Tổng hợp đầy đủ kiến thức văn bản truyện kí Ngữ văn 12

tong-hop-kien-thuc-van-ban-truyen-ki-ngu-van-12

Tổng hợp đầy đủ kiến thức văn bản truyện kí Ngữ văn 12

1. Tùy bút: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân).

Vấn đề ôn tập

Nội dung kiên thức

Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ.

– Tùy bút : Người lái đò sông Đà là kết quả của nhiều dịp đến với Tây Bắc của Nguyễn Tuân, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958.

– Tác phẩm là 1 trong số 15 bài tùy bút trong tập Sông Đà (1960).

– Tác phẩm ban đầu có tên là Sông Đà -> Người lái đò sông Đà

Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ.

* Nhan đề: “Sông Đà” ; “Người lái đò Sông Đà”

– “Người lái đò”: người lao động Tây Bắc bình dị, chăm chỉ, tài hoa -> “chất vàng mười đã qua thử lửa” trong tâm hồn con người lao động và chiến đấu vùng TB.

– “Sông Đà”: thiên nhiên miền Tây Bắc đẹp kỳ vĩ, trữ tình, thơ mộng.

⇒ Nổi bật tư tưởng chủ đề tác phẩm

* Lời đề từ:

– Thơ Nguyễn Quang Bích:

“Chúng thủy giai đông tẩu
Đà giang độc bắc lưu”

– Nét riêng của Sông Đà: thế chảy độc đáo, nghịch ngược, không giống ai của Sông Đà

– Nguyễn Tuân tìm thấy sự đồng cảm với cái “ngông” của thiên nhiên.
– Thơ của nhà thơ Ba Lan (Wladyslaw Broniewski): “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”: cảm thán về vẻ đẹp nên thơ, thi vị của các dòng sông

– Nhan đề hé mở vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà.

Hình tượng con sông Đà

– Giới thiệu nét đặc biệt của sông Đà gây sự chú ý cho người đọc: mọi con sông đều chảy về hướng đông riêng sông Đà chảy về hướng bắc.

– Một con sông hung bạo với “đá bờ sông dựng vách thành”, những thác nước “độc dữ, nham hiểm”“những cái hút nước” sẵn sàng nuốt chửng thuyền bè và nhất là thạch trận trên sông Đà với bao nhiêu tướng dữ, quân tợn rình rập “tiêu diệt tất cả thuyền trưởng, thủy thủ”.

– Một con sông thơ mộng, trữ tình: “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình”; sắc nước thay đổi theo mùa. Dòng sông như một thiếu nữ giàu sức sống và đa cảm; Cảnh vật ven sông đẹp đẽ, thi vị; hoang dại như bờ tiền sử, hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích…Với Nguyễn Tuân, con sông đã trở thành cố nhân.

– Nghệ thuật: Bút pháp lãng mạn; phép tu từ nhân hoá, trùng điệp, so sánh; sử dụng vốn kiến thức uyên bác; ngôn ngữ giàu hình ảnh…

Hình tượng người lái đò.

– Ông lái đò là người gắn bó với nghề sông nước, công việc của ông rất gian nan, cực nhọc, hiểm nguy.

– Ông lái đò là người tài trí, dũng cảm, ngoan cường, có ý chí, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, đồng thời là người dày dặn kinh nghiệm trong nghề nghiệp. (phân tích cuộc vượt thác ghềnh của ông lái đò qua 3 trùng vây)

– Ông lái đò là người tài hoa nghệ sĩ trong nghề nghiệp: công việc lái đò của ông đạt tới trình độ khéo léo, thuần thục, điêu luyện trong từng động tác – đó là “tay lái ra hoa”.

– Nghệ thuật: Tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ ở nhân vật, tạo tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ phẩm chất; ngôn ngữ sinh động, giàu chất tạo hình; những so sánh ví von chính xác, độc đáo; sử dụng vốn kiến thức uyên bác để miêu tả nhân vật….

