Tự Lực Văn Đoàn

Tự lực văn đoàn

Từ 1932- 1945, Tự lực văn đoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai, sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tư sản và tiểu tư sản thành thị.

Tự lực văn đoàn là văn phái có chương trình nhất định, cơ sở xuất bản riêng và xuất bản nhiều tác phẩm có ảnh hưởng đến nền văn học nước nhà. Văn đoàn chính thức thành lập năm 1933, gồm Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), về sau có thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu (em Khái Hưng). Ngoài ra, còn có một số nhà văn khác cộng tác chặt chẽ như Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang. Cơ quan ngôn luận là tờ báo Phong hóa, về sau là tờ Ngày nay.

Khi ra đời Tự lực văn đoàn có tôn chỉ mục đích rõ ràng: “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có ý chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam”.

Sau khi phong trào cách mạng Yên Bái thất bại (tháng 02/1930), không khí chán nản u hoài bao trùm đại bộ phận thanh niên, người thanh niên lớn lên không còn lý tưởng để phụng sự, theo đuổi. Con đường yêu nước bế tắc, họ thoát ly trong tình cảm cá nhân, nhất là tình cảm yêu đương. Đó cũng là tiền đề cho văn học lãng mạn xuất hiện và phát triển. Trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ một bên là giặc Pháp và nền văn minh phương Tây, còn một bên là chế độ phong kiến suy đồi, mục nát để rồi từ đó cho ra đời đứa con tinh thần của cuộc sống, đó là nhóm Tự lực văn đoàn. Tự lực văn đoàn đề cao tôn chỉ “lúc nào cũng trẻ, yêu đời” nhằm muốn phá tan bầu không khí u uất, sầu thảm kia.

Qua thời gian phát triển, tồn tại, có thể phân Tự lực văn đoàn thành các thời kì sau:

Thời kì thứ nhất (1932- 1934): bao gồm các tiểu thuyết lãng mạn như “Hồn bướm mơ tiên”, “Gánh hàng hoa”, trong đó có các tác phẩm tiến bộ với tư tưởng đấu tranh cho quyền sống của cá nhân, phê phán đại gia đình phong kiến như “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt”.

Thời kì thứ hai (1935- 1939): khuynh hướng phê phán lễ giáo và đại gia đình phong kiến vẫn tiếp tục với “Lạnh lùng”, “Thoát ly”, “Thừa tự”,… nhưng đồng thời cũng xuất hiện những khuynh hướng khác. Khuynh hướng nghiêng về tầng lớp bình dân với sự đồng cảm chân thành sâu sắc “Gió đầu mùa”, “Con trâu”, hoặc những cải cách dân quê theo tôn chỉ của hội Ánh sáng như “Những ngày vui”, “Gia đình”, “Con đường sáng”. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng lý tưởng hóa hình ảnh người khách chinh phu, một con người mê man trong hành động, từ giã gia đình, quê hương ra đi vì một lý tưởng, tuy mơ hồ tựa sương khói nhưng hết sức hấp dẫn, quyến rũ “Thế rồi một buổi chiều”, “Tiêu Sơn tráng sĩ”, “Đôi bạn”.

Thời kì thứ ba: bắt đầu vào khoảng cuối năm 1939 và kết thúc khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Đây là thời kì xuống dốc của Tự lực văn đoàn với những tác phẩm ít nhiều mang màu sắc hiện đại chủ nghĩa như “Bướm trắng”, “Đẹp”, “Thanh đức”.

Một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn, nhất là những tác phẩm trong khoảng thời gian 1939-1940 như “Đẹp”, “Thanh đức”, “Bướm trắng” đã có phần thi vị hóa cuộc sống tư sản có ô tô, nhà lầu, villa bãi biển, có mỏ vàng, đồn điền, cửa hàng kinh doanh ở các thành phố lớn, có một cuộc sống đầy nhục cảm, những cuộc tình duyên tay ba, tay tư với các thiếu nữ ngây thơ, kiều diễm, có salon văn chương, khiêu vũ, tắm biển,… nhân vật thì ngoài lớp nghệ sĩ là những tri huyện tân học, những cử nhân, tiến sĩ học ở Pháp về, với ông Tuần, bà Án… thì toàn là tầng lớp tư sản kiêm địa chủ với đủ loại thủ đoạn cạnh tranh, lừa lọc, quay quắt… Tự lực văn đoàn chấp nhận tất cả những điều đó, chứ không quay lưng phủ nhận như các nhà văn hiện thực phê phán…

Trong Thơ mới hiện lên rất rõ cái “đau đời”, cái tâm trạng buồn và cô đơn, cái quằn quại, bế tắc của những người tiểu tư sản trí thức ở một nước thuộc địa.

Trong xã hội phong kiến, cá nhân không có quyền sống riêng, không có quyền tự do tung hoành ngang dọc, từ trong gia đình cho đến ra ngoài xã hội, đều phải tuân theo những nguyên tắc, những quy phạm nghiệt ngã. Vì con người bị trói buộc như thế nên văn chương cũng mang tính phi ngã. Tự lực văn đoàn ra đời, mang một cái tôi cá nhân lớn, đòi hỏi quyền sống, quyền yêu đương và mang những tư tưởng mới của phương Tây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang