Tiểu thuyết sử thi là gì?

tieu-thuyet-su-thi

Tiểu thuyết sử thi là gì?

I. Khái niệm tiểu thuyết sử thi.

Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” (Lê Bá Hán chủ biên): “Tiểu thuyết sử thi. Còn gọi là tiểu thuyết anh hùng ca. Tên gọi ước lệ (ghép tên gọi thể loại “sử thi” épopée với tên gọi “tiểu thuyết” – roman) để chỉ những tiểu thuyết (từ thế kỷ XIX – XX) có dung lượng lớn, thể hiện những đề tài lịch sử – dân tộc. Những tác phẩm này vừa là tiểu thuyết, đồng thời vừa có nhiều thuộc tính gần gũi với thể loại sử thi cổ đại hoặc trung đại (tầm bao quát, tính hoành tráng của sự kiện có tầm thời đại, cảm hứng dân tộc hoặc lịch sử, mô tả các sự kiện và xung đột có tính chất bước ngoặc như chiến tranh cách mạng…)”.

Theo “Từ điển văn học” (Nguyễn Văn Khỏa): “Tiểu thuyết anh hùng ca. Còn gọi là tiểu thuyết sử thi. Thuật ngữ chỉ một loại hình của thể loại tự sự, là sự phát triển tổng hợp, nâng cao và đổi mới của loại hình anh hùng ca dân gian cổ điển và loại hình tiểu thuyết. Tiểu thuyết anh hùng ca phản ánh những sự kiện, những biến cố lịch sử quan trọng, lớn lao và có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của một nhân dân, một dân tộc. Đó là hiện thực lịch sử có ý nghĩa toàn dân. Trên cơ sở của việc tái hiện đúng bản chất một giai đoạn lịch sử và miêu tả khá cụ thể về sinh hoạt tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội, phong tục tập quán, tiểu thuyết anh hùng ca gắn bó số phận những nhân vật của mình với sự kiện, biến cố lịch sử, đặt số phận nhân vật trước câu hỏi, trước thử thách của lịch sử tạo thành mối liên hệ quy định tất yếu của lịch sử đối với số phận nhân vật. Cảm hứng chủ đạo của tiểu thuyết anh hùng ca là khẳng định sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng và chiến công của nhân dân như là động lực của lịch sử”.

Trong “Tư tưởng và phong cách” (A.Sisêrin): tiểu thuyết sử thi là “tiểu thuyết mà từ trong tới ngoài vượt khỏi cái khung của nó, trong đó, đời tư con người thấm nhuần lịch sử và triết học lịch sử, con người được thể hiện như là một phần tử sống động của nhân dân mình. Tiểu thuyết sử thi nắm bắt những đổi thay của các thời kỳ lịch sử, sự tiếp nối của các thế hệ, nó hướng tới các số phận tương lai của nhân dân hay giai cấp”. Trong  “Sự ra đời của tiểu thuyết sử thi” (A.Sisêrin): “Tiểu thuyết sử thi không phải là sự liên hợp tiểu thuyết và sử thi mà là tiểu thuyết vươn tới sử thi”

Mặc dù sử dụng thuật ngữ kép roman – épopée nhưng Sisêrin không tán thành vế sau của nó vì từ épopée nghe như tiếng đọ gươm, súng đại bác. Ông cho rằng, tiểu thuyết sử thi, trước hết phải là tiểu thuyết nhưng là “một loại tiểu thuyết lớn vượt khỏi quy mô bình thường của nó”. Ông cũng cho rằng, mầm móng của tiểu thuyết sử thi đã có trong tiểu thuyết văn xuôi của Puskin. Nhưng phải đến “Chiến tranh và hòa bình” thì thể loại này mới định hình. “Do tầm bao quát về thời gian và không gian và với tư cách là lịch sử nhân dân, lịch sử tâm hồn con người, Chiến tranh và hòa bình là thể loại mới đối với thế kỷ XIX, tiểu thuyết – sử thi”.

