Cảm nhận tình cảm thiêng liêng của người cháu dành cho người bà qua bài thơ Bếp lửa của Bằng việt

tinh-cam-thieng-lieng-cua-nguoi-chau-danh-cho-nguoi-ba-trong-bep-lua-bang-viet-13170-2

Tình cảm thiêng liêng của người cháu dành cho người bà qua bài thơ Bếp lửa.

  • Mở bài:

Tình cảm gia đình, tình cảm bà cháu là một trong những tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, những tình cảm đó thường gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ mà trong suốt cuộc đời ta không thể nào quên được. Để rồi mỗi lúc đi xa trong tâm hồn mỗi con người luôn nhớ về cội nguồn quê nhà, nhớ những người thân yêu ruột thịt. Nhưng riêng với Bằng Việt, quê hương của ông được gợi về bằng hình ảnh bếp lửa mộc mạc, giản dị. Bài thơ Bếp lửa là niềm xúc động sâu xa của nhà thơ khi nghĩ về bà, nghĩ về quá khứ tuổi thơ đầy khó nhọc, vất vả.

  • Thân bài:

Bài thơ mở ra hình ảnh bếp lửa, gợi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà. Từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm, thấu hiểu cuộc đời bà, về lẽ sống của bà. Cuối cùng, trong hoàn cảnh xa cách, đứa cháu gửi nỗi nhớ mong được gặp. Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà.

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

Câu đầu hiện lên hình ảnh bếp lửa chờn vờn ẩn hiện trong màn sương sớm, gắn liền với những năm tháng tuổi thơ khi tác giả được sống bên cạnh bà. Từ láy “chờn vờn” đâu chỉ miêu tả hình ảnh của bếp lửa của tuổi thơ xa xôi ẩn hiện trong màn sương sớm mà dường như nó còn đang chập chờn ẩn hiện trong tâm trí, trong nỗi nhớ thương quê nhà da diết của nhà thơ trong những tháng ngày xa xứ.

Từ láy “ấp iu” gợi bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa, lại rất chính xác với công việc nhóm bếp cụ thể. Rất tự nhiên, hình ảnh bếp lửa đã làm trỗi dậy tình yêu thương: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Tình thương tràn đầy của cháu đã được bộc lộ một cách trực tiếp và giản dị. Đằng sau sự giản dị ấy là cả một tấm lòng, một sự thấu hiểu đến tận cùng những vất vả, nhọc nhằn, lam lũ của đời bà.

Cho nên nhắc đến bếp lửa là tác giả lại nhớ đến bà của mình, một người bà đã hết lòng yêu thương lo lắng cho tác giả, đã chịu bao nhọc nhằn vất vả vì con vì cháu. Do đó khi nhắc tới bà một tình cảm luôn luôn thường trực trong tâm hồn tác giả tình tình thương yêu, là nỗi xót xa của tác giả, thương cho bà cả một đời phải lận đận vất vả vì mình.

Tiếp tục dòng chảy của hồi tưởng, nhà thơ nhớ về những kỉ niệm thời ấu thơ lam lũ gắn với bếp lửa, gắn với người bà hiền hậu:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạt ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sóng mũi còn cay

Tuổi thơ của tác giả có bóng dáng nạn đói năm 1945, một nạn đói khủng khiếp triền miên dai dẳng. Nó đã cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt Nam vô tội và đã đẩy biết bao gia đình rơi vào cảnh bần cùng đói khổ. Ấn tượng nhất đối với cháu trong những năm đói khổ là mùi khói bếp của bà – mùi khói đã hun nhèm mắt cháu để đến bây giờ nghĩ lại “sống mũi còn cay”. Cái cay vì khói bếp của cậu bé bốn tuổi và cái cay bởi xúc động của người cháu đã trưởng thành khi nhớ về bà hòa quyện.Quá khứ và hiện tại đồng hiện trên những dòng thơ. Điều này cho thấy, mùi khói bếp của bà có sức ám ảnh, làm lay động cả thế chất và tâm hồn cháu.

