Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và hình tượng Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo.

ve-dep-bi-trang-cua-hinh-tuong-nguoi-linh-trong-trong-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung-va-hinh-tuong-lor-ca-trong-bai-tho-dan-ghi-ta-cua-lor-ca-cua-thanh-thao

Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và hình tượng Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo.

Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích:

Bi là buồn, bi ai. Tráng là hào hùng, hùng tráng.

– Chất bi tráng hoà quyện vào nhau. Cái bi là sự gian khổ, hi sinh nhưng không lụy. Cái bi được thể hiện bằng một giọng điệu hào hùng, màu sắc tráng lệ.

2. So sánh 2 hình tượng:

* Điểm giống nhau:

– Đều là những hình tượng được sáng tạo bởi những người trí thức-nghệ sĩ đa tài.

– Người lính Tây Tiến và Lorca là những con người có tài năng, phóng khoáng, yêu tự do, anh dũng đấu tranh cho tự do và sẵn sàng hi sinh cho những lí tưởng cao đẹp.

– Đều có tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, có trái tim nhạy cảm, yêu đời với những nỗi nhớ da diết nồng nàn.

– Cái chết của người lính Tây Tiến và Lorca đề mang vẻ đẹp bi tráng, hào hùng vượt lên trên hiện thực khốc liệt, bi thảm. Cuộc đời và vẻ đẹp tâm hồn của họ có sức sống bất tử với đất trời và trong lòng người.

Điểm khác nhau:

Hình ảnh người lính Tây Tiến:

– Bằng bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên chân dung người lính được đặt trong khung cảnh miền Tây vừa hoang sơ dữ dội, lại vừa hết sức thơ mộng. Ngòi bút của nhà thơ chú trọng đến những nét độc đáo khác thường làm nổi bật vẻ đẹp hào hùng, hào hoa.

– Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính được đặc tả trên các phương diện:

+ Vẻ đẹp bi tráng ở chân dung của người lính qua bức tượng đài tập thể. Cảm hứng lãng mạn khiến cách nhìn những người lính có vẻ tiều tuỵ tàn tạ trong hình hài nhưng lại chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng dấp của những tráng sĩ thủa xưa. Đó là ý chí, tư thế hiên ngang vượt lên, coi thường gian khổ, hi sinh. (Tây Tiến đoàn binh….oai hùm)

+ Những câu thơ khẳng định mạnh mẽ khí phách của tuổi trẻ, không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nghĩa lớn của dân tộc. Đó là dũng khí tinh thần và hành động cao đẹp của người lính Tây Tiến. Tư thế ra trận, lý tưởng lên đường hào hùng mà bi tráng. (Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh….Tây tiến người đi không hẹn ước)

+ Quang Dũng không hề che dấu sự gian khổ, khó khăn trên những chặng đường hành quân, những căn bệnh hiểm nghèo và cả những hi sinh của người lính. (Anh bạn….bỏ quên đời)

Tuy nhiên, những người lính không hề chìm trong bi thương, bi luỵ. Bài thơ viết về sự hi sinh của người lính một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng. cái chết gợi lên sự bi thương (hình ảnh những nấm mồ viễn xứ). Cái chết hợp trời đất và lòng người nên thiêng liêng và bất tử.

– Bút pháp miêu tả: lãng mạn kết hợp với bi tráng, nghệ thuật tương phản, phối hợp thanh điệu, tiết tấu…

Hình tượng Lorca:

– Thanh Thảo đã khắc họa thành công bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội đa sắc màu của Tây Ba Nha. Đây là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên tài năng của Lorca. Đó cũng thời đại đầy dữ dội để xuất hiện một thiên tài.

– Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Lorca được đặc tả trên các phương diện:

+ Tây Ba Nha  như một đấu trường khổng lồ. Đó là cuộc đấu quyết tử giữa một bên là khát vọng dân chủ của người chiến sĩ Lorca và nền chính trị độc tài thân Phát xít; giữa người nghệ sĩ mang khát vọng cách tân nghệ thuật với sự bảo thủ của nền nghệ thuật già nua. Vì thế, áo choàng đỏ gắt vừa gợi được khí chất ngang tang của người nghệ sĩ yêu tự do, vừa gợi được tính chất quyết liệt trong cuộc đấu tranh giữa ánh sáng – bóng tối, chính – tà, cũ – mới trong nền chính trị và nghệ thuật Tây Ba Nha thời đó.