Về ngoại diên khái niệm thể loại, mặc dù cũng chưa có sự nhất trí cao nhưng nhìn chung đa số các nhà nghiên cứu Xô viết cùng thống nhất nhau cho những tác phẩm sau đây là tiểu thuyết sử thi: “Chiến tranh và hòa bình” (L.Tônxtôi), “Cuộc đời Klim Xamghin” (M.Gorky),” Con đường đau khổ”, “Pie đệ nhất” (A.Tônxtôi), “Sông Đông êm đềm” (M.Sôlôkhốp), “Bão táp” (Êrenbua), “Đội cận vệ thanh niên” (Fađêep) v.v… Trong văn học Pháp có: “Tan vỡ” (Sụp đổ) (E.Zôla), “Jăng-Crixtốp” (R.Rôlăng), “Những người cộng sản” (L.Aragông) v.v…

Còn trong văn học Việt Nam, lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn dùng thuật ngữ tiểu thuyết sử thi để gọi các tác phẩm có dung lượng tương đối lớn như: “Cửa biển”, “Vỡ bờ”, “Sống mãi với thủ đô”, “Bão biển”,” Mẫn và tôi”, “Dấu chân người lính”, Vùng trời”

Tuy nhiên, theo xu hướng chung hiện nay, nhiều người xem từ “sử thi” trong văn học hiện đại chỉ dùng để chỉ tính chất chứ không phải chỉ thể loại. Bởi vậy, họ loại bỏ nội dung “đồ sộ” ra khỏi khái niệm tiểu thuyết sử thi. Tiêu biểu cho quan niệm này là giáo sư Trần Đình Sử. Trong công trình “Dẫn luận thi pháp học”, ông cho rằng, trong nền văn học sử thi Việt Nam 1945 – 1975, có các thể loại như : thơ trữ tình sử thi (Tố Hữu), truyện ngắn sử thi (Rừng xà nu), tiểu thuyết sử thi (Đất nước đứng lên)…. Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng tán thành một tác phẩm có dung lượng cỡ vừa như Đất nước đứng lên là tiểu thuyết sử thi vì nó có tính khái quát cao. Đặc biệt là nó chứa đựng đầy đủ tất cả các đặc điểm của thể loại này. Và trong tiểu thuyết Việt Nam, không có tác phẩm nào gần gũi với sử thi cổ điển như Đất nước đứng lên.

II. Đặc trưng của thể loại sử thi.

Tính nội dung của thể loại tiểu thuyết sử thi, thực ra, đã nằm ngay trong tên gọi thể loại. Nó bao gồm “chất sử thi”“chất tiểu thuyết”. Đây không phải là sự lắp ghép cơ giới mà theo một quy định phức tạp. Bởi hai tính chất này trái ngược nhau như lửa và nước, như chiến tranh và hòa bình. Trong lịch sử văn học, chất tiểu thuyết đã từng đấu tranh loại trừ chất sử thi ra khỏi hình thức tự sự cỡ lớn để mở đường cho thể loại tiểu thuyết lên thống lĩnh văn đàn. Nhưng đến thế kỷ XIX, sau khi đã yên vị, chất tiểu thuyết quay lại bắt tay với chất sử thi để tạo ra thể loại tiểu thuyết sử thi. Nhà văn đầu tiên gặp lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ phức tạp này là Gôgôn. Có thể thấy rõ “bi kịch thể loại” trong tác phẩm Tarat Bunba của ông.

Trong đời sống văn học Việt Nam thời chiến tranh, đã từng diễn ra nhiều cuộc tranh luận, uốn nắn, quy chụp… làm cho nhiều tác phẩm gặp thăng trầm cũng bắt đầu từ cách xử lý mối tương quan giữa chất sử thi và chất tiểu thuyết của nhà văn. Khi xác định viết theo thể loại tiểu thuyết sử thi, nhà văn cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Đề tài của sử thi là lịch sử dân tộc, chủ yếu nói về các cuộc chiến tranh giữa các dân tộc với nhau.

“Tình huống phù hợp nhất với thơ sử thi đó là các xung đột của trạng thái chiến tranh. Thực vậy, trong chiến tranh, chính là toàn bộ dân tộc đang vận động. Nó bị kích thích phải hành động bởi vì nó phải bảo vệ toàn bộ mình” (Hêghen). Còn đề tài của tiểu thuyết là thế sự đời tư, chủ yếu nói về các chuyện nhân tình thế thái ở đời hoặc những chuyện tình cảm riêng tư của trai gái. “Yếu tố đời tư càng phát triển thì chất tiểu thuyết càng tăng, ngược lại, yếu tố lịch sử dân tộc càng phát triển thì chất sử thi càng đậm đà” .

