Suy nghĩ về tính phô trương

tinh-pho-truong

Suy nghĩ về tính phô trương

  • Mở bài:

Người Việt nam tính hay sĩ diện nên lối sống cũng rất phô trương. không những phô trương của cải vật chất mà danh tiếng cũng được phô trương theo nhiều kiểu cách. Khi đời sống vật chất đầy đủ, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống nâng lên, nhiều người đã phô trương một cách quá mức, kịch cỡm, vô ích.

  • Thân bài:

Phô trương là gì?

Phô trương là trưng bày, phô bày ra cho người khác thấy những điều tốt hay sức mạnh của mình để lấy tiếng tăm, thị oai, hoặc là khoe mẽ vật chất, lối sống hơn người khác nhằm thỏa mãn tính sĩ diện, khoe của hợm hĩnh.

Biểu hiện của tính phô trương:

Tính phô trương, khoe khoang, hình thức vốn không lại gì trong cuộc sống. Trước hết là thói khoe của cải. Tiệc tùng, đình đám là phải làm lớn, phô trương tất cả những gì mình có và phải hơn hẳn, vượt trội hơn người khác.

Biểu hiện của “bệnh” phô trương, hình thức còn ở việc hay làm những việc không đáng làm, không nên làm; chỉ cần làm bé nhưng lại làm to; nói hay, nói tốt nhưng làm thì dở, thậm chí cố ý đánh lừa về bản chất của sự việc, cố tình tạo nên các giá trị, phẩm chất ảo. Phô trương, hình thức luôn có mối quan hệ chặt chẽ với bệnh thành tích, gắn với nạn quan liêu, cơ hội, lãng phí, xuất phát từ âm mưu “hợp lý hóa” để tư lợi, tham nhũng và còn có thể do tâm lý sĩ diện, muốn “cho bằng chị bằng em”…

Người giàu là lớp người dễ mắc căn bệnh phô trương. Họ phô trương để bàn dân người khác biết họ giàu sang. Phô trương để được tung hô trở thành người nổi tiếng. Sự nổi tiếng đó ai cũng hiểu chỉ mang tính chất khoe khoang, bịp bợm là chính chứ không là thực lực.

Mỗi người sẽ có một cách phô trương khác nhau. Chẳng hạn, phô trương là mình thân thiết với ai đó có quyền lực để người khác thấy mình có quan hệ rộng rãi, đẳng cấp . Hoặc những việc như nói dối về thân phận, tôn sùng quá mức quần áo, trang sức hàng hiệu cũng là một kiểu viện đến quyền uy, một dạng phúc cảm tự tôn. Trong các trường hợp này, kẻ phô trương vốn không tài giỏi hay đặc biệt gì, nhưng bằng cách gắn mình với uy quyền, lại có thể chứng tỏ mình đặc biệt. Nghĩa là tâm lý tự tôn giả tạo.

Tác hại của tính phô trương:

Sống phô trương, khoe khoang, hợm của là đi ngược lại với truyền thống văn hoá và lối sống của dân tộc ta vốn rất coi trọng lối sống giản dị, trong sạch, vững mạnh, khiêm tốn, giàu giá trị nhân văn.

Nếu chúng ta phô trương quá mức cần thiết, đó là quá tự tin, tự kiêu, khoe khoang quá đà, biểu hiện của lối sống thấp kém. Hình ảnh người phô trương sẽ không được sự tôn trọng của mọi người, thậm chí bị mọi người coi thường, lên án. Những người phô trương sẽ khó nhận được sự tin tưởng, họ chạy theo danh hão và nó cản trở sự thành công của họ…

Nếu chúng ta khiêm tốn, thiết thực, đó là biết mình biết ta, là biểu hiện của lối sống chân thực, chân thành, của những phẩm chất cao quý. Càng khiêm tốn càng nâng cao giá trị của mỗi con người. Nếu sống khiêm tốn, ta sẽ được mọi người trân trọng, đề cao, sẽ có thành công trong cuộc sống.

Sống phô trương là lối sống phung phí tiền bạc một cách vô ích, đáng chê cười. Sự phô trường còn gây ra nhiều phiền phức đối với người khác. Kẻ  thích phô trương hành động như thể mình vượt trội, chìm đắm trong cảm giác tự tôn giả tạo.

