Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong lao động và chiến đấu được thể hiện trong các truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa và Những ngôi sao xa xôi.

ve-dep-cua-the-he-tre-viet-nam-trong-lao-dong-va-chien-dau-duoc-the-hien-trong-cac-truyen-ngan-lang-le-sa-pa-va-nhung-ngoi-sao-xa-xoi

Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong lao động và chiến đấu được thể hiện trong các truyện ngắn Lặng lẽ Sa PaNhững ngôi sao xa xôi.

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hai nhân vật

+ Giới thiệu Nguyễn Thành Long và truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa; Lê Minh Khuê và truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.

+ Giới thiệu nhân vật anh thanh niênPhương Định, từ đó khái quát vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc sống lao động và chiến đấu thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

II. Thân bài:

Lặng lẽ Sa Pa là kết quả từ chuyến đi thực tế ở Lào Cai của Nguyễn Thành Long. Tác giả đã khắc họa vẻ đẹp của người lao động, ca ngợi cuộc sống mới, con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn ở miền Nam.

Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê lại miêu tả chân thực, sinh động cuộc sống chiến đấu dũng cảm; tâm hồn lạc quan, hồn nhiên, trong sáng của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

1. Vẻ đẹp trong cách sống.

a. Nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa.

– Hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cây cỏ và mây núi Sa Pa. Công việc là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất..

– Anh làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cụ thể, tỉ mỉ, chính xác, đúng giờ ốp thì dù cho mưa tuyết, giá lạnh thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc đúng giờ quy định.

– Anh đã vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao không một bóng người.

– Sự cởi mở chân thành, quý trọng mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người.

– Tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, chủ động: trồng hoa, nuôi gà, tự học..

b. Cô thanh niên xung phong Phương Định.

– Hoàn cảnh sống và chiến đấu: ở trên cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhất bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Công việc đặc biệt nguy hiểm: Chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình trong vùng máy bay địch bị bắn phá, ước lượng khối lượng đất đá, đếm bom, phá bom.

– Yêu mến đồng đội, yêu mến và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô gặp trên tuyến đường Trường Sơn.

– Có những đức tính đáng quý, có tinh thần trách nhiệm với công việc, bình tĩnh, tự tin, dũng cảm…

2. Vẻ đẹp tâm hồn.

a. Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa.

– Anh ý thức về công việc của mình và lòng yêu nghề khiến anh thấy được công việc thầm lặng ấy có ích cho cuộc sống, cho mọi người.

– Anh đã có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc và những đóng góp của mình rất nhỏ bé.

– Cảm thấy cuộc sống không cô đơn buồn tẻ vì có một nguồn vui, đó là niềm vui đọc sách mà lúc nào anh cũng thấy như có bạn để trò chuyện.

– Là người nhân hậu, chân thành, giản dị.

b. Cô thanh niên xung phong Phương Định.

– Có thời học sinh hồn nhiên vô tư, vào chiến trường vẫn giữ được sự hồn nhiên.

– Là cô gái nhạy cảm, mơ mộng, thích hát, tinh tế, quan tâm và tự hào về vẻ đẹp của mình.

– Kín đáo trong tình cảm và tự trọng về bản thân mình.

→ Tác giả đã miêu tả sinh động, chân thực tâm lí nhân vật làm hiện lên một thế giới tâm hồn phong phú, trong sáng và đẹp đẽ cao thượng của nhân vật ngay trong hoàn cảnh chiến đấu đầy hi sinh gian khổ.

+ Một người ở hậu phương, một người ở tiền tuyến nhưng cả hai có điểm chung là đều có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; không ngại gian khổ hi sinh trong hoàn cảnh đơn độc hay ác liệt; sống có lí tưởng, sống là để cống hiến, phục vụ, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Cùng có tinh thần dũng cảm, lạc quan, yêu đời, trẻ trung, sôi nổi hồn nhiên; giản dị, khiêm tốn.

→ Hai tác phẩm có đề tài phản ánh khác nhau, thể hiện hình tượng nhân vật khác nhau nhưng cùng hướng đến vẻ đẹp chung của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc sống lao động và chiến đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giữa những ngày tháng chống Mĩ ác liệt nhất.

III. Kết bài:

– Hai tác phẩm đều khám phá, phát hiện ngợi ca vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam và cũng là vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam trong lao động và trong chiến đấu.

– Vẻ đẹp của các nhân vật đều mang màu sắc lí tưởng, họ là hình ảnh của con người Việt Nam mang vẻ đẹp của thời kì lịch sử gian khổ hào hùng và lãng mạn của dân tộc.


