Vẻ đẹp của thiên nhiên trong tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh

ve-dep- cua-thien-nhien-trong-tap-tho-nhat-ki-trong-tu

Vẻ đẹp của thiên nhiên trong tập thơ “Nhật kí trong tù” (Hồ Chí Minh)

Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca. Từ xưa đến nay không biết bao lần trái tim của những thi sĩ đã rung động chân thành trước cảnh thiên nhiên mà kí thác vào thơ, để lại cho hậu thế những vần thơ tuyệt bút. Thiên nhiên có trong thi ca từ thuở xuất hiện những câu ca dao về tình yêu, về quê hương đất nước, trong những lúc sinh hoạt đời thường ngắm nhìn thiên nhiên rồi trỗi dậy tâm tình sâu kín, gửi vào những câu ca dao yêu thương tình nghĩa… Và thiên nhiên bước vào văn học cổ điển với vẻ trang trọng rất mực thanh cao, mang “địa vị danh dự” (chữ dùng của Đặng Thai Mai). Có lẽ cũng nhờ thế mà thơ trữ tình cổ điển đạt đến đỉnh cao.

Khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù, bạn đọc không khó để nhận ra tác giả đã dành cho thiên nhiên một vị trí khá đặc biệt. Tập thơ có rất nhiều bài viết về thiên nhiên như: Tảo (Buổi sớm), Ngọ (Buổi trưa), Mộ (Chiều tối), Tẩu lộ (Đi đường), Tảo giải (Giải đi sớm), Dạ lãnh (Đêm lạnh), Hoàng hôn (Hoàng hôn), Tảo tình (Nắng sớm), Triêu cảnh (Cảnh buổi sớm), Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm), Thu cảm (Cảm thu), Thu dạ (Đêm thu), Tình thiên (Trời hửng)…

Với một tỉ lệ những tác phẩm viết về đề tài thiên nhiên khá lớn như vậy, ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng thiên nhiên đã trở thành đối tượng nhận thức và miêu tả của tác giả Nhật ký trong tù.

Theo như tác giả Nguyễn Đăng Mạnh “Phong cảnh thiên nhiên trong thơ xưa thường là một thiên nhiên được nhìn từ xa, từ cao, nhà thơ bao quát trong tầm mắt của mình toàn cảnh cao sơn lưu thủy và ghi lại bằng vài nét chấm phá đơn sơ, bỏ nhiều khoảng trống để gợi lên cái nhìn mênh mông bát ngát của đất trời” (Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chí Minh, trang 82). Qua bài thơ Tẩu lộ, bạn đọc sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về điều đó.

Tẩu lộ

Phiên âm:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan,
Trùng san chi ngại hựu trùng san;
Trùng san đăng đáo cao phong hậu,
Vạn lý dư đồ cố niệm gian.

Dịch thơ:

Đi đường

Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Thiên nhiên không được tập trung miêu tả tỉ mỉ, chỉ bằng vài nét chấm phá mà cái hồn của thiên nhiên, tạo vật được tái hiện lên qua sự liên tưởng, đồng sáng tạo của bạn đọc: hình ảnh một con người đi về phía trước với muôn trùng núi cao chất ngất đại ngàn. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã so sánh bài thơ này với tác phẩm Lên lầu quan tước của Vương Chi Hoán đời nhà Đường của Trung Quốc như sau:

Đăng quán tước lâu

Phiên âm:

Bạch nhật y sơn tận,
Hoàng hà nhập hải lưu.
Dục cùng thiên lý mục,
Cánh thướng nhất tằng lâu.

Dịch thơ:

Lên lầu quan tước

Mặt trời tắt sau núi
Sông Hoàng vào biển sâu
Muốn nhìn xa nghìn dặm
Lên nữa một tầng lầu.

Với Hồ Chí Minh là leo mãi lên đến muôn trùng núi thì toàn bộ núi sông sẽ nằm trong tầm mắt của ta. Còn với nhà thơ của Trung Quốc thì lại khác muốn thấy xa nghìn dặm thì bước lên một tầng lầu. Một người muốn đạt được mục đích của mình thì phải đi khắp núi non, còn người kia chỉ cần chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Như vậy, trong sự kế thừa về đề tài của thơ ca cổ điển, thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh cũng có vẻ đẹp riêng, dấu ấn riêng không lẫn lộn được. Ngoài bài thơ Tẩu lộ ra, khi đọc tác phẩm Tân xuất ngục học đăng sơn

Bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn được Hồ Chí Minh sáng tác ngay sau khi ra tù, mặc dù nó không nằm trong tập thơ nhưng xét về mặt bút pháp nó có quan hệ chặt chẽ với tập thơ nên khi xuất bản được đưa thêm vào tập thơ. Và trong chương trình Văn học 12 cũ, khi dạy về Nhật ký trong tù có tác phẩm này. Do đó, trong chuyên đề này, chúng tôi sử dụng tác phẩm Tân xuất ngục học đăng sơn làm đối tượng khảo sát như những bài thơ khác trong tập thơ), bạn đọc cũng sẽ nhận ra bức tranh thiên nhiên cũng được cảm nhận theo kiểu như vậy.