Xã hội ai cũng chạy theo lối sống phô trương, ích kỉ, giả tạo sẽ gây ra tình trang phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo,… Tình người trong một cộng đồng thích phô trương cũng dần suy kiệt. Con người ngày càng trở nên vô tâm, tàn nhẫn, xem trọng của cải, vật chất, rẻ rúng nhân cách, nhân phẩm người khác. Sống phô trương, con người ngày càng trở nên hẹp hòi, sẵn sàng chà đạp lên quyền hạn và lợi ích của người khác để thoả mãn như cầu phô trương của bản thân.

Cần làm gì để chấm dứt thói phô trương?

Không thể có một xã hội thịnh vượng và văn minh khi ở đó có sự phô trương. Tính phô trương gieo mầm đố kỵ, ganh đua, là hạt giống của tệ nạn xã hội và tội ác. Mỗi cá nhân, bằng những hành động cụ thể, có thể đóng góp cho cộng đồng …không chỉ giúp bản thân nâng cao năng lực, hoàn thiện nhân cách mà còn thúc đẩy xã hội cùng tiến bộ, phát triển.

Biết quý trọng của cải vật chất, không xa hoa, phung phí vô ích. Sống đề cao tình nghĩa, yêu mến sự đơn giản, không màu mè, khoa trương. Thực hành lối sống giản dị. Cái đẹp chân thực không phải là cái đẹp ở hình thức mà chính là cái đẹp có ở tâm hồn, tài năng và đạo đức.  Thế nen, hãy luôn sống khiêm tốn, tôn trọng và đề cao người khác. Chớ khoe khoang về bản thân mình.

Lối sống không phô trương, không xem trọng vật chất, sống hòa hợp giữa con người và thế giữa tự nhiên vốn là quan niệm sống cao đẹp của dân tọc ta từ xưa đến nay. Thiên tài Nguyễn Trãi sau khi dẹp yên quân giặc, sắp xếp triều chính, bình loạn, an dân, đã tìm về với lạc cảnh Côn Sơn thư thả tháng ngày. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tài năng lỗi lạc đã không lên chốn quan trường mà chọn bến sông Giang làm nơi nương trú, di dưỡng tinh thần. Nguyễn Khuyến bình tâm trở về với đồng ruộng ao bèo, tìm thú tao nhã trong đơn sơ vật chất. Ấy là tâm hỷ lạc, cảnh giới cao nhất của con người vậy.

Ấy thế mà các bạn trẻ ngày nay đã không chịu học hỏi tiền nhân, lao mình vào cuộc sống hưởng thụ, phô trương quá mức. Nhìn vào lối sống của các bạn trẻ, đặc biệt là ở những thành phố lớn, con nhà giàu có, một sự phô trương quá mức cần thiết. Thời trang hàng hiệu, điện thoại đắt tiền, xe hơi sang trọng, đánh bóng tên tuổi quá mức bằng đồng tiền. Tuy không có gì sai nhưng nó làm hỏng những tâm hồn vốn từ lâu đã bán mình cho đồng tiền ngự trị.

Sống phô trương, khoe mẽ là lối sống cần lên án, phê phán. Đề cao lối sống khiên tốn, giản dị và ngợi khen những người khiêm tốn, giản dị. Xây dựng lối sống công bằng, trong sạch, vững mạnh, đề cao tình nghĩa để cùng nhau xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh hơn, nhân ái hơn.

  • Kết bài:

Không có một sự xa sỉ nào có thể tạo ra thành công. Không có một sự phô trương nào được yêu mến chân thật. Những lời ngợi khen dành cho nó thực tế là những lời nói giả tạo chỉ nhằm để lấy lòng. Đừng phô trương nữa, đừng tự đề cao mình nữa. hãy biết khiêm tốn. Đặc biệt là tuổi trẻ, thế hẹ tương lai của đất nước. Hãy mau chóng lựa chọn cho mình một lối sống phù hợp và đúng đắn, tự hoàn mình theo những chuẩn mực tốt đẹp, mai này trở thành người hữu ích, góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về đức tính khiêm tốn - Theki.vn
  2. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về lòng khoan dung - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.