Suy nghĩ về vai trò của văn học đối với sự phát triển tâm hồn của học sinh

vai-tro-cua-van-hoc-doi-voi-su-phat-trien-tam-hon-hoc-sinh

Suy nghĩ về vai trò của văn học đối với sự phát triển tâm hồn của học sinh.

Trong bài “Tiếng nói của văn nghệ” Nguyễn Đình Thi từng viết: “Tác phẩm (văn học) vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho người đọc sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Điều đó có nghĩa là văn học đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển tâm hồn của mỗi con người. Đặc biệt là với lứa tuổi học sinh.

Tác phẩm văn học là kết tinh của tâm hồn người sáng tác. Mỗi tác phẩm văn học là tiếng nói của tác giả trong cuộc đời. Không ở đâu khác, văn học nảy sinh từ chính trong cuộc đời này. Nhà thơ Tố Hữu từng nói rằng: “Cuộc đời chính là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Nghĩa là văn học được tạo ra để phục vụ cho cuộc sống mỗi chúng ta. Cuộc sống có trở nên tươi đẹp và nhân ái hơn là bởi có văn học.

Ai cũng ẩn chứa trong mình một tâm hồn nghệ sĩ, biết rung động và yêu chuộng trước cái đẹp. Điều khác biệt khiến cho họ trở thành người nghệ sĩ đích thực là bởi họ biết biểu đạt những rung động ấy thành tác phẩm nghệ thuật và kí thác ở trong đó ước mơ, khát vọng và sự sống. Hiện thực sinh động tác động vào tâm hồn người nghệ sĩ khiến họ có thể vui hoặc buồn; thương hoặc giận; hạnh phúc hoặc đớn đau; đồng tình hoặc căm phẫn;… Họ không thể làm ngơ trước những cảm xúc ấy.

Tác phẩm nghệ thuật hình thành là bởi họ đã biết kết tinh ánh sáng của tâm hồn theo những cách tinh tế nhất. Những rung động được nén chặt lại trong ngôn từ một cách chắc chắn. Để rồi, khi đi vào tâm hồn người đọc, nó bùng nổ dữ dội, khiến người đọc cũng vui hoặc buồn; thương hoặc giận; hạnh phúc hoặc đớn đau; đồng tình hoặc căm phẫn;… trước cuộc đời.

Đọc Truyện Kiều, ta không khỏi xót xa cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của nhan vật Thúy Kiều. Đọc Lão Hạc của Nam Cao ta thấy rưng rưng trước cuộc đời và số phận éo le của lão nông dân sống hết lòng vì con trai, vì cuộc đời trong sạch mà phải tìm đến cái chết. Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố ta cũng hồi hộp và lo lắng cho chị Dậu khi bọn cai lệ và người nhà lí trưởng xong đến, rồi hả hê khi bọn chúng bị chị Dậu đánh cho một trận nhớ đời. Những nghịch cảnh ấy ai mà chẳng thấy. Nhưng dưới cái nhìn đầy cảm thông và tài năng nghệ thuật, người nghệ sĩ đã gìn giữ, đã nâng niu và kết tinh cho cuộc đời.

Thế nhưng, tác phẩm văn học không phải là sự phản đơn điệu những gì diễn ra trong cuộc sống. Nhà văn không giống như một nhà lịch sử học hay một kí giả đơn thuần là ghi chép những cái đã có rồi mà còn gửi gắm trong đó một điều gì đó mới mẻ. Hiện thực ấy đã được khúc xạ qua lăng kính tâm hồn người nghệ sĩ, càng nhìn ngắm càng thấy lung linh. Những nghệ sẽ lớn đem đến cho thời đại họ một cách sống của tâm hồn

Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào trong tâm hồn ta một thứ ánh sáng riêng như Nguyễn Đình Thi đã nói. Ánh sáng kì diệu ấy không bao giờ nhòa đi, nó biến thành ánh sáng của tâm hồn ta, nó chiếu tỏa lên mọi việc của chúng ta và tiếp tục lan truyền đến người khác những cảm xúc đẹp đẽ làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của tác phẩm văn học khi chúng ta nghĩ đến mọi người xung quanh ta. Ở đâu đó, vẫn còn có những cuộc đời bất hạnh và đầy sợ hãi và khổ đau. ở đâu đó, tiếng khóc vãn vang lên, đói khổ vẫnvây bám con người, những vết thương không bao giờ lành. Lời gửi của văn nghệ chính là sự sống đang tiếp diễn trong mỗi chúng ta.