Tháng năm mòn mỏi trôi đi. Những khó khăn trở ngại cũng vượt qua được hết để tiếp tục sống, tiếp tục hi vọng. Trong những tháng năm ấy, người bà vẫn luôn kề cận, luôn nâng niu, chắt chiu sựu sống dành cho người cháu. Người cháu thấu hiểu điều đó qua nỗi cảm thương tha thiết:

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.

Tám năm ròng là một khoảng thời gian không dài cũng không phải là ngắn so với cuộc đời một con người vì nó đủ để ghi lại những kỉ niệm, dấu ấn khó phai trong suốt cuộc đời ta không thể nào quên được. Trong kí ức tuổi thơ của tác giả là tám năm trời tác giả cùng bà ngồi nhóm lửa và lắng nghe tiếng chim tu hú kêu rộn rã từ những cánh đồng xa xôi, mù mịt.

Giữa một không gian xa xăm mà con người vẫn nghe thấy được âm thanh, tiếng chim tu hú kêu khắc khoải. Tiếng chi tu hú tô đậm cuộc sống mỏi mòn, côi cút, âm thầm và lặng lẽ đáng thương. Nhưng những tháng ngày đó đối với tác giả nó không buồn bã thê thiết vắng lặng cô đơn vì đã có những câu chuyện của bà làm ấm lại lòng mình.

Tiếng chim tu hú kêu khắc khoải, da diết thường gợi lên trong lòng tác giả niềm cảm thương cho một loài chim sống không nhà không cửa, sống lạc loài và cũng có chút gì đó là xót thương cho chính mình. Tiếng chim thê lương xoáy vào tâm cảm:

Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Khi chiến tranh xảy ra, gia đình sống trong cảnh li tán. Cha mẹ phải đi công tác xa nhà, chỉ có 2 bà cháu côi cút, thui thủi, sớm tối ra vào. Cả một đời bà vất vả lo cho con, nay tuổi cao sức yếu vẫn chưa được nghỉ ngơi lại phải lo cho cháu. Bao nhiêu lo toan gánh nặng của gia đình giờ đây trút xuống đôi vai của bà. Thương bà biết bao nhiêu.

Điệp ngữ bà cháu lặp đi lặp lại chỉ sự quấn quýt, yêu thương quan tâm chăm sóc của bà đối với cháu. Bà bảo ban khuyên nhủ, dạy cho cháu những điều hay lẽ phải, những việc lặt vặt trong gia đình để cháu sớm hình thành cho mình nếp sống tự lập. Đêm đêm bà dạy cháu học, bà khuyên cháu cố gắng học hành để mai này có tương lai tươi sáng. Biết bao lo toan, khó nhọc đè nặng trên đôi vai bà; và nhận ra tất cả sự hi sinh của bà dành cho mình, tác giả vô cùng thương xót mà thốt lên:

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Tiếng chim tu hú kêu tha thiết khắc khoải trong lòng, nó nói lên biết bao tình yêu thương, nỗi xót xa mong mỏi, lo lắng của tác giả dành cho bà trong những ngày xa xứ. Tác giả như muốn nói với loài chim tu hú: tu hú ơi đừng hót trên những cánh đồng xa xôi ấy nữa. Hãy về đây sống bên cạnh bà. Hãy cất lên những tiếng ca tưng bừng rộn rã để bà không phải sống những tháng ngày buồn bã, lẻ loi, đơn chiếc.Tiếng goi tha thiết khắc khoải từ trong sâu thẳm tâm hồn hay chính là nỗi nhớ thương lo lắng cho bà đang dạt dào, da diết trong tâm hồn tác giả.