Tiểu thuyết sử thi kết hợp cả ba đề tài trên. Nội dung thế sự đời tư được phô diễn trên sân khấu nhưng nằm trong bối cảnh phông màn của nội dung lịch sử dân tộc. Nhà tiểu thuyết chỉ là diễn viên, còn nhà sử thi mới là đạo diễn. Không phải ngẫu nhiên mà L.Tônxtôi đặt tên cho cuốn tiểu thuyết sử thi của mình là “Chiến tranh và hòa bình”. Trong đó “chiến tranh” là sử thi, “hòa bình” là tiểu thuyết. Ở đó có “sự thống nhất giữa biện chứng pháp lớn của lịch sử và biện chứng pháp nhỏ của tâm hồn”.

2. Đối tượng miêu tả của sử thi là những sự kiện đã hoàn tất trong quá khứ dân tộc.

Đó là “quá khứ tuyệt đối” theo cách hiểu của Gớt và Sinle. Là quá khứ đầu tiên, cao thượng nhất, lưu giữ những ký ức của cộng đồng tổ tiên. Ở đó, mọi thứ đã hoàn tất và thế hệ con cháu không can thiệp vào được. Nó tách hẳn với thời hiện tại của người kể chuyện bằng một “khoảng cách sử thi tuyệt đối”. Từ đó, tạo ra giá trị tôn ti, sùng kính.

Theo Bakhtin: “Tiểu thuyết hình thành chính trong quá trình phá bỏ khoảng cách sử thi, trong quá trình thân mật hóa con người và thế giới bằng tiếng cười, hạ thấp đối tượng miêu tả nghệ thuật xuống cấp độ hiện thực đương thời dang dở không hoàn thành và luôn biến động”.

Như vậy, sử thi chuộng quá khứ, tiểu thuyết chuộng hiện tại, còn tiểu thuyết sử thi sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Vẫn theo Bakhtin, có thể miêu tả thời hiện tại trong sử thi với điều kiện là, phải đặt điểm nhìn từ tương lai để nhìn về hiện tại. “Tất nhiên, có thể tri giác cả “thời đại của chúng ta” như một thời đại sử thi anh hùng, từ giác độ ý nghĩa lịch sử của nó, tri giác từ xa, từ cự ly thời gian (không phải bằng con mắt mình, con mắt người đương thời, mà dưới ánh sáng tương lai).

Như vậy, chúng ta vẫn có thể tạo ra được “khoảng cách sử thi” khi miêu tả hiện thực đương thời. Nhưng không phải hiện thực đương thời nào cũng tạo ra thái độ thành kính, bởi vậy cần có sự chọn lọc đối tượng. “Hiện thực đương thời chỉ có thể xâm nhập các thể loại cao thượng ở những giai tầng có ngôi bậc cao nhất, và cũng đã được cự ly hóa do vị trí của chúng trong chính hiện thực” (Bakhtin). Trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1945 – 1975, “giai tầng có thứ bậc cao nhất” là người chiến sĩ cách mạng vô sản. “Ơi anh giải phóng quân / Kính chào anh con người đẹp nhất!” (Tố Hữu). Hình ảnh của anh bộ đội cụ Hồ đã được mọi người thành kính ngưỡng mộ ngay trong thời hiện tại, bởi vậy, tạo ra được khoảng cách sử thi. Tuy nhiên, khoảng cách này không quá xa vời như trong sử thi cổ điển. Mặc dù tác giả không dám suồng sã với nhân vật chính diện nhưng cũng không coi nhân vật là bậc quá xa cách với mình. Giữa tác giả và nhân vật có khoảng cách gần nhau nhưng vẫn tôn trọng nhau.

3. Chất liệu của sử thi cổ điển lấy từ truyền thuyết dân tộc, là sản phẩm của toàn dân chứ không phải của riêng nhà thơ.

Bởi vậy, tác giả không được phép đưa ra những ý kiến riêng của mình. Hêghen nói: “Nhà thơ trình bày trước mắt chúng ta cả một thế giới khách quan những biến cố và những hành động không cho phép người đọc thơ có một thái độ nào khác ngoài thái độ thụ động với những điều anh ta kể lại. Anh ta càng không nêu bật mình thì điều đó càng tốt”. Nhà thơ phải ẩn náu mình sau sự kiện và ngay cả ngôn từ cũng không phải là của ông ta. Công lao của tác giả là lựa chọn, sắp xếp tình tiết, diễn đạt sao cho hay, “tác giả bắt đầu từ đâu vẫn được, kết thúc ở đâu vẫn được, bởi vì tác giả và người nghe đều đã biết rõ chuyện” (A.Ph.Lôxep).

Vai trò của tác giả sử thi rất mờ nhạt và nhìn chung là không để lại dấu ấn của mình trong tác phẩm. “Hômêrơ, với tư cách cá nhân, trong các bản trường ca của mình đã bị hy sinh đến nỗi ngày nay, người ta không thừa nhận cho rằng ông đã tồn tại, nhưng các nhân vật của ông vẫn bất tử” (Hêghen).

Còn tiểu thuyết thì ngược lại, mang đậm dấu ấn tác giả. Người ta khuyến khích mỗi nhà văn phải có phong cách riêng của mình. Nhà tiểu thuyết được phép sáng tạo ra những lối diễn đạt lạ thường, những nhân vật dị dạng, những tính cách lạ đời… Cốt truyện tiểu thuyết là do nhà văn sáng tạo ra trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân, bởi vậy nội dung của nó có thể xa lạ với dân tộc. “Việc sử dụng kinh nghiệm cá nhân nhà văn (kinh nghiệm cá nhân theo nghĩa rộng nhất, bao hàm cả sự quan sát, tập hợp tài liệu, sự phát hiện đề tài, chủ đề, nhân vật…) đã khiến cho nghệ thuật sử thi ở đây phải giải quyết nhiều tương quan, phải dung nạp nhiều phạm trù nghệ thuật vốn dĩ không gắn với nghệ thuật sử thi” (Lại Nguyên Ân).

Nếu như xem tiểu thuyết là “bịa” còn sử thi là “thực” thì tiểu thuyết sử thi phải “bịa như thật”. Trong một số tiểu thuyết phi sử thi như “Tây du ký”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Số đỏ”… nhà văn không muốn bắt ép độc giả phải tin chuyện mình kể là thật. Nhưng nhà tiểu thuyết sử thi phải cố gắng tạo không khí chân thật. Bằng cách là, đưa ra những sự kiện lịch sử có thật để làm bối cảnh cho câu chuyện. Miêu tả thật những hình ảnh như cảnh chiến trường, súng đạn, trang phục, kỷ luật quân đội, phong tục tập quán, thiên nhiên…

Cuối tác phẩm, rất nhiều người ghi lại thời gian và địa điểm sáng tác để tăng tính chân thực. Nhà tiểu thuyết sử thi được phép hư cấu nhưng phải phù hợp với quan niệm cộng đồng, tức là “hư cấu có định hướng”. Anh ta phải lấy tư liệu từ thực tiễn và những chi tiết này được mọi người kiểm nghiệm là có thật (và có thể có thật). Sau đó, anh ta sắp xếp “những huyền thoại của thời đại nguyên tử” này một cách có nghệ thuật sao cho lôi cuốn người đọc. Tự đặt tên cho nhân vật, chỉnh lý các chi tiết, thêm thắt chút ít, thổi hồn vào câu chữ… Một cuốn tiểu thuyết sử thi vừa là của “tôi” nhưng cũng vừa là của “chúng ta”. Cá tính riêng của tác giả trong tiểu thuyết sử thi có thể không đậm đà như trong tiểu thuyết phi sử thi. Nhưng không hề gì vì nó chẳng ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm. Bằng chứng là trong các sử thi cổ đại hay tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc… , tuy hình bóng của tác giả mờ nhạt nhưng tác phẩm vẫn có sức hấp dẫn vĩnh cửu.

4. Tác giả sử thi cổ đại có tham vọng bao quát nhiều lĩnh vực của cuộc sống để tác phẩm trở thành bộ bách khoa toàn thư của dân tộc.

“Tác phẩm của Hômerơ là cuốn từ điển bách khoa hoàn thiện nhất của thời cổ đại” (Gơnêđisơ). Ngạn ngữ Ấn Độ có câu: “Cái gì không thấy trong Mahabharata thì cũng không thấy trên đất Ấn Độ”. Hêghen nhận xét: “Các sử thi thực sự độc đáo đều cung cấp cho ta một bức tranh của tinh thần dân tộc như nó biểu hiện trong luân lý của cuộc sống gia đình, trong chiến tranh và trong hòa bình, trong các nhu cầu, các nghệ thuật, các phong tục, các hứng thú, tóm lại, nó cấp cho ta một bức tranh toàn vẹn về các giai đoạn ở đấy có ý thức và phẩm chất của ý thức” (Mỹ học).

