Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính trong thơ ca kháng chiến

ve-dep-hinh-tuong-nguoi-linh-trong-tho-ca-khang-chien

Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính trong thơ ca kháng chiến.

  • Mở bài:

Có thể nói “Thơ văn là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Thơ văn có thể hiện được “cái hồn của thời đại thì mới trở thành đài tượng niệm của thời đại”. Thơ văn cách mạng đã làm được điều đó. Các nghệ sĩ đã làm nên một tượng đài bất tử về người lính cụ Hồ.

  • Thân bài:

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước bước vào thời kỳ độc lập tự chủ nhưng lại đến một giai đoạn lịch sử hết sức gay go và gian khổ oanh liệt và vĩ đại. Từ năm 1945 đến 1975, đất nước diễn ra nhiều sự kiện lớn, tác động sâu sắc tới toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ hết sức vĩ đại, hào hùng. Công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội diễn ra sôi nổi trên miền Bắc. Chiến tranh kéo dài, liên tục, khiến nền kinh tế nghèo nàn, điều kiện giao lưu với văn hóa nước ngoài hạn chế.

Văn học thời kỳ này gắn liền với nhiệm vụ cách mạng vì thế nó đã đồng hành trọn vẹn và xuất sắc sứ mệnh cao cả. Văn học không chỉ phản ánh được hiện thực cách mạng mà nó còn góp sức vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Hình ảnh người lính luôn là hình ảnh đẹp nhất của văn học Việt Nam. Viết về các anh là viết về những đôi tay đã làm nên hình hài, dáng vóc thân thương của non sông gấm vóc Việt Nam. Huyền thoại về những người lính gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của đất nước ta. Có lẽ, chưa một dân tộc nào trên thế giới lại phải gánh chịu những mất mát và khổ đau vì chiến tranh như dân tộc ta. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã khiến cho những con người Việt Nam trở nên lớn lao và kì vĩ:

“Kính chào Anh, con người đẹp nhất
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi”.

1. Tình yêu tổ quốc sâu đậm, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì tổ quốc.

Thơ văn là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Thơ văn có thể hiện được cái hồn của thời đại thì mới trở thành đài tượng niệm của thời đại. Thơ văn cách mạng đã làm được điều đó. Các nghệ sĩ đã làm nên một tượng đài bất tử về người lính cụ Hồ. Các anh ra đi từ những miền quê nghèo, gạt nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, và những tình cảm riêng tư sang một bên để chiến đấu cho một tình yêu lớn lao hơn – tình yêu Tổ Quốc với một tinh thần cảm tử, hy sinh:

“Ôi! Tổ Quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi! Tổ Quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

Tình yêu Tổ Quốc của người lính đã trở thành một phần máu thịt không thể tách rời, như hơi thở, sự sống của chính các anh. Nó tiếp thêm cho các anh niềm tin, sức mạnh, vượt qua mọi bão giông, thử thách để chiến thắng kẻ thù:

“Những dũng sĩ đâm lê núi Thành
Mắt tìm thù sao bay rực rỡ
Rượt đuổi thù chân như chiến mã
Đâm chết thù sức núi dồn bay”.

Các anh hiểu được trong hoàn cảnh của dân tộc thì “hạnh phúc là đấu tranh”. Vì thế còn gì tự hào hơn khi các anh được gánh vác trên vai nghĩa vụ thiêng liêng :

“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”

Có thể nói lòng yêu nước là vẻ đẹp rất điển hình ở người lính. Lòng yêu nước của người lính đã làm đẹp thêm lòng yêu nước của con người Việt Nam. Đó là ý thức trách nhiệm của người con đối với đất nước:

“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cổ súng kề vai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa”.

