâm trong hệ thống thể loại văn học cận hiện đại.

Ben cạnh đó, tiểu thuyết giúp người đọc hiểu được giai cấp của lịch sử, địa điểm, tình huống xảy ra, … miêu tả cuộc sống trong tính chất văn xuôi và giàu sức tưởng tượng. Tiểu thuyết mà thiếu sự tưởng tượng không phải là tiểu thuyết. Tuy tưởng tượng nhưng nó vẫn tôn trọng sự thật của đời sống, vì thế đã tạo nên sự gần gũi, quen thuộc với bạn đọc: “Nó thể hiện cuộc sống như một thực tại cùng thời và hấp thu vào bản thân mọi yếu tố ngổn ngang, bề bộn của cuộc đời, … bao gồm những bi – hài; cao ca – thấp hèn; vĩ đại – tầm thường; lớn – nhỏ”.

Tiểu thuyết chính là mảnh đất để nhà văn nuôi dưỡng tâm hồn bao suy tư, trăn trở đều có thể bộc lộ qua từng trang văn. Chính dung lượng phản ánh hiện thực rộng lớn giúp nhà văn miêu tả nhân vật và hoàn cảnh một cách đầy đủ, toàn diện, tỉ mỉ từ những trạng thái tâm hồn cũng như những mối quan hệ đa dạng, phức tạp khác.

Tiểu thuyết là thể loại đa dạng về mặt thẩm mĩ, có khả năng tổng hợp và thu hút vào bản thân nó những đặc trưng và sắc thái thẩm mĩ của nhiều loại hình nghệ thuật khác “Ðức tính căn bản của tiểu thuyết là ăn được mọi thứ, nó đồng hóa mọi loại tác phẩm khác vào mình” (Ph. Mác xô- Nhà nghiên cứu tiểu thuyết Pháp)

Đồng thời, tiểu thuyết lớn là một thế giới rộng lớn được nhà văn tạo nên, qua đó, giúp nhà văn thể hiện được nhân vật muốn miêu tả, hoàn cảnh diễn ra sự việc một cách đầy đủ, chi tiết cặn kẽ hơn. Tiểu thuyết cũng là một thể loại rất đa dạng về mọi mặt từ thẩm mĩ đến khả năng tổng hợp nhiều khía cạnh cũng như các thể loại khác. Nhà văn đã dùng khối óc và tư duy để xây dựng nên tiểu thuyết với nhiều gam màu trong cuộc sống, nguyên liệu của nó chính là hiện thực cuộc đời.

Như vậy, tiểu thuyết là thể loại có khả năng khái quát hiện thực một cách rộng lớn và đầy đủ nó bao gồm chiều dài lịch sử dân tộc, bức tranh sinh hoạt giai cấp và sự vận động, thay đổi của con người trong xã hội. Dù có viết về nhân vật lịch sử, nhân vật trong quá khứ nhưng cách đặt vấn đề, lí giải là theo quan điểm của thời hiện tại.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Kí văn học là gì? - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.