Để làm được điều đó, sử thi phải dùng thao tác tổng hợp, còn tiểu thuyết thì ngược lại, thường dùng thao tác phân tích. Bởi vậy, tiểu thuyết không cần phải mở rộng hoàn cảnh mà chú trọng mổ xẻ cuộc sống riêng tư chật hẹp của một hoặc vài cá nhân. Còn trong tiểu thuyết sử thi, mặc dù cuộc sống cá nhân vẫn được nhắc đến nhưng nó vẫn nằm trong cái tổng thể xã hội. Có nghĩa là thông qua một vài cá nhân hay một địa phương nhỏ, tác giả phải làm sao để cho người đọc thấy được trạng thái chung của cả dân tộc và thời đại. Nói cách khác là hình tượng phải mang tính điển hình. Để làm được điều đó phải cần đến biện pháp khái quát hóa nghệ thuật. Giáo sư Phan Cự Đệ nói: “tiểu thuyết sử thi của thời đại chúng ta phải là sự tổng hợp trên cơ sở phân tích, là sự thống nhất biện chứng giữa tổng hợp và phân tích (…) cô đúc trong từng mảnh tinh chế rồi từ đó khái quát lên”.

5. Sử thi là “thi ca lý tưởng” nên nó miêu tả cuộc sống trong tính thi vị.

Sử thi có cảm hứng mạnh mẽ trước cái đẹp, cái cao cả, cái hùng vĩ… Và ý thức mình là thể hiện cao quý nên nó không dung nạp các thể loại “thấp hèn” và những yếu tố mỹ học nào có thể phá vỡ phong cách cao cả của sử thi. Còn tiểu thuyết thì ngược lại, nó dung nạp tất cả các thể loại và hòa trộn tất cả các sắc màu thẩm mỹ lại với nhau. Nó mạnh dạn miêu tả cái bi, cái hài, cái lố bịch, cái tầm thường, cái gớm ghiếc, cái dị dạng… Nó có mặt mạnh trong việc miêu tả các đề tài dung tục như chuyện lừa đảo làm tiền, những cuộc tình ô trọc, những chuyện vặt vãnh trong nhà ngoài chợ. Nó không ngại miêu tả tỉ mỉ những sự vật xấu xa, bẩn thỉu, hỗn độn… Đó là “chất văn xuôi” của cuộc sống, là cái thực tại “nôm na thô thiển” đối lập với cái “thế giới nên thơ”“thời đại anh hùng” của sử thi (Hêghen).

Các nhà tiểu thuyết sử thi phải xử lý vấn đề này một cách khó khăn. Trước hết, phải chấp nhận dung nạp ở mức độ vừa phải các thể loại khác như bi kịch, hài kịch, trữ tình… Nó chấp nhận sự có mặt của “chất văn xuôi” nhưng nổi trội hơn hết vẫn là “chất thi ca”. Nói chung, các nhà tiểu thuyết sử thi dẫn bạn đọc đi trên ranh giới giữa cái thật và cái giả, cái thiện và cái ác, cái đẹp và cái xấu nhưng cái đích cuối cùng đạt đến vẫn là bến bờ Chân – Thiện – Mỹ.

6. Sử thi xây dựng cơ cấu tác phẩm theo dòng sự kiện, dọc theo các biến cố lịch sử.

Chính các xung đột xã hội là bộ xương sống của sử thi. Trong khi đó, những xung đột xã hội đầy kịch tính lại không phải là điều bắt buộc đối với tiểu thuyết. “Kết cấu của tiểu thuyết là logic vận động của tính cách, còn anh hùng ca là logic của sự phát triển các biến cố lịch sử (…). Trong tiểu thuyết thì chính số phận nhân vật và logíc của sự phát triển tính cách sẽ quy định cốt truyện” (Phan Cự Đệ). Còn trong tiểu thuyết sử thi có sự dung nạp cả hai cách trên. Nghĩa là trên đại thể, nó xây dựng cốt truyện theo dòng biến cố lịch sử, nhưng trên cơ sở đó triển khai các dòng tính cách nhân vật.

Sự phát triển các tính chất này có thể thuận hoặc nghịch chiều lịch sử. Thông thường, trong tiểu thuyết sử thi cách mạng, nhân vật chính phát triển tính cách theo chiều tiến bộ của lịch sử. Còn nhân vật phản diện thường theo chiều hướng ngược lại, bị đào thải. Tiểu thuyết thường kết thúc theo lối mở, chưa hoàn tất, xung đột chính có thể chưa giải quyết. Còn sử thi kết thúc theo lối có hậu, thiện thắng ác, mọi thứ được hoàn tất, xung đột được giải quyết do “áp lực sử thi”, “cái khung sử thi” đã quy định như thế. Còn trong tiểu thuyết sử thi, cuối tác phẩm, xung đột chính phải được giải quyết theo hướng tiến bộ của lịch sử, theo mong muốn của cộng đồng. Tuy nhiên các xung đột nhỏ có thể vẫn tồn tại. Dòng tính cách ngược chiều lịch sử có thể vẫn tiếp tục chảy nhưng bị suy yếu dần và tiềm ẩn. Đó là lối kết thúc vừa khép vừa mở của tiểu thuyết sử thi.