2. Bút kí: “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Vấn đề ôn tập Nội dung  kiên thức
Xuất xứ tác phẩm.

– Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” là tác phẩm xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường được viết năm 1981, in trong tập sách cùng tên.

– Bài bút kí gồm 3 phần, đoạn trích trong SGK nằm ở phần thứ nhất.

Nhân vật trữ tình xưng “tôi”

– Là một trí thức uyên bác, tài hoa và đa tình, thấu hiểu, mê đắm vẻ đẹp đa dạng của sông Hương và cố đô Huế.

– Cảm nhận sông Hương từ vị thế của một tri âm tri kỉ.

– Huy động một vốn tri thức tổng hợp về địa lí, lịch sử, văn hóa và thi ca không phải để phô diễn tài năng của người cầm bút mà như muốn dòng sông quyền được tự hát lên bài ca của mình trên chặng đường đời của nó.

 Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương

– Vẻ đẹp được phát hiện ở cảnh sắc thiên nhiên: sông Hương là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hoá:

+ Sông Hương ở thượng nguồn: “như một bản trường ca của rừng già”, “dịu dàng và say đắm”, như một cô gái di-gan với vẻ đẹp phóng khoáng và man dại, trẻ trung và đầy cá tính.

+ Sông Hương trước khi vào kinh thành Huế: là người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại; dòng sông uốn mình theo những đường cong thật mềm; mang vẻ đẹp trầm mặc, bí ẩn như triết lí, cổ thi…

Sông Hương giữa lòng thành phố Huế là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya; là người tình dịu dàng và chung thuỷ….

– Vẻ đẹp được nhìn từ góc độ văn hoá: sông Hương là dòng sông của âm nhạc, thơ ca,…

– Vẻ đẹp được nhìn từ góc độ lịch sử: sông Hương là dòng sông của những chiến công hiển hách.

– Vẻ đẹp trong trí tưởng tượng của tác giả: sông Hương đẹp như một thiếu nữ Huế tài hoa, dịu dàng, đa tình,… Sông Hương càng đáng yêu, quyến rũ hơn khi gắn liền với cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường – tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, say mê cái đẹp của thiên nhiên xứ Huế.

– Nghệ thuật: những nhân hóa, so sánh độc đáo, bút pháp khảo cứu giàu chất thơ, giàu hình ảnh, cảm xúc, nhịp điệu, một cái tôi tài hoa uyên bác……

3. Truyện ngắn: “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài)

Vấn đề ôn tập Nội dung  kiên thức
Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ.

Vợ chồng A Phủ in trong tập truyện Tây Bắc (1954). Tập truyện được tặng giải nhất- giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954- 1955

– Là kết quả chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952 của Tô Hoài

Hình tượng nhân vật Mị

– Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị tập trung vào 3 luận điểm sau:

+ Phản ứng của Mị khi bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.

+ Diễn biến tâm lí của Mị khi mùa xuân đến.

+ Diễn biến tâm lí của Mị trong đoạn Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ.

– Trước khi bị bắt làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, Mị là một cô gái H’Mông nghèo, xinh đẹp, có tài, được nhiều trai làng mến mộ. Cô đã yêu và được yêu.

– Khi bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, Mị kháng cự quyết liệt (đêm nào Mị cũng khóc, trốn về nhà, định ăn lá ngón tự tử) -> ý thức rõ về giá trị bản thân, khát khao tình yêu hạnh phúc.

– Cuộc sống trâu ngựa của Mị ở nhà thống lí Pá Tra: -> Mị bị tê liệt cảm giác, sống vô cảm.

– Khi mùa xuân đến: không khí và cảnh đẹp mùa xuân đã tác động đến tâm lí của Mị, đánh thức sức sống mạnh mẽ vẫn tiềm tàng trong sâu thẳm tâm hồn Mị:

“Mị đã lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát một”. Tâm hồn Mị đi theo tiếng sáo gọi bạn tình “Tiếng sáo gọi bạn cứ thiết tha, bồi hồi”

+ Mị nhớ lại quá khứ, nhớ về hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời tuổi trẻ của mình và niềm ham sống trở lại

+ Phản ứng của Mị là: “nếu có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn cho chết”, “lấy ống mỡ sắn một miếng bỏ thêm vào đĩa dầu”“quấn tóc lại, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”…

+ Mị quên hẳn mình đang bị trói, tiếng sáo vẫn dẫn tâm hồn Mị “đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”.

