Cảm nhận tình yêu thổn thức, bồi hồi trong trái tim trẻ qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

tinh-yeu-thon-thuc-trong-trai-tim-tuoi-tre-qua-bai-tho-song-cua-xuan-quynh

Cảm nhận tình yêu thổn thức, bồi hồi trong trái tim trẻ qua bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.

  • Mở bài:

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu của thơ Việt Nam thời chống Mĩ với những bài thơ tình rất hay, rất nồng nàn. Sự có mặt của Xuân Quỳnh trên thi đàn văn học góp phần làm cho làng thơ Việt Nam thêm một tiếng nói trực tiếp hay bày tỏ khát khao mãnh liệt, chân thành, sôi nổi, tự nhiên của một trái tim phụ nữ trong tình yêu. Bài thơ Sóng được nhà thơ sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình) và in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Cùng với “Thuyền và biển”, “Sóng” là một trong nhưng bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

  • Thân bài:

Với kết cấu có sự đan xen, cộng hưởng của hai hình tượng sóng và em đã làm nên sức loi cuốn của bài thơ Sóng. Em là cái tôi trữ tình của nhà thơ, một cái tôi đầy nữ tính nồng nàn khát vọng tình yêu. Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của cái tôi trữ tình. Kết hợp với thể thơ năm chữ cùng với sự linh hoạt, phóng túng khi ngắt nhịp, phối âm đã gợi lên thất ấn tượng nhịp sống biển (và cả sóng lòng nữa) khi dịu êm, khoan thai, khi dồn dập, dữ dội. Sóng không chỉ là hình tượng xác đáng về ý nghĩa tình yêu trong trái tim trẻ mà còn là hình tượng âm thanh phù hợp góp phần bộc lộ khát vọng tình yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình.

1. Lời giãi bày chân thành về khát vọng tình yêu (khổ thơ 1 và 2):

Trong khổ thơ thứ nhất, hình ảnh sóng được miêu tả trong hai trạng thái hoàn toán đối lập nhau: khi ồn ào dữ dội, lúc lặng lẽ dịu êm

Dữ dội và dịu êm
ồn ào và lặng lẽ

Tình yêu và tâm hồn của con người  trẻ tuổi cũng như sóng vậy, có lúc dịu êm lặng lẽ, có lúc trăn trở, khát khao muốn vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp để tỉm đến một miền bao la vô tận như sóng tìm ra biển:

Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Sóng tìm ra bể cũng là tìm thấy chính mình trong đại dương rộng lớn. Trong tình yêu của con người cũng vậy, khi đến với tình yêu con người mới tìm thấy chính mình và luôn tự hoàn thiện mình. Không có giới hạn nào trong tình yêu của tuổi trẻ. Càng yêu càng muốn có được nhiều hơn. Bở thế, nhân vật trữ tình cảm nhận sự tương đồng giữa sóng và khát vọng tình yêu của tuổi trẻ:

Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Khát vọng tình yêu đã hóa thân vào một biểu tượng đẹp là sóng. Sóng là biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng trong không gian mênh mông. Có thể thấy khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh là nỗi khát khao vĩnh hằng, muôn thủa của nhân loại mà trước hết là của tuổi trẻ. Như nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu đã khẳng định:

Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào

2. Nơi khởi nguồn của tình yêu (khổ thơ 3 và 4):

Từ nỗi khát khao đó mà Xuân Quỳnh muốn đi tìm nơi khởi nguồn của sóng, tìm nơi khởi nguồn cho tình yêu. Đối diện với biển khơi, nhân vật trữ tình suy tư về điểm khởi nguồn của sóng:

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?

Nhân vật trữ tình tự nhận thức về tình yêu trong lòng mình, tự soi vào lòng mình để tìm lời giải đáp cho sự khởi nguồn của  tình yêu để rồi em bất ngờ thú nhận bằng một sự chân thành, tự nhiên và rất phụ nữ:

Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau..

Ngay cả Xuân Diệu “ông hoàn thơ tình” cùng từng phải khẳng định:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng gió nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu

Tình yêu đến với mỗi con người như một điều kì diệu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhận thực và lí trí. Đó chính là điều kì diệu và bí ẩn tạo nên sức hấp dẫn vĩnh cửu của tình yêu.

3. Nỗi nhớ trong tình yêu (khổ thơ 5-6-7):

Âm hưởng cả đoạn thơ này là âm hưởng khẳng định, âm hưởng của niềm tin bất di bất dịch. Trong khổ thơ thứ năm nỗi nhớ được diễn tả thật mãnh liệt, da diết hiểm hiện trong mọi chiều kích của không gian, thời gian, trạng thái của cuộc sống. Hàng loạt các từ ngữ trái nghĩa hiện diện trong khổ thơ:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.

Tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ nó bao trùm cả không gian, khắc khoải trong thời gian, ăn sâu vào ý thức, tiềm thức và đi cả vào trong giấc mơ:

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Cái “thức” trong mơ ấy chính là sự thật nỗi lòng của người con gái đang yêu. Sự khao khát hướng về nhau, có nhau và sự bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào lòng chung thủy được thể hiện thật dứt khoát qua các câu khẳng định tuyệt đối:

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương.

Điều đáng nói là niềm tin ấy không hề dễ dãi mà phải qua phấn đấu gian nan. Các từ trái nghĩa được huy động để thể hiện cảm quan hiện thực sắc sảo ấy (xuôi/ngược; phương bắc/ phương nam: đại dương/ bến bờ)

Trong trời đất có bốn phương tám hướng nhưng không có phương nào gọi là phương anh vậy mà trong tình yêu của người con giá lại có phương anh. Chính vì thế mà trái tim yêu của người con gái luôn chỉ hướng về một phương duy nhất – phương anh.

Nhân vật trữ tình tự bạch chân thành mà mãnh liệt nỗi nhớ, khát vọng thủy chung; nỗi khát khao hường về nhau, có nhau. Trạng thái tâm hồn ấy vừa mạnh mẽ vừa sâu lắng quyện hòa trong những quan sát và suy tư từ con sóng.

Tóm lại, có thể nói rằng hình tượng sóng đôi “sóng” và “em” đã bộc lộ được tâm trạng khát khao, nỗi nhớ da diết vừa trực tiếp lại vừa gợi cảm như những vòng sóng nối tiếp nhau cùng dội lại, cùng cộng hưởng và lan tỏa.

4. Suy tư và khát vọng về tình yêu vĩnh hằng (khổ thơ 8 và 9):

Cuộc đời mỗi người tuy dài nhưng vẫn là hữu hạn trong dòng thời gian vô thủy vô chung cũng như biển kia dẫu rộng vẫn không so được với cái bao la vô tận của bầu trời. Xuân Quỳnh khát vọng được hóa thân, phân thân vào sóng thật mạnh mẽ. Tan ra là sự hóa thân vừa như mất đi hoàn toàn mà như hoàn toàn hiện hữu trong từng phân tử của sóng nước. Tình yêu lứa đôi thật sự hạnh phúc khi tình yêu ấy hòa nhập trong biển lớn tình yêu của cộng đồn:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

Khát vọng hóa thân vào biển lớn tình yêu mang một giá trị văn hóa lớn, tạo nên sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung: giữa hữu hạn và vĩnh hằng.

  • Kết bài:

Qua hình tượng “sóng”, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa “sóng”“em“, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn,chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.

Dàn bài phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sóng và tình yêu của người con gái qua bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh - Thế Kỉ
  2. Cảm nhận vẻ đẹp tình yêu của tuổi trẻ trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh - Thế Kỉ
  3. Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.