Nhận định về bài thơ Tràng giang của Huy Cận, có ý kiến cho rằng: đó là nỗi sầu vạn kỉ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: đó là nỗi sầu của một con người giàu sức lực. Anh/chị hiểu những ý kiến trên như thế nào? Làm sáng tỏ những ý kiến đó qua việc phân tích thi phẩm.

trang-giang-noi-sau-van-ki-noi-sau-cua-mot-nguoi-giau-suc-luc

Nhận định về bài thơ Tràng giang của Huy Cận, có ý kiến cho rằng: Đó là nỗi sầu vạn kỉ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Đó là nỗi sầu của một con người giàu sức lực.

Anh/chị hiểu những ý kiến trên như thế nào? Làm sáng tỏ những ý kiến đó qua việc phân tích thi phẩm.

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Như Voltaire từng nói: Thơ là âm nhạc của tâm hồn nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm. Và Tràng giang mang nỗi buồn mênh mang, sâu lắng trong giọng thơ vừa cổ điển vừa lãng mạn, rất tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước cách mạng. Nhận định về bài thơ, có ý kiến cho rằng:“đó là nỗi sầu vạn kỉ”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “đó là nỗi sầu của một con người giàu sức lực”. Đọc kĩ bài thơ, ta sẽ nhận thấy, Tràng giang có cả hai đặc điểm ấy.

  • Thân bài:

1. Giải thích vấn đề:

Nỗi sầu vạn kỉ”: là nỗi buồn chồng chất, dồn nén (từ thời gian, không gian, tạo vật cho đến lòng người) chảy từ ngàn xưa.

– “Nỗi sầu (…) của một con người giàu sức lực”: là nỗi buồn của người giàu khao khát sống – hòa nhập – gắn bó, giàu tình yêu với thiên nhiên đất nước, con người, ý thức sâu sắc về cá nhân…

→ Hai ý kiến đã thâu tóm được nội dung, ý nghĩa của bài thơ và nét riêng của hồn thơ Huy Cận.

2. Phân tích bài thơ làm sáng rõ ý kiến:

– Trước Cách mạng, Huy Cận mang nỗi sầu về kiếp người và ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, tạo vật. Bài thơ “Tràng giang” được gợi cảm hứng khi Huy Cận đứng ở bờ Nam Bến chèm, Sông Hồng. Nhìn cảnh mênh mông sông nước lòng với vợ buồn cám cảnh cho kiếp người nhỏ nhoi, trôi nổi giữa dòng đời vô định. Mang nỗi u buồn, hoài nghi thế nên bài thơ vừa có nét đẹp cổ điển lại được nét hiện đại đã in dấu ấn toàn diện tạo nên vẻ đẹp độc đáo của một bài thơ mới.

– Bài thơ là “Nỗi sầu vạn kỉ”:

+ Không gian vũ trụ bao la, vô tận, mênh mông, hoang vắng, rợn ngợp, trống trải (tràng giang, sông dài, trời rộng, bến cô liêu, không đò, không cầu…).

+ Thời gian vô định.

+ Tạo vật nhỏ bé, lẻ loi, rời rạc, lạc loài, chia lìa,…

+ Tâm trạng lữ thứ: nỗi buồn triền miên, nỗi sầu mênh mang, lẻ loi, bơ vơ, lạc lõng, bế tắc, lo sợ, nhớ mong,…

+ Nghệ thuật tương phản, ước lệ, kết hợp thi liệu cổ điển và hiện đại.

→ Tràng giang vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận, vô định, vô tình.

– Bài thơ là “Nỗi sầu (…) của một con người giàu sức lực”:

– Sau cách mạng tháng Tám, tâm hồn thơ của Huy Cận đã trở nên lạc quan, được xây dựng từ cuộc sống chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân lao động.

+ “Tràng giang” thể hiện một cái tôi mạnh dạn, táo bạo, giám trực tiếp bộc lộ nỗi buồn của riêng mình, mà đó cũng là nỗi buồn của cả một thế hệ thanh niên yêu nước thời bấy giờ chưa tìm thấy lối đi đúng đắn. Nỗi buồn man mác, bâng khuâng của cái tôi trữ tình ấy ẩn chứa sâu mỗi câu chữ của cả bài thơ.

+ Nỗi buồn bắt nguồn từ khát vọng được sống, được kết nối, giao hòa và gắn bó với tạo vật và con người. Ẩn sau nỗi buồn là một trái tim tha thiết với đời, một sức sống âm thầm mà mãnh liệt.

