Tài liệu luyện thi văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

van-ban-truyen-trung-dai-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-hoi-thu-14-trich-hoang-le-nhat-thong-chi

Tài liệu luyện thi:

Chuyện người con gái Nam Xương
(trích Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ)

ĐỀ SỐ 1. Phân tích “Chuyện người con gái Nam Xương”.

  • Mở bài:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên truyện thứ 16 trong số 20 truyện nằm trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Dữ “Truyền kì mạn lục”. Truyện có nguồn gốc từ một truyện cổ dân gian trong kho tàng cổ tích Việt Nam “Vợ chàng Trương”. Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, tác phẩm thể hiện niềm thương cảm đối với số phận oan nghiệt, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của những người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến.

  • Thân bài:

Chuyện kể về nhận vật Vũ Thị Thiết, thường gọi làVũ Nương. Nàng là người phụ nữ nhan sắc, đức hạnh. Chồng nang là Trương Sinh phải đi lính sau khi cưới ít lâu. Nàng ở nhà, một mình vừa nuôi con nhỏ vừa chăm sóc mẹ chồng đau ốm rồi làm ma chu đáo khi bà mất. Trương Sinh trở về, nghe lời con, nghi vợ thất tiết nên đánh đuổi đi. Vũ Nương uất ức gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn, được thần Rùa Linh Phi và các tiên nữ cứu. Sau đó trương Sinh mới biết vợ bị oan. Ít lâu sau Vũ Nương gặp Phan Lang, người cùng làng chết đuối được Linh Phi cứu. Khi Lang trở về, Vũ Nương nhờ gửi chiếc hoa vàng nhắn chàng Trương lập đàn giải oan cho nàng. Trương Sinh nghe theo, Vũ Nương ẩn hiện giữa dòng, nói vọng vào bờ lời tạ từ rồi biến mất.

1. Nhận vật Vũ Nương:

a. Nhân phẩm và đức hạnh cao quý của Vũ Nương:

– Trong cuộc sống gia đình, Vũ Nương là người vợ hiền thục:

+ Nàng lấy chồng là Trương Sinh, vốn là một người ít học, lại có tính đa nghi, phòng ngừa quá mức. Vì thế, nàng đã biết lựa tính chồng, giữ cho khỏi bất hòa, gia đình luôn được trong ấm, ngoài êm → một người vợ hiền, có ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình.

+ Đất nước xảy ra nạn binh đao, Trương Sinh phải đi lính, nàng lại càng bộc lộ rõ hơn phẩm chất tốt đẹp của mình. Lời nói, lời dặn dò trong cảnh tiễn chồng của nàng đã khiến mọi người cảm động: chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên →  Vũ Nương là người không ham danh vọng mà luôn khao khát hạnh phúc gia đình, không những thế, nàng còn hiểu, thông cảm cho nỗi vất vả gian lao của chồng: chỉ e việc quán khó liệu, thế giặc khôn lường, giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao…

+ Nỗi nhớ nhung khôn xiết của người vợ yêu chồng thuỷ chung: nhìn trăng soi thành của, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa…

– Khi xa chồng, Vũ Nương luôn làm tròn bổn phận của người vợ hiền, dâu thảo:

+ Nàng sinh con, quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc mẹ già đau ốm. Đặc biệt khi người mẹ mất, nàng dã lo ma chay chu đáo như với cha mẹ của mình. Qua lời trăng trối của bà mẹ trước lúc lâm nguy tác giả đã gửi gắm tình hình của mình đối với nhân vật Vũ Nương, khẳng định công lao, nhân cách của Vũ Nương đối với gia đình: “Trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con không phụ mẹ”.

→ Ta thấy ở Vũ Nương tập trung những phẩm chất cao quý truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nàng xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng thực tế oan nghiệt đã đẩy nàng vào cảnh ngộ bất hạnh, éo le, oan khuất. Nàng vốn dĩ là một người phụ nữ rất mực thuỷ chung, vậy mà bây giờ đây lại bị nghi oan thất tiết.

b. Số phận khổ đau, bất hạnh của Vũ nương.

* Cái chết của Vũ Nương.

– Chỉ vì lời nói vô tình ngây thơ của con trẻ mà Vũ Nương bị chồng ruồng rẫy, hắt hủi, đánh đập đuổi đi, bị gán cho tội nhục nhã nhất đối với đức hạnh của người phụ nữ. Trương Sinh quả thực đã hồ đồ, cả ghen, không cho vợ được thanh minh. Những lời bênh vực của bà con hàng xóm cùng những lời phân trần giãi bày hết sức thê thảm không cứu được nàng thoát khỏi nỗi nhục nhã, vì mất danh dự, Vũ Nương hết lòng hàn gắn hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ bằng những lời than thấu tận trời xanh: Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đỡ nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót.

– Thế nhưng, lời lẽ không làm lung lay được thói độc đoán, gia trưởng hồ đồ của người chồng có máu ghen tuông mù quáng. Vũ Nương đã phải đau đớn, thất vọng đến tột cùng vì bị đối xử bất công, vì bất lực không có khả năng bảo vệ danh dự, niềm khát khao hạnh phúc gia đình bị tan vỡ: Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió… đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

– Lời nguyền thảm thương của Vũ Nương không giúp nàng thoát khỏi án oan nghiệt ngã. Là một người phục nữ có ý thức sâu sắc về phẩm giá, Vũ Nương đã quyết liệt tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự chứ không chịu sống nhục. Nàng đã gieo mình xuống sông, kết thúc cuộc đời người phụ nữ bất hạnh.

→ Bằng cách xây dựng tình tiết truyện đặc sắc đầy kịch tính, tác giả cho ta thấy những cố gắng hết sức nhưng không thành của một người phụ nữ, để rồi phải chấp nhận số phận và nàng đã phải giải thoát kịch của cuộc đời mình bằng cái chết oan khuất. Sự việc này đã đẩy câu chuyện đến đỉnh điểm của sự việc. Đến khi Trương Sinh hiểu ra nỗi oan của vợ cũng bằng sự việc hết sức ngẫu nhiên mà hợp lí. Đó là khi bé Đản chỉ Trương Sinh cái bóng trên tường chính là cha của mình. Điều đó có ý nghĩa tố cáo vô cùng mạnh mẽ đối với chế độ phong kiến, chỉ một cái bóng cũng có thể quyết định số phận một con người, đẩy người phụ nữ nết na bất hạnh vào bi kịch không lối thoát.

  • Nhận xét, đánh giá:

Qua việc xây dựng bi kịch của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã bày tỏ thái độ xót xa thương cảm cùng niềm trân trọng đối với người phụ nữ. Thông qua bi kịch của Vũ Nương, nhà văn phản ánh bi kịch chung về số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Những người phụ nữ ấy nết na, đức hạnh như bị đối xử bất công, vô nhân đạo không có quyền sống hạnh phúc, không được che chở, bảo vệ số phận vô cùng mỏng manh, yếu ớt. Có lẽ vì thế mà truyện đã in sâu đậm vào trái tim người đọc, khiến ta mãi day dứt, xót xa, trào dâng niềm thương cảm nghẹn ngào.

→ Vũ Nương là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục, lại đảm đang, tháo vát, thờ mẹ kính chồng rất mực hiếu thảo, một dạ thủy chung với chồng, hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Nàng là người phụ nữ hoàn hảo, lý tưởng của mọi gia đình, là khuôn vàng thước ngọc của mọi người phụ nữ. Người như nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, vậy mà lại phải chết oan uổng, đau đớn.

