Cảm nhận tình yêu thiên nhiên thiết thiết qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải và bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

tinh-yeu-thien-nhien-tha-thiet-trong-mua-xuan-nho-nho-thanh-hai-va-sang-thu-huu-thinh-13226-2

Cảm nhận tình yêu thiên nhiên thiết thiết qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải và bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh

  • Mở bài:

Đối với thi nhân, không vẻ đẹp nào đẹp bằng vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời. Thơ xưa luôn dành cho thiên nhiên một vị trí danh dự. Các nhà thơ hiện đại cũng dành cho thiên nhiên một tình yêu thiết tha. Với bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc một mùa xuân xứ Huế thơ mộng, trữ tình, đằm thắm mà thiết tha. Hữu Thỉnh cũng góp vào bức tranh ấy với một mùa thu mơ màng, êm dịu mà vội vã, xáo động.

  • Thân bài:

Thanh Hải viết bài thơ Màu xuân nho nhỏ trên giường bệnh, hai tháng trước khi ông mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Ở vào thời điểm ngay lằn ranh giữa sự sống và cái chết ấy, con người thường hay nghĩ về sự kết thúc hơn là những khởi đầu của sự sống. Ấy thế mà, Thanh Hải đã dành tất cả tâm tư, tình cảm để chuẩn bị cho những khởi đầu mới mẻ và diễn biến của sự sống lâu bền. Không có một sự bi lụy nào được gắn kết trong từ ngữ. Tất cả đều rất tươi vui, rạo rực sức sống. Một sức sống cuộn lên từ niềm tin và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời tươi xanh. Mở đầu bài thơ hiện lên bức tranh mùa xuân tràn đầy thanh sắc:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời!”.

Thủ pháp đảo trật tự cú pháp trong câu thơ vắt dòng: “Mọc giữa dòng sông xanh. Một bông hoa tím biếc” không làm người đọc khá bất ngờ mà còn muôn phần thú vị. Chỉ bằng hai câu thơ ngắn ngủi mà cảnh xuân, sắc xuân, tình xuân đã trào lên chất chứa. Giữa dòng sông xanh, một bông hoa lục bình sắc tím đĩnh đạc, lộng lẫy nổi bậc trên cái nền xanh thẳm của sông nước, đất trời. Nghệ thuật phối sắc thể hiện cái đẹp hài hòa của thiên nhiên. Chỉ một đóa hoa ít ỏi thôi nhưng nó không hề đơn độc. Bông hoa không tách mình khỏi cảnh vật mà hòa mình vào với tất cả. Cũng không có một sự khác biệt nào giữa sắc màu của sông xanh, của nước xanh, của cỏ xanh, của trời xanh hay của hoa tím. Người đọc nhận thấy ở đó là một gam màu nhẹ nhẹ, đằm thắm dễ chịu. Đó là màu của sức sống đang tràn trào khắp cảnh vật.

Trên bầu trời cao, tiếng chim chiền chiện không ngừng lảnh lót. Hai từ “hót chi” không phải để hỏi mà là sự đồng cảm, thấu hiểu. Nó hát bài ca mến yêu ánh sáng và cuộc đời. Nó hát bài ca ca ngợi cuộc sống tự do và hạnh phúc. Đó cũng là lời ca, là niềm vui, niềm tin yêu của lòng người trước cuộc đời mới tươi đẹp và vĩnh hằng. Với tiếng chim chiền chiện, không gian nghệ thuật mở ra rộng lớn hơn, cao vời hơn. Thoát khỏi điểm nhìn dưới thấp nhưng cái màu xanh vẫn còn tiếp nói đến tận xa xôi. Giữa con người và thiên nhiên đất trời giờ đây xích lại gần nhau hơn, hòa quyện trong niềm vui bất tận. Bởi thế mà, nhà thơ đã trìu mến gọi: “Ơi, con chim chiền chiện” thân thương như gọi một người bạn cần đến để tâm tình, sẻ chia niềm vui sướng đang dồn ứ trong lòng.

Sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên đất trời bước đến sự hòa nhập thực sự khi nhà thơ nhận thấy:

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Vẻ đẹp và sức sống của thiên nhiên không còn xa vời mà hiện hữu ngay trên bàn tay đón đợi. Có cái gì đó mến yêu, ngọt ngào, long lanh đang rơi xuống khiến nhà thơ đưa tay ra hứng.  Từng giọt long lanh có nhiều cách hiểu. Đó có thể là giọt sương đêm còn treo đầu ngọn cỏ xanh trong buổi bình minh nắng sớm. Đó có thể là gọt mưa còn vương lại trên lá thắm chồi non. Đó có thể là âm thanh của tiếng chim chiền chiện kết tụ tinh anh giữa đất trời thắm biếc, trong cuộc đời rộn rã tươi vui.

