Văn bản: Đức tính giản dị của Bác Hồ (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

Đức tính giản dị của Bác Hồ

Văn bản:

Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.

Rất lạ lùng, rất kì diệu là trong 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch[1], tuyệt đẹp.

Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống. Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ. Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã[2] biết bao! Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: việc cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc dến phòng ngủ, nhà ăn… Trong đời sống của mình, việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay, và Bác đã đặt cho số đồng chí đó những cái tên mà gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!

Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành[3], thanh tao theo kiểu nhà hiền triết[4] ẩn dật[5]. Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay.

[…] Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Suy cho cùng, chân lí[6], những chân lí lớn của nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”… Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập[7] vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chú thích:

[1] Thanh bạch: trong sạch, giản dị trong lối sống.
[2] Tao nhã: thanh cao và lịch sự.
[3] Tu hành: rời bỏ cuộc đời bình thường để sống theo những quy định chặt chẽ của một tôn giáo nào đó.
[4] Hiền triết: người có tư tưởng, đức độ và hiểu biết cao sâu, được người đời tôn sùng.
[5] Ẩn dật: ở ẩn, xa lánh xã hội và vui với cảnh sống an nhàn.
[6] Chân lí: sự phản ánh sự vật, hiện tượng của hiện thực vào nhận thức con người một cách đúng đắn, khách quan.
[7] Thâm nhập: vào sâu bên trong (thâm: sâu, nhập: vào).

Nguồn: Phạm Văn Đồng, Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, NXB Sự thật, Hà Nội, 1974 


I. Câu hỏi đọc – hiểu:

Câu 1: Nêu luận điểm chính của toàn bài trong đoạn mở đầu. Để làm rõ đức tính giản dị của Bác Hồ, tác giả đã chứng minh ở những phương diện nào trong đời sống và con người của Bác?

Câu 2: Tìm hiểu trình tự lập luận của tác giả trong bài, và trên cơ sở đó, nêu bố cục của bài văn.

Câu 3: Đọc đoạn văn từ “Con người của Bác” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi!” và nhận xét về nghệ thuật chứng minh của tác giả ở đoạn văn này.

Những chứng cứ ở đoạn này có giàu sức thuyết phục không? Vì sao?

Câu 4: “Bác Hồ sống giản dị thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”.

Trong đoạn văn trên, tác giả đã dùng những phép lập luận nào để người đọc hiểu sâu sắc về đức tính giản dị của Bác?

Câu 5: Theo em, đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài văn này là gì?


II. Luyện tập:

Bài tập 1: Hãy tìm một số ví dụ về sự giản dị trong đời sống và trong thơ văn của Bác.

Bài tập 2: Qua bài văn, em hiểu thế nào là đức tính giản dị và ý nghĩa của nó trong cuộc sống?


* Soạn bài:

Câu 1:

– Đối tượng và đề tài nghị luận đã được nêu rõ trong đề bài và câu mở đầu của bài văn: Đức tính giản dị của Bác Hồ.

– Câu nêu lên điểm chính của toàn bài trong đoạn mở đầu: “Điều quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.

– Tác giả đã chứng minh đức tính giản dị của Bác trên các phương diện:

+ Bữa ăn hằng ngày: ăn uống chỉ có vài ba món.

+ Nhà ở: căn nhà xiêu vẹo chỉ vài ba phòng nhỏ bé.

+ Việc làm: trong đời sống của mình, việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay.

+ Lời nói, bài viết: vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.

Câu 2:

– Trình tự lập luận của tác giả trong bài viết:

+ Nhan đề: Nêu luận điểm chính của bài: “Đức tính giản dị của Bác Hồ”.

+ Chứng minh luận điểm.

+ Giải thích và bình luận để làm sáng tỏ.

+ Chứng minh luận điểm bằng những luận cứ khác.

– Bố cục bài văn: Vì đây chỉ là một đoạn trích nên không có đủ các thành phần trong bố cục thông thường của một bài văn nghị luận. Đoạn trích gồm 2 phần:
+ Phần 1: (từ đầu đến tuyệt đẹp) Sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng và cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác.
+ Phần 2: (còn lại) Tác giả chứng minh sự giản dị của Bác trong sinh hoạt, lối sống, việc làm:

Câu 3: Đoạn văn từ “Con người của Bác” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi!”.

– Nghệ thuật chứng minh: Tác giả đã đưa ra một hệ thống luận cứ toàn diện, các dẫn chứng đều cụ thể, xác thực và rất phong phú.

– Những chứng cứ ở đoạn văn giàu sức thuyết phục vì hệ thống luận cứ toàn diện, từ bữa ăn, nhà ở đến việc làm, cách nói, cách viết…

– Hơn nữa, những điều tác giả nói ra lại được bảo đảm bằng thời gian sống gần, mối quan hệ gần gũi, lâu dài của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu 4: Trong đoạn văn trên, tác giả đã phối hợp nhiều phương pháp, biện pháp khác nhau:

– Lật lại vấn đề: “Nhưng chớ hiểu lầm rằng…”.

– Giải thích: “bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú…”.

– Bình luận: “Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất…”.

Cách phối hợp các phương pháp, biện pháp khác nhau như vậy giúp cho tác giả soi sáng vấn đề từ nhiều góc độ, đồng thời cũng khiến cho bài viết tăng thêm sức thuyết phục và hấp dẫn hơn.

Câu 5: Những nét đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài văn:

– Luận điểm ngắn gọn, tập trung, sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

– Luận cứ xác đáng, toàn diện, nhận xét sâu sắc.

– Luận chứng phong phú, cụ thể, xác thực.

Tư tưởng, giá trị của bài văn còn được thể hiện rõ ràng và sâu sắc hơn qua sự kết hợp phương pháp nghị luận chứng minh với các phương pháp, biện pháp khác như giải thích, nêu vấn đề và lật lại vấn đề…

Suy nghĩ về đức tính giản dị của Bác Hồ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang