Tư tưởng giữ nước của Trương Hán Siêu qua hai câu thơ cuối bài Phú sông Bạch Đằng.

tu-tuong-giu-nuoc-cua-truong-han-sieu-qua-hai-cau-cuoi-bai-phu-song-bach-dang

Tư tưởng giữ nước của Trương Hán Siêu qua hai câu thơ cuối bài Phú sông Bạch Đằng.

“Giặc tan muôn thuở thăng bình
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”.

  • Mở bài:

Trương Hán Siêu là một học sĩ nổi tiếng đời nhà Trần. Ông tính tình cương trực, học vấn uyên thâm, được các vua Trần tin cậy, nhân dân kính trọng. Tác phẩm của ông hiện còn lại không nhiều, trong đó có bài Phú sông Bạch Đằng.  Qua những hoài niệm về quá khứ, “Phú sông Bạch Đằng” đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ngợi ca truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử. Đặc biệt, ở hai câu thơ cuối thể hiện rõ tư tưởng giữ nước của Trương Hán Siêu, một tư tưởng đúng đắn và tiến bộ:

“Giặc tan muôn thuở thăng bình
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”.

  • Thân bài:

Bài phú được viết từ cảm hứng hào hùng và bi tráng. Trương Hán Siêu trong một lần dạo chơi đã viết bài phú này. Chưa rõ bài phú được viết năm nào, có lẽ khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi. Bạch Đằng giang không chỉ khơi gợi nỗi niềm hoài cổ luyến tiếc quá khứ huy hoàng, không chỉ là niềm sảng khoái tự hào ca ngợi những anh hùng tài ba lỗi lạc, những chiến công vang dội mà còn đúc kết khắc ghi bài học lịch sử sâu sắc:

“Giặc tan muôn thuở thăng bình
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”.

Lời thơ ngắn gọn, cô đọng như một chân lý, khẳng định lẽ phải bất di bất dịch: Nguyên nhân cốt yếu làm nên chiến thắng oai hùng, đó là nhân tố con người. Dù địa thế hiểm yếu, núi non trùng điệp, rừng rậm sông sâu có tham gia ngăn bước quân thù, song quyết định nên chiến thắng là chính con người. Con người tài cao đức lớn mới là nhân tố quyết định lịch sử! “Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”. Đức cao là tự bản thân mình phải trau dồi rèn luyện để có những phẩm chất cao đẹp, là lòng yêu nước thương dân, là chăm lo cho bách tính trăm họ được yên vui no đủ hạnh phúc.

Thực tiễn xưa nay đã chứng minh chân lý đó. Một quốc gia cường thịnh, xã tắc có yên vui, chiến thắng được quân thù hùng mạnh, bảo vệ vững chắc bờ cõi thì hẳn là thành quả to lớn của những bậc quân vương anh minh đức độ! Nhờ tài cao đức cả như Lý Thái Tổ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… mà nhân dân bốn cõi một nhà, tình quân thần phụ tử, khắp nơi nơi là cuộc sống sung túc thanh bình! Dân gian ta vẫn còn truyền tụng câu thơ:

“Đời vua Thái Tổ Thái Tông
Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng thèm ăn”

Không như những bậc quân vương làm cha mẹ của dân mà tài hèn đức mọn như vua Lê Long Đĩnh, vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, chúa Trịnh Sâm… thì làm sao có cảnh thái bình. Không quan tâm đến sự an nguy của đất nước, không màng đến sự sống chết của dân, hao tiền tốn của đổ máu của dân để xây cung dựng điện, đêm ngày lao vào ăn chơi hưởng lạc, đắm mình trong tửu sắc, lấy bắt bớ chém giết người làm trò tiêu khiển… thì sao đất nước không suy kiệt đình đốn, xã tắc bất an, mọi cương thường phép tắc bị chà đạp đảo lộn, giang sơn bị đe dọa xâm lăng, khắp nơi nơi là cuộc sống bần cùng đói khổ, tiếng oán thán vang đến tận trời xanh!

“Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính hào đào máu dân”

“Thượng bất chính, hạ tất loạn”, cổ nhân nói không sai! Những vua chúa quan quân như thế đích thực là những kẻ mặt người dạ thú, là giặc dã cướp bóc trắng trợn giữa ban ngày, là kẻ thù không đội trời chung với nhân dân. Dân gian vẫn còn truyền tụng câu:

“Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

Lo cho dân, đưa cuộc sống của muôn dân vươn lên sung túc ấm no, đất nước giàu mạnh, thì dân tin theo nhất tề ủng hộ mà thành. Ngược lại đày đọa dân, hại dân hại nước thì đại bại là tất yếu!

Chân lý đó còn được khẳng định bởi biết bao nhà thơ, nhà tư tưởng ở mọi thời. Như thiền sư Pháp Thuận ở thế kỷ X, trong bài thơ Vận nước đã có câu răn rằng:

“Vận nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh”

Các bậc quân vương cần rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lấy đức lớn cảm phục lòng người, làm gương sáng cho dân chúng noi theo, khiến dân tin phục, ủng hộ đại nghĩa của mình thì không việc nào không thành! Quan điểm này cũng gần gũi với tư tưởng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: “Khoan thư sức dân, lấy đó làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước vậy”; Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Với nhà quân sự đại tài, nhà chính trị kiệt xuất ấy, hạt nhân cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa là yên dân – đem lại cuộc sống bình yên no ấm cho muôn dân. Và muốn vậy phải trừ bạo – diệt trừ tham tàn bạo nghịch. Tư tưởng nhân dân ấy đặc biệt được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh! Cuộc kháng chiến vì nhân dân, huy động sức người sức của của đông đảo quần chúng nhân dân: Mọi tầng lớp thành phần: công, nông, binh, trí thức, tiểu thương…, mọi giới, mọi lứa tuổi: già trẻ gái trai, mọi nơi: từ đồng bằng tới miền núi, từ miền xuôi tới miền ngược. Sức mạnh của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã đè bẹp mọi thế lực hùng mạnh hiếu chiến, giành lại độc lập tự do năm 1945 và thống nhất nước nhà năm 1975. Con người có trái tim lớn, nhân cách lớn và tư tưởng vĩ đại sáng suốt đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi gian nan thách thức hiểm nghèo để đi đến bến bờ của thắng lợi cuối cùng ấy là Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta! Rõ ràng con người tài cao đức rộng là một nhân tố cốt yếu làm nên bộ mặt lịch sử!

Tư tưởng này khác xa quan niệm cho rằng mọi sự đều do trời, do Thượng đế sắp đặt, số phận xui khiến an bài. Sướng khổ, thành bại không phải do mình mà do số phận đã xếp đặt sẵn. Con người có muốn thay đổi, muốn vượt ra khỏi sự ràng buộc đó cũng khó lòng! Đó là tư tưởng quan niệm tiêu cực, khiến chúng ta buông xuôi phó thác tất cả cho số phận với tâm lý an phận thủ thường. Nó ngấm ngầm tiêu hủy cả ý chí, nghị lực, nó dẫn dắt con người đến mảnh đất của chây ỳ lười biếng…Thật sai lầm! Một triết gia nổi tiếng đã từng nói: “Chúng ta không có quyền chọn người sinh ra mình hay chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có quyền chọn cách mình sẽ sống.”.Điều này hẳn sẽ khiến nhiều người nghĩ đến số phận của chàng trai không chân tay Nick Vujicic. Không ai cho rằng với thân hình như vậy, anh lại có thể trở thành một nhà diễn thuyết tài năng. Nhưng chính vì không chịu khuất phục số phận, anh đã vươn lên và trở thành một diễn giả nổi tiếng, có cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Và hơn thế nữa, anh còn góp phần làm tươi sáng biết bao số phận bất hạnh trên thế giới này! Từ một cuộc đời tàn mà không phế ấy, ta có thể thấy rằng cuộc sống có sướng khổ, buồn vui, thành bại, tất cả là do ta tự định đoạt tương lai cho mình.

Như vậy, từ bàn luận về nguyên nhân chiến thắng trên sông Bạch Đằng mà câu thơ của Trương Hán Siêu đã khơi mở trong lòng ta bao suy ngẫm về nguyên do thành bại trong cuộc đời. Không phải thiên địa Thượng đế hay số phận mà là chính ta cầm nắm số phận của ta! Chính con người đức cao lòng nhân quyết định tất cả! Đây là một tư tưởng vượt trội, cao xa của Trương Hán Siêu giữa thời kì phong kiến xa xưa còn tồn tại nhiều tư tưởng quan niệm cổ hủ lạc hậu:

“Giặc tan muôn thuở thăng bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”

Hai câu thơ khép lại bài phú thấm đẫm chất nhân văn khi đã đề cao, khẳng định mạnh mẽ vai trò vị trí lịch sử của con người. Thành hay bại là do chính bản thân mình có đức hay không. Bài học lịch sử, bài học nhân sinh cách đây gần 700 năm mà cho đến hôm nay, cho đến muôn đời sau có lẽ chưa bao giờ là cũ mòn.

  • Kết bài:

Phú sông Bạch Đằng được coi là đỉnh cao của nghệ thuật phú trong văn học trung đại Việt Nam. Kết cấu tác phẩm đơn giản, bố cục chặt chẽ, xây dựng hình tượng nhân vật khách đặc biệt. Những lời văn biền ngẫu và ngôn từ vừa trang trọng, hào sảng vừa lắng đọng. Hình ảnh thơ mang tính khoa trương, phóng đại diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên cũng như chiến thắng hào hùng của dân tộc. Tác phẩm đã thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc sâu sắc trước những chiến công trên sông Bạch Đằng lịch sử. Đồng thời tác phẩm cũng ngợi ca truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lí nhân nghĩa, tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Qua đó còn thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp, đề cao giá trị con người.

Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.