Trong nhiều bài thơ viết về thiên nhiên, cả thơ cổ điển và Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh còn có sự gặp nhau nữa đó là thường đề cập đến trăng. Nói như một ai đó là “đặc biệt thiên vị với ánh trăng”. Điểm qua những tác phẩm sau ta sẽ thấy điều đó: Vọng nguyệt (Ngắm trăng), Trung thu, Tảo giải…

Vọng nguyệt

Phiên âm:

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử hương tiêu nại nhược hà?
Nhân hứng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia

Dịch thơ:

Ngắm trăng

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Nếu như các nhà thơ cổ điển thường thưởng nguyệt trong lúc trà dư tửu hậu, trong Nhật ký trong tù Bác chỉ có một lần được ngắm trăng trong tư thế “chưa thấy trong thơ ca quá khứ” (chữ của Vũ Quần Phương). Hoàn cảnh tù đày – chân tay bị trói, với Bác “người ngắm trăng nhưng trăng cũng mê mải ngắm người”.

Lí giải về sự xuất hiện với tần số cao của những vần thơ viết về ánh trăng, Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: có lẽ tâm hồn Á Đông phù hợp với vẻ đẹp trong sáng hiền hòa, với cái duyên mặn mà kín đáo của chị Hằng?

Trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thơ cổ điển nói chung và thơ Đường nói riêng đặc biệt chú ý sự hài hòa giao cảm giữa con người và thiên nhiên. Và trong thơ trữ tình cổ điển, thiên nhiên không được nhìn nhận như một khách thể có đời sống riêng biệt, tồn tại độc lập và phân cách với con người mà thiên nhiên và con người là một thể thống nhất hữu cơ. Đọc Cảnh chiều hôm ta nhận ra điều đó:

Vãn cảnh

Phiên âm:

Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình;
Hoa hương thấu nhập lung môn lý,
Hướng tại lung nhân tố bất bình.

Dịch thơ:

Cảnh chiều hôm

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng,
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình;
Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
Kể với tù nhân nỗi bất bình.

Vạn vật trong cuộc sống luôn luôn vận động theo quy luật của sự vận động không ngừng, cái sự “nở” rồi “tàn” của hoa hồng cũng nằm trong quy luật đó. Nó cứ diễn ra trước sự “vô tình” của tạo hóa. Vì sự “vô tình” đó mà hoa tìm đến với người tù Hồ Chí Minh để giãi bày nỗi “bất bình” của mình. Ngửi được hương thơm của hoa là một điều bình thường, nhưng từ hương thơm của hoa mà cảm nhận được nỗi “bất bình” của hoa thì chỉ ở trong thơ Hồ Chí Minh mới có được điều đó. Từ đây, ta thấy được con người và thiên nhiên không còn có khoảng cách nữa mà như hòa vào trong nhau trong nỗi niềm tri âm, tri kỉ.

Viết về đề tài thiên nhiên là quen thuộc, là truyền thống. Trong sáng tác văn học, kế thừa cái có trước, cái có sẵn của người đi trước là một quy luật. Tuy nhiên, với Nhật ký trong tù, chúng ta có thể lí giải sự xuất hiện của vấn đề này như sau. Trước hết thế giới trong nhà tù là thế giới khép kín, cái ác, sự tăm tối sẽ được lên ngôi ngự trị, con người muốn vượt lên trên điều đó tất yếu phải vượt ngục về với sự tự do của thiên nhiên của đất trời. Đấy là lí do vì sao tác giả Nhật ký trong tù đã tìm mọi cách để đưa thiên nhiên vào trong tác phẩm của mình.

Bên cạnh đó, theo quan niệm triết học của người Á Đông, thiên nhiên là đại vũ trụ và con người là tiểu vũ trụ. Giữa con người và vũ trụ có mối tương giao hài hòa với nhau – “thiên nhân tương cảm”. Con người không thể sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài theo đúng ý nghĩa đích thực của từ sống. Nên ngay từ thời xa xưa, con người đã có nhu cầu được sống hòa đồng với thiên nhiên. Nhu cầu đó vừa có ý nghĩa tinh thần và cả ý nghĩa vật chất, thậm chí cao hơn nữa ta có thể cho rằng đó là nhu cầu văn hóa lớn của con người.

Ngày trước cụ Tam Nguyên Yên Đỗ cũng có câu “song thưa để mặc bóng trăng vào”. Từ đó mới thấy rằng, những vần thơ viết về thiên nhiên với nỗi niềm khao khát hướng ra bên ngoài đã giúp cho Nhật ký trong tù mang tầm văn hóa nhân loại. Chính từ những câu thơ viết về thiên nhiên đó sẽ chạm đến được những gì thuộc về bản chất của cuộc sống, sẽ chạm tới được cái bản thể trong mỗi cá nhân con người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.