Dù hiểu theo cách nào thì hình ảnh đó vẫn rất đẹp, rất nên thơ, đủ sức dẫn dắt ta phiêu du trong cảnh sắc mùa xuân đang chờ đợi bước chân ta tới. Chẳng gì mùa xuân đang vui mà bởi lòng người đang hân hoan với niềm vui lớn. Có lẽ, Thanh Hải đã nhận biết đó có thể là mùa xuân cuối cùng mà ông được chào đón nên mới vồn vã đến thế. Mùa xuân xứ Huế được miêu tả đẹp như một bức tranh cổ kính phảng phất chất Đường thi thuở nào. Nó vừa kín đáo vừa rộng mở ra trước mắt với dòng sông, hoa cỏ, tiếng chim hót,  bầu trời cao, sương mai e ấp, ánh xuân tươi và  con người luôn sẵn sàng mạnh bước tới. Tất cả sắc xuân, tình xuân, nhạc xuân cuộn quyện trong tâm cảm con người hòa thắm yêu thương.

Khác với Thanh Hải, nhà thơ Hữu Thỉnh khám phá bức tranh thiên nhiên với mọt tâm thế bất ngờ nhưng hết sức hồ hởi. Cảm xúc ấy vừa dịu nhẹ, tinh tế vừa nồng say, quấn quýt. Cảm xúc ấy nảy sinh từ một tâm hồn đày rung cảm, lúc nào cũng sẵn sàng giao hòa với đất trời thiên nhiên, với cái đẹp trong cuộc đời.

Không chờ đợi mà lại đến, mùa thu thầm lặng gõ cửa làng quê và hồn người thi sĩ:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”.

Nhiều người cho rằng chữ “bỗng” ở đầu câu thơ biểu hiện sự xuất hiện đột ngột, bất ngờ của mùa thu khiến cho nhà thơ thảng thốt. Nhưng kì thực, đọc lại một lần và đọc thêm nhiều lần nữa, nhấn nhá một chút ta sẽ thấy đó là niềm sướng vui, hân hoan tột độ của thi nhân khi phát hiện mùa thu đã về qua hương ổi nồng được phả trong con gió lạnh đầu mùa. Bởi mùa thu đến trước hết không qua sự vật nào khác ngoài cái se lạnh đầu mùa. khí hậu miền Bắc phân ra rõ ràng lắm, tinh nhạy lắm. Thi nhân không thể không biết điều đó. Thế nên đâu là bất ngờ, đâu còn là đường đột, là kinh ngạc. Lại thêm hương ổi là mùi hương vốn không có gì xa lạ đối với người làng quê. Mùa thu hương ổi thơm đã trở thành quen thuộc rồi. Cái đẹp ở đây là cái đẹp của hồn người, một tâm hồn đây cuống quýt, nồng nhiệt và rộn ràng hết sức.

Mùa thu đến, đất trời lặng gió. Thực ra là nó đã đến rồi. Nếu thực sự đó là khoảnh khắc đầu tiên, trong cái xung đột dữ dội của thời tiết thì đất trời không thể lặng gió được. Cũng không có cái cảnh: “Sương chùng chình qua ngõ” đau. Và hai từ “hình như” cũng mất đi ý nghĩa. Nói đúng hơn, đây là khoảnh khắc thi nhân cảm nhận được khá đầy đủ dấu hiệu của mùa thu trên cảnh vật hiện hữu. Hình như thể hiện một chút nghi hoặc, một chút bâng khuân, có cái gì đó không thật rõ ràng của bước chân mùa thu dù tín hiệu thu sang đã rõ.

Mở rộng không gian thu, thi nhân đến với đất trời rộng lớn để kiểm chứng, xác thực và khẳng định nó:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

Sự chuyển dịch không gian tạ cho ta cảm giác chuyển động của bước chân mùa thu. Đó là một cảnh động, biến ảo rất nhanh như một thước phim lướt vội trên màn ảnh. Từ trong lũy tre cổng nhỏ, thi sĩ bước đến với đồng rộng sông dài mới nhận rõ bước thu đi. Không phải “con sông dùng giằng con sông không chảy” như Thu Bồn viết về sông Hương, Trước mắt thi sĩ, con sông “dềnh dàng”. Nó như lơ là, không chú tâm, như còn mơ màng trong làn sương, bịn rịn với đồng, tinh nghịch với bờ, với bãi không muốn xuôi dòng. Cánh chim trời cũng đã vội vã theo đàn về Nam. hai từ “vội vã” thể hiện rất rõ ràng cánh chim đang trên đương di trú chứ không phải là bắt đầu cho cuộc hành trình vạn dặm ấy.

