“Tri nhân luận thế” nghĩa là gì?
TRI NHAN LUẬN THẾ (知人论世): Thuật ngữ lý luận thơ ca, trỏ việc khảo sát tác phẩm thơ ca, phải kết hợp với thời đại, cá tính và cuộc đời của tác giả. Xuất xứ từ sách “Mạnh Tử” thiên “Vạn chương hạ”: “Tụng kỳ thi, độc kỳ thư, bất tri kỳ nhân, khả hồ? Thị dĩ luận kỳ thế dã, thị thượng hữu dã” (Tụng thơ của họ (tức người xưa) đọc sách của họ (tức người xưa) mà không biết rõ con người của họ, như vậy có được chăng? Bởi vậy, phải khảo luận về cái thời của họ, thế mới là làm bạn với người xưa). Trong câu này, “tri nhân” là phải hiểu rõ thân thế, tính tình và đạo đức của tác giả; “luận thế” là phải nắm chắc hoàn cảnh lịch sử mà tác giả sống. Mạnh Tử cho rằng chỉ có kết hợp con người với thời thế để bình luận thơ ca mới có thể nói trúng được thực nghĩa, mới đáng là bạn tri âm của người xưa. Chủ trương này có tác dụng chỉ đạo cho việc lý giải đúng đắn và phê bình xác đáng tác phẩm văn học.
Để lại một phản hồi