Tìm hiểu bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tư) của Lý Bạch

tim-hieu-bai-tho-cam-nghi-trong-dem-thnah-tinh-16529-2

Tìm hiểu bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” (Tĩnh dạ tư) của Lý Bạch

I. Tìm hiểu chung:

– Xuất xứ: Bài thơ rút trong tập thơ ‘Thái Bạch thi tập”.

– Hoàn cảnh sáng tác:  Lý Bạch quê ở Ba Thục. Thuở nhỏ ông thường lên núi Nga Mi luyện kiếm và ngắm trăng. Vì thế ánh trăng và hình ảnh quê hương sau này luôn hiện hữu trong thơ ông. Từ năm 25 tuổi, Lý Bạch đã xa quê và xa mãi. Lý Bạch từng được vua nhà Đường mời về làm quan trong triều. Mang trong mình lí tưởng cao đẹp, Lý Bạch luôn muốn đem tài năng giúp đời cứu nước. Lý Bạch chăm chỉ học tập, hăm hở tham gia triều chính. Nhưng một thời gian sau, không chịu được cuộc sống gò bó mà thi sĩ chỉ là kẻ tô điểm cho triều đình, Lí Bạch lại đi ngao du khắp nơi. Bởi thế, quê hương chỉ đọng trong hồi ức, nỗi nhớ. Mỗi lần nhìn trăng nhà thơ lại nhớ tới quê.

– Bố cục: Bài thơ viết theo thể cổ thể với những câu thơ năm chữ. Có thể chia bố cục bài thơ làm 2 phần:

Phần 1: 2 câu đầu.
Phần 2: 2 câu cuối.

Có ý kiến cho rằng hai câu đầu tả cảnh và hai câu cuối tả tình. Nhưng tình và cảnh trong bài thơ có thực sự tách biệt như thế không? Cho nên, sự phân chia này cũng chỉ là tương đối để quá trình tìm hiểu văn bản được mạch lạc hơn.

– Đặc điểm nội dung và nghệ thuật:

+ Đề tài: tình yêu quê hương. Đây là đề tài thường trở đi trở lại trong thơ Lý Bạch vì chỉ tuổi thơ ông mới được gần gũi, gắn bó với quê hương. Sau đó, quê hương chỉ hiện về trong hoài niệm của ông.

+ Nội dung cơ bản: “Vọng nguyệt hoài hương” (nhìn trăng nhớ quê) là chủ đề quen thuộc trong thơ xưa. Vầng trăng không chỉ là hình ảnh mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho nỗi nhớ quê hương của tác giả. Nỗi nhớ da diết đọng lại trong cái nhìn hướng vào nội tâm của tác giả. Tất cả những người con xa quê có thể tìm được sự đồng điệu tâm hồn mình qua bài thơ.

+ Nghệ thuật:

Sự thống nhất, liền mạch của cảm xúc trong bài thơ được tạo nên bởi sự liên kết của một loạt các động từ (nghi, cử, vọng, dê, tư) xoay quanh tâm trạng của chủ thể trữ tình. Tất cả các chủ ngữ trong bài thơ đều bị lược bỏ. Dầu bị lược bỏ có thể khẳng định chỉ có một chủ ngữ duy nhất: từ xưng hô của chủ thể trữ tình. Điều đó tạo nên sự thống nhất, liền mạch của cảm xúc trong bài thơ.

Sử dụng phép đối rất cân chỉnh: đối thanh, đối ý, đối từ ở hai câu thơ cuối. Bốn câu thơ sử dụng chủ ngữ vô nhân xưng (chủ ngữ đều bị lược bỏ) đã đem đến ý nghĩa phổ quát cho bài thơ. Bất kì người con xa quê nào cũng có thể tìm thấy ở đây nỗi nhớ và tình yêu hương.

Bút pháp chấm phá tài tình khiến cho cảnh vừa đơn sơ lại hét sức kì vĩ, gợi ra được cái cao lớn, lung linh đến huyền ảo của cảnh vật, thiên nhiên, vũ trụ.

II. Phân tích văn bản

1. Vẻ đẹp đêm trăng.

Thơ Lý Bạch đã tràn đầy ánh trăng. Trong hơn một nghìn bài thơ còn lại, trăng đã xuất hiện mấy trăm lần, ở mỗi bài trăng lại hiện ra với vẻ đẹp khác nhau. Lí Bạch đã nâng ánh trăng truyền thống trong thơ ca cổ điển Trung quốc lên đến mức tư tưởng. Trăng có lúc là bạn tri âm, cũng có lúc là niềm vui của con người. Có lúc nó là vật nổi hiện tại với quá khứ. Chính vì thế trăng trong thơ Lí Bạch đã sáng mãi bao đời với các thế hệ con người yêu thích.