+ Nỗi buồn bắt nguồn từ nhận thức về sự hữu hạn, nhỏ bé, lẻ loi, lạc loài, mong manh của thân phận, kiếp người trước cuộc đời. Đó là sự thức tỉnh của ý thức cá nhân.

+ Sâu hơn là nỗi buồn vì nhận thấy thiếu quê hương và tổ quốc ở trong lòng.

+ Những hình ảnh, thi liệu trong văn học cổ được vận dụng một cách sáng tạo góp phần thể hiện sâu sắc sức sống trong bài thơ.

3. Đánh giá, nâng cao:

– Hai ý kiến không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau khẳng định giá trị sâu sắc của bài thơ và hồn thơ Huy Cận.

– Hai ý kiến thể hiện sự thấu cảm sâu sắc về Tràng giang – một bài thơ tuy buồn nhưng mang ý nghĩa tích cực bởi khả năng đánh thức trong con người tình yêu thiên nhiên, đất nước, khát vọng được sống trọn vẹn trong sự giao hòa, gắn bó với cuộc đời. Đó là nỗi buồn có ý nghĩa thời đại của bài thơ và Thơ mới.

  • Kết bài:

Tràng Giang thật đúng là một thi phẩm tuyệt tác của phong trào Thơ mới. Cả bài thơ vừa mang màu sắc cổ điển (nỗi sầu vạn kỉ), lại hòa lẫn với phong vị hiện đại (nỗi sầu của một con người giàu sức lực) đã mang đến cho người đọc một cảm xúc rất mới mẻ và khó quên.


Tham khảo:

  • Mở bài:

Huy Cận là một trong số những nhà thơ có nhiều đóng góp cho phong trào thơ Mới. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ ông mang nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn của một người dân ý thức sâu sắc về cảnh ngộ của non sông đất nước và số phận con người. Tràng giang là một trong số những sáng tác tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất của Huy Cận. Nhận định về bài thơ, có ý kiến cho rằng: Đó là nỗi sầu vạn kỉ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Đó là nỗi sầu của một con người giàu sức lực

  • Thân bài:

Xuân Diệu đã tự ví mình và Huy Cận như Rim-bô và Véc-len:

Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn bỏ lối quen!

“Say thơ xa lạ” – đó là thơ lãng mạn phương Tây của thế kỉ XIX. Tuy vậy, Huy Cận còn là người rất thích thơ Đường và trân trọng vốn thơ ca dân tộc. Từ buổi thiếu niên, tác giả đã thuộc lòng khá nhiều ca dao, thơ Đường, thơ Nguyễn Du,… Lẽ vậy chăng, trong những câu thơ tuyệt đỉnh của Huy Cận có cá những vần thơ vừa cổ điển vừa lãng mạn. Nét cổ điển và hiện đại đan cài vào nhau, kết hợp hài hoà với nhau, trong thơ và trong con người thi sĩ Huy Cận – sự kết tinh của hai nền văn hoá Đông và Tây nhưng lại giao nhau ở một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm đa sầu. Lần đầu tiên, Huy Cận mang tác phẩm Lửa thiêng bỡ ngỡ theo Xuân Diệu bước chân vào hội Tao Đàn thì “trong thơ Việt Nam nghe bừng dậy một tiếng địch buồn”. Điệu buồn ảo não ở Huy Cận đă tự tìm đến một cảm hứng riêng để kí thác: cảm hứng vũ trụ.

Như Voltaire từng nói: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Và Tràng giang mang nỗi buồn mênh mang, sâu lắng trong giọng thơ vừa cổ điển vừa lãng mạn, rất tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước cách mạng.

Xuân Diệu đã có nhận xét rất tinh tế: “bài thơ hầu như đã trở thành cổ điển của một nhà thơ mới”. Nét cổ điển được thể hiện ngay từ tiêu đề tác phẩm: Tràng giang – “Tràng” là một âm khác “Trường” – có nghĩa là dài. Tuy nhiên, Huy Cận đã chọn Tràng giang vì nó chẳng những đã chứa trong mình cả Tràng giang mà nhờ âm “ang” đã gồm cả nét nghĩa sông rộng, sông lớn, mở ra một khoảng không gian bao la vô tận vô cùng. Dường như cảnh càng bát ngát thì tình càng miên man, và Huy Cận, bởi “quá cảm nghe với mênh mông thì giọng thơ của người cũng lây cái sầu của vù trụ”.

Bài thơ mở ra bằng lời đề từ: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài. Dường như đã gói trọn cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Đó là nỗi niềm cảm nhận sâu xa của cái tôi cô đơn trước cái vô cùng của trời đất. Trong nỗi niềm ấy, Tràng giang đầy nỗi nhớ không gian, khao khát được giao cảm giữa con người với vũ trụ, đồng thời muốn hoà nhập giữa cái tiểu ngã hữu hạn với cái đại ngã vô hạn. Thơ xưa các thi nhân tìm đến thiên nhiên vũ trụ luôn nhận mối đồng cảm tương giao. Huy Cận cũng đến với vũ trụ. Thế nhưng khác xưa là, tác giả chỉ thấy thấm thìa nỗi buồn của cái tôi cô độc, với cảm giác “bâng khuâng”, “dợn dợn” trước không gian bao la. Phải chăng, nguồn mạch thơ mới của bài Tràng giang cũng chính là ở đó.

Trước hết, ta bắt gặp một không gian vũ trụ mênh mông: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Sắc thái cổ điển và hiện đại hoà quyện nhau, nhuần nhuyễn để làm nổi rõ cảnh thiên nhiên vắng lặng và buồn. Tràng giang đó, bình thản suy tư qua bao lớp sóng “buồn điệp điệp”, qua dòng khơi “nước song song”, cảm giác buồn ấy lại gửi trong vần điệu, trong những từ gợi hình mỏng manh càng làm tăng thêm mỗi lúc và trải dài mải không thôi, càng như thấm đẫm trong từng cảnh vật.

Nắng xuống trời lên sâu chót vót.

Không gian như vụt lớn hơn. Trên bức tranh sông dài lại hiện lên bầu trời thăm thẳm: “Sâu chót vót” – “sâu” đã gợi lên cho người đọc ấn tượng thăm thẳm, hun hút, khôn cùng, mà lại là “sâu chót vót” thì chiều cao càng vô tận. Câu thơ bảy chữ thì có ba chữ vần bằng nằm giữa bốn vần trắc, dường như nhấn mạnh thêm không gian vô tận giữa mặt đất sâu thẳm và trời cao chót vót. Cái đẹp ở đây chính là tác giả đã đặt những hình ảnh ấy trong một thế giới hài hoà nghệ thuật tuyệt diệu “nắng xuống” – “trời lên” càng cao rộng, cảnh vật càng thêm vắng lặng. Nỗi buồn tựa hồ như thấm vào không gian ba chiều. Con người như trở nên nhỏ bé và rợn ngợp trước cái bao la vĩnh hằng của vũ trụ, cái xa vắng của thời gian:

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Cũng như trong câu thơ:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Thiên nhiên hiện ra buồn nhưng cũng thật tráng lệ. Nét đặc trưng này của không gian đã được Đỗ Phủ miêu tả trong bài Thu hứng:

Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Mặt dất mây ùn cửa ải xa.

Lấy lại ý thơ người xưa, hình ảnh “mây cao đùn núi bạc” trong bài thơ gợi lên ấn tượng về sự mênh mông của vũ trụ. Nếu trên kia là sông nước Tràng giang “điệp điệp”, “song song” thì bây giờ là “lớp lớp” mây cao – những đám mây trắng cứ đùn lên, trùng điệp phía chân trời. Huy Cận không viết: “đùn sóng bạc” – nghĩa là những áng mây như muôn ngàn con sóng tung bọt trắng, mà viết “đùn núi bạc” khiến cho không gian vũ trụ không chỉ hiện lên bao la, vô tận mà còn hùng vĩ nữa… Thế nhưng, cũng khác thơ xưa, cảnh vật mỗi lúc một bao la thì hồn người trong bài Tràng giang càng thêm cô độc, lạc loài. Thi nhân vôn “sớm vương nỗi sầu thiên cổ mang mang” hẳn không khỏi khát khao được giao cảm, tương thông với trời đất vô cùng.