* Những duyên cớ khiến cho một người phụ nữ đức hạnh như Vũ Nương không thể sống mà phải chết một cách oan uổng:

– Nguyên nhân trực tiếp:

Do lời nói ngây thơ của bé Đản. Đêm đêm, ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, Vũ Nương thường “trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản”. Vậy nên Đản mới ngộ nhận đó là cha mình, khi người cha thật chở về thì không chịu nhận và còn vô tình đưa ra những thông tin khiến mẹ bị oan.

– Nguyên nhân gián tiếp:

+ Do người chồng đa nghi, hay ghen. Ngay từ đầu, Trương Sinh đã được giới thiệu là người “đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”, lại thêm “không có học”. Đó chính là mầm mống của bi kịch sau này khi có biến cố xảy ra. Biến cố đó là việc Trương Sinh phải đi lính xa nhà, khi về mẹ đã mất. Mang tâm trạng buồn khổ, chàng bế đứa con lên ba đi thăm mộ mẹ, đứa trẻ lại quấy khóc không chịu nhận cha. Lời nói ngây thơ của đứa trẻ làm đau lòng chàng: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia, chỉ nín thin thít” Trương Sinh gạn hỏi đứa bé lại đưa thêm những thông tin gay cấn, đáng nghi: “Có một người đàn ông đêm nào cũng đến” (hành động lén lút che mắt thiên hạ), “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi” (hai người rất quấn quýt nhau), “chẳng bao giờ bế Đản cả” (người này không muốn sự có mặt của đứa bé). Những lời nói thật thà của con đã làm thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông trong lòng Trương Sinh.

+ Do cách cư xử hồ đồ, thái độ phũ phàng, thô bạo của Trương Sinh. Là kẻ không có học, lại bị ghen tuông làm cho mờ mắt, Trương Sinh không đủ bình tĩnh, sáng suốt để phân tích những điều phi lý trong lời nói con trẻ. Con người độc đoán ấy đã vội vàng kết luận, “đinh ninh là vợ hư”. Chàng bỏ ngoài tai tất cả những lời biện bạch, thanh minh, thậm chí là van xin của vợ. Khi Vũ Nương hỏi ai nói thì lại giấu không kể lời con. Ngay cả những lời bênh vực của họ hàng, làng xóm cũng không thể cời bỏ oan khuất cho Vũ Nương. Trương Sinh đã bỏ qua tất cả những cơ hội để cứu vãn tấn thảm kịch, chỉ biết la lên cho hả giận. Trương Sinh lúc ấy không còn nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, cũng chẳng quan tâm đến công lao to lớn của Vũ Nương đối với gia đình, nhất là gia đình nhà chồng. Từ đây có thể thấy Trương Sinh là con đẻ của chế độ nam quyền bất công, thiếu lòng tin và thiếu tình thương, ngay cả với người thân yêu nhất.

+ Do cuộc hôn nhân không bình đẳng, Vũ Nương chỉ là “con nhà kẻ khó”, còn Trương Sinh là “con nhà hào phú”. Thái độ tàn tệ, rẻ rúng của Trương Sinh đối với Vũ Nương đã phần nào thể hiện quyền thế của người giàu đối với người nghèo trong một xã hội mà đồng tiền đã bắt đầu làm đen bạc thói đời.

+ Do lễ giáo hà khắc, phụ nữ không có quyền được nói, không có quyền được tự bảo vệ mình. Trong lễ giáo ấy, chữ trinh là chữ quan trọng hàng đầu; người phụ nữ khi đã bị mang tiếng thất tiết với chồng thì sẽ bị cả xã hội hắt hủi, chỉ còn một con đường chết để tự giải thoát.

+ Do chiến tranh phong kiến gây nên cảnh sinh ly và cũng góp phần dẫn đến cảnh tử biệt. Nếu không có chiến tranh, Trương Sinh không phải đi lính thì Vũ Nương đã không phải chịu nỗi oan tày trời dẫn đến cái chết thương tâm như vậy.

→ Bi kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu có và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.

Người phụ nữ đức hạnh ở đây không những không được bênh vực, chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lý; chỉ vì lời nói thơ ngây của đứa trẻ và vì sự hồ đồ, vũ phu của anh chồng hay ghen tuông mà đến nỗi phải kết liễu cuộc đời mình.

2. Nghệ thuật đặc sắc.

– Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc biệt là chi tiết chiếc bóng. Đây là sự khái quát hoá tấm lòng, sự ngộ nhận và sự hiểu lầm của từng nhân vật. Hình ảnh này hoàn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương, đồng thời cũng thể hiện rõ nét hơn số phận bi kịch của Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

– Nghệ thuật dựng truyện. Dẫn dắt tình huống truyện hợp lý. Chi tiết chiếc bóng là đầu mối câu chuyện lại chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở cuối truyện, tạo sự bất ngờ, bàng hoàng cho người đọc và tăng tính bi kịch cho câu chuyện.

– Có nhiều sự sáng tạo so với cốt truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” bằng cách sắp xếp thêm bớt chi tiết một cách độc đáo.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật được xây dựng qua lời nói và hành động. Các lời trần thuật và đối thoại của nhân vật sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ nhưng vẫn khắc hoạ đậm nét và chân thật nội tâm nhân vật.

– Sử dụng yếu tố truyền kỳ (kỳ ảo) làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. Yếu tố kỳ ảo, hoang đường làm câu chuyện vừa thực vừa mơ, vừa có hậu vừa không có hậu, làm hoàn chỉnh vẻ đẹp của Vũ Nương.

– Kết hợp các phương thức biểu đạt: Tự sự và biểu cảm (trữ tình) làm nên một áng văn xuôi tự sự còn sống mãi với thời gian.

* Vai trò và ý nghĩa của chi tiết kỳ ảo:

– Các chi tiết kỳ ảo trong câu chuyện: Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa; Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp; gặp lại Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế. Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.

– Cách đưa các chi tiết kỳ ảo: Các yếu tố này được đưa vào xen kẽ với những yếu tố thực về địa danh, về thời điểm lịch sử, những chi tiết thực về trang phục của các mỹ nhân, về tình cảnh nhà Vũ Nương không người chăm sóc sau khi nàng mất… Cách thức này làm cho thế giới kỳ ảo lung linh, mơ hồ trở nên gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy, khiến người đọc không cảm thấy ngỡ ngàng.

– Ý nghĩa của các chi tiết kỳ ảo:

+ Cách kết thúc này làm nên đặc trưng của thể loại truyện truyền kỳ.

+ Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: nặng tình, nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.

+ Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho câu chuyện.

+ Thể hiện về ước mơ, về lẽ công bằng ở cõi đời của nhân dân ta.

+ Chi tiết kỳ ảo đồng thời cũng không làm mất đi tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương trở về mà vẫn xa cách ở giữa dòng bởi nàng và chồng con vẫn âm dương chia lìa đôi ngả, hạnh phúc đã vĩnh viễn rời xa. Tác giả đưa người đọc vào giấc chiêm bao rồi lại kéo chúng ta sực tỉnh giấc mơ – giấc mơ về những người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn. Sương khói giải oan tan đi, chỉ còn một sự thực cay đắng: nỗi oan của người phụ nữ không một đàn tràng nào giải nổi. Sự ân hận muộn màng của người chồng, đàn cầu siêu của tôn giáo đều không cứu vãn được người phụ nữ. Đây là giấc mơ mà cũng là lời cảnh tỉnh của tác giả. Nó để lại dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc và là bài học thấm thía về giữ gìn hạnh phúc gia đình.

  • Kết bài:

– Chuyện phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền, chà đạp lên số phận người phụ nữ (Đại diện là nhân vật Trương Sinh). Tác phẩm phản ánh số phận con người chủ yếu qua số phận phụ nữ: chịu nhiều oan khuất và bế tắc, lên án xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa liên minh, làm cho cuộc sống của người dân càng rơi vào bế tắc, qua đó ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhân vật Vũ Nương.