Tĩnh dạ tư là một bài thơ độc đáo trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Lý Bạch. Nó không có những nét bay bổng, phóng khoáng hay hình ảnh khoa trương, phóng đại quen thuộc trong thơ của một bậc trích tiên. Nó chinh phục người đọc ở sự hàm súc, cô đọng nhưng lại có sức lay động lớn.

Mở đầu bài thơ, Lý bạch lấy hình ảnh ánh trăng để gợi nhớ về quê hương cố xứ:

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.

(Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương)

Hai câu thơ đầu, chúng ta thấy được mối quan hê giữa tĩnh và động. Cảnh thật tĩnh lặng như tờ. Tất cả các hoạt động của con người đã chìm xuống, chỉ còn vũ trụ vận động.

2. Nỗi nhớ quê nhà của tác giả.

Ánh trăng đến vào lúc con người đang mơ màng. Mơ màng nên nhìn ánh trăng bàng bạc, mỏng mảnh như những sợi tơ lan toả trên mặt đất lại ngỡ là sương phủ. Cái tĩnh lặng của cảnh, cái tĩnh tại của tư thế con người là cái bên ngoài ẩn chứa những xao động bên trong tâm hồn. Và quê hương hiện về trong những phút lắng sâu, yên ả nhất của tâm hồn nhà thơ.

Nỗi nhớ quê hương trào dâng lên như một con sóng. Chứng tỏ đây là một tình cảm thường trực trong tâm hồn tác giả, chỉ một cái cớ nhỏ cũng có thể khơi dậy. Bằng vài nét chấm phá đơn sơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh phác thảo làm phông nền cho những suy tư nội tâm. Tình ẩn trong cảnh, cảnh chan chứa tình:

Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương)

Hai câu thơ cuối là sự trở về của tâm hồn nhà thơ trong hai bài suy tưởng rất quen thuộc ở thơ Đường: hiện thực và hoài niệm, hồi ức và tưởng tượng.

Thơ Đường là thơ của sự đăng đối, hài hoà. Hai câu thơ trên chính là một minh chứng mẫu mực cho ý kiến đó. Phép đối thể hiện ở cả đối từ, đối thanh, đối ý: “cử đầu – đê đầu”, “vọng – nhớ, “minh nguyệt – cố hương”. “cử đầu – đê đầu” (ngẩng đầu – cúi đầu) là tư thế quen thuộc của người phương Đông “phủ thị ngưỡng thiên” (cúi nhìn xuống đất ngửa lên nhìn trời). Nhưng nếu với các nhà thơ khác tư thế ấy là sự tự đặt mình vào các chiều kích của vũ trụ để chiêm nghiệm về cái hữu hạn của kiếp người thì với Lí Bạch đó là sự suy ngẫm về tình quê. Tình quê đặt ngang với cái vĩnh hằng của vũ trụ.

“Cử đầu vọng” (ngẩng đầu nhìn) là cái nhìn hướng ngoại, hướng ra ngoại cảnh. Còn “đê đầu tư” (cúi đầu nhớ) là cái nhìn hướng vào nội tâm, vào nỗi nhớ, hoài niệm. Điểm hướng tới của hai hướng nhìn trái chiều nhau ấy là “minh nguyệt”“cố hương”. Giữa “trăng sáng”“cố hương” ấy có mối quan hộ hữu cơ với nhau.

“Trăng sáng” vừa là hình ảnh thực vừa là cầu nối về quê hương, nối quá khứ với hiện tại. “Nhìn trăng sáng – nhớ cố hương” vì trăng đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh quê hương. Đó chính là vầng trăng trên núi Nga Mi thuở nào. Trăng từ thời ấu thơ luôn ám ảnh trong tâm hồn tác giả, trở thành nỗi nhớ thường trực, ray rứt khôn nguôi.