2. Tinh thần dũng cảm, gan dạ, xem thường hiểm nguy.

Cuộc sống nơi trận mạc bao giờ cũng vậy, khắc nghiệt vô cùng. Đó là nơi sự sống và cái chết không có ranh giới. Cái chết có thể diễn ra trong tích tắc và đến bất cứ lúc nào. Nhưng với các anh thì cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù:

“Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông, nhớ Trường Sơn tây”

Đất nước Việt Nam, người phải thật tự hào khi sinh ra những người con:

“Đất nước của những người con gái, con trai
Đẹp hơn hoa hồng rắn hơn sắt thép
Những cuộc chia ly không hề rơi nước mắt
Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt”

Chính lòng gan dạ, khí phách, quả cảm đã tạo nên sức mạnh mãnh liệt cho những người lính. Ta dễ hiểu vì sao chị Lý sau bao tra tấn dã man “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” mà bọn giặc nhẫn tâm vẫn không giết nổi chị “người con gái anh hùng”. Ta hiểu vì sao anh Trỗi sau bao đòn roi đau đớn từ chính quyền thực dân vẫn thà chết chứ không chịu bán nước. Đó là bởi một khi ý chí đã cứng hơn sắt thép thì không có gì lay chuyển nổi. So với độc lập tự do của tổ quốc thì cái chết với những người lính có là gì. Dũng cảm như chị Út “còn cái lai quần cũng đánh” gan dạ như cô du kích xóm Lai Vu bị “rắn quấn bên chân” mà vẫn “đánh quân thù”. Và cả :

“Những nàng xuân rất dịu dàng
Hát câu quan họ chuyến đò ngang
Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy
Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng”.

Làm sao quên được hình ảnh chị Sáu kiêu hùng đi giữa hai hàng lính với cái chết thoảng hương nhài, làm sao quên những Bế Văn Đàn, những Phan Đình Giót, những La Văn Cầu : “Những đồng chí, thân chôn làm giá súng”:

“Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi gai thép
Ào ào như vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt còn ôm”.

Hình ảnh của các anh là biểu tượng ngời sáng cho lòng quả cảm, tinh thần hiên ngang, bất khuất. Một nhà văn nước ngoài từng nói “Ở Việt nam có bao nhiêu bông hoa đẹp, là có bấy nhiêu anh hùng”. Các anh là những bông hoa như vậy, những bông hoa kiên cường mọc lên từ những vùng sỏi đá, cằn khô. Nhựa sống của nó là ý chí và lòng dũng cảm phi thường.

Những con người ấy mạnh mẽ trên chiến trường nhưng lại rất hào hoa yêu đời trong cuộc sống bình thường. Giản dị mà vẫn phi thường, hào hùng mà hào hoa. Nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại vẻ đẹp lạc quan yêu đời của các anh:

“Mĩ thua nguỵ chạy đường cùng
Xe tăng như xác bọ hung đen bờ
Mấy anh lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”.

3. Tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó.

Cuộc sống của họ gian khổ thiếu thốn “áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá” nhưng họ không thiếu thốn tình người:

“Đồng đội ta là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết”

Chia nhau là để cộng vào, để nhân lên gấp bội tình yêu thương ấy.Chỉ một cái bắt tay qua cửa kính vỡ rồi mã thôi sao thân thương đến thế. Chung với nhau một bữa cơm nhà mà ấm áp biết bao tình người:

“Bếp Hoàng Cầm ta chạy giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình ấy”

Những người lính đã vượt qua gian khổ như thế đó, bằng tình người và bằng cả trái tim. Có thể nói, hình tượng người lính là kết tinh của những vẻ đẹp rất Việt Nam. Lòng yêu nước, sự dũng cảm, niềm lạc quan yêu đời, tình đồng chí, đồng đội dù trong bất cứ hoàn cảnh nào những nét đẹp ấy vẫn luôn toả sáng.

Hình tượng người lính trong thơ văn 1945 – 1975

Cảm nhận vẻ đẹp người lính trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu)

Cảm nhận vẻ đẹp hào hoa, hào hùng và bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến

Hình tượng người lính trong thơ văn 1945 – 1975

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.