Vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ Nguyễn Khuyến trong thơ ca

ve-dep-nhan-cach-cua-nha-tho-nguyen-khuyen-trong-tho-ca

Vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ Nguyễn Khuyến trong thơ ca

Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông là một nho sĩ thành công trên con đường học vấn và hoạn lộ. Ông đạt đến đỉnh cao vinh quang của danh vọng trong lúc xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn đầy đau thương. Bất mãn trước thời cuộc, ông kí gửi tâm sự vào thơ ca. Thơ Nguyễn Khuyến thể hiện tình yêu sâu nặng đối với quê hương, đất nước.

Chế độ phong kiến đã trở thành gánh nặng của lịch sử, không đủ khả năng đưa dân tộc thoát khỏi thảm họa ngoại xâm và nô dịch. Nguyễn Khuyến không đủ dũng khí như các chí sĩ trong phong trào Cần Vương. Ông đã cáo quan về nhà để giữ tiết trong sạch. Là người có học, có nhân cách lớn, ông không khỏi u hoài, day dứt trước hiện thực đau lòng của đất nước. Bởi vậy ông đã viết trong Di chúc:

“Ơn vua chua chút đền công
Cúi trông hổ đất, ngửa trông thẹn trời”.

Nguyễn Khuyến (1835- 1909), quê ở làng Yên Đổ, tỉnh Hà Nam. Thủa nhỏ thông minh chăm học. Năm 1864 thi Hương đỗ giải nguyên, năm 1871 đỗ đầu Hội nguyên và Đình nguyên, nên mọi người thường gọi là Tam nguyên Yên Đỗ. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Khuyến ra làm quan giữ một số trọng trách quan trọng trong triều đình. Một thời gian sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta ông đã cáo quan về quê với lí do đau mắt vào tuổi 49.

Có thể thấy, Nguyễn Khuyến là một nho sĩ được đào tạo theo khuôn mẫu đạo đức nho giáo. Với ông, nam nhi phải có nghĩa vụ học hành đỗ đạt làm quan để thờ vua giúp nước , thực hiện nghĩa vụ “trí quân trạch dân”(vừa giúp vua vừa làm cho dân được nhờ). Nếu vận nước bình yên, Nguyễn Khuyến chắc chắn sẽ trở thành vị quan thanh liêm, mẫu mực. Nhưng thời Nguyễn Khuyến, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình bạc nhược lần lượt dâng nước ta cho giặc.

Trong bối cảnh đó, nếu Nguyễn Khuyến tiếp tục làm quan chẳng khác nào tiếp tay cho giặc, đó là điều mà các nhà nho chân chính, có nhân cách không thể chấp nhận. Còn theo chân các chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần Vương để đối mặt với kẻ thù dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì nước vì dân thì ông chưa có đủ dũng khí và bản lĩnh. Nguyễn Khuyến lúng túng trong thái độ ứng xử. Cuối cùng ông quyết định từ quan về quê để giữ mình trong sạch theo cách xử thế của nho sĩ phong kiến.

Về quê, tưởng chừng được hưởng thú yên tĩnh thanh nhàn. Nhưng đất nước mỗi ngày lại có nhiều biến động, thực trạng xã hội đau lòng khiến một nhà nho chân chính như ông không thể nhắm mắt làm ngơ. Ông luôn mang tâm sự đau buồn u hoài. Ông hổ với đất, thẹn với trời chính là ông đang hổ thẹn với dân với nước, hổ thẹn với chính bản thân. Nỗi lòng đó được ông giãi bày qua thơ. Bài thơ Cuốc kêu cảm hứng là tiếng lòng của ông đối với non sông đất nước:

“Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”.

Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu. Ông đã vẽ nên những bức tranh thu làng cảnh Việt Nam mang một vẻ đẹp nên thơ, trong sáng. Nhưng dường như trong mỗi bức vẽ đều chứa đựng tâm trạng u buồn của ông. ở Thu vịnh, nỗi buồn đưa ông tìm về với quá khứ, tưởng chừng như ông thảng thốt giật mình bởi âm thanh vang lên giữa không trung, hay chính là nỗi buồn của ông đang choán ngợp cả không gian và thời gian:

“Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào”.

Với Thu ẩm, ông muốn uống rượu để quên đi nỗi buồn đau. Nhưng thật là nghịch lí: Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Mắt đỏ hoe hay chính ông đang thầm khóc cho bi kịch đau buồn của đất nước, thầm khóc cho nỗi hổ thẹn của chính mình – khi phải sống bất lực trước hiện thực nước mất. Tâm sự đó còn được ông gửi vào câu thơ tự trào cười ra nước mắt. Nửa đời ông sôi kinh nấu sử đi thi mong đỗ đạt làm quan giúp nước nhà. Nhưng rồi ông đã không thực hiện được lí tưởng sống cao đẹp đó. Ông thực sự hổ thẹn khi than: Sách vở ích gì cho buổi ấy/ áo xiêm luống những thẹn thân già. Trong bài Tiến sĩ giấy cũng là một phần ông tự trào về mình- học giỏi đỗ cao, tiến sĩ thật. Thế mà sống vô nghĩa không có giá trị đích thực: Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Phải có một nhân cách cao đẹp, một tấm lòng gắn bó với đất nước, nhà thơ Nguyễn Khuyến mới mang nặng một khối đau buồn, u hoài, hổ thẹn đến nhường vậy. Cho đến cuối đời, trong Di chúc ông muốn con cháu, hậu thế thấu hiểu cho nỗi niềm ấy của ông qua lời thơ:

“Đề vào mấy chữ trong bia
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.


Tham khảo:

Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) là người thông minh, cần cù, chăm chỉ, có nghị lực nên đạt được được những vinh quang trên con đường học tập, khoa cử.

Xuất thân trong một gia đình nhà nho có truyền thống khoa bảng nhưng nghèo, Nguyễn Khuyến phải đi dạy học để kiếm sống và để nuôi mẹ.

Từng không đỗ trong các kì thi Hương nám 1852,1855,1861 nhưng Nguyễn Khuyến không nản lòng, ông vừa đi dạy học, vừa tìm thầy để học và nhất là bằng sự tự học, sự nỗ lực lớn của bản thân, nám 1864, ông đổ đầu ìà thi Hương. Trong các nám tiếp theo 1865, 1868, 1869 (ân khoa) ông thi Hội đều không đỗ. Lại một lần nữa, thất bại không làm ông nản lòng mà chỉ càng làm ông thêm quyết chí. Năm 1871, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả thị Hội và thi Đình, được vua Tự Đức ban cờ, biển vậ hai chữ Tam nguyên. Đỗ đầu cả ba kì thi nên Nguyễn Khuyến được gọi là Tam nguyên Yên Đổ.

Nguyễn Khuyên là người có lòng yêu nước, thương dân. Ông từng ra làm quan với triều Nguyễn, nhưng khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chiếm sáu tỉnh Nam Kì, đang lần lượt chiếm các tỉnh Bắc Kì, ông từ chối không nhận chức làm quyền Tổng đốc Sơn Tây. Năm 1884, Nguyễn Khuyến cáo quan trở về quê Yên Đổ.Để mua chuộc sĩ phu miền Bắc, thực dân Pháp từng cho người mời Nguyễn Khuyến ra làm quan trở lại nhưng ông đều từ chối, kiên quyết không hợp tác với chính quyền thực dân.

Là người có tấm lòng yêu nước thương dân nhưng Nguyễn Khuyến chưa có dũng khí chiến đấu với giặc. Tuy nhiên, về mặt tư tưởng, ông là người có dũng khí. Nguyễn Khuyến ý thức được sự khủng hoảng của Nho giáo, sự bất lực của học vấn, khoa cử truyền thống, muốn từ bỏ những tư tưởng Nho giáo đã tỏ ra lỗi thời : “Đề vào mấy chữ trong bia – Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” [Di chúc).

Nguyễn Khuyến là người có cốt cách thanh cao, tính tình đôn hậu. Đỗ đạt cao nhưng ông chỉ làm quan hơn mười năm còn phần lớn cuộc đời là sống ờ quê nhà, dạy học trong hoàn cảnh thanh bạch, ông sống chan hoà với gia đình, họ hàng, xóm giềng, bè bạn. Ông gắn bó với người dân quê, với quê hương, làng cảnh một cách chân tình, nhiều khi đến mộc mạc.

Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, hiện còn khoảng trên 800 bài gồm thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ. Đóng góp nổi bật của tác giả đối với văn học dân tộc là ở mảng thơ viết về làng quê, thơ trào phúng và ngôn ngữ thơ Nôm. Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ số một về quê hương, làng cảnh vì ông viết nhiều, viết đúng và viết hay về thiên nhiên, con người và cuộc sống thôn quê.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài thơ “Câu cá mùa thu” (Thu điếu) - Theki.vn
  2. Phân tích thi pháp trung đại qua ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.