Nếu không gian vũ trụ qua Tràng giang hiện lên với tất cả vẻ đẹp bao la, kì vĩ mênh mông thì đối lập với nó không gian của cõi nhân thế lại bé nhỏ, đơn côi, lạc loài:

Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Con thuyền giữa sông nước mênh mông. Đó là hình ảnh của con thuyền côi cút và cành khô lạc loài giữa sông nước mênh mông. Vào những năm ba mươi, đây là những câu thơ mới mẻ, bởi nó xuất hiện cái tầm thường, nhỏ nhoi vô nghĩa như “một cành củi khô”. “Trong cảm thức xa vắng về không gian, đối với Huy Cận, con thuyền, cành khô chỉ gợi lên sự đơn lẻ thấm thìa nỗi buồn chia lìa lạc loài đang đón đợi. Thuyền “về” mà nước thì “lại” nghĩa là nghịch chiều nhau. Tuy chỉ có hai hướng thôi nhưng lại tạo nên mối “sầu trăm ngả” và cành cây chỉ còn là “củi một cành khô”. Nếu nói như Huy-gô “ngôn ngừ cùng chỉ là một sinh vật” thì ở đây sinh vật ấy đang bơ vơ, đau xót, bất lực vì nước xô đẩy: “Lạc mấy dòng” nó hàm chứa cả cái gì đó côi cút, tan tác đến tội nghiệp. Với cách đặt từ “một” ở giữa hai số từ “trăm” và “mấy” trong những câu thơ khiến hình ảnh cõi nhân thế dường như càng nhỏ lại, bế tắc tột cùng. Tất cả như vây bủa lấy cảnh vật trong sự lạc lõng, đơn côi. Nỗi buồn đó càng như da diết mãi không thôi:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Vài dải đất giữa sông dài, vài ngọn gió hiu hiu nhưng không đủ làm sống động cảnh vật, và âm thanh của tiếng “làng xa vãn chợ chiều” thì mơ hồ, mong manh lắm không làm bớt đi sự vắng lặng của cảnh. Bây nhiêu hình ảnh dường như chỉ là những nét chấm phá, tô đậm thêm không gian cao rộng của vù trụ mà thôi.

Thơ Bà huyện Thanh Quan tả Tràng giang chỉ qua một vài nét châm phá đơn sơ, bình lặng, hiền hoà, không đi sâu vào chi tiết:

Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.

Huy Cận cũng miêu tả Tràng giang theo trường phái phương Đông truyền thông. Nhưng Tràng giang vẫn là một bài thơ hiện đại, không chỉ hiện đại ở hình ảnh, thi liệu mà còn ở cảm xúc của nhà thơ lãng mạn. Huy Cận đã soi “chiếc linh hồn nhỏ” của mình trên sông nước Tràng giang:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến dò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ hờ xanh tiếp bãi vàng.

Một loạt tính từ “mênh mông”, “lặng lẽ” đã gợi lên không khí vắng vẻ, u buồn. Nỗi buồn như càng được khắc sâu qua hình ảnh những cánh bèo dạt trôi nổi lênh đênh. Hình ảnh đó là ngẫu nhiên nhìn thấy hay vì thi nhân đã liên tưởng đến thân phận “hoa trôi bèo dạt” của những kiếp người chìm nổi long đong trong xã hội. Tâm trạng chung của lớp trẻ những năm 30 là thế. Nhưng không phải vì vậy mà họ quên hết chất thơ chất đẹp ở đời. Ngay cả khi phủ định tất cả “không một chuyên đò ngang”, “không cầu gợi chút niềm thân mật” cùng chính là bộc lộ tấm lòng thi nhân yêu cuộc sống, tha thiết mong mỏi niềm giao cảm. Không gian trần thế vì vậy qua cái nhìn thi sĩ dù sầu tư lai láng nhưng vẫn lung linh có hồn. Tình càng sâu thì cảnh càng đẹp:

Chim nghiêng cánh nhỏ hóng chiều sa.

Hình ảnh cánh chim đơn lẻ trong buổi chiều tà càng gợi lên những nỗi buồn xa vắng của lòng người. Nhưng cánh chim ấy lại chao xuống vì sức nặng của hoàng hôn nhịp nhàng với buổi chiều bóng xế. Hình ảnh đẹp vừa cổ điển, vừa lãng mạn. Nếu như Nguyễn Du thấy “Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”, Hàn Mặc Tử cũng nhận ra “bóng xuân sang” trên một giàn thiên lý thì Huy Cận, thi nhân cùng rất tinh tế nhận thấy bóng chiều trong một cánh chim nghiêng. Chính là, nhà thơ đã phá lô-gíc của cuộc sông để đạt đến lô-gíc của nghệ thuật. Cũng vì vậy, cánh chim dường như hiện lên sinh động hơn, đẹp hơn và đặc biệt cũng buồn da diết trước cái nhỏ bé, cô đơn giữa vũ trụ bao la.