Tác phẩm văn học là sợi dây truyền cho người đọc sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng. Sức sống của vân chương là bất tận. Có khi nó âm thầm chìm khuất, náu mình im lặng ở đâu đó. Có khi nó bùng lên mãnh liệt. Có khi nó dịu dàng, yểu điệu như thiếu nữ lạ lẫm trước cuộc đời, có khi nó gào thét dữ dội. Tác phẩm văn chương không nói với chúng ta bằng tư tưởng mà bằng tiếng nói đồng cảm, sẻ chia. Văn chương không bao giờ cao giọng dạy đời bất kì ai. Đó là tiếng nói công bằng và thấu hiểu. Không một nhà văn nào bắt chúng ta phải đọc tác phẩm của họ. Không một tác phẩm nào lộ liễu gợi mời chúng ta đọc nó. Người tìm đến với tác phẩm văn chương đâu chỉ để thỏa mãn tính tò mò mà là để thấu hiểu. tác phẩm đích thực luôn được phát hiện bởi ánh mắt biết kiếm tìm.

Một tác phẩm văn học ta đọc qua rồi vẫn muốn đọc lại lần nữa. Lẽ nào, ta muốn tìm kiếm một bài học mới trên trang sách cũ chăng? Cho đến một câu thơ kia, dù ta đã khép lại trang sách, đã rời đi đâu đó mà vẫn còn nghe thấy tiếng thì thầm ở trong lòng, miệng lẩm nhẩm đọc theo. Người nghệ sĩ không đứng bên ngoài để trỏ vẽ cho ta đường đi mà đã đốt lửa trong lòng ta, khiến chúng ta tự bước lên đường. Ta muốn bước vào cái thế giới kì diệu ấy để ngắm nhìn thật kĩ nhân vật của mình hay tìm kiếm một khung cảnh mà bằng câu thơ ta đã tưởng tượng ra. Ta muốn sống bằng sự sống mà người nghệ sĩ đã sống. Tác phẩm văn học và như thế đã truyền cho ta sự sống mà người nghệ sĩ da mang trong lòng.

Điều đó dễ thấy trong bài Hịch tướng sĩ văn của Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trước tội ác và thái độ nhục mạ quốc thể của kẻ thù, vị dũng tướng vô cùng đau lòng, căm phẫn tột độ như muốn moi gan uống máu bọn chúng. Đất nước lâm nguy nhưng tướng sĩ hững hờ khiến ông vô cùng lo lắng. Ông kết tinh tất cả nỗi lòng ấy trong một bài văn và gửi đến tướng sĩ của mình. Chỉ một bài hịch thôi mà khiến cho ba quân sôi sục, sĩ khí hừng hực, thề cùng chủ tướng giết giặc giữ nước. Đó là nhờ cái tâm tình chân thực mà Hưng Đạo Đại Vương đã kết tinh vào từng lời lẽ ấy vậy. Dù đã trải qua hơn 200 năm, cho đến ngày nay, Truyện Kiều vẫn còn tiếp tục làm rung động biết bao nhiu trái tim con người.


Bài tham khảo:

Văn học nghệ thuật là một hình thức của lý tưởng có chức năng làm cân bằng đời sống tinh thần của con người, bù đắp cho nhân loại những gì chưa có, chưa đến, những gì đang ao ước, mong mỏi, hi vọng. Nói đến chức năng của văn học là nói đến vai trò, tác dụng của văn học đối với đời sống xã hội, con người mà các hình thái ý thức xã hội khác không thể thay thế được. Có thể xem việc rèn luyện, phát triển những năng lực tình cảm của con người như một ý nghĩa xã hội quan trọng của văn học. Bởi thế, bên cạnh các chức năng nhận thức, thẩm mỹ, dự báo, giải trí…thì chức năng giáo dục là một chức năng vô cùng quan trọng mà văn học mang tới cho đời sống con người.

Từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học nước nhà đến văn học thế giới, mỗi tác phẩm như một bài ca dịu ngọt, như một dòng suối mát lành tưới vào tâm hồn trẻ thơ. Ở lứa học sinh, khi ý thức đang hình thành, nhân cách đang được định hình, tâm hồn đang trong sáng như pha lê, tư duy còn gắn liền với liên tưởng và tưởng tượng thì không gì gây tác động mạnh mẽ bằng những vần thơ, những áng văn giàu chất nhân văn và lấp lánh giá trị của nghệ thuật ngôn từ. Tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu quê hương làng xóm cũng từ đó mà đâm chồi nảy lộc. Cảm nhận cuộc sống, thu thập kiến thức qua văn học chính là con đường tích cực và nhẹ nhàng để giáo dục học sinh Tiểu học trở thành những con người có sự phát triển toàn diện về nhân cách.

Văn học có chức năng giáo dục tri thức và hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Tác phẩm văn học có khả năng khuyến điều thiện, răn điều ác, bỏ giả, theo thật. Có thể nói, văn học là một trong những loại sách giúp người đọc “tới gần Con Người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất. Văn học không phải là đạo đức học nhưng văn học, bằng những hình tượng thẩm mỹ được xây dựng nên bởi một thứ chất liệu đặc biệt – ngôn ngữ nghệ thuật, lại có khả năng làm cho con người ta tốt hơn hoặc là hoàn thiện hơn về nhân cách.

Văn học giúp cho học sinh hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy sinh trong con người một khát vọng hướng tới chân lí, đấu tranh với cái xấu xa trong con người, biết tìm tòi cái tốt trong con người và thức tỉnh trong tâm hồn họ sự xấu hổ, chí căm thù, lòng dũng cảm, biết làm tất cả để con người trở nên lành mạnh hơn và tắm đẫm con người trong ánh sáng thiêng liêng của vẻ đẹp.

Văn học góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm đạo đức cho học sinh bằng cách tập cho người đọc một thói quen cảm thụ tinh tế, mài sắc cho họ cảm quan nhận thức, khả năng nhận ra cái chân, cái thiện, cái mỹ trong đời sống bộn bề. Từ chỗ say mê, xúc động mãnh liệt, văn học làm cho học sinh nhận ra lẽ phải – trái, cái đúng – sai, nhận ra sự lầm lạc. Mục đích của văn học không phải là đạo đức, mục đích của nó là chuẩn bị cho học sinh tiếp thu đạo đức. Văn học có khả năng thanh lọc và cảm hóa tâm hồn học sinh rất lớn.

Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng nhằm khơi dậy cuộc đấu tranh, sự vật lộn bên trong mỗi con người. Nó là tấm gương để con người tự soi mình, tự đối chiếu và phán xét về người khác cũng như về chính bản thân mình. Bằng cách đó, văn học chuyển quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Giá trị từ tác phẩm văn học có thể làm khuếch đại cái tốt để nó trở nên đẹp đẽ, lộng lẫy hơn, từ đó lôi cuốn, hấp dẫn học sinh, làm cho học sinh tin rằng trên đời bao giờ cũng còn có công lý, lương tri, bao giờ cũng có người tốt, khơi dậy ở mỗi người khát vọng vươn tới cái lí tưởng, muốn noi gương, bắt chước làm theo điều thiện, điều hay. Vì vậy, trong văn học nghệ thuật không bao giờ thiếu cái đẹp, thiếu chất lý tưởng, thiếu chất anh hùng, lãng mạn, thiếu nhân vật tích cực. Đồng thời nhà văn cũng phóng đại cái xấu, làm cho nó trở nên ghê tởm và đáng ghét, phủ định nó, trước là trong tác phẩm và sau là trong chính cuộc đời.

