Truyện ngắn “Cô bé bán diêm” (An-đéc-xen), SGK Ngữ văn 8, tập 1

van-ban-co-be-ban-diem-an-dec-xen-sgk-ngu-van-8-tap-1

Cô bé bán diêm (trích)
(An-đéc-xen)

(Đêm giao thừa, trời rét mướt. một cô bé bán diêm nhà nghèo, mồ côi mẹ, đầu trần, chân đi đất, bụng đói, đang dò dẫm trong bóng tối. Suốt cả ngày em không bán được bao diêm nào…)

Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu[1] của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng Thần Chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản[2] tiêu tán[3], và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân[4] bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa.

Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi vào vào chút ít.

Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.

Tuy nhiên, em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.

Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác sát mái nhà, và mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở lớn trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra.

Chà! Giá quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường[5] mà hơ ngón tay nhỉ? Cuối cùng em đánh liều quẹt một que.

Diêm bén lửa thật là nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.

Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà! Ánh sáng kì dị làm sao! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và toả ra hơi nống dịu dàng.

Thật là dễ chịu! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, ngón cái nóng bỏng lên. Chà! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc[6] thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!

Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất. Em ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn. Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em đi bán diêm. Đêm nay về nhà thế nào cũng bị cha mắng.

Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu. Em nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kì diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sét[7] cắm trên lưng, tiến về phía em bé.

Rồi… que diêm vụt tắt; trước mặt em chỉ còn là những bức tường dày đặc và lạnh lẽo.

Thực tế đã thay thế cho mộng tưởng; chẳng có bàn ăn thịnh soạn[8] nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xoá, gió bấc vi vu và mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm[9] với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.

Em quẹt que diêm thứ ba. Bông em thấy hiện ra một cây thông Nô-en[10]. Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn đèn sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng hiện ra trước mắt em bé. Em với đôi tay về phía cây… nhưng diêm tắt. tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.

– Chắc hẳn có ai vừa chết, em bé tự nhủ, vì bà em, người hiền hậu độc nhất đối với em, đã chết từ lâu, trước đây thường nói rằng: “Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với Thượng đế”.

Em quẹt que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh toả ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng bà em đang mỉm cười với em.

– Bà ơi! Em bé reo lên, cho cháu đi với! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Nô-en ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia khi bà chưa về với Thượng đế chí nhân[11], bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao! Dạo ấy bà đã từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn, cháu sẽ được gặp lại bà, bà ơi! Cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.

Que diêm tắt phụt, và ảo ảnh[12] rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biến mất.

Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà lại! diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà to lớn và đẹp lão[13] như thế này.

Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe doạ họ nữa. họ đã về chầu Thượng đế.

Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường, người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”, nhưng chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

[1] Hiền hậu: hiền lành và tốt bụng.
[2] Gia sản: tài sản của gia đình.
[3] Tiêu tán: mất đi hoàn toàn, tan biến hết, không còn gì.
[4] Trường xuân (cũng có khi gọi là thường xuân): một loại cây leo, bám vào tường gạch, lá rụng dần về mùa đông.
[5] Đây là loại diêm cứ quẹt vào tường hoặc vào vật gì cứng là cháy.
[6] Gió bấc: gió lạnh, thổi từ hướng bắc.
[7] Phuốc-sét: dụng cụ ăn có những cái xiên nhọn dùng để lấy thức ăn.
[8] Thịnh soạn: có nhiều món ăn ngon, sang, được bày tươm tất.
[9] Lãnh đạm: lạnh lùng, thờ ơ.
[10] Cây thông Nô-en: cây thông nhỏ được kết đèn, hoa, dùng để trang trí trong dịp lễ Nô-en và tết dương lịch ở nhiều nước trên thế giới.
[11] Chí nhân: hết sức nhân từ, hiền hậu.
[12] Ảo ảnh: ở đây là những hình ảnh hiện ra trong mộng tưởng của em bé.
[13] Đẹp lão: đẹp (nói về người già).

Nguồn: An-đéc-xen, Truyện An-đéc-xen, Nguyễn Văn Hải – Vũ Minh Toàn dịch, NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1963

Luyện tập.

Câu 1: Hãy xác định ba phần (chỗ bắt đầu, chỗ kết thúc từng phần) của bài này nếu lấy việc em bé quẹt từng que diêm làm phần trọng tâm. Căn cứ vào đâu đế có thể chia phần thứ hai (phần trọng tâm) thành những đoạn nhỏ hơn?

Câu 2: Trong phần đầu, nhà văn đã tạo dựng hoàn cảnh (gia đình, cuộc sống) và bối cảnh (thời gian, không gian) của em bé bán diêm như thê nào? Những hình ảnh tương phản (đối lập, đặt gần nhau, làm nổi bật lẫn nhau) ở đây được thế hiện ra sao và nhằm mục đích nghệ thuật cụ thể gì?

Câu 3: Các mộng tưởng của em bé qua các lần quẹt diêm (lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en, người bà, hai bà cháu bay đi) diễn ra lần lượt có hợp lí không? Vì sao? Trong các mộng tưởng ấy, diều nào gắn với thực tế, điều nào thuần túy chỉ là tưởng tượng?

