Văn bia là gì?

van-bia-tien-si-quoc-tu-giam

Văn bia.

Văn bia (Bi văn) là từ dùng để chỉ bài văn khắc trên bia đá. Văn bia bao gồm bi kí, bi văn, bi minh, mộ chí minh,… cũng là thể loại văn học lịch sử trung đại, rất phổ biến ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Đó là những bài văn khắc trên bia đặt ở chùa chiền, đền miếu, lăng mộ, cầu, đình,… để ghi công tích các bậc danh nhân, anh hùng hoặc các sự kiện quan trọng đáng nhớ, thường viết bằng văn xuôi, phần minh thường được viết bằng văn vần, gồm phần ghi chép tiểu sử, lai lịch và phần ngợi ca, phẩm bình.

Theo khảo chứng của các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì văn bia vốn là một hình thức được chuyển hóa từ minh văn trên đồ vật đúc đồng thời Ân – Chu. Chính vì vậy, văn bia thời kỳ đầu, do ảnh hưởng của minh văn, thường được viết bằng văn vần, ngắn, đơn giản và cổ kính. Phải đến sau đời Hán văn bia mới phát triển thành hình thức có thêm bài tự dài ở trên để hình thành nên kết cấu trên tự dưới minh. Tự thì dùng văn xuôi, minh thì dùng áp vận. Tức là ở trên có bài văn xuôi ghi lại sự việc, ở dưới có bài ca ngợi bằng văn vần. Trên thực tế chúng đều là những bộ phận tổ thành của văn bia, cho nên gọi chung là Văn bia.

Văn bia du nhập vào nước ta cùng với quá trình trị nhậm của các quan lại Trung Quốc dưới thời Bắc thuộc, khi đã có hình thức ổn định kiểu trên tự dưới minh. Bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn ở Đông Sơn Thanh Hóa có niên đại Đại Nghiệp nhà Tùy (năm 618), văn bia do viên Kiểm hiệu quận Giao Chỉ là Nguyễn Nhân Khí người ở Lạc Dương, đạo Hà Nam, Trung Quốc viết, hay bia Thiên uy kính tân tạc hải phái bi dựng ở bờ kênh Thiên Uy – một địa điểm thuộc hải phận Việt Nam – có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Tiết độ sứ Giao Châu Cao Biền soạn, là những minh chứng cho nhận định này.

Có lẽ do được thừa hưởng phong khí Tùy – Đường nên đến thời Lý, văn bia đã có kết cấu rất hoàn chỉnh, không bài nào không đầy đủ cả hai thành phần tự và minh, đồng thời văn viết rất điêu luyện với bài tự và bài minh đều khá dài. Tên bia thời kỳ này thường được đề là “… bi minh” hoặc “… bi minh tính tự”. Chẳng hạn Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh, hoặc Viên Quang tự bi minh tính tự v.v… Điều đó cho thấy phần minh lúc này được coi là chủ thể của văn bia, còn phần văn xuôi đóng vai trò là phần tự của bài minh.

Tuy nhiên khi đọc kỹ cả hai phần minh và tự trong văn bia thời kỳ này, có thể thấy bài tự chính là bài diễn giải bài minh ra văn xuôi, hoặc nếu hiểu ngược lại thì bài minh chỉ là bài tóm tắt của bài tự. Đồng thời bài minh vốn là chủ thể, nhưng thường được viết bằng giọng văn cổ kính, lại thêm bị gò vào thể vận văn tứ tự nên rất cô đọng, khó hiểu, ngược lại bài tự được viết bằng văn xuôi, diễn giải được sự việc rất chi tiết rõ ràng và dễ hiểu nên dường như bài tự lại là chủ thể của văn bia, bài minh ở dưới chỉ mang tính chất tán tụng, không còn quan trọng.

Sang thời Trần các bài minh bắt đầu ngắn dần, cho đến cuối thời Trần đã thấy xuất hiện các văn bia không có bài minh và tên bia thường được dùng kèm với chữ “ký”, như Khai Nghiêm tự bi ký. Đến thời Lê, do ảnh hưởng của thể ký, văn bia ngày càng mang hình thức của một bài ký. Tuy vẫn có văn bia có đầy đủ kết cấu tự và minh nhưng thường dùng một cách trang trọng cho những sự kiện hoặc nhân vật quan trọng (thường ở văn bia lăng mộ). Rồi dần dần văn bia chủ yếu chỉ có bài ký, nếu có thêm phần minh văn thì chỉ còn là vài câu tán tụng khuôn sáo. Từ thời kỳ này về sau, văn bia hầu hết được đặt tên kèm theo chữ ký (đôi khi là chí), thành “… bi ký”, như Thánh Thọ tự bi ký, Trùng tu Hoa đình bi ký, Hồng Đức tiến sĩ đề danh bi ký, v.v…

Văn bia thực chất là loại văn ứng dụng dùng để “ký” hoặc “chí” (ghi chép) những sự việc cần ghi nhớ, chính vì vậy cổ nhân thường xếp chúng vào thể ký. Chẳng hạn Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt văn tuyển, ở quyển 2 là phần về ký, tuyển chọn 15 bài thì trong đó có đến 9 bài là văn bia. Đồng thời hầu hết các văn tập, như Kim mã hành dư của Ngô Thì Nhậm, Phương Đình văn tập của Nguyễn Văn Siêu v.v… cũng đều xếp văn bia vào thể ký. Gần đây Nguyễn Đăng Na trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại cũng đã xếp văn bia vào loại ký(1). Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy văn bia về phương diện loại hình vẫn mang những đặc trưng riêng về hình thức cũng như trong nội dung của nó, có những nguyên tắc nhất định khi viết, do đó theo chúng tôi văn bia nên được xem xét như một thể loại riêng biệt. Vấn đề này nếu bạn đọc quan tâm xin đọc bài Đặc điểm thể loại văn bia của Trịnh Khắc Mạnh đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 4-1993.

Nhìn chung về hình thức, văn bia thường có hai dạng, một dạng mang cấu trúc gồm hai phần là trên tự (hoặc ký) dưới minh như đã nói ở trên, còn dạng kia chỉ gồm một bài ký (hoặc chí). Bài ký lại thường có cấu trúc gồm hai phần chính, là phần dẫn và phần ký sự, phần dẫn thường là một đoạn văn hay một câu văn ngắn mang tính nghị luận để dẫn dắt vào vấn đề được nêu ra ở phần ký. Phần ký là phần chính của văn bia, nêu nội dung văn bia. Tuy cũng có những văn bia không tuân thủ nguyên tắc này, nhất là những văn bia có niên đại muộn về sau, nhưng về cơ bản đều có hai phần như vậy. Chẳng hạn văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (Lý, Thiên Phù Duệ Vũ năm thứ 7, 1126) mở đầu là phần luận về Phật pháp khá sâu sắc để dẫn dắt đến sự kiện kiến tạo chùa Linh Xứng:

“Phật tổ soi tỏ chữ thực mà chỉ thẳng chữ tâm, thánh nhân thích ứng theo thời mà thông suốt muôn biến. “Muôn” là sự phân tán của “một”, “một” là cội gốc của “muôn”. Còn như các bậc hiển thánh thỉnh thoảng ra đời, khuôn phép thay nhau dấy lên, nhóm cái đã phân tán để đưa nó về cội gốc; ôm cái một để thâu tóm cái muôn. Tạc nên hình tượng để biểu thị “sự thâu tóm”; dựng nên đền tháp để có “sự hướng về”. Hết tâm sức để kinh doanh, bỏ châu ngọc mà không tiếc. Cho nên đường thì đặt ranh giới bằng dây vàng, hiên thì phô sự quý giá của rèm châu. Tuy rằng hết đỗi trang nghiêm, mà vẫn không hề xa xỉ. Bởi vì mục đích là ở sự tìm cái “nhất” và cái “chân”, chứ đâu phải chỉ cốt làm cho bụng dạ và con mắt chói lòa để khoe khoang sự tráng lệ vậy! Từ khi có Phật giáo tới nay đã hơn hai ngàn năm mà sự thờ phụng ngày càng thêm mới. Hễ có cảnh đẹp núi non thì không nơi nào là không mở mang để xây dựng chùa chiền, nhưng không có các bậc vương công đại nhân giúp đỡ thì sao có thể làm nên được”.

Còn như bia Nhân Hậu bi ký (Nguyễn, Tự Đức thứ 10, 1857) lại chỉ có một câu ngắn gọn để nêu lý do tôn bầu Hậu phật của một làng: “Vi đức kỳ thịnh, hưởng vu khắc thành; hữu công ư dân, hâm hồ bất dĩ”(Làm việc đức sẽ được hưởng phúc; có công với dân sẽ được mến mộ).

Ngoài hai phần chính đó ra, một văn bia hoàn chỉnh còn có thêm các chi tiết khác như phần tên bia, thường cho biết bia của địa phương nào hoặc loại bia gì, chẳng hạn Trùng tu Pháp Vân tự bi ký là văn bia ghi việc trùng tu chùa Pháp Vân, Ngọc Đình xã bi là bia của xã Ngọc Đình, hay Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí là bia mộ của Phụng thánh phu nhân, ngoài ra các văn bia công đức thường có thêm phần ghi công đức của những người có công lao trong sự việc đó kèm theo đóng góp của họ; rồi phần niên hiệu, ngày tháng dựng bia, phần lạc khoản ghi tên họ chức tước của người soạn văn bia, người khắc chữ.

Văn bia hầu hết được viết bằng biền văn xen tản văn, hoặc tản văn xen biền văn, về sau cũng xuất hiện văn bia chỉ dùng tản văn.

Văn bia có số lượng tương đối nhiều và nội dung khá phong phú. Chính vì vậy, để dễ nắm bắt, cần phải phân biệt văn bia thành các tiểu loại khác nhau. Ở đây chúng tôi tạm phân loại văn bia theo ba nội dung chính. Một là thuật đức, ca ngợi hiền tài, nội dung này nằm trong các văn bia lăng mộ, từ đường, văn bia đề danh. Hai là ghi công, nội dung này thuộc về các văn bia công đức. Ba là ghi việc, là các văn bia nhằm ghi lại các sự việc cần ghi nhớ, hoặc như các loại giao kèo, khế ước v.v… Dưới đây xin được nói riêng về từng loại:

Văn bia kiến trúc tu tạo kiêm ghi công (hoặc văn bia công đức).

Đây là loại văn bia chiếm số lượng lớn và có giá trị cao về sử liệu cũng như văn học trong kho tàng văn bia nước ta. Thời xưa phàm có xây dựng sửa chữa đình chùa, miếu vũ, từ đường, đúc chuông, tô tượng, hoặc xây sửa cầu đường, mở chợ… người ta thường lập bia hoặc khắc chuông để ghi lại sự việc và ghi công đức cho những người hưng công hội chủ. Đồng thời, ngoài việc ghi về nguyên do, quá trình xây dựng, quy mô công trình và người khởi xướng ra, thường còn có phần ca ngợi Phật pháp hoặc quyền phép và sự linh nghiệm của thần linh, nhằm mục đích tuyên dương tôn giáo. Đương nhiên vì là bia công đức, chỉ nhằm ca công tụng đức nên các văn bia này cũng thường xen lẫn những phần khoa trương sáo rỗng. Tuy vậy, nếu bài văn được viết bởi một số bậc danh bút, khi viết về đình chùa cầu chợ lại đồng thời miêu tả hình thế núi sông thắng cảnh, quy mô kiến trúc, hoặc ca ngợi chính tích công nghiệp của một ai đó bằng văn bút tài hoa, có sắc thái, thì nhìn từ góc độ nghệ thuật cũng có những giá trị nhất định. Trong lịch sử phát triển của loại văn bia này, có thể nói, những văn bia đậm chất văn học nhất là các văn bia thời Lý.

Tuy văn bia công đức thời Lý còn lại không nhiều nhưng có khá nhiều bài xuất sắc như Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi của Lý Thừa Ân, Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh và Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh của Thiền sư Pháp Bảo, Đại Việt Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên linh tháp bi của Nguyễn Công Bật, Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh của Nguyễn Công Diễm, Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (khuyết danh), Viên Quang tự bi minh tính tự của Dĩnh Đạt, Báo Ân thiền tự bi của Ngụy Tư Hiền.

Những văn bia này tuy chỉ là ghi công đức xây dựng trùng tu chùa tháp, nhưng được viết rất công phu, thường có kết cấu trên tự dưới minh. Bài tự thường bố cục làm ba phần: phần đầu là một đoạn văn ca ngợi Phật pháp, tiếp đó là phần kể về thân thế sự nghiệp của người lập chùa, phần cuối tả lại quá trình xây dựng chùa và quy mô chùa tháp. Chủ yếu viết bằng biền văn, đôi chỗ xen tản văn, văn viết bóng bảy đẹp đẽ, đối ngẫu chỉnh tề, câu chữ sinh động, lại chủ ý đưa vào rất nhiều điển cố Phật giáo để tăng thêm sự trang trọng cho nội dung viết về chùa tháp. Ngoài mục đích kể về sự kiện xây dựng hoặc trùng tu chùa tháp ra, những văn bia này khi luận bàn về Phật pháp đều rất uyên thâm, khi viết về nhân vật đều rất kỹ lưỡng, còn khi miêu tả phong cảnh sơn thủy, quá trình dựng chùa, quy mô chùa tháp đều vô cùng chi tiết và sinh động, rất giàu hình ảnh. Nhìn chung toàn văn các văn bia này đều khá dài, linh hoạt chuyển từ đoạn nọ sang đoạn kia, đoạn đầu giống luận thuyết, đoạn sau như bài ký, đoạn cuối tựa đọc phú, khá lôi cuốn. Xứng đáng là những giai phẩm văn chương.

Đặc biệt đáng chú ý ở thời kỳ này có bài Đại Việt Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi của Nguyễn Công Bật, có thể nói đây là một văn bia nổi tiếng trong loại văn bia công đức. Văn bia này kể về việc xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh để đặt xá lỵ Phật ở núi Đọi huyện Duy Tiên Hà Nam của vua Lý Nhân Tông. Bài tự có kết cấu theo ba phần như đã nói ở trên. Đoạn đầu tuyên dương Phật pháp, lời lẽ sâu xa, đoạn sau ca ngợi tài đức và kể về công nghiệp của đức vua, phần cuối kể lại quá trình xây dựng tháp và miêu tả toàn bộ tháp sau khi hoàn thành. Đây là một văn bia công đức hoành tráng nhất từng được thấy. Đọc văn bia này như được đọc một bài đại phú bởi quy mô và cách dùng từ đặt câu khoa trương diễm lệ cùng một lối văn biền ngẫu vô cùng điêu luyện chuẩn mực. Văn bia thường coi trọng sự điển nhã cô đọng, nhưng ở bài này văn viết bay bổng, rất giàu khí thế, thuyết lý sâu xa, ca tụng hết lời, miêu tả vô cùng chi tiết tỷ mỷ, có thể nói trong lịch sử văn bia chưa có ai vượt qua được.

Đầu thời Trần các văn bia công đức vẫn theo phong cách văn bia thời Lý, trên tự dưới minh, bài tự vẫn phần đầu ca ngợi phật pháp, phần sau ca ngợi sự nghiệp và công đức của người đứng ra xây dựng chùa, cuối cùng nói về quá trình trùng tu tân tạo, như các bài Thiệu Long tự bi, Hưng Phúc tự bi, Sùng Khánh tự bi minh tính tự… Về sau tuy vẫn trên tự dưới minh nhưng bài tự đơn giản dần không còn được viết công phu như trước, chủ yếu ghi công đức, như các bia Sùng Thiên tự bi, ghi việc quan Binh bộ Lang trung Giang Văn hầu góp tiền của xây dựng chùa, ghi rõ số ruộng đất cúng vào chùa, Đại Bi Diên Minh tự bi, ghi việc trùng tu chùa và công đức của những người đóng góp, Cổ tích thần từ bi của Trương Hán Siêu ghi vắn tắt việc trùng tu miếu thành hoàng. Rồi dần dần xuất hiện văn bia không có minh như văn bia Khai Nghiêm tự bi ký của Trương Hán Siêu, bài văn này chỉ ghi lại lý do soạn văn bia, có nội dung như một bài luận thuyết phê phán đạo Phật.

Nhìn chung văn bia công đức thời Trần tuy vẫn phong phú về nội dung, cũng có nhiều bài viết hay, song không còn mang tầm vóc về quy mô cũng như nghệ thuật của các văn bia thời Lý.

Từ khi nhà Lê nắm quyền trở về sau, Nho giáo dần chiếm vị trí độc tôn, khác với thời Lý – Trần, ở thời kỳ này, song song với chùa chiền, đình miếu văn chỉ được xây dựng khắp nơi, do vậy văn bia công đức ở thời kỳ này không chỉ ca ngợi Phật pháp mà bắt đầu phổ biến tán dương Nho đạo, triết luận về lý khí, về thiên nhân cảm ứng, về tính mệnh, nhiều bài lại như một thiên luận thuyết về sự linh ứng của các vị thần, văn chương khúc triết, triết lý sâu xa. Chẳng hạn ở bài Phật Tích sơn Hiển Thụy am bi, khi viết về sự kiện Thái úy Trinh Quốc công, thân phụ của Trường Lạc Hoàng hậu đến am Từ Đạo Hạnh ở núi Phật Tích cầu tự cho con gái, khi bắt đầu làm lễ, có một phiến đá bay lên rồi rơi xuống trước mặt như một điềm báo, Nguyễn Bảo đã vận dụng triết luận về lý khí, về thuyết thiên nhân cảm ứng, để bàn luận:

“Sự cảm ứng giữa người và trời tinh vi lắm vậy thay! Bởi lẽ, chí đạt đến cực chí thì khí cũng đạt đến cực khí. Khí đạt đến cực khí thì lý cũng đạt đến cực lý, đó chính là lý vậy! Bao trùm trời đất, thấu suốt cổ kim, không bởi bày ra mới rực rỡ, không do che lấp mà tối tăm, nó tồn tại trong con người là ở sự cảm ứng trong tâm vậy. Huống hồ, Thánh thiên tử có đức sáng từ nguồn xa, có may mắn từ tông tổ, các bậc đế vương ngày xưa chưa từng có vậy. Nhớ lại trước kia, khoảng niên hiệu Thiệu Bình triều ta, Quang Thục Hoàng thái hậu mộng thấy Ngọc đế trao cho một đứa trẻ, quả nhiên sinh ra Thánh Tông Thuần hoàng đế. Đến sau Trường Lạc Hoàng thái hậu có điềm rồng vàng chui vào sườn bên tả mà sinh ra Thánh thượng hoàng đế. Điềm triệu chẳng phải ngẫu nhiên mà xuất hiện, thiên mệnh vốn có gốc sâu nguồn xa! Trinh Quốc công hiểu biết tinh thông, thành tâm rất mực, sự cảm ứng của đá thần há phải ngẫu nhiên sao! Vả lại u minh vô nhị lý, vật loại vốn nhất nguyên. Biểu hiện ra trên trời là sao, chất ngưng trong đất là đá, nương theo con người mà vận hành là thần, giáng điềm lành ở đức là người. Sự cảm ứng ở am Từ công là đá chăng? Là sao chăng? Là thần chăng? Là trời chăng? Là điềm lành chăng? Là đức chăng? Điều này kẻ trí thức nông cạn há có thể hiểu được!”

Không chỉ vậy, văn bia công đức thời kỳ này do ảnh hưởng của thể ký, nhiều bài kể về quá trình suy tàn rồi phục dựng của các đền chùa tuy không quy mô cầu kỳ như ở thời Lý – Trần, nhưng bù lại là lối viết gọn ghẽ súc tích, miêu tả phong cảnh chùa miếu rành rành như vẽ, khắc họa được chân dung một số nhân vật lịch sử, hoặc các vị thần khá ấn tượng, rất giàu cảm xúc. Tuy nhiên, từ sau khi nhà Lê Trung hưng cho đến hết thời Nguyễn, số lượng văn bia công đức ngày càng nhiều nhưng tính nghệ thuật giảm dần, tính ứng dụng ngày càng đậm nét, chủ yếu chú trọng ghi công đức. Thông thường bài ký thời kỳ này là một bài tản văn ngắn gọn, phần ghi công đức kéo dài với tên họ của rất nhiều người cùng số tiền của đóng góp khá chi tiết. Bài ký thường có kết cấu mở đầu bằng “Cái văn” (Hoặc “Cung văn”/kính nghe, “Thường vị”/thường nói) và kết thúc bằng “Vĩnh truyền bất hủ”. Tuy vậy cũng có những văn bia do các Tiến sĩ, quan lại, Nho sinh, các nhà sư và những trí thức có uy tín ở địa phương viết nên có nhiều bài ngoài giá trị sử liệu ra, cũng có những giá trị nhất định về văn học.

Văn bia ghi việc.

Văn bia ghi việc (ký sự) là loại văn bia được viết ra để ghi nhớ một sự kiện nào đó. Đây là loại hình văn bia rất phổ biến, bao gồm văn bia Hậu thần, Hậu phật, Hậu hiền… lâu nay vẫn được gọi chung là văn bia Hậu, ngoài ra còn có văn bia gửi giỗ, văn bia giao ước… Nhìn chung loại văn bia này mạnh về giá trị sử liệu, tính văn học yếu. Tuy nhiên cũng không ít bài được viết rất hay bởi những bậc danh bút. (Do khuôn khổ tạp chí không cho phép, chúng tôi xin bỏ qua phần này. Bạn đọc nếu quan tâm xin đọc bài Bia Hậu ở Việt Nam của tác giả in trên Tạp chí Hán Nôm, số 3/2004).

Văn bia lăng mộ.

Trong kho tàng văn bia nước ta, văn bia lăng mộ chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn trong toàn bộ số lượng văn bia hiện còn, song có nhiều giá trị về nghiên cứu lịch sử văn hóa.

Bia mộ thời cổ chia thành 2 loại là loại chôn dưới đất và loại dựng trên mặt đất. Loại chôn dưới đất gọi là Mộ chí, loại dựng trên mặt đất gọi là Mộ bi, Lăng bi hay Thần đạo bi.