Từ những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống thế gian, một cành củi khô, cồn nhỏ lơ thơ, con thuyền nhỏ, cánh chim… đã hắt vào tác phẩm vẻ tử biệt sinh li, vẻ sầu bi của nó. Chỉ vài nét chấm phá thôi, Huy Cận đã khơi gợi cảm giác lẻ loi, chia li trong lòng người, trong cảnh vật. Đó cũng là tâm lí tự nhiên của con người, cảm thấy nhỏ bé trước thiên địa vô thuỷ vô chung:

Ai người trước đã qua
Ai người sau dã tới
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ.

(Trần Tử Ngang)

Cảnh tình ấy khiến thi nhân không thể không bâng khuâng và thầm mong ước. Nó kết tinh thành tình quê hương tha thiết:

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Âm hưởng Đường thi triền miên trong câu thơ. Huy Cận lấy lại ý xưa của Thôi Hiệu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Nhưng Huy Cận khác, trong buổi hoàng hôn ấy không hề có “trên sông khói sóng”, tạo điều kiện phản xạ gợi nhớ “hương quan” (cổng làng – đường về quê cù) như tác giả Hoàng Hạc lâu. Phải chăng chính cảm giác “dợn dợn” của chủ thể lãng mạn đã làm nảy sinh tâm lí nhớ nhà. Nhớ nhà, muôn được trở về có mặt giữa gia đình, quê cha là để hoá giải cảm giác “dợn dợn” bơ vơ của kẻ tha hương. Tình quê trong bài Tràng giang vì vậy da diết hơn, thường trực hơn. Nó không chỉ là những dòng ý nghĩ lộ thiên đơn giản, mà là xuất phát từ quy luật thầm kín tự đáy thẳm tâm linh của con người.

Tuy vậy, ý thơ không chỉ dừng lại ở một tình quê hương thuần tuý. Phải chăng, “lòng quê dợn dợn vời con nước” còn thổ hiện nỗi niềm của một cái tôi cô độc, nhỏ bé trước vũ trụ đang tìm về giao hoà, nương tựa với cái ta rộng lớn hơn. Chất lãng mạn của bài Tràng giang là đấy, bôn cạnh nỗi niềm quê hương là nỗi niềm nhân thế:

Đạm đạm trường giang thuỷ
Du du viễn khách tình.

Có thể nói, Tràng giang là một bài thơ chứa đầy không gian và tâm trạng; là không gian vũ trụ, cảnh sắc bao la, vô tận mà cũng thật tráng lệ; là. không gian nhân thế, cảnh lại hiện lên cô đơn, lạc loài. Bao trùm lên bức tranh thiên nhiên là sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Duy chỉ có tiếng lòng nhà thơ đang thầm vọng trong xa thẳm:

Bâng khuâng trời rộng nhớ sồng dài.

Hai mươi năm sau, cũng đứng trước một không gian vô tận của đại dương vào lúc hoàng hôn, Huy Cận đã viết những vần thơ vui tươi, khoẻ khoắn:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm với gió khơi.

Nhưng đó là sau này, khi Huy Cận đang viết Trời mỗi ngày lại sáng. Còn ở đây, cảm giác vũ trụ ở Huy Cận là sự khắc khoải cô đơn khi đối diện với trời đất vô tận vô cùng. Bài thơ Tràng giang vì thế mang nỗi buồn mênh mang sâu lắng trong giọng thơ vừa cổ điển vừa lãng mạn. Nỗi buồn của Huy Cận trước sau vẫn là nỗi buồn trong sáng, góp phần làm phong phú hồn người và làm nên vẻ đẹp riêng của bài thơ.

  • Kết bài:

Bằng sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, bài thơ đậm chất Đường thi nhưng vẫn rất Việt Nam với những hình ảnh đầy gần gũi như con thuyền xuôi mái, bèo dạt mây trôi, cành củi khô lạc dòng,.. Qua bài thơ, ta thấy được một nỗi buồn vô tận của cái tôi lạc lõng trong cuộc đời.  Đó là nỗi sầu vạn kỉ của một con người giàu sức lực

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Màu sắc cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.