Tham khảo:

Yêu biết mấy hình ảnh người thanh niên thời kỳ chống Mỹ: cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Văn thơ thời kỳ kháng chiến chống Mĩ đã dựng lại cả một thời kỳ máu lửa, đi sâu tìm tòi khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến đấu cũng như trong lao động. Người đọc nhớ mãi mãi Thao, Nho, Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê; Anh thanh niên, cô kĩ sư trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long; và biết bao chiến sĩ một lòng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” trên các chiến hào.. Họ là hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam, của sức sống dân tộc.

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm của nhà văn Lê Minh Khuê – một nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác phẩm là bức tranh hiện thực về cuộc sống chiến đấu, từ đó nêu lên vẻ đẹp trong sáng của ba cô gái ở tổ trinh sát mặt đường trong kháng chiến chống Mĩ.

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, tác giả để cho nhân vật xưng “tôi” kể về mình và đồng đội. Việc lựa chọn ngôi kể cũng góp phần làm nên thành công cho câu chuyện. Nhân vât vừa bộc lộ được những suy nghĩ cảm xúc của mình, vừa miêu tả những điều đang diễn ra, góp phần tạo nên một câu chuyện chân thực, mềm mại gợi nhiều xúc cảm cho người đọc.

Tổ trinh sát mặt đường có ba cô gái là Phương Định, Nho, Thao. Họ còn rất trẻ, nhiều mơ mộng. Công việc chính của các cô là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” – rất nguy hiểm và đòi hỏi ý chí cao. Nhưng ba cô gái ấy luôn hoàn thành tốt công việc. Công việc không hề đơn giản chút nào, luôn phải chạy trên cao điểm suốt cả ngày. Đôi lúc bị bom vùi về chỉ nhìn thấy hai con mắt lấp lánh, những lúc ấy họ thường gọi nhau bằng cái tên rất ngộ nghĩnh “những con quỷ mắt đen”. Bất chấp những khó khăn của công việc họ vẫn tìm được cho mình những niềm vui, lấp đi nỗi buồn khi nhớ về gia đình, bạn bè. Say mê ca hát, làm đẹp cho cuộc sống. Họ cũng giống như nhiều cô gái tuổi mới lớn khác. Mặc dù sống trong chiến tranh với những hiểm nguy luôn rình rập nhưng họ vẫn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp. Và trong công việc họ là những người có tinh thần trách nhiệm, có lòng dũng cảm, không ngại hi sinh thân mình. Một ngày của các cô gái trẻ thường kết thúc khi “phá bom đến năm lần. Ngày nào ít : ba lần”. Với họ công việc không đơn giản là nhiệm vụ nữa, mà nó đã ăn sâu vào tâm trí, như một điều gì đó không thể thiếu. Hình ảnh Phương Định và Thao moi đất bế Nho lên khi hầm bị sập thật cảm động. Ở một nơi nguy hiểm, cái chết luôn cận kề nhưng trong họ vẫn có tình đồng đội thắm thiết, hơn thế nữa đó còn là tình chị em gắn bó trong một gia đình.

Cùng chung sống với nhau, nhưng ở mỗi người vẫn bộc lộ những tính cách riêng biệt. Thao là chị cả của nhóm, là người chỉ huy công việc. Không hiểu có phải vì lí do này hay không mà trong tác phẩm cô luôn hiện ra với vẻ bề ngoài cứng rắn, xử lí công việc một cách cương quyết, táo bạo. Có lỗ, do chị là người lớn tuổi nhất trong nhóm nên suy nghĩ có phần thiết thực và những dự tính về tương lai rõ ràng hơn. Nhưng ẩn chứa sau vẻ cứng cỏi là trái tim giàu tình cảm. Chị luôn giành những công việc khó khăn về mình. Sở thích của chị thật giản dị, lúc rảnh rỗi chị thích chép lời bài hát, thậm chí chép cả những lời tự bịa ra. Qua nhân vật Thao, ta cũng thấy rõ được những khát khao trong công việc và những rung động của tuổi trẻ thời kháng chiến.. Không trầm tư như Thao, Nho là một cô gái hồn nhiên, thích được ăn kẹo, trắng trẻo và có vóc người nhỏ bé. Những hình ảnh trên cho người đọc hình dung ra một cô gái rất đáng yêu và vô tư. Nhưng trái lại Nho rất dũng cảm trong công việc. Đó là khi Nho bị thương, mọi người thì rất lo, còn Nho lại nói : “Không chết đâu, đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì khiến mọi người lo lắng”.

Cả ba nhân vật đều cho người đọc những cảm nhận riêng. Nhưng có lẽ, để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi cũng như đa số người đọc tác phẩm là cô gái tên Phương Định.

Là con gái Hà Nội, Định tự nhận là “một cô gái khá” với đôi mắt mà các anh lái xe thường nói : “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm !”. Định có ý thức về mình, biết được có nhiều anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm hoặc đơn giản là “viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách xa hàng nghìn cây số”. Cô thấy vui vì mình được các anh yêu quý, nhưng với sự kín đáo của một cô gái Hà Nội, Định chỉ cất giữ ở trong lòng. Mặc dù với cô, người can đảm, thông minh nhất vẫn là những người mặc quân phục, có sao trên mũ. Cũng giống như Thao, Phương Định là người yêu âm nhạc, rất mê hát. Cô thích ngồi dựa vào thành đá và khẽ hát trong những buổi trưa im lặng. Đôi lúc buồn cô nghĩ vẩn. vơ về Hà Nội, về những ngày sống trong hoà bình cùng gia đình. Trong công việc, Định cũng không thua kém một ai cả. Bình tĩnh và tự chủ trong mọi tình huống. Vì cô biết à đâu đó có sự dõi theo của các anh cao xạ, nên sẽ không còn run sợ mà dũng cảm làm nhiệm vụ. Sống trong bom đạn, sự ác liệt của chiến tranh nhưng Định vẫn giữ được tâm hồn, nét đẹp trong sáng của một cô gái Hà Nội. Chính nhờ những điều ấy, nhân vật Phương Định đã thật sự toả sáng trong tác phẩm với hình ảnh của nữ thanh niên xung phong trong thời chiến.

Chiến tranh, bom đạn giờ chỉ còn trong kí ức. Nhưng với tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong đã gợi nhắc cho mỗi người về một tVẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ. Họ can đảm và dám hi sinh cả tuổi trẻ cho đất nước. Đó không chỉ là hình ảnh tiêu biểu của một thời kì mà còn là hình ảnh tượng trứng cho cả thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Mở ra một không gian khác, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một bức tranh đẹp về cảnh thiên nhiên núi rừng Sa Pa và cũng là bức tranh về những con người lao động thầm lặng. Vẻ đẹp của những con người lao động được vẽ trên nền thiên nhiên tươi đẹp và bình lặng, yên ả của Sa Pa. Bên cạnh những con người lao động và cống hiến ở mảnh đất Sa Pa như anh thanh niên, ông kỹ sư, anh cán bộ kĩ thuật, ta còn thấy được vẻ đẹp lao động ở những nhân vật trên chuyến xe lên đây như ông họa sĩ và cô kĩ sư.

Trên nền cảnh Sa Pa lặng lẽ, ta cảm nhận được vẻ đẹp của những con người hăng say lao động, đó là những con người có tinh thần lao động tự giác, yêu và hết lòng với công việc của mình. Mỗi nhân vật đều có công việc, lối sống, lối suy nghĩ khác nhau nhưng ta vẫn tìm thấy ở họ điểm chung của vẻ đẹp lao động trong con người họ. Trước hết là những con người lao động và cống hiến trong thầm lặng trên cái lặng lẽ của Sa Pa. Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện, hình ảnh anh thanh niên như một “kí họa chân dung” bị khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi cao. Anh thanh niên sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn. Công việc hàng ngày đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất của anh phục vụ rất nhiều cho lao động, sản xuất và chiến đấu. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, anh thanh niên luôn đúng giờ “ốp” và mặc cho điều kiện thời tiết có khắc nghiệt cỡ nào cũng không thể cản trở anh ra ngoài làm việc. Ở chàng thanh niên trẻ mới 27 tuổi này, việc chọn cống hiến lặng lẽ nơi đây cho ta thấy vẻ đẹp của một lòng yêu nghề, yêu lao động, ý thức được công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh thanh niên có những suy nghĩ rất đúng đắn và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi… Công việc của cháu khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

Trong cái lặng lẽ của Sa Pa ta không chỉ biết đến có anh thanh niên đang lao động trong thầm lặng mà còn có bác kĩ sư vườn rau và anh cán bộ kĩ thuật. Cả hai người này đều là người mà anh thanh niên giới thiệu cho bác họa sĩ – là những người đáng vẽ. Ông kỹ sư vườn rau đại diện cho vẻ đẹp lao động chăm chỉ, cần mẫn và cống hiến cả một đời người, tại vườn rau Sa Pa. Hàng ngày, ông ngồi trong vườn chăm chú quan sát cách lấy mật của ong, rồi lại tự tay thụ phấn cho hàng vạn cây su hào và còn biết bao cây khác để cho ra được hạt giống tốt hơn. Ông làm việc bằng cái tâm, bằng tất cả tấm lòng, sự cẩn thận, chăm chút và tỉ mỉ trong công việc khiến ta phải thán phục. Còn nữa là anh cán bộ nghiên cứu, đã mười một năm ròng, anh vẫn cố thủ túc trực ngày này qua ngày khác để chờ sét đánh, anh săn đón những lần sét đánh để lập nên bản đồ sét, dựa vào đó để tìm kiếm tài nguyên ẩn sâu trong lòng đất cho đất nước. Công việc của anh không tạo ra tiền bạc, của cải nhưng lại là công việc phục vụ cho những hoạt động sản xuất, phát triển của đất nước. Cả ba nhân vật sống và làm việc tại Sa Pa đã tạo nên một cái thế giới những con người miệt mài lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương, tất cả vì lợi ích đất nước, vì cuộc sống của mọi người.

Bên cạnh những con người lao động ở Sa Pa, ta còn bắt gặp những chân dung những con người lao động thầm lặng trong chuyến xe lên Sa Pa. Đó là ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ. Đối với ông họa sĩ già, vẻ đẹp lao động trong con người ông chính là sự miệt mài tìm kiếm cống hiến cho nghệ thuật không biết mệt mỏi. Trong con người ông luôn chứa đựng niềm khao khát mãnh liệt đi tìm đối tượng của nghệ thuật, nghệ thuật của ông đem đến cho cuộc sống những dư vị, làm cho cuộc sống thêm sáng đẹp và chứa đựng những chiều sâu tư tưởng. Ngay khi gặp được anh thanh niên, ông đã muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình nét đẹp con người lao động thầm lặng như anh thanh niên. Cô kĩ sư trẻ thì khác, mới ra trường nên chuyến đi thực tế này đã làm cho cô có thêm những hiểu biết về cuộc sống và thế giới của những con người làm việc trong cô đơn, thầm lặng. Chuyến đi và cuộc gặp gỡ anh thanh niên đã giúp cô kĩ sư trẻ có cái nhìn khác về con đường mà cô đã chọn (lên công tác tại miền núi), cô càng yên tâm về quyết định của mình và càng khát khao được cống hiến. Cô gái bỏ lại mối tình nhạt nhẽo và bừng dậy niềm yêu lao động, tình cảm lớn lao, lao động như ánh sáng đẹp tỏa ra từ cuộc sống. Chất trữ tình là yếu tố góp phần tạo nên thành công của truyện ngắn này, vừa toát lên trong phong cảnh thiên nhiên thơ mộng Sa Pa lại thấm đượm vẻ đẹp của cuộc sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ. Tình huống truyện với cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ba nhân vật đã để lại nhiều dư vị, cả những suy nghĩ về cuộc sống, cuộc đời và nghệ thuật của mỗi nhân vật.

Chất thơ bàng bạc trong Lặng lẽ Sa Pa khiến ta mãi vấn vương về ý nghĩa và vẻ đẹp của những con người lao động rất bình dị, lặng lẽ. Qua tác phẩm, tác giả đã gợi ra cho chúng ta những suy nghĩ về niềm vui của lao động tự giác, lao động vì những mục đích chân chính, và hơn hết và vẻ đẹp trong những con người lao động luôn sáng ngời.


Tham khảo:

Năm tháng trôi đi và lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những con người ấy vẫn sáng ngời lên nhắc nhở ta về một quãng đường đầy gian khổ, đau thương, lại rất đỗi anh hùng mà đất nước mình đã đi qua. Để rồi mỗi lần đọc lại chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì người dân mình đẹp quá, dũng cảm.

“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê ; “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long hiện lên một tập thể anh hùng đang ngày đêm chiến đấu kẻ thù và xây dựng với để giữ từng tấc đất, ngôi nhà cho quê hương, đất nước và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn . Ba nhà văn đều không đi sâu vào miêu tả những đau thương mất mát , vất vả khó khăn của dân mình, hay tội ác tày trời của giặc Mỹ mà đi vào khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong lao động. Hình ảnh của Thao, Nho, Phương Định ; Anh thanh niên, cô kĩ sư và những người lính lái xe và còn biết bao con người nữa sáng lên mốt vẻ đẹp phẩm chất lạ thường. Họ là kết tinh của vẻ đẹp dân tộc, sức sống dân tộc. Những con người yêu nước thiết tha, quên mình vì tổ quốc ấy lại rất đỗi giản dị, sáng trong. Một tập thể anh hùng giữa hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, trong đó mỗi một nhân vật đều có một vẻ đẹp riêng, một tâm hồn, một cái “tôi’ riêng hoà chung với cái “ta” rộng lớn.

Những nữ thanh niên xung phong – những cô gái “Ba sẵn sàng” trên tuyến đường Trường Sơn đóng quân trong một cái hang giữa trọng điểm “túi bom, chảo lửa” trên tuyến đường Trường Sơn. Công việc hàng ngày của họ là đếm bom, rồi lao ra trọng điểm sau những trận bom để đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí bom rơi và phá những quả bom chưa nổ. Một khối lượng công việc vừa đồ sộ vừa nguy hiểm. Cái chết rình rập họ từng phút, từng giờ.

Hai nhà văn đã phát hiện vẻ đẹp anh dũng của con người Việt Nam nhưng chưa đủ, nhà văn còn tìm thấy ẩm sâu bên trong những cong người gan góc, quả cảm ấy là một trái tin đầy trẻ trung, nhiều khát vọng, tràn đấy tinh thần yêu thương

Đời sống chiến trường gian khổ là thế. Sự sống và cái chết ở đây chỉ là gang tấc. Thế nhưng tình yêu thương đồng chí, đồng đội vẫn tỏa sáng lạ thường. Trong chiến đấu họ gan dạ, dũng cảm, quyết đoán là thế, nhưng trong cuộc sống những cô gái thanh niên xung phong là những cô gái trẻ trung, yêu đời, dễ rung cảm, lắm ước mơ. Là phụ nữ, họ rất thích cái đẹp và thích làm đẹp cho cuộc sống: Nho “mát mẻ như một que kem trắng”, thích ăn kẹo như một đứa trẻ, giàu mơ; Thao lại dạn dày, từng trải trong cuộc sống; thích thêu thùa; thích làm đẹp “tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm” dù trong công việc thì “ai cũng gờm chị: cương quyết, táo bạo” (dũng cảm, táo bạo nhưng lại sợ nhìn thấy máu chảy); Phương Định là con người hồn nhiên, nhạy cảm, lãng mạn và mơ mộng.

Lặng lẽ Sa Pa như một bài ca về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động tưởng chừng như bình thường mà cao cả, luôn quan tâm và có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Trong cái lặng lẽ của Sa Pa, một nhịp sống sôi động, sáng tạo của tuổi trẻ đang trỗi dậy bên trong đó, hòa cùng với công việc của mọi người trong đất nước. Đó là những con người lặng lẽ, âm thầm, ngày đêm đang sống và cống hiến hết mình cho đất nước.

Họ là những con người nhiệt tình và hăng say trong lao động. Trong điều kiện khắc nghiệt nhưng những người lao động ấy vẫn nhiệt tình, hăng say, mang hết sức lực của mình để cống hiến cho Tổ quốc. Tiêu biểu là Anh thanh niên với những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về công việc. Anh hiểu việc mình làm có ý nghĩa quan trọng “phục vụ sản xuất…”. Công việc tuy lặp lại đơn điệu song anh vẫn rất nhiệt tình, say mê, gắn bó với nó.

Họ còn là những con người sống có lí tưởng và tràn đầy lạc quan. Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc lao động đầy gian khổ.

Lí tưởng sống của anh thanh niên là vì nhân dân, vì đất nước. Chính từ suy nghĩ: “mình sinh ra…. vì ai mà làm việc?” mà anh đã vượt lên nỗi “thèm người” để gắn bó với đỉnh Yên Sơn trong công việc thầm lặng. Trong cái lặng im của Sa Pa, không phải chỉ có anh thanh niên mà còn có cả thế giới những người “làm việc và lo nghĩ cho đất nước” qua lời anh kể như: ông kĩ sư vườn rau, đồng chí cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét… Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động cống hiến. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp

“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê; “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là những tượng đài lộng lẫy về Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đầy gian khổ thử thách mà rất đỗi anh hùng. Ba tác phẩm đi vào những khía cạnh khác nhau của đời sống thời kì chống Mỹ, nhân vật hiện lên từ những khung cảnh, hoàn cảnh khác nhau và bút pháp khắc hoạ cũng mang tính độc đáo, cá biệt nhưng đều góp phần vào tiếng nói chung của dân tộc, tiếng nói khám phá ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biết động, “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê ; “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long mãi là những bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng, đã ghi lại cái quá khứ hào hùng, sôi động của đất nước mình một thuở. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian. Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã bắt được cái nhịp sống của dân tộc, đã ngợi ca sức sống và vẻ đẹp của con người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.