Truyện ngắn là gì?

truyen-ngan-la-gi

Truyện ngắn là gì?

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn diện của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp.

Về từ nguyên, truyện ngắn có nghĩa là một tin tức mới mẻ, sốt dẻo. Ðây là loại văn xuôi tự sự có hình thức ngắn gọn. Tuy nhiên, đặc trưng của truyện ngắn không phải chỉ vì nó ngắn mà chủ yếu là cách nắm bắt và thể hiện hiện thực cuộc sống. Nhà văn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất nào đó trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người.

Trong truyện ngắn, nếu nhà văn đặt quá nhiều vấn đề, câu chuyện sẽ dễ bị loãng. Tập trung về sự kiện, tập trung về chủ đề, về ấn tượng là yêu cầu của truyện ngắn. Người viết truyện ngắn luôn luôn chú ý vào một vấn đề cơ bản với sự tỉ mỉ, chi tiết, loại bỏ những gì thiếu súc tích. Maugham cho rằng: truyện ngắn cần phải viết sao cho người ta không thể bổ sung thêm vào đó chút gì cũng không thể rút bớt ra chút gì.

Nhiều người cho rằng viết truyện ngắn đơn giản và dễ hơn tiểu thuyết. Ðiều này không chính xác. Thực ra, ở đây tùy thuộc vào thiên hướng, sở thích và khả năng của từng nhà văn. Ðạt đến đỉnh cao nghệ thuật viết truyện ngắn không phải là điều dễ dàng. Có nhà văn đã viết: Hôm nay tôi không có thì giờ để viết truyện ngắn vì đây là thể loại đòi hỏi người viết phải gói trọn những băn khoăn, ấn tượng…vào trong một dung lượng có hạn.

Do dung lượng ngắn, nhân vật của truyện ngắn thường không nhiều và cuộc đời của nhân vật cũng thường chỉ được miêu tả như một khoảnh khắc, mảnh nhỏ nhưng lại có ý nghĩa trong cả cuộc đời nhân vật nên nhịp điệu truyện ngắn khẩn trương, gấp rút, có nhiều yếu tố bất ngờ, chuyển đoạn đột ngột trong giới thiệu, bố cục, kết thúc câu chuyện.

Nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Nó thường không nhắm tới tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của nó thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Người viết truyện ngắn luôn luôn chú ý vào một vấn đề cơ bản với sự tỉ mỉ, chi tiết, loại bỏ những gì thiếu súc tích. Maugham cho rằng: “Truyện ngắn cần phải viết sao cho người ta không thể bổ sung thêm vào đó chút gì cũng không thể rút bớt ra chút gì”.

Vì vậy, Phương Lựu cho rằng: “Khuôn khổ ngắn nhiều khi làm cho truyện ngắn có vẻ gần gũi với các hình thức truyện kể dân gian như truyện cổ, giai thoại, truyện cười, hoặc gần với những bài kí ngắn. Nhưng thực ra không phải. Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi là hình thức tự sự tái hiện cuộc sống đương thời. Nội dung thể loại truyện ngắn có thể rất khác nhau: đời tư, thế sự, hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó lại là ngắn. Truyện ngắn có thể kể về cả một cuộc đời hay một đoạn đời, một sự kiện hay một “chốc lát” trong cuộc sống nhân vật, nhưng cái chính của truyện ngắn không phải ở hệ thống sự kiện, mà ở cái nhìn tự sự đối với cuộc đời”.

Truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hàng ngày, súc tích, lại thường gắn liền với hoạt động báo chí. Do đó, có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và nước ta đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng những truyện ngắn xuất sắc của mình.

Như vậy, truyện ngắn là một thể loại gần gũi với đời sống hàng ngày, lại súc tích, gắn liền với hoạt động báo chí, có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Kí văn học là gì? - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.