Trên trời cao, đám mây với hai sắc thái đối lập: nửa sáng, nửa tối. nửa sáng như vẫn còn ở mùa hạ, nửa tối đã bước đến mùa thu. Thực ra, đó chỉ là cách nói hình tượng bằng ngôn ngữ nghệ thuật mà thôi. Chính hiệu ứng ánh sáng trong một thời điểm trùng hợp khiến nhà thơ liên tưởng đến sự xung đột mùa ấy. Kết hợp với phép nhân hóa được sử dùng trong câu thơ tạo nên sự bất ngờ, thú vị, tinh tế. Áng mây bâng khuâng là hình ảnh thực nhưng cái ranh giới mùa là hư, sản phẩm của vị trí tưởng tượng nhà thơ.

Ở ngay cái khoảnh khắc giao mùa, lúc này, sự xung đột mãnh liệt mới thực sự rõ ràng nhất:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.

Không gian trở lại với những sắc thái vốn có của khoảnh khắc giao thời. Sự xung đột kéo dài đến chân trời xa xôi. Bầu trời vẫn còn ấm cái nắng của mùa hề, những con mưa giông ầm ĩ cũng đã vơi rồi. Tiếng sấm không còn đủ sức vang rền mà kéo về tận xa xa.

Đến đây, giọng thơ trầm hẳn xuống. Câu thơ ngập ngừng tiếc nuối. Đó là sự suy tu, chiêm nghiệm về cuộc đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển từ lức mới bắt đầu cho đến khi thực sự trở nên rõ ràng, nhà thơ nghĩ đến cuộc đời với bao trải nghiệm sâu sắc khi đã đứng tuổi. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn…trước những chấn động của cuộc đời.

Thiên nhiên làm nhà thơ chú ý, hào hứng, sôi nổi rồi lại trở về với nỗi buồn của đời người. Sang thu đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Chính vì vậy những vần thơ của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt hơn.

Hình ảnh thơ tự nhiên, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm, thể thơ năm chữ vắt dòng tạo ra những liên tưởng thú vị → đã thể hiện một cách đặc sắc những xúc cảm tinh tế trước bước chuyền giao mùa; đã diễn tả cụ thể, tinh tế, nhạy cảm tình yêu thiên nhiên tha thiết của Hữu Thỉnh. Cách cảm nhận và miêu tả của tác giả: tinh tế, nhạy cảm, sự liên tưởng độc đáo. Nhà thơ làm cho mùa thu trong thơ ca Việt Nam mang một hương sắc mới.

Thiên nhiên vốn vô tư. Chẳng bởi vì thế mà từ xưa, con người đã lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp. Con người có thể gửi gắm vào đó biết bao tâm tư tình cảm và nhận về biết bao chiêm nghiệm sau xa. Qua hai bài thơ, ta thấy rất rõ cả hai nhà thơ đều dành cho thiên nhiên một tình yêu nồng nhiệt, đắm say. Tình yêu thiên nhiên của hai nhà thơ đều nhẹ nhàng, tinh tế nên cảnh sắc thiên nhiên trong bài thơ không bị hòa lẫn vào cảnh sắc thiên nhiên của các bài thơ khác. Thiên nhiên là bạn, là người thân yêu mến. Thiên nhiên giao hòa, thấu cảm và sẻ chia cùng con người. Thiên nhiên thắm biếc sắc màu và không ngừng chuyển động theo niềm tâm cảm. Dù mùa xuân hay mùa thu, lúc nào thiên nhiên cũng hiền hòa, thân thiết.

Điểm khác biệt ở hai bức tranh thiên nhiên đó là hai bức tranh của hai mùa khác nhau. Một mùa là khởi đầu của một năm, thắm đầy sức trẻ, cây lá xanh tươi, đất trời rộng mở. Một mùa là thời điểm trầm lắng của đất trời chuyển mình vào giấc ngủ đâu triền miên, sự sống bắt đầu co khép lại. Thật lạ lùng thay, nhà thơ Thanh Hải khi đang trong cơn bạo bệnh, sức sống suy kiệt lại khát khao một mùa xuân tràn đầy, tươi trẻ, còn nhà thơ Hữu Thỉnh khi ấy chưa hẳn đã già lại tìm về với sự trầm lắng, đầy chiêm nghiệm của mùa thu. Một sự trùng hợp gây cho người đọc biết bao thú vị. Phải chẳng, khi sống con người thường nghĩ đến cái chết và không ngừng lãng phí thời gian và khi sắp từ biệt thế gian, con người ta lại khao khát sống, thấy mình sống chưa đủ, cống hiến cho cuộc đời chưa đủ?

  • Kết bài:

Thanh Hải và Hữu Thỉnh bằng hai bài thơ ngắn đã mang đến cho đọc giả những trải nghiệm sâu sắc. Tình yêu thiên nhiên – mùa xuân, mùa thu của hai thi nhân thật thiết tha đã bồi đắp thêm cảm xúc, tình cảm yêu mến thiên nhiên cho mỗi người đọc. Mùa xuân nho nhỏ Sang thu cùng với hai hồn thơ Thanh Hải, Hữu Thỉnh đã làm đẹp những trang thơ hiện đại Việt Nam.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.