ĐỀ SỐ 2. Văn học luôn quan tâm số phận con người, nhưng mỗi tác giả lại có một cách khám phá, thể hiện riêng. Bằng cảm nhận của mình về hình ảnh cái bóng trên vách trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) và hình ảnh chiếc lá trên tường trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” (O. Hen-ri), em hãy làm sáng rõ nhận định trên.

GỢI Ý LÀM BÀI.

Yêu cầu về kĩ năng

HS biết cách làm một bài văn nghị luận văn học; bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, văn viết mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức

HS có thể triển khai nghị luận theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nổi bật các ý sau:

  • Mở bài:

– Giới thiệu vài nét tiêu biểu về tác giả và tác phẩm.

  • Thân bài:

1. Giải thích, khẳng định ý kiến:

– Khẳng định ý kiến đúng đắn vì xuất phát từ bản chất của sự sáng tạo văn chương.

+ Văn học luôn quan tâm số phận con người: Đối tượng của văn học là con người, trong đó văn học quan tâm nhất vẫn là vấn đề số phận.

+ Mỗi nhà văn có cách khám phá, thể hiện riêng: Bản chất của văn học là sáng tạo, mỗi hình tượng cũng như tác phẩm bao giờ cũng là sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của cá nhân nhà văn; thể hiện một cách nhìn, cách nghĩ, cách lí giải riêng về thân phận con người bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo.

2. Cảm nhận các hình ảnh để làm sáng rõ ý kiến:

a/ Hình ảnh chiếc bóng trên vách trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:

– Tái hiện hình ảnh chiếc bóng trên vách

– Ý nghĩa:

+ Chiếc bóng – hiện thân của lòng tốt, tình mẹ con, đạo vợ chồng

+ Chiếc bóng cũng là nguyên nhân tạo nên bi kịch thê thảm đối với nhân vật Vũ Nương và đối với cái gia đình bé nhỏ của nàng.

+ Chiếc bóng thức tỉnh Trương Sinh, giúp chàng nhận ra nỗi oan của vợ.

+ Chiếc bóng thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của tác giả đối với con người:

  • Sự thấu hiểu, cảm thương sâu sắc số phận những con người bất hạnh, nhất là người phụ nữ.
  • Gửi gắm những triết lí sâu sắc, thấm đẫm tinh thần nhân văn: Cuộc sống luôn đầy những yếu tố bất thường, con người không thể lường trước; thân phận con người nói chung và người phụ nữ nói riêng: thân phận mỏng manh như chiếc bóng- mong manh dễ tan vỡ, khi còn, khi mất. Hạnh phúc, sự sống, … có thể bị hủy hoại vì bất cứ lí do gì, bất cứ lúc nào….

– Về nghệ thuật: Tạo nên sự hàm súc, đa nghĩa đồng thời vừa thắt nút, mở nút tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.

b/ Hình ảnh chiếc lá trên tường trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”:

– Tái hiện hình ảnh chiếc lá trên tường.

– Ý nghĩa:

+ Thể hiện tình cảnh đáng thương của Giôn-xi: nghèo đói, bệnh tật nên tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc sống

+ Là kết tinh của hành động cao đẹp, vô tư, quên mình của người họa sĩ già.

+ Là biểu tượng của lòng nhân ái, đức hi sinh, sức mạnh của của niềm tin yêu cuộc sống.

+ Thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của tác giả về con người, cuộc sống,

+ Sự thấu hiểu, yêu thương của O.Hen-ri với số phận những nghệ sĩ nghèo nước Mỹ nói riêng và con người nói chung. Đề cao lẽ sống nhân ái.

+ Khẳng định sức mạnh của nghệ thuật chân chính: Hướng về con người, nuôi dưỡng niềm tin, khát vọng sống, cứu rỗi con người…

– Về nghệ thuật: Chi tiết này tạo nên tình huống đảo ngược và một kết thúc bất ngờ cho tác phẩm

3. Đánh giá chung:

– Chiếc bóng trên vách và chiếc lá trên tường là những hình ảnh có thực từ đời sống được các tác giả đưa vào tác phẩm theo những cách riêng, thể hiện quá trình lao động nghệ thuật công phu, sáng tạo với dụng ý nghệ thuật riêng. Qua đó thể hiện sự quan tâm đến số phận con người, tấm lòng nhân đạo của các tác giả …

  • Kết bài:

– Khẳng định vấn đề.


ĐỀ SỐ 3. “Tinh thần nhân đạo trong văn học trước hết là tình yêu thương con người” (Đặng Thai Mai – “Trên đường học tập và nghiên cứu” – NXB Văn học 1969)

Chứng minh ý kiến trên qua tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. (SGK, Ngữ văn 9, tập I).

GỢI Ý LÀM BÀI.

I. Về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận.

– Bố cục hợp lý chặt chẽ, văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.

II. Về kiến thức:

– Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tinh thần nhân đạo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:

  • Thân bài:

1. Giải thích:

Giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của một tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng của nhà văn trước những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Đồng thời, đó là sự xót thương đồng cảm, sẻ chia với số phận đau khổ; là sự lên án tố cáo những thế lực bất công chà đạp lên quyền sống của con người; là những ước mơ khát vọng về một xã hội công bằng bác ái, tôn trọng phẩm giá của con người.

2. Chứng minh:

a. Tinh thần nhân đạo – tình yêu thương con người Nguyễn Dữ trân trọng, ngợi ca, đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ qua hình tượng nhân vật Vũ Nương:

– Vũ Nương có đầy đủ vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: công, dung, ngôn, hạnh. Xét về phương diện nào cũng đẹp:

Là một người vợ: Đối với chồng, nàng là người vợ rất mực dịu dàng, đằm thắm, giàu tình yêu thương chồng và thuỷ chung nhất mực.( d/c)

Là một người con: Đối với mẹ chồng, nàng hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, là người con hiếu thảo. (d/c)

Đối với con: Là người mẹ tốt giàu lòng yêu thương con…

Là một người phụ nữ: Nàng là người phụ nữ đảm đang, trọng danh dự và nhân phẩm, tình nghĩa và giàu lòng vị tha. ( d/c)

2. Tinh thần nhân đạo – tình yêu thương con người: thể hiện ở thái độ cảm thông đau xót:

– Am hiểu tâm lí nhân vật, thương cảm cho nỗi đau của người phụ nữ nên nhà văn đã thể hiện nỗi đau đớn của nhân vật sâu sắc.

– Nàng Vũ có đầy đủ phẩm chất đáng quý và lòng tha thiết hạnh phúc gia đình, tận tụy vun đắp hạnh phúc lại chẳng được hưởng hạnh phúc cho xứng với sự hi sinh của nàng:

– Chờ chồng đằng đẵng, chồng về chưa một ngày vui, sóng gió đã nổi lên từ một nguyên cớ rất vu vơ.

– Nàng hết mực van xin chàng nói rõ mọi nguyên cớ để cởi tháo mọi nghi ngờ; hàng xóm rõ nỗi oan của nàng nên kêu xin giúp, tất cả đều vô ích. Đến cả lời than khóc xót xa tột cùng ..mà người chồng vẫn không động lòng. (d/c)

Con người trong trắng bị xúc phạm nặng nề, bị dập vùi tàn nhẫn, bị đẩy đến cái chết oan khuất (d/c).

3. Tinh thần nhân đạo – tình yêu thương con người được thể hiện qua thái độ lên án những thế lực đen tối chà đạp lên khát vọng chính đáng của con người.

– Chiến tranh phong kiến phi nghĩa

– Những tư tưởng lạc hậu của xã hội phong kiến suy tàn (trọng nam khinh nữ, 2 đạo tòng phu,…) gây bao nhiêu bất công. Hiện thân của nó là nhân vật Trương Sinh, người chồng ghen tuông hồ đồ, mù quáng, gia trưởng, vũ phu.

4. Tinh thần nhân đạo – lòng yêu thương con người:

– Là khát vọng và ước mơ về một cuộc sống công bằng, quyền được hưởng hạnh phúc gia đình của con người đặc biệt là người phụ nữ . Khát vọng hạnh phúc của con người: Ước mơ về cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, quyền được hưởng hạnh phúc của con người.

5. Tinh thần nhân đạo của truyện còn thể hiện ở bài học nhân sinh sâu sắc mà Nguyễn Dữ muốn gửi đến bạn đọc muôn đời:

–  Bài học giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Có hạnh phúc đã là sự may mắn nhưng giữ gìn, duy trì hạnh phúc còn khó hơn. Vợ và chồng dù có yêu nhau đến mấy mà chẳng biết tính của nhau thì bi kịch sớm muộn cũng xảy ra. Và điều quan trọng hơn hết để có được hạnh phúc là phải thực sự hiểu được nhau, tôn trọng lẫn nhau và tránh xa những ngộ nhận đáng tiếc.

  • Kết bài:

– Khẳng định vấn đề nghị luận.


ĐỀ SỐ 4. Về “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, có ý kiến cho rằng: “Tác phẩm không chỉ phản ánh số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến mà còn khẳng định vẻ đẹp truyền thống đáng quý của họ”.

Theo em, ý kiến trên thể hiện như thế nào qua nhân vật Vũ Nương?

GỢI Ý LÀM BÀI.

  • Mở bài:

– Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỉ XVI, quê ở Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông nổi tiếng học rộng, tài cao.

– “Chuyện người con gái Nam Xương” rút trong tác phẩm “Truyền kì mạn lục“, áng văn xuôi viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ trong thế kỉ 16 – một kiệt tác văn chương cổ được ca ngợi là “thiên cổ kì bút“. Tác phẩm không chỉ phản ánh số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến mà còn khẳng định vẻ đẹp truyền thống đáng quý của họ.

  • Thân bài:

1. Số phận bất hạnh của Vũ Nương.

– Phải sống trong nỗi cô đơn, vất vả, chịu nhiều oan ức:

+  Nỗi vất vả của Vũ Nương: Một mình gánh vác gia đình, nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ già.

+  Nỗi cô đơn tinh thần (phải vượt lên):

  • Cảnh sống lẻ loi.
  • Nỗi nhớ thương khắc khoải.
  • Nỗi lo lắng cho chồng đang chinh chiến nơi xa.

– Phải gánh chịu nỗi oan lạ lùng và phải tìm đến cái chết:

+  Nguyên nhân (của nỗi oan):

  • Do lời nói ngây thơ của bé Đản.
  • Do Trường Sinh vốn đa nghi, hay ghen lại đang buồn vì mẹ mất.
  • Do chiến tranh gây ra 3 năm xa cách, niềm tin vào Vũ Nương ị thử thách, bị lung lay.
  • Có thể do cuộc hôn nhân bất bình đẳng giữa Vũ Nương và Trường Sinh, do xã hội phong kiến trọng nam, khinh nữ cho phép Trường Sinh được đối xử rẻ rúng, tàn tệ với vợ mình.

+ Hậu quả (của nỗi oan):

  • Trường Sinh nghi ngờ, gạt đi lời thanh minh của Vũ Nương, mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương đi.
  • Cùng đường Vũ Nương nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tận. Đây là phản ứng dữ dội, quyết liệt của Vũ Nương để bảo vệ nhân phẩm nhưng cũng là cho thấy nỗi bất hạnh tột cùng của nàng.

– Phải sống không hạnh phúc thực sự dưới thủy cung: Vũ Nương tuy được cứu sống, sống bất tử, giàu sang, đã được minh oan trên bến Hoàng Giang nhưng nàng không hạnh phúc thực sự:

+ Vẫn nhớ thương gia đình.

+ Vẫn mong trở về dương thế mà không thể.

Số phận Vũ Nương tiêu biểu cho phận bạc của biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, nặng nề lễ giáo, hà khắc.

2. Vẻ đẹp phẩm chất và đức hạnh của Vũ Nương:

– Mang vẻ đẹp toàn vẹn nhất của người phụ nữ xã hội phong kiến.

+ Chi tiết Trường Sinh xin mẹ “đem 100 lạng vàng cưới về” càng tô đậm hơn vẻ đẹp nhan sắc, phẩm chất của nàng.

– Là người vợ, người mẹ đảm đang, người con dâu hiếu thảo:

–  Đảm đang (khi chồng đi lính):

+ Một mình gánh vác gia đình.

+ Chăm sóc mẹ chồng già yếu.

+ Nuôi dạy con thơ.

–  Hiếu thảo (khi mẹ chồng ốm):

+ Nàng hết lòng chăm sóc như với cha mẹ đẻ của mình (cơm cháo, thuốc thang, an ủi…)

+ Lễ bái thần phật cầu cho bà tai qua, nạn khỏi.

+ Lời trăng trối của bà trước khi mất đã khẳng định lòng hiếu thảo, tình cảm chân thành của Vũ Nương. (phút lâm chung bà cảm tạ công lao của nàng -> mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của xã hội phong kiến xưa thường chỉ mang tính chất ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Những lời cảm tạ của bà mẹ đã cho thấy Vũ Nương yêu thương bà thực lòng nên bà cũng yêu quý, biết ơn nàng thực lòng như vậy)

+ Bà mất: nàng lo tang ma chu đáo.

– Là người vợ nết na, thủy chung, giàu lòng vị tha:

–  Nết na, thủy chung:

  • Khi mới cưới: nàng hết sức giữ gìn khuôn phép.
  • Ngày tiễn chồng ra trận, trong lời từ biệt ta thấy nàng không màng công danh phú quý, chỉ mong chồng trở về bình yên.
  • Ba năm xa chồng, Vũ Nương buồn nhớ khôn nguôi, nàng bỏ cả điểm trang, toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình, làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình.
  • Thậm chí, ngày Trường Sinh trở về, bị nghi ngờ, Vũ Nương chỉ biết khóc rồi thanh minh bằng những lời lẽ tha thiết, dịu dàng.

→ Tấm lòng son sắt, thủy chung sáng ngời của nàng.

–  Giàu lòng vị tha:

+ Khi bị chồng đổ oan, mắng nhiếc, đánh đuổi đi, Vũ Nương chỉ đau khổ, thanh minh mà chẳng hề oán hận, căm ghét chồng. Nàng vẫn bao dung với người chồng hẹp hòi, ích kỉ.

+ Sống dưới thủy cung nàng vẫn một lòng nhớ thương gia đình, quê hương. Việc nàng gửi vật làm tin chứng tỏ nàng vẫn sẵn sàng tha thứ cho chồng.

+ Khoảnh khắc gặp lại Vũ Nương không trách móc mà còn hết lời cảm tạ Trường Sinh. Lời nói ấy cho thấy Vũ Nương hoàn toàn tha thứ cho chồng. Trường Sinh đã được giải thoát khỏi nỗi ân hận, day dứt vì sự hàm hồ, hẹp hòi, tàn nhẫn của mình.

Vũ Nương trở thành hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thảo hiền, đức hạnh.

3. Đánh giá:

– Bằng việc xây dựng tình huống truyện độc đáo – xoay quanh sự ngộ nhận, hiểu lầm lời nói của bé Đản; nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, kết hợp hài hòa yếu tố hiện thực và kì ảo; khắc họa nhân vật thông qua lời nói trần thuật, lời thoại; hành động…; Nguyễn Dữ đã xây dựng thành công nhân vật Vũ Nương – một điển hình cho số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

– Qua đó, bày tỏ niềm trân trọng và cảm thương sâu sắc, tiếng nói bênh vực người phụ nữ trong xã hội xưa; tố cáo xã hội phong kiến nam quyền, nhiều lễ giáo hà khắc, tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã đẩy người phụ nữ vào những bi kịch đớn đau.

  • Kết bài:

– Khẳng định vấn đề nghị luận.

– Liên hệ.


ĐỀ SỐ 5. Trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ), nhân vật Trương Sinh vội tin câu nói ngây thơ của con trẻ đã nghi oan cho Vũ Nương, ruồng rẫy và đánh đuổi nàng đi. Vũ Nương bị oan ức nên nhảy xuống sông tự vẫn.

Theo em khi kể chuyện tác giả có hé mở chi tiết nào trong truyện để có thể tránh được thảm kịch đau thương cho Vũ Nương. Suy nghĩ của em về cái chết của Vũ Nương?

GỢI Ý LÀM BÀI.

I/ Về kĩ năng:

Đảm bảo một văn bản hoàn chỉnh, không mắc lỗi diễn đạt về các mặt chính tả, dùng từ, đặt câu. Cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục, khuyến khích những học sinh có những kiến giải sâu sắc, hợp lí.

II/  Về kiến thức: Bài viết đảm bảo các ý cơ bản sau:

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

  • Thân bài:

1. Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện:

2. Những chi tiết hé mở trong truyện để có thể tránh được thảm kịch cho Vũ Nương:

– Truyện không phải không hé mở khả năng có thể tránh được thảm kịch đau thương của Vũ Nương:

+ Lời con trẻ chứa đựng không ít điều vô lí không thể tin ngay được: “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”, “chỉ nín thin thít”, “chẳng bao giờ bế Đản cả”,… Câu nói đó của đứa trẻ như là một câu đố, nếu Trương Sinh biết suy nghĩ thì cái chết của Vũ Nương sẽ không xảy ra. Nhưng Trương Sinh cả ghen, ít học, đã vô tình bỏ dở khả năng giải quyết tấm thảm kịch, dẫn tới cái chết oan uổng của người vợ.

– Bi kịch có thể tránh được khi vợ hỏi chuyện kia ai nói, chỉ cần Trương Sinh kể lại lời con nói mọi chuyện sẽ rõ ràng.

Thể hiện tài năng kể chuyện của Nguyễn Dữ (thắt nút truyện làm cho mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm tăng sự li kỳ, hấp dẫn cho câu chuyện)

3. Suy nghĩ về cái chết của Vũ Nương:

– Tìm đến cái chết là tìm đến giải pháp tiêu cực nhất nhưng dường như đó là cách duy nhất của Vũ Nương. Hành động trẫm mình tự vẫn của nàng là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự, đối với nàng phẩm giá còn cao hơn cả sự sống.

– Một phụ nữ đức hạnh, tâm hồn như ngọc sáng mà bị nghi oan bởi một chuyện không đâu ở một lời con trẻ, một câu nói đùa của mẹ với con mà phải tìm đến cái chết bi thảm, ai oán trong lòng sông thăm thẳm.

– Câu chuyện bắt đầu từ một bi kịch gia đình, một chuyện trong nhà, một vụ ghen tuông. Vũ Nương lấy phải người chồng cả ghen, nguyên nhân trực tiếp dẫn nàng đến cái chết bi thảm là “máu ghen” của người chồng nông nổi. Không phải chỉ vì cái bóng trên tường mà chính là cái bóng đen trong tâm hồn Trương Sinh đã giết chết Vũ Nương.

– Câu chuyện đau lòng vượt ra ngoài khuôn khổ cuả một gia đình, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ tới số phận mong manh của con người trong một xã hội mà những oan khuất, bất công, tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với họ mà những nguyên nhân dẫn đến nhiều khi không thể lường trước được. Đó là xã hội phong kiến ở nước ta, xã hội đã sinh ra những chàng Trương Sinh, những người đàn ông mang nặng tư tưởng nam quyền, độc đoán, đã chà đạp lên quyền sống của người phụ nữ. Hậu quả là cái chết thảm thương của Vũ Nương.

– Chiến tranh phong kiến cũng là một nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Vũ Nương. Nó gây nên cảnh sinh li rồi góp phần dẫn đến cảnh tử biệt.

– Cái chết của Vũ Nương là lời tố cáo xã hội phong kiến đã dung túng cho cái ác, cái xấu xa đồng thời bày tỏ niềm cảm thông đối với số phận người phụ nữ.

– Bi kịch của Vũ Nương đem đến bài học thấm thía về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.

4. Đánh giá, liên hệ, mở rộng:

– Nghệ thuật xây dựng chi tiết có ý nghĩa trong tác phẩm, tạo tình huống có vấn đề .

– Nỗi đau, số phận của Vũ Nương cũng chính là hình ảnh cuộc sống của người phụ nữ xưa.

– Trân trọng, cảm thông, thấu hiểu của tác giả với người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

– Suy nghĩ của bản thân về cuộc sống gia đình hiện nay.

  • Kết bài:

– Khẳng định vấn đề.


ĐỀ SỐ 6. Nhà văn Nguyễn Dữ đã kết thúc “Chuyện người con gái Nam Xương” bằng chi tiết Vũ Nương hiện về gặp chồng rồi sau đó biến mất. Có ý kiến cho rằng: giá như nhà văn để Vũ Nương trở về trần gian sống hạnh phúc cùng chồng con thì kết thúc của truyện sẽ có ý nghĩa hơn. Có người lại nhận xét: cách kết thúc của tác giả như vậy là hợp lí.

Suy nghĩ của em về hai ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI.

I. Yêu cầu về kĩ năng:

– Biết cách làm một bài nghị luận văn học: hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, hình ảnh.

– Biết kết hợp các thao tác lập luận, bố cục hợp lí, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

II. Yêu cầu về kiến thức

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề.

+ Nguyễn Dữ là cây bút văn xuôi nổi bật của văn học Việt Nam thế kỉ XVI. Với tập “Truyền kì mạn lục”, ông đã thực sự mang lại cho nền văn học dân tộc một áng văn chương xứng đáng là “thiên cổ kì bút”.

+ “Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên thứ 16 và là thiên tiêu biểu trong tập truyện này. Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương; Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến; đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Tác phẩm là một áng văn hay thành công về nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật; kết hợp tự sự với trữ tình.

  • Thân bài:

1. Nêu tình huống và những tình tiết chính dẫn đến kết thúc của truyện

2. Bà luận:

a. “Giá như nhà văn để Vũ Nương trở về trần gian sống hạnh phúc cùng chồng con thì kết thúc của truyện sẽ có ý nghĩa hơn“:

– Đây là cách kết thúc thường gặp trong các truyện cổ dân gian, thể hiện quan niệm ở hiền gặp lành, cái thiện thắng cái ác của người lao động, thể hiện niềm tin, niềm lạc quan của họ. Đó cũng là truyền thống nhân đạo của dân tộc, cũng là một trong những nội dung của văn học trng đại Việt Nam.

– Cách kết thúc truyện như vậy có thể chấp nhận được vì không trái với tinh thần nhân đạo của văn học. Tuy nhiên điều này sẽ ảnh hưởng tới giá trị hiện thực và logic phát triển của cốt truyện

b. Về kết thúc của nhà văn:

– Kết thúc truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thể hiện được tinh thần nhân đạo và khát vọng của con người về cuộc sống: Vũ Nương không chết, nàng được sống một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc dưới thủy cung, nàng hiện hồn về gặp Trương Sinh là để minh oan, để khẳng định tình cảm thủy chung của mình.

– Kết thúc truyện còn cho thấy sự vận dụng sáng tạo truyện dân gian của nhà văn. Tác giả đã sử dụng yếu tố hoang đường kì ảo và lối kể chuyện dân gian để thể hiện tư tưởng của mình. Bên cạnh giá trị nhân đạo, truyện còn có giá trị hiện thực sâu sắc. Nếu tác giả để cho Vũ Nương trở về với cuộc sống thực tại thì nàng cũng không thể có được hạnh phúc với một người chồng đa nghi, độc đoán cùng những định kiến nặng nề của xã hội đương thời.

– Kết thúc truyện như vậy là hoàn toàn hợp lí vì nó vừa thể hiện được tư tưởng của tác giả, vừa đảm bảo tính lôgic của cốt truyện đồng thời phản ánh một cách chân thực, khách quan số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Cách kết thúc câu chuyện của nhà văn không chỉ góp phần tạo nên sức sống của tác phẩm mà còn khẳng định tài năng của tác giả.

  • Kết bài: 

– Đánh giá chung về ý nghĩa và giá trị của hai ý kiến: Hai ý kiến hoàn toàn không đối lập mà bổ sung cho nhau để hoàn thiện bức tranh đẹp về vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.


ĐỀ SỐ 7. Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong văn học cổ qua hai văn bản Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và các đoạn trích văn bản “Truyện Kiều” của Nguyễn Du?

GỢI Ý LÀM BÀI.

I. Yêu cầu về kĩ năng :

Biết làm thành thạo một bài văn nghị luận văn học, biết vận dụng những kĩ năng về tập làm văn: kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, biết dựng đoạn văn, chuyển ý, diễn đạt tốt.

II . Yêu cầu về kiến thức :

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Hình ảnh người phụ nữ trong văn học cổ ở trên hai phương diện đó là vẻ đẹp và số phận bi kịch.

  • Thân bài:

1. Số phận bi kịch của người phụ nữ.

– Nhân vật Vũ Nương: đau khổ, bất hạnh, oan khuất, tài hoa bạc mệnh, hồng nhan đa truân: không được sum họp vợ chồng hạnh phúc, một mình nuôi già dạy trẻ, bị chồng nghi oan, phải tìm đến cái chết (phân tích- dẫn chứng).

– Nhân vật Thúy Kiều: Bi kịch tình yêu, mối tình đầu tan vỡ, phải bán mình chuộc cha, bị coi là một món hàng, bị giam lỏng ở  lầu Ngưng Bích trong hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp, đối diện với một tương lai lênh đênh vô định (phân tích- dẫn chứng ).

2. Vẻ đẹp của người phụ nữ.

– Chung thủy sắt son, hiếu thảo (phân tích- dẫn chứng).

– Tài sắc vẹn toàn – một tuyệt thế giai nhân, hiếu thảo, vị tha nhân hậu, bao dung, khao khát tự do công lý và chính nghĩa

(phân tích- dẫn chứng).

  • Lưu ý: học sinh có thể phân tích theo lần lượt từng luận điểm hoặc phân tích theo từng nhân vật: Ví dụ phân tích nhân vật Vũ Nương rồi phân tích nhân vật Thúy Kiều song ở mỗi nhân vật đều phải nổi bật rõ hai vấn đề là: vẻ đẹp và số phận bi kịch.
  • Kết bài:

Khẳng định vấn đề: Hình ảnh người phụ nữ trong văn học cổ: Hồng nhan bạc mệnh, đúng như lời nhận xét của Nguyễn Du:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

(Truyện Kiều)


Hồi thứ 14
(trích “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái).

ĐỀ SỐ 1. Phân tích Hồi thứ 14 (trích Hoàng Lê nhất thống chí).

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Ngô gia văn phái: một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì. Tác phẩm do Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du viết, trừ ba hồi cuối chưa rõ tác giả.

+ Hoàng lê nhất thống chí: là một tác phẩm văn xuôi ghi chép bằng chữ Hán lớn nhất trong văn học Việt Nam trung đại, có tính chất của tiểu thuyết chương hồi, nói về thời kì cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn.

+ Văn bản trong sách giáo khoa là Hồi thứ 14 của tác phẩm.

  • Thân bài:

1. Hoàn cảnh giặc Thanh xâm lược và sự đối phó của nghĩa quân:

a. Miêu tả đội quân của nhà Thanh:

+ Quân đội đông, hùng hậu, sĩ khí ngút trời, “Tôn Sĩ Nghị sau khi đem quân ra cửa ải, xuyên rừng vượt núi như giẫm đất bằng, ngày đi đêm nghỉ, không phải lo lắng gì, kéo thẳng một mạch đến thành Thăng Long, không mất một mũi tên, như vào chỗ không người”

+ Quân đội nhà Thanh đông, tinh nhuệ nhưng hợm hĩnh, chủ quan, hưởng lạc ngủ quên trên chiến thắng: “quân lính các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không có kỷ luật gì cả”, còn tướng quân thì cũng “ngày ngày chơi bời tiệc tùng, không hề để ý đến việc quân”.

+ Được cung nữ phủ Trường Yên cảnh báo về Nguyễn Huệ nhưng cả bọn cũng chỉ biết quát chửi nhau và vẫn ung dung ngồi “tính toán chu đáo”, dự định sang xuân mới tính kế với Nguyễn Huệ

Sử dụng biện pháp đối lập, đòn bẩy: miêu tả cái hùng mạnh oai phong trước làm nền bật lên sự nhu nhược, tham lam, lười biếng, khinh suất của quan quân nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống.

b. Nghĩa quân Tây Sơn của vua Quang Trung:

+ Sự ứng phó nhanh nhẹn, kịp thời: sau khi biết tin, Nguyễn Huệ lên ngôi vua và thu xếp việc trong 1 tháng, 25 tháng chạp xuất quân, 29 âm lịch tới Nghệ An chiêu mộ thêm binh sĩ, 30 âm lịch mở tiệc khao quân ăn tết sớm, và đúng mùng 5 tháng giêng, sau chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, Nguyễn Huệ giữ đúng lời hứa chiến thắng với quân sĩ.

+ Tinh thần của quân sĩ: tất cả đều nghiêm trang chỉnh tề, “một lòng một chí quyết chiến quyết thắng”.

→ Thủ pháp đối lập, đòn bẩy lần nữa phát huy tác dụng: tả quân Thanh trước để làm bật lên sự thần tốc, anh hùng của quân đội Quang Trung; làm bật lên hình ảnh vua Quang Trung anh dũng, khiêm tốn mà thu phục lòng người, bản lĩnh, yêu nước.

c. Thắng lợi của quân khởi nghĩa:

– Sự tự tin, tài mưu lược của người cầm quân: Quang Trung tin vào một thắng lợi của chính nghĩa, truyền cảm hứng cho quân đội của mình; ông đích thân chỉ huy đội quân tiên phong, anh dũng, quyết đoán.

– Dũng khí của quân khởi nghĩa: sức mạnh tinh thần, tuy thô sơ ít ỏi về quân lực và vũ khí, chỉ dùng gậy gộc cuốc thuổng mà đánh bại được súng ống.

– Những trận đánh với thắng lợi rực rỡ thể hiện tài binh lược của Quang Trung:

+ Đánh ở sông Gián, sông Thanh Quyết, quân Lê Chiêu Thống và quân Thanh thấy bóng dáng quân đội Quang Trung từ xa đã tự bỏ chạy, bị bắt sống.

+ Trận Hà Hồi, dùng tinh thần uy hiếp tinh thần khiến giặc sợ hãi, không tốn một binh lính cũng chiếm được đồn.