– Trước cảnh A Phủ bị trói, ban đầu Mị hoàn toàn vô cảm: “Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay”. “Giọt nước mắt lấp lánh trên gò má A Phủ” giúp Mị nhớ lại mình, nhận ra mình, xót xa cho mình. Thương người và thương mình đồng thời nhận ra tất cả sự tàn ác của nhà Thống lí, tất cả đã khiến cho hành động của Mị mang tính tất yếu cắt dây cởi trói cho A Phủ…..Mị cứu A Phủ cũng chính là giải thoát cho cuộc đời mình.

⇒ Số phận và tính cách của Mị được miêu tả có nhiều nét đạt tới mức điển hình về số phận những người phụ nữ nghèo miền núi trước cách mạng.

– Nghệ thuật: Miêu tả tâm lí, giọng điệu gợi không khí truyện cổ tích, tạo được tình huống truyện hấp dẫn….

Hình tượng nhân vật A Phủ

– A Phủ là một chàng trai nghèo, mồ côi, khỏe mạnh.

– Một con người ham thích cuộc sống tự do.

– A Phủ gan góc và mạnh mẽ. Đứng trước sự bất công A Phủ đã hành động một cách quyết liệt.

– Khi bị bắt về phạt vạ A Phủ vấn lì lợm và cứng rắn, nhẫn nhục chịu đòn.

– Là nạn nhân của chế độ xã hội tàn bạo, dã man và những hủ tục lạc hậu ở miền núi trước cách mạng, A Phủ vẫn sống tự do, dũng cảm chống lại cường quyền, và tìm được con đường giải thoát cho cuộc đời mình.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm. – Tố cáo sự tàn bạo của giai cấp thống trị miền núi (tiêu biểu là cha con thống lí Pá Tra).

– Bênh vực và cảm thông sâu sắc với những con người có số phận bất hạnh như Mị, A Phủ.

– Trân trọng khát vọng tự do, hạnh phúc và phẩm chất tốt đẹp của người lao động nghèo miền núi trong xã hội cũ.

– Đồng tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh của những người bị áp bức và vạch ra con đường giải phóng cho họ.

4. Truyện ngắn: “Vợ nhặt” (Kim Lân).

Vấn đề ôn tập Nội dung  kiên thức
Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ.

– Vợ nhặt thực ra là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư, được viết ngay sau CMT8 thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo trong kháng chiến. Sau khi hoàn bình lập lại, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết truyện ngắn này.

– Tác phẩm in trong tập truyện Con chó xấu xí (1962).

Nêu ý nghĩa nhan đề – Nhan đề Vợ nhặt thâu tóm giá trị nội dung tư tưởng tác phẩm.

– “Nhặt” đi với những thứ không ra gì. Thân phận con người bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác, có thể “nhặt” ở bất kì đâu, bất kì lúc nào

– Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng “nhặt” vợ. Đó thực chất là sự khốn cùng của hoàn cảnh.

⇒ Như vậy, nhan đề Vợ nhặt vừa thể hiện thảm cảnh của người dân trong nạn đói 1945 vừa bộc lộ sự cưu mang, đùm bọc và khát vọng, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong cảnh khốn cùng.

Tình huống truyện

– Tình huống truyện một phần thể hiện ngay trong nhan đề tác phẩm.

– Một tình huống độc đáo, đặc biệt, bất ngờ:

+ Tràng nghèo, dân ngụ cư, xấu xí, thô kệch….trong hoàn cảnh nạn đói 1945, Tràng lại “nhặt” được vợ.

+ Việc Tràng “nhặt” được vợ gây ngạc nhiên, bất ngờ cho cả xóm ngụ cư, cho bà cụ Tứ và cho chính Tràng.

