Làm sáng tỏ tính dân tộc đậm đà của bài thơ Việt Bắc qua đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta…

tinh-dan-toc-cua-bai-tho-viet-bac

Làm sáng tỏ tính dân tộc đậm đà của bài thơ Việt Bắc – một trong những nét nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu qua đoạn thơ:

“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

(Việt Bắc – Tố Hữu, sgk Ngữ Văn 12 tập 1 NXB Giáo dục năm 2008, tr 111)


Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

– Tố Hữu lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt nam. Sức hấp dẫn của thơ ông chính là niềm say mê lý tưởng cách mạng và tính dân tộc đậm đà. Bài thơ Việt bắc đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là thành tựu của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời vào tháng 10 năm 1954. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử: Trung Ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà nội. Bài thơ là khúc hát ân tình hủy chung giữa nhân dân, đất nước với Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Nội dung đó được thể hiện bằng hình thức đậm đà tính dân tộc.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

– Tính dân tộc là phẩm chất tư tưởng, thẩm mĩ độc đáo của sáng tác, thể hiện sự gắn bó giữa tác phẩm văn học với văn hóa tinh thần dân tộc.

– Tính dân tộc trong văn học được thể hiện ở hai mặt nội dung và hình thức nghệ thuật.

+ Nội dung: Đề cập đến những vấn đề liên quan đến tư tưởng, tình cảm và phẩm chất của dân tộc, cách giải quyết vấn đề đó trên cơ sở vì quyền lợi dân tộc.

+ Hình thức: Sử dung ngôn ngữ dân tộc, kế thừa và phát huy có tính sáng tạo truyền thống văn học dân tộc.

2. Chứng minh tính dân tộc đậm đà của bài thơ Việt Bắc qua đoạn thơ:

* Nội dung:

Việt Bắc là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu. Lời thơ như khúc hát ân tình tha thiết về Việt Bắc, quê hương của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở đó, bên cạnh cách những bức tranh hùng tráng, đậm chất sử thi về cuộc sống đời thường gần gũi, thân thiết được bao bọc bởi thiên nhiên vô cùng tươi đẹp.

Đây là bức tranh được dệt bằng ngôn từ nghệ thuật toàn bích, có sự hoà quyện giữa cảnh và người, giữa cuộc đời thực với tấm lòng của nhà thơ cách mạng. Mười câu thơ trên nằm trong trường đoạn gồm 62 câu thơ diễn tả tâm tình của người cán bộ sắp sửa rời Việt Bắc, nơi mình đã 15 năm gắn bó với bao tình cảm máu thịt.

Đoạn thơ là một bộ tranh tứ bình dệt bằng ánh sáng của hoài niệm về thiên nhiên và con người Việt bắc trong kháng chiến. Qua đó tác giả thể hiện tình yêu thiên nhiên tươi đẹp, tình yêu cuộc sống và con người Việt bắc. Đó là biểu hiện của tình yêu nước và tình yêu Cách mạng.

Hai câu đầu khái quát cảm xúc cho toàn bộ đoạn thơ:

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Nỗi nhớ cảnh và người Việt bắc. Lời thơ ngợi ca về thiên nhiên và con người Việt Bắc. “Hoa” là biểu trưng về thiên nhiên, về những gì tươi đẹp. Đặt hoa bên cạnh người là sự tôn vinh về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Vả lại, hoa và người hoà quyện, gắn bó với nhau. Nói tới thiên nhiên không thể nói đến con người và ngược lại, những con người ấy đã ở trong một thiên nhiên đẹp, gần gũi.

Tám câu còn lại dựng nên bức tranh tứ bình tuyệt đẹp:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Đoạn thơ trước hết gợi lên một bức tranh tứ bình đẹp về thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Bức tranh bốn mùa xuân- hạ- thu- đông trở thành bức tranh của nỗi nhớ.

Mùa đông ấm áp trong gam màu nóng của những bông hoa chuối rừng đỏ tươi:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Mùa xuân bạt ngàn màu trắng của hoa mơ:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Mùa hè tiếng ve kêu báo hiệu và rừng phách ào ạt đổ vàng:

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

Mùa thu thanh bình trong ánh trăng thanh bình hạnh phúc:

Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Ứng với các không gian đó là hình ảnh con người lao động khỏe khoắn, khéo léo, cần cù..với tiếng hát ân tình thủy chung.