+ Trận Ngọc Hồi: quân giặc chống cự yếu ớt rồi thua, tướng giặc chạy vội “Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp”.

Lời kể ngắn gọn, bình dị càng làm tăng sự thần kì của chiến thắng

2. Nhận xét về nghệ thuật.

Thành công trong sử dụng các hình ảnh đối lập, thủ pháp đòn bẩy: tả quân Thanh trước, tả quân đội Quang Trung sau.

– Thành công trong xây dựng hình tượng nhân vật Quang Trung và nghĩa quân.

– Lối kể chuyện chân thực, không khoa trương.

  • Kết bài:

– Tác phẩm tái hiện lại một thời kì lịch sử một cách chân thực.

– Thể hiện tinh thần vì nghệ thuật của các tác giả: dù theo nhà Lê, phò vua Lê nhưng vẫn thừa nhận và khâm phục tài năng của anh hùng Quang Trung.


Tham khảo:

“Hoàng Lê nhất thống chí” viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Nó không chỉ dừng lại ở sự thống nhất của vương triều nhà Lê, mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỷ XVIII và mấy năm đầu thế kỷ XIX. Cuốn tiểu thuyết có tất cả 17 hồi. Cũng có thể xem Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi.

Văn bản là Hồi thứ 14, viết về sự kiện Quang Trung đại phá quân Thanh. Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. Nghệ thuật kể chuyện đan xen miêu tả một cách sinh động cụ thể, gây được ấn tượng mạnh.

Đoạn trích miêu tả chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung, sự thảm bại nhục nhã của quân tướng nhà Thanh và số phận lũ vua quan phản nước, hại dân. Trước thế mạnh của giặc, quân Tây Sơn ở Thăng Long, rút quân về Tam Điệp và cho người vào Phủ Xuân cấp báo với Nguyễn Huệ. Nhận được tin ngày 24/11, Nguyễn Huệ liền tổ chức lại lực lượng chia quân làm hai đạo thuỷ – bộ. Ngày 25 tháng Chạp, làm lễ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung, trực tiếp chỉ đạo hai đạo quân tiến ra Bắc. Ngày 29 tháng Chạp, quân Tây Sơn ra đến Nghệ An, Quang Trung cho dừng lại một ngày, tuyển thêm hơn 1 vạn tinh binh, mở một cuộc duyệt binh lớn.

Ngày 30, quân của Quang Trung ra đến Tam Điệp, hội cùng Sở và Lân. Quang Trung đã khẳng định : “Chẳng quá mười ngày có thể đuổi được người Thanh“. Cũng trong ngày 30, giặc giã chưa yên, binh đao hãy còn mà ông đã nghĩ đến kế sách xây dựng đất nước mười năm sau chiến tranh. Ông còn mở tiệc khao quân, ngầm hẹn mùng 7 sẽ có mặt ở thành Thăng Long mở tiệc lớn. Ngay đêm đó, nghĩa quân lại tiếp tục lên đường. Khi quân Tây Sơn ra đến sông Thanh Quyết gặp đám do thám của quân Thanh, Quang Trung ra lệnh bắt hết không để sót một tên. Rạng sáng ngày 3 Tết, nghĩa quân bí mật bao vây đồn Hạ Hồi và dùng mưu để quân Thanh đầu hàng ngay, hạ đồn dễ dàng.Rạng sáng ngày mùng 5 Tết, nghĩa quân tấn công đồn Ngọc Hồi. Quân giặc chống trả quyết liệt, dùng ống phun khói lửa ra nhằm làm ta rối loạn, nhưng gió lại đổi chiều thành ra chúng tự hại mình. Cuối cùng, quân Thanh phải chịu đầu hàng, thái thú Điền châu Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử.

Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung đã dẫn đầu đoàn quân thắng trận tiến vào Thăng Long. Đám tàn quân của giặc tìm về phía đê Yên Duyên gặp phục binh của ta, trốn theo đường Vịnh Kiều lại bị quân voi ở Đại Áng dồn xuống đầm Mực giày xéo, chết hàng vạn tên. Một số chạy lên cầu phao, cầu phao đứt, xác người ngựa chết làm tắc cả khúc sông Nhị Hà. Mùng 4 Tết nghe tin quân Tây Sơn tấn công, Tôn Sỹ Nghị và Lê Chiêu Thống đã vội vã bỏ lên biên giới phía bắc. Khi gặp lại nhau, Nghị có vẻ xấu hổ nhưng vẫn huyênh hoang. Cả hai thu nhặt tàn quân, kéo về đất Bắc.

Trong hồi thứ 14 của tác phẩm, hình tượng người anh hùng Quang Trung hiện lên thật cao đẹp với khí phách hào hùng, trí tuệ sáng suốt và tài thao lược hơn người.

Trước hết Quang Trung là một con người hành động mạnh mẽ quyết đoán. Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn luôn là con người hành động một cách xông xáo, nhanh gọn có chủ đích và rất quả quyết. Nghe tin giặc đã đánh chiếm đến tận Thăng Long mất cả một vùng đất đai rộng lớn mà ông không hề nao núng, “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi chỉ trong vòng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn: “tế cáo trời đất”, lên ngôi hoàng đế, đốc xuất đại binh ra Bắc.

Quang trung là một con người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén.  Ngay khi mấy chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị hùng hổ kéo vào nước ta, thế giặc đang mạnh, tình thế khẩn cấp, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Nguyễn Huệ đã quyết định lên ngôi hoàng đế để chính danh vị, lấy niên hiệu là Quang Trung. Việc lên ngôi đã được tính kỹ với mục đích thống nhất nội bộ, hội tụ anh tài và quan trọng hơn là “để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người”, được dân ủng hộ.

Quang Trung luôn sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch và ta. Qua lời dụ tướng sĩ trước lúc lên đường ở Nghệ An, Quang Trung đã chỉ rõ “đất nào sao ấy” người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác”. Ông còn vạch rõ tội ác của chúng đối với nhân dân ta: “Từ đời nhà hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi”. Quang Trung đã khích lệ tướng sĩ dưới quyền bằng những tấm gương chiến đấu dũng cảm chống giặc ngoại xâm giành lại độc lập của cha ông ta từ ngàn xưa như: Trưng nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành… Quang Trung đã dự kiến được việc Lê Chiêu Thống về nước có thể làm cho một số người Phù Lê “thay lòng đổi dạ” với mình nên ông đã có lời dụ với quân lính chí tình, vừa nghiêm khắc: “các người đều là những người có lương tri, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực để dựng lên công lớn. Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai”.

Quang Trung là người thấu rõ cách làm và hành động của sĩ tướng. Trong dịp hội quân ở Tam Điệp, qua lời nói của Quang Trung với Sở và Lân ta thấy rõ: Ông rất hiểu việc rút quân của hai vị tướng giỏi này. Đúng ra thì “quân thua chém tướng” nhưng không hiểu lòng họ, sức mình ít không địch nổi đội quân hùng tướng hổ nhà Thanh nên đành phải bỏ thành Thăng Long rút về Tam Điệp để tập hợp lực lượng. Vậy Sở và Lân không bị trừng phạt mà còn được ngợi khen. Đối với Ngô Thì Nhậm, ông đánh giá rất cao và sử dụng như một vị quân sĩ “đa mưu túc trí” việc Sở và Lân rút chạy Quang Trung cũng đoán là do Nhậm chủ mưu, vừa là để bảo toàn lực lượng, vừa gây cho địch sự chủ quan. Ông đã tính đến việc dùng Nhậm là người biết dùng lời khéo léo để dẹp việc binh đao.