+ Hình ảnh vầng trăng, yên ngựa, những trạng thái của người thi sĩ: chếnh choáng, mỏi mòn khắc họa bức chân dung Lorca người nghệ sĩ lãng tử, lãng du đang ngây ngất say đời, say nghệ thuật, say thơ, say lý tưởng. Tuy vậy, những cụm từ miền đơn độc, mỏi mòn lại gợi ra một hình ảnh khác của Lorca. Xét ở góc độ nào, trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong tranh đấu Lorca đều đơn độc.

+ Cái chết bi tráng: Giây phút bi phẫn nhất của Lor-ca  đó là khi ông bị bọn phát xít Phrăng-cô giết, ném xác xuống giếng để phi tang. Báo chí Tây Ba Nha nói vụ giết Lor-ca vẫn là một trong những vết thương chưa lành ở Tây Ba Nha. Tây Ba Nha trở nên kinh hoàng khi nghe tin Lor-ca  bị giết hại. Từ “Tây Ba Nha – hát nghêu ngao” đến “bỗng kinh hoàng” là một sự đổ vỡ ghê gớm. Tội ác của các thế lực tàn bạo là kẻ thù đối nghịch của cái đẹp gây nên nỗi kinh hoàng trong lòng người. Hình ảnh Lor-ca bị hành hình được diễn tả qua nghệ thuật hoán dụ: áo choàng bê bết đỏ, đi về bãi bắn được miêu tả trong tâm thế “như người mộng du”.  Lor-ca đã chết một cách nghệ sĩ, chập chờn bước vào cõi tử coi thường mọi đau đớn.

+ Cái chết của Lor-ca gắn với tiếng đàn ghi ta. Thanh Thảo miêu tả tiếng đàn trên hai bình diện: âm thanh và màu sắc. Bằng những hình ảnh thơ mang phong cách tượng trưng siêu thực được viết với nghệ thật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Dưới bút thơ tài hoa của Thanh Thảo, tiếng đàn ghi ta đã vỡ ra thành hình, thành sắc để phục sinh cái chết oan khuất của Lor-ca .Thanh Thảo đã thể hiện nỗi đau với “những vết thương bốc cháy như mặt trời”.

– Tuy nhiên, Lorca không hề chìm trong bi thương, bi luỵ. Bài thơ viết về sự hi sinh của Lorca một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng. Cái chết hợp trời đất và lòng người nên thiêng liêng và bất tử. So sánh âm thanh tiếng đàn – vô hình với cỏ – hữu hình, đó là một điều đặc biệt. Hình ảnh thơ biểu trưng cho sự bất diệt của người nghệ sĩ và nghệ thuật chân chính. Lor-ca ra đi nhưng nghệ thuật, vẻ đẹp tâm hồn của ông sẽ sống mãi kiên cường.

– Hình ảnh “vầng trăng long lanh trong đáy giếng” là lời khẳng định cho vẻ đẹp đầy nhân tính, bất diệt của thơ và người Lor-ca  sẽ tỏa sáng đến muôn đời, bất chấp sự hủy diệt tàn bạo của các thế lực tàn ác. Thi sĩ đã đi vào cõi tử bằng chiếc ghi ta mang vẻ đẹp của nghệ thuật cách tân, của khát vọng tự do. Chiếc thuyền ghi ta có màu bạc là màu của sự trong trắng, ngay thẳng không chịu quỳ gối trước bất công tàn bạo. Hình ảnh thơ mang vẻ đẹp thần thoại. Điệp âm li la gợi hình ảnh những bông hoa Tử đinh hương liên tiếp xoè nở như một cách khẳng định đầy tin tưởng về sự sống bất diệt, vĩnh hằng của Lorca. Từ cuộc đời nhà thơ Tây Ba Nha đã nở ra những đoá hoa li la.

– Bút pháp miêu tả: thể thơ tự do mang phong cách tượng trưng, siêu thực, kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và nhạc, giữa màu sắc thơ viếng phương đông và chất bi tráng trong nhạc giao hưởng phương Tây, hình ảnh thơ lạ hoá, áo hoá…

3. Đánh giá hai hình tượng:

– Quang Dũng và Thanh Thảo gặp nhau ở tư tưởng lớn, bất tử vẻ đẹp bi tráng của những con người sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân loại.

– Quang Dũng và Thanh Thảo là những nhà thơ có phong cách nghệ thuật tài hoa độc đáo.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.