Ví dụ như khi đọc bài thơ “Quạt cho bà ngủ” của Thạch Quỳ, chắc hẳn học sinh sẽ cảm nhận được, sẽ xúc động trước tình cảm yêu thương, hiếu thảo của bạn nhỏ trong bài thơ đối với bà. Từ đó, các em sẽ nghĩ về bà, về mẹ của mình và dâng lên trong lòng một tình yêu tha thiết với bà, với mẹ, các em cũng sẽ mong ước được quan tâm, chăm sóc cho bà, cho mẹ của mình như bạn nhỏ trong bài thơ. Đó là một sự tác động hết sức sức tự nhiên, một con đường giáo dục hết sức nhẹ nhàng, thông qua con đường cảm xúc, tình cảm chứ không phải bởi con đường giáo huấn.

Hoặc đơn giản như khi học sinh lớp 4 đọc bài “Cánh diều tuổi thơ” của Tạ Duy Anh, học sinh sẽ cảm nhận được niềm vui lớn và những ước mơ đẹp gắn liền với trò chơi thả diều của tuổi thơ như thế nào, từ đó thêm yêu cánh diều, yêu tuổi thơ, yêu quê hương nơi cho mình thật nhiều tình cảm và nhiều kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Đấy cũng là lúc mà văn học thấm vào lòng, làm đẹp thêm hơn tâm hồn và sâu sắc thêm hơn tình yêu quê hương xứ sở trong trái tim các em. Một con đường giáo dục tinh tế và hiệu quả vô cùng.

Hoc sinh là lứa tuổi thích noi gương, chính vì vậy, văn học đã mang đến cho các em những hình ảnh đẹp, cao thượng, những tấm lòng nhân ái…để ngưỡng mộ, từ đó biết học hỏi những điều hay lẽ phải và trở thành người có ích trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi học sinh cũng cần được định hướng để nhìn thẳng vào những hiện tượng, tính cách xấu, những điều chưa hoàn thiện ở một cá nhân hay một kiểu người nào đó trong xã hội thông qua những nhân vật, những câu chuyện trong tác phẩm văn học. Từ đó, mỗi họ sinh biết tự trang bị cho mình một khả năng chống đỡ trước sự cám dỗ của những thói hư tật xấu, tự trang bị cho mình một thái độ phê phán, tẩy chay cái xấu, cái sai, cái tầm thường, lệch lạc…Đó cũng là một con đường để giúp các em trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn những cảm xúc yêu- ghét, vui- buồn. Đến với văn học, học sinh không chỉ biết đến những nụ cười mà còn biết xót xa khi nhìn thấy những cảnh đời thiếu thốn, khốn khó, nuôi dưỡng những tình cảm nhân ái, cao đẹp ở các em. Những tác phẩm văn học ưu tú luôn khơi dậy trong tâm hồn các em học sinh khả năng đồng cảm và niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, cái cao cả.

Để vận dụng đầy đủ sức mạnh làm thay đổi của văn học, học sinh cần tiếp nhận tác phẩm văn học (đoạn trích) một cách tự giác, chủ động, sáng tạo và hiệu quả nhất. Từ đó, các tác phẩm văn học sẽ đi vào thế giới tâm hồn của các em một cách tự giác mà sâu sắc nhất, bằng những cảm xúc chân thật và những rung động, đồng cảm thiết tha nhất, hướng các em tới sự trau dồi vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn, trí tuệ cho tuổi thơ và cho suốt hành trình của cuộc đời.

Tóm lại, không có một người thầy nào có thể dạy cho trẻ hết tri thức về cuộc sống và tình cảm con người cũng như cách đối nhân xử thế, nhưng văn học có thể mang lại điều kỳ diệu đó và sẽ đi theo trẻ suốt cuộc đời như một người thầy vĩ đại nhất. Đến với văn học, tâm hồn của mỗi học sinh sẽ được chắp thêm đôi cánh để có thể tự tin bay cao, như một búp non tràn trề nhựa sống tình thương sẵn sàng vươn lên trong vườn hoa nhân ái của cuộc đời.

Qua một tác phẩm văn học mà em đã đọc, đã học, hãy trình bày tác động của tác phầm ấy đối với em

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.