– Tình huống truyện góp phần thể hiện tính cách nhân vật và tư tưởng chủ đề tác phẩm ( tố cáo xã hội thuộc địa phong kiến đã gây nên nạn đói khủng khiếp 1945, đồng thời ca ngợi tình thương yêu con người và khát vọng sống mãnh liệt của những con người trong nạn đói).

Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ

1. Bối cảnh nảy sinh tâm trạng: giữa nạn đói thê thảm, mọi người đang đối mặt với cái chết thì Tràng (con trai bà cụ Tứ) lại lấy vợ.

2. Diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ:

– Khi Tràng dẫn vợ về nhà: phấp phỏngngạc nhiên  qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm“Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ ?”, qua bước chân “lập cập”, càng ngạc nhiên hơn khi thấy người đàn bà xa lạ chào mình bằng u….

– Khi hiểu ra cơ sự: bà lão cúi đầu nín lặng, “Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình.”  Một nỗi tủi hờn , xót thương trào lên trong lòng bà cụ Tứ “Chao ôi, người ta dựng vợ gả ….Còn mình thì…” Bà lo lắng “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”; thương con dâu Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ …..nào mà lo cho hết được?”; gieo vào lòng các con niềm tin vào tương lai 

⇒ buồn vui, lo lắng lẫn lộn, nổi bật hơn cả vẫn là tấm lòng thương xót của bà cụ Tứ.

– Buổi sáng hôm sau: Bà cụ Tứ thấy “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”; xăm xắn thu dọn nhà cửa, có trách nhiệm hơn với gia đình; nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau….

3. Đánh giá: Với tình huống truyện độc đáo, lựa chọn chi tiết đặc sắc, Kim Lân đã miêu tả diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ chân thực, tinh tế, cảm động; từ đó làm toát lên tấm lòng nhân hậu, bao dung của nhân vật và trái tim nhân đạo của tác giả.

Hình tượng nhân vật Tràng 1. Hoàn cảnh, ngoại hình: nghèo, xấu xí, thô kệch, dân ngụ cư, nguy cơ ế vợ cao….sống trong bối cảnh nạn đói 1945.

2. Diễn biến tâm trạng:

+ Khi người đàn bà xa lạ quyết định theo Tràng về nhà: mới đầu Tràng cũng chợn, nghĩ “….thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”; sau tặc lưỡi “chậc, kệ !”…-> tấm lòng nhân hậu.

+ Trên đường về xóm ngụ cư: “mặt hắn có gì phớn phở”, hắn tủm tỉm cười nụ một mình, hai mắt sáng lên lấp lánh”; ” cái mặt cứ vênh vênh tự đắc với mình”; Trong phút chốc, Tràng quên tất cả tăm tối, “chỉ còn tình nghĩa với ng­ười đàn bà đi bên”

+ Khi dẫn thị vào nhà : xăm xăm bước vào nhà dọn dẹp; đứng tây ngây ra giữa nhà và thấy sợ; ngạc nhiên ” ra mình đã có vợ rồi ư”; khi thấy mẹ về Tràng vui sướng như một đứa trẻ.

+ Buổi sáng đầu tiên khi có vợ: “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”, “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng,” “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong long”, “bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”.

⇒ Qua sự biến đổi tâm trạng của Tràng, thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tính cách nhân vật (nhân hậu, khát khao hạnh phúc, lạc quan với niềm tin ở tương lai); tình cảm nhân đạo nhà văn dành cho những người nghèo khổ.

3. Nghệ thuật: tạo tình huống truyện độc đáo, diễn tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ văn xuôi nhuần nhị, giản dị mà tinh tế.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm. – Phản ánh hiện thực cuộc sống bi thảm của người dân lao động trong nạn đói khủng khiếp 1945; lên án tội ác của thực dân, phát xít.

– Cảm thương thân phận rẻ rúng của con người.

– Ngợi ca nét đẹp tâm hồn người lao động nghèo: khát khao hạnh phúc, lòng nhân hậu, niềm hy vọng vào ngày mai…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.