7. Con người sử thi là con người bổn phận, là những anh hùng cao cả có sứ mệnh phấn đấu vì lợi ích cộng đồng.

Nó mang gương mặt tập thể và thuộc về quần chúng. Số phận của nó trùng khít với bộ cánh xã hội mà nó khoác. Trong khi đó, con người tiểu thuyết thì ngược lại. “Nhân vật không tương hợp với số phân và vị thế của nó. Con người hoặc là lớn hơn số phận mình, hoặc là nhỏ bé hơn tính cách của mình” (Bakhtin). Bởi vậy, con người tiểu thuyết thường bất hòa với tập thể. Có khi nó sống tốt nhưng vẫn bị xã hội vùi dập, nó sống xấu nhưng vẫn được xã hội trọng vọng. Nó là con người tự do cá nhân với những dục vọng thấp hèn, ích kỷ, không vì cộng đồng hoặc đi ngược lại lợi ích cộng đồng. “Nhân vật tiểu thuyết không được “anh hùng” cả theo nghĩa sử thi lẫn theo nghĩa bi kịch của từ ấy: nó phải kết hợp trong nó cả những nét chính diện lẫn phản diện, cả thấp kém lẫn cao thượng, cả nực cười lẫn trang nghiêm” (Bakhtin). Trong tiểu thuyết sử thi, nhân vật chính phải là con người sử thi và có thể chấp nhận cho nó có một vài nhược điểm nhỏ của con người tiểu thuyết. Thành phần nòng cốt của phe chính diện là con người sử thi. Tuy nhiên cũng có thể có cả con người tiểu thuyết nhưng phải chuyển hóa nó thành con người sử thi.

8. Nhân vật sử thi là con người “ngoại hiện”, “ruột để ngoài da”.

Nhân vật sử thu được “ngoại hóa” hoàn toàn, giữa bản chất thật của nó và sự biểu hiện bên ngoài của nó không có sự khác biệt nào”. “Ở con người ấy chẳng có gì phải tìm tòi, ức đoán, không thể lột mặt nạ nó” (Bakhtin). Đó là những con người hoàn tất, trọn vẹn, bất biến về tính cách và nhất quán về hành động. Trong khi đó, tính cách của con người tiểu thuyết rất phức tạp, thay đổi theo hoàn cảnh, luôn trong thế vận động, “con người như một dòng sông” (L.Tônxtôi). Đó là “con người nếm trải” sống với nội tâm kín đáo và mang “mặt nạ nhân cách”.  Tiểu thuyết “khảo cứu con người một cách tự do và suồng sã: lộn trái nó, vạch trần sự không phù hợp giữa vẻ bề ngoài và bề trong, giữa khả năng và sự thực hiện khả năng” (Bakhtin).

Con người trong tiểu thuyết sử thi, về cơ bản là con người hành động. Nội tâm cũng được nhắc đến nhưng không lấn át hành động. Bởi vậy nó không thích hợp với bút pháp dòng ý thức (mặc dù nếu sử dụng ở mức độ vừa phải vẫn được chấp nhận). Sự trùng hợp giữa tính cách và hành động cũng tùy theo hoàn cảnh. Nhân vật tuy lộ liễu, “ồn ào” với “phe ta” nhưng có thể “ngụy trang” kín đáo với “phe nó”. Lúc này thì hành động sôi nổi nhưng lúc khác lại suy tư trầm lắng. Tác giả có thể khai thác thế giới nội tâm ở các nhân vật phụ, nhất là phụ nữ, nhưng không nên lạm dụng nó khi miêu tả nhân vật anh hùng.