Quang Trung là người có tầm nhìn xa trông rộng. Mới khởi binh đánh giặc, chưa giành được tấc đất nào vậy mà vua Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”. Đang ngồi trên lưng ngựa, Quang Trung đã nói với Nhậm về quyết sách ngoại giao và kế hoạch 10 tới ta hoà bình. Đối với địch, thường thì biết là thắng việc binh đao không thể dứt ngay được vì xỉ nhục của nước lớn còn đó. Nếu “chờ 10 năm nữa ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh thì ta có sợ gì chúng”.

Quang Trung là vị tướng có tài thao lược hơn người. Cuộc hành quân thần tốc do Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. Vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung hoạch định kế hoạch từ 25 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tiết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức 2 ngày. Hành quân xa, liên tục như vậy nhưng đội quân vẫn chỉnh tề cũng là do tài tổ chức của người cầm quân.

Quang Trung không chỉ là người toan tính trong trướng mà còn là vị dũng tướng lẫm liệt trong chiến trận. Vua Quang Trung thân chinh cầm quân không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông làm tổng chỉ huy chiến dịch thực sự. Dưới sự lãnh đạo tài tình của vị tổng chỉ huy này, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh những trận thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù. Khí thế đội quân làm cho kẻ thù khiếp vía và hình ảnh người anh hùng cũng được khắc hoạ lẫm liệt: trong cảnh “khói tỏ mù trời, cách gang tấc không thấy gì” nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc” với tấm áo bào màu đỏ đã sạm đen khói súng.

→  Hình ảnh người anh hùng được khắc hoạ khá đậm nét với tính cách mạnh mẽ, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, tài dùng binh như thần; là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại.

Có thể nói những sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta từ cuối đời Lê Hiền Tông đến đầu đời Gia Long được tác phẩm ghi lại khá tỉ mỉ. Đặc biệt, tác giả không ghi chép một cách khô khan như trong một cuốn sử biên niên, mà cố gắng dựng lên những bức tranh sinh động, tạo được không khí lịch sử và đi sâu được vào bản chất của lịch sử, nêu lên quá trình suy vong không gì cưỡng nổi của chính quyền phong kiến lúc bấy giờ. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, từ đám vua chúa của triều đình Lê – Trịnh đến hàng ngũ quan lại các cấp, dường như tất cả chỉ là một đám người ăn chơi và tranh giành địa vị, bảo mạng và tùy thời, bất tài, bất lực. Họ không biết gì đến dân, đến nước, không làm được một việc gì có ích cho xã hội.

Cuối cùng cũng vì quyền lợi ích kỉ, họ đang tâm rước kẻ thù bên ngoài vào giày xéo đất nước. Một triều đại như vậy tất yếu phải diệt vong. Song song với sự sụp đổ của triều đình Lê – Trịnh, tác giả đã miêu tả cuộc khởi nghĩa Tây Sơn như một sức mạnh phi thường của quần chúng, của lực lượng chính nghĩa nhằm chiến thắng phi nghĩa chiến thắng bạo tàn. Và trong khi phản ánh phong trào Tây Sơn như vậy, tác giả đã chú ý nghĩ lại hình ảnh đẹp đẽ của Nguyễn Huệ, thủ lĩnh nghĩa quân, đồng thời cũng là anh hùng dân tộc. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, mặc dù tác giả vẫn tỏ ra có cảm tình với các vua Lê và những kẻ phục vụ nhà Lê – đó là mặt hạn chế của tác phẩm – nhưng những tình cảm và thiên kiến giai cấp không che lấp cái nhìn hiện thực, khách quan. Nhất là trước nạn ngoại xâm, vấn đề sống còn của dân tộc, thì lập trường dân tộc càng làm cho cái nhìn của tác gỉa thêm đúng đắn, sắc sảo.

Về phương diện nghệ thuật, thành công của Hoàng Lê nhất thống chí là sự kết hợp tương đối hài hòa giữa chân lí lịch sự với chân lí nghệ thuật. Tác giả không chỉ kể lại những gì đã xảy ra, mà kết hợp việc kể với việc miêu tả cái không khí của sự việc ấy. Tác giả không phải chỉ thấy các nhân vật lịch sử làm gì, mà đã cố gắng nói lên cái cách mà các nhân vật ấy làm như thế nào. Chính vì thế, mặc dù trong Hoàng Lê nhất thống chí nhân vật bị đẩy xuống bình diện thứ hai sau bình diện các sự kiện lịch sử, người đọc vẫn thấy được diện mạo của các nhân vật lịch sử ấy khá đậm nét. Chỉ riêng hai hồi cuối của tác phẩm, hình như mới được chép thêm vào sau cho rõ cái kết cục “nhất thống”, nên khô khan và sơ lược.

Trước hết là ánh sáng chói lòa của tinh thần dân tộc. Ánh sáng đó đã đẩy lùi nhiều bóng tối khá ư bền chặt trong lòng người kể chuyên, khêu to lên lòng yêu nước và ý thức tự hào dân tộc. Nó chưa đủ sức thay đổi hẳn cái nhìn có gốc rễ sâu xa của tác giả đối với vua Lê, nhưng đã lôi cuốn tác giả nhập thân vào sự nghiệp cứu nước, chống xâm lăng. Do đó, khác với nhiều đoạn văn ở các hồi trước, những trang văn trong hồi này cũng như ở hồi mười ba, mười lăm được viết dưới ánh sáng của tinh thần tự hào dân tộc, của lòng yêu nước và sự tự tôn dân tộc cao vút. Đem ánh sáng này chiều vào bọn quân tướng nhà Thanh thì nó xuyên thủng cái chiêu bài “viện binh” cứu giúp mà phơi bày rõ mồn một lòng dạ sài lang của quân cướp nước. Chiếu vào vua tôi Chiêu Thống, nó cũng lướt qua cái bề ngoài vàng gấm mà lộ rõ tư cách đê hèn và tâm địa bỉ ổi của bè lũ phản bội theo voi ăn bã.

Trái lại, đem ánh sáng này rọi vào hàng ngũ quân Tây Sơn thì từ tướng đến quân đều rực sáng lên như trong hào quang chói lọi, xứng đáng là những người con ưu tú của giống nòi, yêu nước tha thiết, quật cường, anh dũng. Và khi đội quân này toàn thắng, bọn giặc kia bỏ chạy thảm hại thì một không khí sung sướng, tự hào như tràn trề lên mặt giấy, lâng lâng, hồ hởi ở khắp chốn, khắp nơi, khiến người đọc cũng thấy mình bị lôi cuốn vào thời khắc vinh quang hiếm có ấy của lịch sử. Nhiều người đồng thanh cho rằng hồi mười bốn này là một bản anh hùng ca chính do xuất phát từ ánh sáng huy hoàng của tinh thần dân tộc cao vời vợi ấy.

Truyền thống độc lập tự cường mấy nghìn năm của dân tộc đã rực sáng lên trong trí tuệ và thổi bùng lên nhiệt tình trong tâm tư người viết. Ngòi bút tự sự rất mực cổ điển vẫn luôn luôn giữ vững nề nếp “hàm súc dư ba”, ít lời nhiều ý, nói ít gợi nhiều, nhưng có lúc đã hiện thực một cách lạnh lùng, nghiệt ngã, cũng như lắm khi đã lãng mạn bay cao, cợt đùa với mọi khuôn khổ. Và hiện thực, lãng mạn xen lẫn nhau, cái này nâng đỡ cái kia, bổ sung cho nhau, gắn bó với nhau mật thiết. Và như vậy, hiện thực cũng như lãng mạn đều đã đẩy căng đến nước tột cùng cái xấu xa của quân cướp nước, bán nước cũng như cái tốt đẹp, huy hoàng của đội quân dân tộc cứu nước cứu dân và làm cho bài văn này mang khí vị đậm đà của mọi bản hùng ca chiến trận.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.