Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật ông Sáu dành cho con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

tinh-cam-cua-nhan-vat-ong-sau-danh-cho-con-trong-truyen-ngan-doan-chiec-luoc-nga

Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật ông Sáu dành cho con trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

I. Mở bài:

“Chiếc lược ngà” là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tác phẩm ra đời ngay sau khi ông trở lại miền Nam bám sát cuộc sống và chiến đấu của nhân dân. Qua tình huống bất ngờ, đầy kịch tính, ông Sáu háo hức khi gặp lại con, còn bé Thu, con gái ông lại cự tuyệt không chịu gọi ba, tác phẩm khắc họa đậm nét tình cảm yêu thương con sâu đậm của nhân vật ông Sáu, ngợi ca vẻ đẹp tình cảm gia đình trong hoàn cảnh chiến tranh.

II. Thân bài:

1. Tình cảm của ông Sáu dành cho con trong 3 ngày phép:

+ Tình huống: Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng thật trớ trêu là bé Thu lại không chịu nhận ông là cha. Đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi.

+ Nỗi nhớ cồn cào mãnh liệt thôi thúc ông Sáu về thăm con. Gặp con, cảm xúc hồi hộp, vui sướng trào dâng trong lòng ông. Nhưng vừa gặp, bé Thu đã hoảng sợ bỏ chạy khiến ông hụt hẫng “… mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.

+ Trong 3 ngày ở nhà: ông Sáu dành cho con tình cảm sâu sắc và mong chờ tiếng gọi “ba” của con bé. Nhưng bé Thu bướng bỉnh không chịu nhận ba khiến ông rất đau khổ. “Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.”

+ Trong bữa ăn, ông gắp thức ăn cho Thu “miếng trứng cá to vàng để vào chén nó” thể hiện tình yêu thương, chăm chút, muốn bù đắp cho con. Khi con bé hất bỏ miếng trứng cá, ông Sáu rất tức giận đánh vào mông nó một cái và hét lên: “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”

+ Khi bé Thu nhận ông là ba, ông sung sướng, nghẹn ngào đến trào nước mắt.

2. Nỗi nhớ thương con trong những ngày ở khu căn cứ:

+ Sau buổi chia tay con, ông Sáu luôn nhớ con da diết xen lẫn với sự ân hận vì đã đánh mắng con. Ông Sáu luôn day dứt, ân hận về việc anh đã đánh con khi nóng giận. Nhớ lời dặn của con: “Ba về! ba mua cho con môt cây lược nghe ba!” đã thúc đẩy ông nghĩ tới việc làm một chiếc lược ngà cho con.

+ Ông đã vô cùng vui mừng, sung sướng, hớn hở như một đứa trẻ được quà khi kiếm được một chiếc ngà voi vì ông sẽ thực hiện được tâm nguyện làm cây lược cho con như đã hứa.

+ Ông Sáu làm cây lược với tất cả sự công phu, kĩ lưỡng, khéo léo: “ ông cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. “Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà ông đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Việc làm đó vừa làm dịu đi nỗi nhớ thương, ân hận vì đã đánh con vừa đốt cháy thêm khao khát được gặp con. “Có cây lược, anh càng mong gặp lại con”.

+ Khi bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực, lúc không còn đủ sức trăn trối điều gì, anh đã “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho bác Ba, nhìn bác Ba hồi lâu.  Ông Sáu hi sinh khi chưa kịp trao tận tay món quà cho con gái, nhưng ánh mắt ông, cái nhìn “không đủ lời lẽ để tả lại” của ông đã nói lên tất cả tình yêu ông dành cho con.

Cây lược ngà trở thành kỷ vật minh chứng cho tình yêu con thắm thiết, sâu nặng của anh Sáu, của người chiến sỹ Cách mạng với đứa con gái bé nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh đầy éo le, đau thương, mất mát. Anh Sáu bị hy sinh, nhưng tình cha con trong anh không bao giờ mất.

3. Đánh giá:

+ Đó là tình cảm gia đình cao đẹp, sâu nặng, cảm động trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Qua đó người đọc thấm thía những mất mát không gì bù đắp được của con người Việt Nam trong chiến tranh vừa trân trọng tình cảm cao đẹp trong tâm hồn họ.

+ Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất, tạo tình huống độc đáo, đặc biệt thành công trong việc miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật góp phần thể hiện chân thực, cảm động tình cảm cao đẹp đó.

III. Kết bài:

Với việc xây dựng một tình huống truyện bất ngờ, kịch tính, ngôn ngữ truyện giản dị, dân dã, mang đậm màu sắc Nam Bộ, Nguyễn Quang sáng đã dựng lên một bức tranh thấm đấm nước mắt về tình cha con cao cả. Qua đó tác giả đã phần nào phản ánh được hiện thực của chiến tranh khốc liệt, tàn ác của quân địch đã khiến cho tình cảm cha con chia lìa, đau xót. Đọc những câu văn ấy trong tim ta không thể không nhói lên sự đau xót, nhạt nhòa.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: "Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người..." - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.