Đoạn thơ ngập tràn màu sắc với màu đỏ tươi của hoa chuối mùa đông giữa nền rừng xanh mênh mông, với màu trắng tinh khiết của hoa mơ mùa xuân, với ánh vàng của rừng phách vào hè và mùa thu huyền ảo với ánh trăng soi. Nổi bật giữa vẻ đẹp của thiên nhiên là vẻ đẹp của con người. Xen giữa một câu lục tả cảnh là một câu bát tả người-hình ảnh con người trong lao động và sinh hoạt ( “ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”, “ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”, “ Nhớ cô em gái hái măng một mình”, “ Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” ).

Bộ tứ bình bằng thơ về cảnh và người Việt Bắc được dệt dưới ánh sáng của hoài niệm da diết. Thông thường, người ta chỉ nhớ những gì mang ấn tượng nhất của quá khứ và thời gian càng lùi xa thì ấn tượng ấy càng trở nên tươi đẹp, huyền ảo hơn. Hàng loạt điệp từ nhớ (5 từ) trong một khổ thơ như là sự nối dài của lòng hoài niệm không dứt.

Sự đan xen giữa người và cảnh tạo nên sự hài hoà, quấn quýt, gợi tình cảm nhớ nhung da diết. Âm hưởng chung của đoạn thơ là nỗi nhớ nhung tha thiết. Nhịp thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, bâng khuâng, êm đềm như khúc hát ru.

3. Nghệ thuật:

Thể thơ được sáng tác theo thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc. Bài thơ có kết cấu theo lối hát đối đáp quen thuộc trong ca dao dân ca. Đoạn thơ là lới đáp của người ra đi với người ở lại. Tác giả đã sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình – ta” vừa truyền thống, vừa hiện đại: Nét truyền thống gợi lên không khí ca dao với tiếng hát dao duyên làm cho tình cảm cách mạng gần gũi thân thiết và chân thành; nét hiện đại là sự uyển chuyển đa nghĩa, sự biến hóa linh hoạt.

Ngôn ngữ thuần việt, bình dị, trong sáng mà giàu sức gợi cảm, nhuần nhị và tinh tế. Điệp từ “nhớ” lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ như một sự nối dài của dòng hoài niệm không dứt, các phép tu từ hoán dụ, ẩn dụ, đảo ngữ.

Nhạc điệu trong bài thơ là nhạc điệu dân tộc với thể thơ lục bát được tác giả sử dụng sáng tạo trong việc ngắt nhịp, gieo vần và liên kết giữa các dòng thơ. Có thể nói, đây là một trong những đoạn hay nhất của bài Việt Bắc. Mười câu thơ cuối giàu tính tạo hình, giàu âm hưởng, cấu trúc hài hoà, cân đối.

4. Đánh giá chung:

– Việt Bắc là bài thơ hay của Tố Hữu. Bởi lẽ, tác giả đã thể hiện sự tài hoa của mình trên nhiều phương diện của sáng tạo nghệ thuật.  Sự tài hoa ấy được dẫn dắt của một điệu tâm hồn đầy tình nghĩa của nhà thơ.

– Thành công của Tố Hữu trong đoạn thơ trên là đã thể hiện được tính dân tộc kết hợp với tính hiện đại trong một tâm hồn lớn – tâm hồn cách mạng.

  • Kết bài:

– Đoạn thơ trên là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc bởi kết tinh một nghệ thuật thơ ca vừa giàu tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại trong một điệu tâm hồn say đắm.

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Làm rõ tính dân tộc trong 8 câu thơ đầu bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu - Theki.vn
  2. Phân tích vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc qua bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu - Theki.vn
  3. Phân tích đoạn thơ: Mình đi, có nhớ những ngày... Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa (trích Việt Bắc của Tố Hữu - Theki.vn
  4. Soạn bài: "Việt Bắc" (Tố Hữu) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.