Vẻ đẹp chi tiết giọt nước mắt và nụ cười của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

ve-dep-chi-tiet-nu-cuoi-va-giot-nuoc-mat-cua-nguoi-dan-ba-hang-chai-678

Vẻ đẹp chi tiết giọt nước mắt và nụ cười của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

  • Mở bài:

“Chiếc thuyền ngoài xa” được viết năm 1983 – khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua được 6 năm, đất nước trở lại với cuộc sống đời thường. Nhiều vấn đề của đời sống văn hóa nhân sinh mà trước đây do hoàn cảnh chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra. Tác phẩm nằm trong xu hướng nghệ thuật chung của văn học thời kỳ đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường. Đến với nhân vật người đàn bà làng chài trong tác phẩm, người đọc không ngừng bị ám ảnh bởi chi tiết giọt nước mắt và nụ cười của người đàn bà hàng chài, về nỗi đau tột cùng và hạnh phúc vô bờ của người phụ nữ này.

  • Thân bài:

Giọt nước mắt của người đàn bà nhỏ xuống bởi những đớn đau của tâm hồn và thể xác. Tình yêu thương con và đức hi sinh của người mẹ đã khiến người đàn bà trở nên có hành động đầy nhân văn. Lúc dơ lưng chịu những trận đòn “như lửa cháy” của chồng, dù đau đến mấy bà vẫn không hề kêu xin, khóc lóc. Nhưng khi nhìn thấy đứa con chứng kiến được toàn bộ tấn bi kịch gia đình, chị đã không cầm nổi những giọt nước mắt đau đớn. Sự xuất hiện của đứa con như “một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt”.

Làm sao diễn tả được sự tan nát của trái tim người mẹ khi chứng kiến cảnh đứa con mình “nhẩy xổ vào bố nó như một con sói con ”, “giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực” ông ta. Cái phản ứng tự nhiên của một tâm hồn trẻ thơ thương mẹ, lại khiến cho người mẹ “dường như túc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hố, nhục nhã”. Bà gọi tên con, “ôm chầm lấy nó ”, rồi lại buông ra “chắp tay vải lấy vái dể rồi lại ôm chầm lấy ”. 

Có phải bà đau đớn vì rốt cuộc đã không sao tránh được cho con cái khỏi bị tổn thương vì bạo lực gia đình. Bà xấu hổ, nhục nhã vì phải giấu giếm con tình trạng khốn khổ của mình, dù bà đã hết sức che chắn. Bà xót xa vì niềm tin trong trẻo của con thơ đã bị rạn vỡ. Bà “vái lấy vái để” đứa con để “tạ tội” với nó, hay cầu xin nó đừng căm thù người cha đẻ của mình, đừng trở nên độc ác như bố nó. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ lúc này? Ẩn sâu trong trái tim đang rỉ máu của người mẹ, là lòng yêu thương con vò xé tâm can. Những giọt nước mắt đau đớn chứa đựng biết bao sự nhọc nhằn chỉ thực sự rơi khi thấy đứa con yêu của mình chứng kiến cảnh tượng mình bị chồng đánh, chỉ thực sự rơi khi có người khách lạ chứng kiến. Nước mắt chảy tràn trên gương mặt của người mẹ dường như đã hòa cùng giọt nước mắt xa xót cho thân phận con người của nhà văn?

Bên cạnh những chi tiết buồn về thân phận của người đàn bà. Trong cả thiên truyện chỉ duy nhất một làn nhà văn miêu tả nụ cười của chị: “Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ủng sáng lèn như một nụ cười” khi chị kể về những giây phút vợ chồng con cái được hòa thuận vui vẻ, là “lúc ngồi nhìn đàn con…được ăn no”. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc rất đời thường, bình dị mà đáng thương, đáng trân trọng. Chị đã phải đánh đổi hạnh phúc ấy bằng bao nỗi đau khổ.

Ở đây, lẽ đời đã chiến thắng. Người lao động lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền nhưng có cái tâm của một người thương con, thấu hiểu lẽ đời cũng là một thứ quyền uy có sức công phá lớn. Sức sống ấy đã làm chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng thức nhận được nhiều điều. Đến bây giờ hai người mới nhận ra được nỗi nhọc nhằn vất vả trong công việc làm ăn của cư dân vùng biển, cuộc sống bấp bênh khiến họ phải chấp nhận không ít những nghịch cảnh, những ngang trái. Người đàn bà kia không hề chịu đòn roi một cách vô lí, cả Đầu và Phùng chua chát nhận ra rằng : trên thuyền cần có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo, cần có một người đàn ông để chèo chống khi biển phong ba bão táp.

Ở người phụ nữ ấy chứa đựng mẫu tính sâu xa như một bản năng: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”, những lời lẽ ấy của người đàn bà hàng chài được thốt lên từ một niềm tin đơn giản mà vững chắc vào cái thiên chức mà trời đã giao phó cho người đàn bà. Người đàn bà hàng chài kia rất biết tìm cho mình những niềm vui, hạnh phúc dẫu rất nhỏ nhoi trong cuộc sống đầy khó khăn.

Ở chị vững bền một niềm tin, một tình yêu và sự lạc quan vào cuộc sống. Hãy biết sống ngay khi cả cuộc đời không thể chịu được nữa, nụ cười chợt ửng sáng lên trên khuôn mặt rỗ chằng chịt chị nghĩ đến “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận vui vẻ” và niềm vui “nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Hạnh phúc với người đàn bà hàng chài kia thật giản dị mà không kém phần sâu sắc. Thức nhận được nỗi đau, cũng như sự thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời người đàn bà kia không bao giờ để lộ ra bên ngoài cả. Nụ cười vừa chua chát vừa mãn nguyện của người đàn bà khiến chánh án Đẩu và nhiếp ảnh Phùng không khỏi sững sờ, bàng hoàng về giá trị của hạnh phúc mà bấy lâu họ không nhận ra, không để ý đến.

Qua chi tiết giọt nước mắt và nụ cười của người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định: sự lam lũ, vất vả, nhọc nhằn không làm mất đi ở người phụ nữ vùng biển nói riêng, người phụ nữ VN nói chung tấm lòng yêu thương, nhân hậu bao dung, vị tha. Và với người phụ nữ, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên cho dù đây đó vẫn có những tính cách chưa hoàn thiện.

  • Kết bài:

Sự yên lành no ấm của đàn con chính là mục đích sống, là nguồn sống của chị – người đàn bà luôn sống cho con. Đó chính là sức mạnh tinh thần kì diệu đã giúp chị vượt qua bao đắng chát chua cay của cuộc đời, để giữ lửa cho gia đình bé nhỏ của mình. Chị kết tinh vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với trái tim chứa chan bao tình cảm vị tha, thánh thiện, lấy niềm vui, hạnh phúc của chồng con làm hạnh phúc của chính mình. Chỉ có tác giả là người thấu hiểu, người đàn bà làng chài mới là vẻ đẹp đích thực của “Chiếc thuyền ngoài xa”, đẹp trong đau khổ, nhọc nhằn và nhục nhằn – một vẻ đẹp hình như chưa từng thấy trong văn học sử thi 1945 – 1975.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận hình ảnh nhân vật người mẹ (bà cụ Tứ) trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân - Theki.vn
  2. Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa - Theki.vn
  3. Tình huống truyện trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.