Câu 4: Hãy phát biếu những cảm nghĩ của mình về truyện “Cô bé bán diêm” (trích), nói chung và về đoạn kết của truyện nói riêng.


* Soạn bài:

Cô bé bán diêm (trích)
(An-đéc-xen)

Câu 1:

– Truyện này có thể chia làm ba phần:

+ Từ đầu đến… đôi bàn tay đã cứng đờ ra: em bé bán diêm ngồi trong bóng tối và giá rét của đêm giao thừa.
+ Từ “Chà! Giá rét quẹt một que diêm… “đến” về chầu Thượng đế”: em bé quẹt một số que diêm và tưởng như trông thấy nhiều cảnh đáng thèm muốn.
+ Từ “Sáng hôm sau…” đến “em đã chết trong những ảo ảnh kì diệu”.

– Nếu căn cứ vào những lần em quẹt diêm thì có thể chia phần 2 thành những đoạn nhỏ hơn:

+ Em quẹt que diêm thứ nhất: thấy vui như ngồi trước lò sưởi.
+ Em quẹt que diêm thứ hai: thấy vui như ngồi trước bữa ăn ngon.
+ Em quẹt que diêm thứ ba: thích thú như trước cây thông Nô-en rực rỡ.
+ Em quẹt que diêm thứ tư: sung sướng thấy bà đang mỉm cười với em.
+ Em quẹt que diêm thứ năm: hai bà cháu dắt tay nhau bay lên trời, thoát mọi đói rét và đau buồn.

Câu 2:

– Gia cảnh của cô bé bán diêm:

+ Gia cảnh sa sút, mồ côi mẹ, bà ngoại mất

+ Sống với người bố hay mắng nhiếc, chửi rủa, đánh đập trên căn gác sát mái nhà

– Hình ảnh cô bé bán diêm:

+ Đầu trần, chân đất, bụng đói, dò dẫm đường

+ Cả ngày không bán được bao diêm nào

– Thời gian: đêm giao thừa

– Không gian: ngoài đường phố lạnh lẽo, mọi nhà đều sáng rực đèn

+ Trong phố sực nức mùi ngỗng quay

– Những hình ảnh tương phản: An-đéc-xen trong tác phẩm này đã sứ dụng nhiều hình ảnh tương phản:

+ “Trời đông giá rét tuyết rơi” khác cô bé “đầu trần, chân đi đất”.

+ Ngoài đường phố lạnh buốt và tối đen khác cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn. Cô bé bụng đói vì cả ngày chưa ăn uống gì khác “trong phố sực nức mùi ngỗng quay”.

→ Những hình ảnh tương phản này được chọn lọc, nhằm nêu bật tình cảnh tội nghiệp, đáng thương của cô bé vừa rét vừa đói vừa khổ.

Câu 3:

– Mộng tưởng của cô bé bán diêm hiện ra hợp lý với thực tế:

+ Muốn được sưởi ấm và ăn no: lò sưởi, ngỗng quay

+ Khao khát được sum họp gia đình bên cây thông No-el

+ Muốn được vui vẻ bên người bà hiền hậu

+ Cảnh hai bà cháu bay lên trời: thoát khỏi những đau buồn

– Mộng tưởng gắn với thực tế: lò sưởi, ngỗng quay, cây thông

– Mộng tưởng thuần túy là mộng tưởng: gặp lại người bà

→ Những mộng tưởng của cô bé bán diêm cũng là mộng tưởng chung của bất kì đứa trẻ nào cùng cảnh ngộ: muốn ấm no, hạnh phúc bên gia đình.

Câu 4:

– Cảm nghĩ về truyện: Cô bé bán diêm là một truyện ngắn đặc sắc. Câu chuyện thật thương tâm. Hạnh phúc đến với cô bé đáng thương ở đây không thể nào có được trên trần thế mà chỉ có trong ước mơ, trong mộng tưởng. Khi sắp sửa lìa đời, người đời đều ghẻ lạnh, chi có mẹ cô và bà nội của cô là thương yêu cô hết lòng nhưng cả hai đều không còn trên đời này nữa. Bố cô vì nghèo khó nên lúc nào cũng cau có, cũng luôn luôn mắng nhiếc, chứa rủa cô. Trong cái xã hội thiếu hẳn tình thương ấy, nhà văn An-đéc-xen đã nhỏ những giọt nước mắt của lòng nhân đạo xuống số phận cô bé đáng thương. Hình ảnh thi thế cô với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười và cảnh huy hoàng hai bà cháu bay lên trời để đón lấy những niềm vui đầu năm chính là niềm ưu ái mà nhà văn dành cho những số phận đau khổ.

– Cảm nghĩ về đoạn kết truyện: Cảnh tượng cô bé bán diêm chết vì giá rét nhưng miệng vẫn mỉm cười – đây là sự tưởng tượng của tác giả, giảm bớt sự đau thương. Cái chết lúc này là sự cứu rỗi – hai bà cháu bay về chầu Thượng đế. Cái kết ấy vừa có sự bi thương lại vừa mang màu sắc cổ tích đó là sự phản ánh ước mơ, khát vọng được hạnh phúc, ấm no của con người.

Phân tích truyện ngắn Cô bé bán diêm (An-dec-xen)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.