Mộ chí là một loại văn bia mộ có từ rất sớm, người ta khắc đá rồi chôn theo mộ để đánh dấu, đề phòng sự thay đổi địa hình. Ở nước ta loại bia gọi là mộ chí không nhất thiết đều chôn theo mộ, tuy nhiên cũng đã phát hiện một số mộ chí chôn theo mộ dưới hình thức bia hộp(4). Bài văn bia mộ của quan Thái phó Lưu Khánh Đàm nhà Lý mang tên Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí (niên đại 1161) cho đến nay vẫn được xem là bài văn mộ chí có niên đại sớm nhất ở nước ta. Nhìn chung bia mộ chí ở nước ta không nhiều, hầu hết đều là của các nhân vật có quan tước hoặc gia đình vọng tộc, như Bảo chưởng Thái bà mộ chí, Đại Việt Thái bảo Bình Lạc hầu mộ chí, Tây Việt Quốc Thái phu nhân Nguyễn thị mộ chí, Phan Khê hầu mộ chí, Quận thượng chúa Lê thị mộ chí, Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí, Đại Việt Huy Từ Trang Huệ Kiến hoàng Thái hậu mộ chí, Gia Thục công chúa chi mộ chí, Bàn Khê hầu mộ chí, Tiên khảo Thái bảo Giáp phủ quân mộ chí, Từ mẫn Nguyễn công kỵ thất Hoàng thị chi mộ chí, Đại Nam Quảng Ninh công mộ chí minh…

Mộ chí thường không quá lớn, vì vậy một bài văn mộ chí thường không quá dài, thường thì đều phải có “chí”, có “minh”, chí dùng tản văn, minh dùng văn vần. Thông thường bài chí (hoặc tự) ở trên kể về cuộc đời người chết, bao gồm tóm tắt về thế hệ, tên họ, tước vị, hành trị, tuổi thọ, ngày mất và nơi chôn cất, bài minh ở dưới có nội dung ca tụng tán dương người chết.

Văn bia mộ ra đời do yêu cầu của chế độ tang lễ thời cổ, do đó nội dung thường khô khan khuôn sáo. Tuy nhiên trong trường hợp bài văn được một nhân vật danh bút viết thì tính văn học thường rất đậm đà. Các mộ chí như Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí do Quốc sử quán triều Lý soạn, Từ mẫn Nguyễn công kỵ thất Hoàng thị chi mộ chí do Lương Thế Vinh viết, Quận Thượng chúa Lê thị mộ chí do Nguyễn Trực viết, đều là những mộ chí viết hay, khắc họa được hình ảnh nhân vật.

Mộ bi, lăng bi hay thần đạo bi thường dùng để gọi loại bia đặt trước mộ. Loại bia này chắc chắn không hiếm có ở thời Lý – Trần, song có lẽ đã bị tiêu hủy dưới thời thuộc Minh nên đến nay chỉ còn thấy có bia Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tính tự là bia mộ của Thái úy Đỗ Anh Vũ nhà Lý (niên đại phỏng đoán là 1159) và bia Phụng Dương công chúa thần đạo bi (niên đại 1293) là bia thần đạo của Phụng Dương công chúa – vợ Thái sư Trần Quang Khải nhà Trần. Từ thời Lê sơ trở về sau, bia lăng mộ, thần đạo khá phát triển. Bia lăng lúc đầu chỉ thấy dùng cho các bậc đế vương hậu phi, về sau còn dùng cho cả các quan lớn đại thần, chẳng hạn Nguyễn tướng công lăng bi ký (niên đại Chính Hòa 1699) là bia mộ của một viên Thái giám tước hầu. Bia Thần đạo thì thời Lê sơ theo quy chế nhà Minh, quan tước từ tam phẩm trở lên mới được dùng, về sau hàng thấp hơn cũng đều dùng được. Sở dĩ gọi là bia thần đạo là vì các nhà phong thủy thời cổ cho rằng, hướng đông nam của phần mộ là “Thần đạo”, dựng bia ở trên thần đạo cho nên gọi là “thần đạo bi”. Về quy cách viết thì không có gì khác nhau, nhìn chung các văn bia mộ này đều có kết cấu trên tự (hoặc ký) dưới minh. Bài tự chủ yếu viết theo thể biền ngẫu, ghi lại cuộc đời người đã khuất và bày tỏ tình cảm nhớ tiếc hoặc ca ngợi người đó. Bài minh gần như tóm tắt lại bài tự dưới hình thức tụng tán bằng vận văn tứ tự.

Có thể thấy văn bia mộ cổ bảo tồn được rất nhiều sử liệu quý giá về các danh nhân, vì vậy chúng có giá trị lịch sử rất lớn. Song từ góc độ văn học mà xem xét, chúng cũng rất giàu tính văn học, nhiều bài viết khá hay, đặc biệt quý ở chỗ khi viết tiểu sử người chết, người viết thường qua những chi tiết cụ thể để khắc họa nhân vật, làm nổi bật lên tính cách của họ, sinh động như thật, đó thực sự là những thiên truyện ký nhân vật rất hấp dẫn.

Trên thực tế, phần lớn các văn bia mộ hiện còn đều là viết cho bia mộ của danh nhân và do những cây bút nổi tiếng soạn, như Lam Sơn Vĩnh lăng bi – văn bia về Lê Lợi do Nguyễn Trãi viết; Khôn Nguyên Chí Đức chi lăng – văn bia lăng Quang Thục Hoàng thái hậu do Nguyễn Bảo viết, Lam Sơn Dụ lăng bi – văn bia về vua Lê Hiến Tông do các viên Đông các Học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm viết; Đại Việt Thụy Hoa công chúa thần đạo bi – văn bia về công chúa Thụy Hoa con gái vua Lê Thánh Tông do Nguyễn Xung Xác soạn; Tô Quận công thần đạo bi minh – tiểu sử Lê Quang Bí do Đỗ Uông viết; Dã Hiên tiên sinh mộ biểu – viết về hành trạng của Ninh Ngạn, do Vũ Huy Đĩnh viết; bia về Nguyễn Đình Huấn do Ngô Thì Sĩ soạn; Thần Đạo bi ký là bia mộ Trần Danh Lâm do Bùi Huy Bích soạn; Thái phó Trương tiên sinh mộ bi minh – văn bia mộ của Trương Hán Siêu do Vũ Phạm Khải soạn; Thượng thư Phan công khuê nhạc thần đạo bi – văn bia về Phan Huy Thực do Nguyễn Văn Siêu soạn; Tiên mẫu Thục tần Nguyễn khắc thị thần đạo biểu – viết về vị cung tần thân sinh của Miên Thẩm, do Miên Thẩm soạn; Phương Đình chí đạo tiên sinh thần đạo bi là văn bia về Nguyễn Văn Siêu do Nguyễn Trọng Hợp soạn, v.v… Nhìn chung đây đều là những bài viết rất cụ thể sinh động về cuộc đời của các bậc đế vương hoàng hậu, văn thần, võ tướng, danh sĩ. Những bài này thường có bố cục mạch lạc rõ ràng, văn viết giản phác cô đọng, dùng điển chuẩn mực xác đáng, giàu tình cảm, tính văn học rất mạnh.

Chẳng hạn Lam Sơn Vĩnh lăng bi là văn bia lăng Thái tổ Lê Lợi nhưng chủ yếu ghi lại công cuộc bình giặc Minh của đức vua. Theo đánh giá của người xưa, đây là một bài xuất sắc trong thể văn biền ngẫu, nội dung ghi lại công lao đuổi giặc cứu nước của vua Lê nên hơi văn rất khí thế. Phạm Đình Hổ từng đánh giá bài này “Thể tài khí phách đều có thể theo được gót cổ nhân (chỉ danh gia thời Hán – Đường)”. Bài văn viết cụ thể về quá trình Lê Lợi quyết tâm đánh giặc và điều binh khiển tướng ra sao, tiếp đó là những chiến thắng vang lừng và cuối cùng là sự hoảng loạn rồi quy phục của giặc Minh trước khí thế của quân ta và lòng nhân ái của đức vua. Bài văn bia này tuy lấy tự sự làm chủ, nhưng viết rất tung hoành say sưa. Về cấu tứ cũng rất có chủ ý, chỉ tập trung khắc họa tính cách đức vua qua võ công của ngài, không kể lể dài lời, nhưng đã làm hiện lên chân dung một vị vua mạnh mẽ quyết đoán, đầy cuốn hút. Cách viết như vậy rất sinh động, hoàn toàn phá vỡ phương thức tự sự cứng nhắc thường thấy trong loại văn bia này.

Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng bi cũng là một văn bia xuất sắc viết về cuộc đời của vua Lê Hiến Tông. Bài văn ca ngợi những thành quả thu được trong sự nghiệp của nhà vua, vừa làm nổi bật sự sắc sảo của đức vua trong các chính sách về nông nghiệp, quân sự, ngoại giao và chỉnh đốn phong tục, vừa bình giá được đạo đức, tài năng văn chương của ngài, đồng thời lại cũng khắc họa được tính cách của ngài hết sức sinh động, gợi được sự cảm mến kính phục của người đọc đối với vị vua này. Dưới đây là một đoạn viết về tính cách của đức vua: “Thời trước lính ở các vệ đều tán bổ không phân theo xã, triều đình nhiều lần muốn sửa lại cho hợp lý, đại thần nghị bàn đều cho là rất khó thay đổi, vua vẫn quyết ý làm, hạ chiếu cho chư quân trong ngoài kinh đều phải chiểu theo quê quán biên chế về đội ngũ để được thường xuyên rà soát lẫn nhau thân ái với nhau…”. Hoặc: “…Ngay đến cả loài vật nhỏ như chim chóc cũng không nỡ giết bừa. Trong cung từng bày tiệc trung thu, thấy đầu bếp làm cỗ chim ngói tiến ngự, một đĩa dùng đến mười mấy con, vua đau xót không vui, trách tội nghiêm khắc quan chủ bếp rồi bãi tiệc” v.v… Bài văn cấu tứ rất đặc sắc, tựa như lần lượt kể từng chuyện từng chuyện theo hồi ức, khiến người đọc cảm nhận được sự chân thật, thân thiết, tràn ngập không khí đời sống, rất tình cảm. Toàn văn dùng thể biền ngẫu trầm bổng ngân nga, có một phong cách hồn phác trong trẻo, giản dị mà trang trọng. Văn bia mộ mà như một thiên truyện ký nhân vật khiến người đọc xúc động sâu sắc.

Ngoài ra trong loại văn bia lăng mộ còn phải kể thêm các văn bia từ đường, sinh từ. Các văn bia này được đặt tại từ đường của dòng họ hoặc nhà thờ của gia đình, hoặc từ chỉ làng xã để tôn thờ các nhân vật có công lao, có danh vọng. Thực tế đây cũng là các văn bia tương tự như văn bia lăng mộ, đều viết về hành trạng của các nhân vật được thờ cúng, và phần nhiều được những bậc danh bút viết. Như văn bia nhà thờ Nguyễn tướng công do Ngô Thì Sĩ viết, Ngô thế gia quan đức chi bi do Ngô Thì Nhậm viết, Công vị đại vương từ đường bi ký do Nguyễn Gia Phan soạn, La Khê Ngô thị từ đường bi ký do Bùi Huy Bích soạn, Ngọc Sơn thọ oanh chí của Nguyễn Thông v.v…, đều là những văn bia rất có giá trị cả về sử liệu và văn học.

Trong loại văn bia mang nội dung thuật đức, ca ngợi hiền tài này còn phải kể đến một dạng nữa, đó là văn bia đề danh. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông lần đầu tiên cho lập bia đề danh tại Văn miếu Thăng Long, chỉ dành ghi tên những người đỗ Tiến sĩ. Dần dần về sau các phủ huyện cũng lập bia đề danh, rồi các văn chỉ hàng xã cũng lập bia đề danh, hình thành nên một loại hình văn bia riêng biệt. Loại văn bia này tuy số lượng không nhiều nhưng cũng có những nét đặc trưng nên không thể không nói đến.

Văn bia đề danh thường mang tên “… Tiến sĩ đề danh bi ký” như Nhâm Thìn khoa tiến sĩ đề danh bi ký, Hoàng triều Thiệu Trị nguyên niên Tân Sửu Hội thí Ân khoa Tiến sĩ đề danh bi ký, Bản phủ tiền Tiến sĩ đề danh bi. Đây là sản phẩm của chế độ khoa cử, loại văn bia này chủ yếu ghi tên tuổi quê quán của những người đỗ đạt, nhằm đề cao biểu dương những bậc hiền tài, là những tư liệu quý giá để nghiên cứu về khoa cử ở nước ta. Về nội dung văn bia thì ngoài bài ký ngắn ở trên, còn lại chỉ ghi tên tuổi người đỗ đạt, mang đậm tính ứng dụng, ít giá trị văn học.

Cuối cùng xin được lưu ý, sự phân loại như trên của chúng tôi đối với văn bia ghi công và ghi việc cũng chỉ là tương đối và không bao quát hết được, bởi loại văn bia này thường không có ranh giới rạch ròi. Chẳng hạn, văn bia hậu vừa là những bản giao ước nhưng đồng thời cũng là một dạng văn bia công đức. Hoặc nhiều văn bia vừa ghi việc xây dựng trùng tu chùa đình cầu chợ vừa kiêm bầu hậu, có văn bia vừa gửi giỗ lại vừa kiêm mua hậu v.v…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.