9. Tác giả sử thi phải đứng trên quan điểm dân tộc để nhìn nhận, đánh giá sự việc.

“Tính dân tộc phải là một trong những điều kiện cơ bản của anh hùng ca, còn bản thân nhà thơ thì phải nhìn các sự kiện bằng con mắt của nhân dân mình” (Biêlinxki). Tác giả đứng trên lập trường dân tộc nhưng lập trường đó là bất biến, đã được đông cứng lại trong quá khứ. Có thể thấy điểm nhìn bất biến trong các định ngữ nghệ thuật: Asin chạy nhanh như gió, Ulixơ muôn vàn trí xảo, Apôlông bắn xa muôn dặm…

Tiểu thuyết thì ngược lại, càng tạo ra nhiều cách nhìn mới mẻ, độc đáo càng tốt. Do câu chuyện tiểu thuyết là của tác giả bịa ra nên anh ta có quyền đánh giá nhân vật theo quan điểm riêng mình. Cái nhìn của tiểu thuyết có thể trái ngược với cộng đồng, và cũng như vậy, trái ngược với sử thi. Chẳng hạn, tác giả sử thi nhìn anh hùng Nguyễn Huệ bằng con mắt lịch sử thành kính, nhưng nhà tiểu thuyết có thể nhìn “anh chàng mê gái” này từ góc độ đời tư, thân mật. Dân tộc phản đối Lê Chiêu Thống nhưng nhà tiểu thuyết có quyền ủng hộ Lê Chiêu Thống…

Trong tiểu thuyết sử thi, những sự kiện lịch sử quan trọng phải được nhìn nhận trên phương diện dân tộc. Tuy nhiên, tác giả vẫn có quyền tự do tương đối khi đánh giá các sự việc nhỏ. Tác giả có thể đưa ra nhiều cách đánh giá khác nhau để độc giả lựa chọn. Những vấn đề ngược với điểm nhìn dân tộc có thể được phát biểu từ miệng của nhân vật phản diện hoặc nhân vật phụ. Còn điểm nhìn của nhân vật chính phải hợp với quan điểm cộng đồng.

10. Sử thi cổ điển mang tính khách quan cao.

Tác giả của Iliat và Mahabharata đứng trung gian giữa hai phe, chỉ ca ngợi những ai dũng cảm xả thân vì cộng đồng và thực hiện đúng nghĩa vụ của một chiến binh. Điểm nhìn khách quan sử thi ở đây được hiểu trên phương diện chính trị. Bởi vậy, khi miêu tả một cuộc nội chiến, tác giả chỉ có thể khách quan về chính trị nhưng khó có thể khách quan về mặt đạo đức. La Quán Trung có thể đứng trung gian giữa ba phe Ngụy, Thục, Ngô về mặt chính trị nhưng không thể vô cảm trước một số hành động phi nhân của Tào Tháo. Và không thể không ca ngợi phẩm chất “tuyệt nhân”, “tuyệt nghĩa” của Lưu Bị, Quan Công (mặc dù về mặt chính trị, có thể Lưu Bị sai lầm, như một số nhà sử học đã nói). Còn tiểu thuyết, do tiếp cận cuộc sống từ góc độ đạo đức, tình cảm nên tính chủ quan càng cao. Tác giả có thể công khai phát biểu thái độ yêu ghét rõ ràng mà không sợ một số độc giả nào đó phản đối (vì ai cũng ghét những hành động vô đạo đức).

Có khi, tác giả cũng là một nhân vật của truyện và mọi thứ đúng sai, tốt xấu đều được nhìn qua lăng kính của tác giả. Trong tiểu thuyết sử thi, tốt nhất là tác giả không nên lộ diện. Và cũng tốt nhất là cần phải có một độ lùi thời gian giữa tác giả và sự kiện phản ánh. Độ lùi thời gian càng xa thì tính khách quan càng cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Trong “Sông Đông êm đềm”, M.Sôlôkhốp viết về lịch sử hiện đại mà vẫn có tinh thần khách quan sử thi. Nhờ có tính khách quan mà nội dung câu chuyện thuyết phục được bạn đọc ở mọi nơi, mọi thời đại. Bởi vậy, một tiểu thuyết sử thi lý tưởng cần phải có tính khách quan cao.

11. Sử thi cổ điển mang cảm hứng ngợi ca, khẳng định, đề cao sự nghiệp anh hùng.

Giọng điệu cơ bản của sử thi là sôi nổi, hùng tráng. Đây là lời trang trọng, thành kính của bậc con cháu đối với tổ tiên, là lời tự hào dân tộc và hun đúc tinh thần ái quốc. Nhìn chung, sử thi có văn phong cao cả. Còn tiểu thuyết thì đả phá tính nghiêm túc, trang trọng của sử thi bằng tiếng cười trào phúng, bông đùa. Nó giễu nhại, mỉa mai mọi thứ, hạ bệ và làm thân mật hóa đối tượng bằng loại ngôn ngữ suồng sã, thô tục. Nó mang cảm hứng phê phán, giọng điệu bi thương, buồn bã, tức là giọng điệu của một văn sĩ đa sầu trước cảnh hài đời.