Bài thơ viết về tình cảm, suy nghĩ của mình, tác giả không thể sử dụng những hình dung từ, những dòng tả suy tư cảm xúc mà chỉ thể hiện qua một loạt các động từ khắc hoạ hành động và tư thế tĩnh tại bên ngoài. Nhưng đúng là “công phu thơ phải ở ngoài thơ”. Không nói nhớ quê da diết như thế nào nhưng chỉ bằng hai chữ “cố hương” đã lắng đọng trong đó bao suy nghĩ, xúc cảm.

“Cố hương” là quê cũ, là những kỉ niệm ấu thơ về vùng đất Ba Thục, là những người thân yêu… “Cố hương” là sự gắn bó đã trở thành máu thịt lắng đọng thành một phần hồn của tác giả, luôn hiện về trong nỗi nhớ, trong những phút tĩnh lặng nhất cùa tâm hồn. “Cố hương” là những gì êm đẹp nhất, thân thương nhất đối với mỗi con người. Xa xa mãi rồi nhớ cố hương. Đi đi mãi rồi không trở về. Đến đây, ta lại liên tưởng đến hai câu thơ của Thôi Hiệu:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

(Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu)

Ở Thôi Hiệu, khói sóng trên sông trong bóng chiều mờ ảo khiến cho tâm tư không ngừng nhớ về cố xứ. Xưa con người ra đi trên bến nước, đêm nhìn trăng mà lòng dạ thướng nhớ biết bao. Bởi thế, bến nước hay vầng trăng đều gợi nhớ đến quê nhà cả.

Bài thơ không chỉ gửi gắm tình quê mà còn khắc tạc một tư thế nhớ quê “đê đầu tư cố hương”. Tình quê vì thế thấm thìa lan toả trong tâm hồn người đọc.

Khác với bài “Xa ngắm thác núi Lư” đầy tưởng tượng độc đáo, mới lạ, khác với bài “Hành lộ nan” đầy tự tin và khí thế hiên ngang, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh hầu như không có tưởng tượng gì, không có chữ nào lạ, không dùng phép khoa trương, phóng đại nào. Tất cả đều tự nhiên, giản dị, mộc mạc mà thành tuyệt tác.

Bài thơ là sự kết hợp giữa tĩnh và động. Lí Bạch ở trong một đêm yên tĩnh, ánh trăng đọng trăng đầu giường, dày và lanh như sương. Cảnh rất tĩnh nhưng tâm lại rất động, lên cao với xa với cố hương, bồi hồi muôn lối.

Nhà nghiên cứu Hồ Ứng Bài thơ là sự kết hợp giữa tĩnh và động. Lí Bạch ở trong một đêm yên tĩnh, ánh trăng đọng trăng đầu giường, dày và lanh như sương. Cảnh rất tĩnh nhưng tâm lại rất động, lên cao với xa với cố hương, bồi hồi muôn lối.Lân, đời Minh có nhận xét: “Thơ tuyệt cú của Lí Thái Bạch xuất khẩu mà thành, không có ý làm cho tình vi mà không bài nào là không tình vi”. Bài Tĩnh dạ tư (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) là bài ngũ ngôn tuyệt cú, mỗi câu năm chữ, thuộc vào loại thơ không cố ý làm cho tình vi mà rất tình vi.

III. LUYỆN TẬP

Câu 1: Đề tài của bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” là gì? Hãy sưu tầm thêm những câu thơ Đường cùng đề tài đó.
Câu 2: Có ý kiến cho rằng: Hai câu thơ đầu của bài Tĩnh dạ tứ là sự kết hợp giữa tĩnh và động. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao?
Câu 3: Tái hiện lại không gian của bài thơ trong câu 1. Từ đó hãy chỉ ra hạn chế của bản dịch thơ trong việc dịch từ “quang” (“minh nguyệt quang”) thành từ “rọi” (Đầu giường ánh trăng rọi).
Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của phép đối trong hai câu thơ cuối bài Tĩnh dạ tứ.
Câu 5: Mặc dù lấy tứ từ bài “Tí dạ thu ca” của nhạc phủ Nam Triều (xem chương mục C) nhưng Lí Bạch đã có những sáng tạo độc đáo đặc biệt ở hai câu kết. Em hãy so sánh và chỉ ra những sáng tạo đó.
Câu 6: Em hãy thử dịch bài thơ Tĩnh dạ tứ sang thể lục bát.
Câu 7: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nghĩ của em về tình quê hương trong bài thơ. Từ đó, em hãy lí giải vì sao nhà thơ Đỗ Trung Quân lại viết:

“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.”

(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

1 bình luận

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.