Chiến tranh tàn phá làng xóm đất đai, nhà cửa tiêu điều tan nát. Được sự giúp đỡ của bà con làng xóm, nhà thơ cùng bà đã có chỗ che nắng che mưa trong một túp lều tranh tạm bợ. Cuộc sống vốn nghèo khổ nay lại còn túng thiếu vì gia đình đã chẳng còn gì ấy vậy mà bà vẫn dặn cháu đinh ninh:

Bố ở chiến khu hãy còn việc bố;
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên.

Lời dặn dò đã làm sáng lên một phẩm chất vô cùng cao đẹp của người bà đó là tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn. Dù khó khăn đến đâu bà cũng cắn răng chịu đựng để làm yên lòng những người thân đang chiến đấu nơi tiền tuyến xa xôi. Bà không muốn cuộc sống nghèo khổ của gia đình làm cho người đi xa bận tâm lo lắng để rồi sao nhãng nhiệm vụ chiến đấu. Lời dặn ấy thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh nước nhà của người bà, người phụ nữ nơi hậu phương.

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng

Hình ảnh ngọn lửa luôn ấp ủ nhen nhóm trong lòng bà là một hình ảnh ẩn dụ tượng trung cho ngọn lửa của tình thương, của đức hi sinh bao la vời vợi của người ba dành cho cháu. Và chính bếp lửa của tuổi thơ xa xăm được nhen nhúm lên từ tình thương yêu của người bà ấy có một sức lan toả kì diệu, nó toả ra hơi ấm nồng nàn giúp cháu không cảm thấy buồn bã, cô đơn trong những ngày sống xa che mẹ.

Ngọn lửa ấy không chỉ thắp lên bằng tình yêu thương mà còn thắp lên bằng niềm tin vào tương lai vận mệnh của dân tộc, của cuộc kháng chiến trường kì vô cùng gian khổ của nhân dân nhất định sẽ đi đến ngày thắng lợi, đất nước thống nhất, gia đình sum vầy hạnh phúc luôn âm ỉ cháy mãi trong lòng bà dù trải qua bao thời gian năm tháng.

Chính niềm tin, sức sống mãnh liệt trong tầm hồn người bà như ngọn lửa thắp sáng tâm hồn cháu, nâng đỡ cho cháu trong những ngày đói khổ và trên bước đường đời đầy chông gai thử thách:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi cho đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm.

Cuộc đời của bà là một chuỗi tháng ngày gian khổ, đầu tắt mặt tối lo cho gia đình từng miếng cơm manh áo, tần tảo sớm khuya. Ngay khi tuổi cao sức yếu có thể sống thanh nhàn bà vẫn còn khổ, vẫn dậy sớm, tất bật bộn bề lo lắng. Câu thơ thể hiện tình cảm xót thương của tác giả dành cho cuộc đời tẩn tảo, đức hi sinh, cần cù, nhẫn nại của bà:

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới xẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa.

Điệp từ “nhóm” nhấn mạnh những tình cảm, những kí ức, kỷ niệm của tuổi thơ khi được sống bên bà, bên bếp lửa. Chính người bà đã khơi dậy trong lòng tác giả tình yêu thương, hạnh phúc trong những ngày đói nghèo, gian khổ. Tác giả nhận ra trong những bữa cơm đợn khoai, độn sắn đó là cả một tình thương, sự chắt chiu, dành dụm của bà cho nên

Củ khoai củ sắn thay cơm
Khoai bùi trong dạ, sẵn thơm trong lòng

Dù cuộc sống khó khăn, nghèo khổ nhưng nếu có tình yêu thương, con người vẫn cảm thấy hạnh phúc, không bao giờ thiếu thốn. Hình ảnh bếp lửa, hình ảnh người bà còn nhóm dậy trong lòng tác giả tình cảm làng xóm, tình cảm quê hương. Trong những tháng ngày gian khổ, con người vẫn biết chia sẻ từng miếng cơm manh áo, một nồi xôi gạo, một bát nước trong, sống có tình có nghĩa, biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ nhau.