Tiểu thuyết sử thi cần có giọng điệu ngợi ca, trang trọng đối với cái tốt và phê phán mỉa mai đối với cái xấu. Có giọng hùng tráng khi xung trận nhưng cũng có thể có giọng bi thương trước cái chết của các anh hùng. Có thể chấp nhận cho tiểu thuyết sử thi có nhiều loại cảm hứng trái ngược nhau nhưng chủ đạo vẫn là cảm hứng ngợi ca.

12. Ngôn ngữ sử thi phải theo chuẩn mực chung của dân tộc.

Tác phẩm sử thi luôn thống nhất một giọng, mọi sự trau chuốt phải phù hợp với tâm lý tiếp nhận của cộng đồng “Con người sử thi không có tính chủ động về mặt ngôn ngữ; thế giới sử thi chỉ biết duy nhất một ngôn ngữ thống nhất và có sẵn. Vì thế, cả thế giới quan lẫn ngôn ngữ đều không thể trở thành những nhân tố phân biệt (…). Ngay các thần linh cũng không có chân lý nào đặc biệt làm ngăn cách họ với người thường: họ cũng chung một ngôn ngữ ấy” (Bakhtin). Còn tiểu thuyết thì ngược lại, nó phá bỏ tính một giọng, một phong cách của sử thi. Nó cãi lại “tính chất miễn tranh cãi của sử thi ngây thơ”. Mỗi nhân vật đều có quyền chủ động về ngôn từ. Chúng có thể cãi lại tổ tiên, pháp quyền, cãi lại các nhân vật khác và cả tác giả.

Ngôn ngữ trong tiểu thuyết rất ồn ào, đa thanh, đa phong cách. Các nhà tiểu thuyết tha hồ sáng tạo ra một văn phong riêng không giống ai. Tiểu thuyết sử thi chấp nhận cho tác giả và nhân vật chủ động chủ động về mặt ngôn ngữ và có sự sáng tạo về từ ngữ nhưng không đi quá xa chuẩn mực cộng đồng. Không chấp nhận phổ biến loại ngôn ngữ bí hiểm, quá rắc rối, lệch chuẩn, có nguồn gốc xa lạ với dân tộc. “Trước hết, nghệ sĩ phải sáng tác cho nhân dân mình và cho thời đại mình. Nhân dân và thời đại có quyền đòi hỏi tác phẩm nghệ thuật phải gần gũi và dễ hiểu đối với nó” (Hêghen).

Nói tóm lại, sử thi luôn đòi hỏi khuôn mẫu, trong khi tiểu thuyết luôn đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo. Tiểu thuyết sử thi phải tuân thủ các “nguyên tắc sử thi vĩnh cửu“của nó. Trong các đặc điểm còn lại, có thể thiếu một vài đặc điểm. Nhìn chung không nên dung nạp quá nhiều “chất tiểu thuyết” có thể dẫn đến làm tổn hại “chất sử thi” trong kết cấu thể loại. Trong thực tiễn tiểu thuyết Việt Nam 1945 – 1975, ta thấy có ba mối tương quan như sau giữa chất sử thi và chất tiểu thuyết.

– Một là: chất tiểu thuyết lấn át chất sử thi sẽ tạo ra các tiểu thuyết phi sử thi như: “Một nhà đại thiện xạ”, “Phất”, “Thôn Bầu thắc mắc”, “Những ngày bão táp”, “Vào đời”, “Tranh tối tranh sáng”, “Hỗn canh hỗn cư”… Và tiêu biểu cho bộ phận văn học này là “Đống rác cũ” của Nguyễn Công Hoan.

– Hai là: chất sử thi lấn át chất tiểu thuyết. Tiêu biểu như: “Người người lớp lớp”, “Cao điểm cuối cùng”, “Trước giờ nổ súng”… đặc biệt là Đất nước đứng lên.

– Ba là: chất sử thi ngang bằng với chất tiểu thuyết, đây là mô hình lý tưởng của tiểu thuyết sử thi. Tiêu biểu cho loại này là “Cửa biển”, “Vỡ bờ”, “Sống mãi với thủ đô”, “Bão biển”,… đặc biệt là “Dấu chân người lính”. Sự có mặt nhiều hay ít chất sử thi không hề nói lên chất lượng của tác phẩm mà chỉ xác định đặc trưng thể loại của tác phẩm đó mà thôi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.