Chính người bà đã nhen nhóm trong tâm hồn người cháu từ thuở thiếu thời những mơ ước hoài bão, những tình cảm cao đẹp. Cho nên đối với tác giả, bếp lửa ấy vô cùng kỳ lạ và thiêng liêng. Kì lạ là bởi nó cháy lên bao nhiêu năm qua, nó cháy lên trong mọi hoàn cảnh, nó mang lại sự sống, niềm tin và hi vọng. Thiêng liêng là bởi nó được nhóm lên từ bằn tay ấm áp của người bà, nó gắn với tình yêu thương nồng được, thiết tha của bà đã dành cho người cháu.

Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, bài thơ đã gợi đến ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngã
Nhưng chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Giờ người cháu đã đi xa, đến những chân trời xa xôi, mới lạ để thực hiện ước mơ, hoài bão, không được sống trong tình yêu thương của bà, trong mùi khói cơm chiều ngây ngây rơm rạ, nhưng trong tâm hồn tg vẫn luôn nhớ hình ảnh người bà tần tảo, bên cạnh bếp lửa nơi quê nhà. Có lẽ chính hình ảnh bếp lửa, tình thương yêu của người bà để lại trong kí ức tuổi thơ của người cháu những kỷ niệm vô cùng sâu sắc, êm đẹp để mỗi khi đi xa, người cháu không bao giờ cảm thấy buồn bã, cô đơn. Nó chứng mình rằng người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người. Chính bà và kỉ niệm tuổi thơ là sợi dây vô hình gắn chặt con người mình với côi nguồn, quê hương đất nước

Sáng tạo thành công hình tượng bếp lửa – một biểu tượng đẹp đẽ của tình bà cháu. Bếp lửa không còn là một sự vật tồn tại bên ngoài mà đã đi sâu vào tâm hồn tác giả, gắn liền với những kỷ niệm êm đẹp của tuổi thơ, với hình ảnh người bà hết lòng yêu thương, chăm sóc tác giả. Bếp lửa của cuộc sống được nhen nhóm bằng than củi, gỗ cây còn bếp lửa trong tâm hồn được nhen nhóm bằng tình yêu, sự hi sinh của người bà, là biểu tượng của quê hương đất nước, gia đình nên nó thiêng liêng, tồn tại mãi trong tâm hồn con người.

Những câu thơ như lời đối thoại tâm tình, cháu trò chuyện với bà trong tâm tưởng, cháu trò chuyện với chim tu hú trong tình yêu thương. Và tất cả đều là sự bộc bạch của cháu dành cho người bà kính yêu. Hình ảnh của bà, hình ảnh của bếp lửa và âm thanh của chim tu hú vang vọng trong một không gian mênh mông khiến cả bài thơ nhuốm phủ sắc bàng bạc của không gian hoài niệm, của tình bà cháu đẹp như trong chuyện cổ tích.

Giọng thơ chân thành, thiết tha, sâu lắng thể hiện một cách chân thật và xúc động tình cảm bà cháu thiêng liêng sâu nặng. Bài thơ có sự kết hợp hài hoà nhiều phương thức biểu đạt như biểu cảm, miêu ta, tự sự để từ đó khắc hoạ thành công hình tượng người bà mang trong mình nhiều phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: yêu nước, kiên cường mạnh mẽ, đảm đang tháo vát, giàu đức hi sinh, hết mực thương con thương cháu

  • Kết bài:

Không chỉ là thể hiện nỗi nhớ quê hương và gia đình trong một bài thơ, Bằng Việt qua bài thơ còn muốn gửi đến các thế hệ một thông điệp ý nghĩa: Những gì thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng bước con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu đất nước bắt nguồn từ lòng yêu quý ông bà, cha mẹ, từ những gì gần gũi và bình dị nhất.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận về những phẩm chất tốt đẹp mà người bà nhóm lên trong lòng cháu qua đoạn thơ: "Lận đận đời bà... Sớm mai bày và nhóm bếp lên chưa?" (Bếp lửa) - Theki.vn
  2. Cảm nhận ý nghĩa bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.