Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên

ve-dep-tam-hon-cua-nhan-vat-lien

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên.

  • Mở bài:

Thạch Lam là nhà văn có sở trường ở thể loại truyện ngắn. Ông thường viết về những người dân nghèo sống mòn mỏi, bế tắc ở những phố huyện nghèo nàn xơ xác bằng sự cảm thương sâu sắc. “Hai đứa trẻ”, một truyện ngắn thấm thía niềm xót thương, một trái tim giàu lòng trắc ẩn của Thạch Lam đã gợi ra tính nhân văn cao cả. Đọc truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, chúng ta không thể quên nhân vật Liên – một cô bé nghèo có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người. Sự nhạy cảm ,sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật Liên gợi ra nhiều nét tâm trạng của một cô gái mới lớn. Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên được bộc lộ qua những chi tiết nhỏ nhặt trong truyện ngắn, hay chính là những sự thay đổi trong tâm tư tình cảm của tác giả.

  • Thân bài:

Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên được nhà văn khắc họa qua nhiều giai đoạn, vừa kín đáo, vừa rất rõ ràng. Những cảm nhận về buổi chiều tàn, những số phận lầm lụi trong đêm tối, cảnh đoàn tàu rực rõ chạy qua phố huyện từng bước bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn cô gái mới lớn, đã cảm và nhiều ưu tư.

– Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng trắc ẩn.

Khi chiều về, chứng kiến sự tàn lụi của ánh sáng, nghe tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, nghe tiếng muỗi vo ve trong cửa hàng tạp hóa. Trái tim ngây thơ của cô bé chắc chưa hiểu được nỗi buồn của kiếp người nhưng em đã biết rung động trước những đổi thay của thiên nhiên khi chiều xuống. Liên còn cảm nhận được mùi riêng của đất, của quê nghèo qua những mùi vị đơn sơ nhưng thân thuộc “một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá”.

Cảnh phố huyện lúc chiều tà được nhà văn miêu tả qua cái nhìn, cảm nhận của hai đứa trẻ, làm cho cảnh vật vốn đơn điệu, tẻ nhạt hiện lên đầy tâm trạng. Bức tranh lúc chiều muộn thật êm ả nhưng thấm đượm một nỗi buồn trong tâm hồn của cô bé Liên Trước sự thay đổi của đất trời, nghĩ rồi Liên lại có một nỗi buồn man mác, có lẽ là do suy nghĩ của Liên về cuộc sống nơi đây, nghèo nàn, cái phố huyện tàn tạ. Những nét vẽ của đồng quê, với hình ảnh quen thuộc nhưng những âm thanh và cả buổi chiều êm như nhung đó,dưới con mắt của một cô gái nó lại trở thành cái cớ cho sự buồn lâng lâng không rõ vì sao.

Đêm đầy sao, vũ trụ thăm thẳm đầy bí mật đối với Liên. Liên thấy mình sống giữa nơi xa xôi cô đơn. Nỗi buồn, cô đơn của Liên cũng chính là tấm lòng đồng cảm của em với những số phận nhỏ bé nghèo khổ nhưng vẫn tự khẳng định mình,vẫn phải sống cuộc sống ở một phố huyện buồn. Bày lên trước mắt Liên là hình ảnh của “những đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa” còn sót lại sau khi đã vãn chợ chiều. Đó cũng là hình ảnh đầy đau xót của mẹ con chị Tí, bác Siêu và gia đình bác xẩm với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trên vai đã chẳng bao giờ có thể thoát khỏi vòng đời nghèo khó quanh quẩn.

Liên trông thấy tất cả những con người ấy trong một buổi chiều buồn ảm đạm nơi phố huyện nghèo xơ xác. Trong lòng Liên trào dâng một “lòng thương” vô hạn, một nỗi niềm xót xa không gì tả xiết. Bởi lẽ, những cảnh đời khốn khó ấy cũng không ngoại trừ gia đình Liên ra khỏi vòng tay oan nghiệt của nó khi mà với gánh nặng vật chất đang đè nén, họ đã bị xé lẻ đến nghiệt ngả.

Từ nỗi buồn đơn sơ trước thời khắc của ngày tàn, Liên đã hướng nỗi buồn của mình sang những người dân nghèo nơi phố huyện cũng như đồng cảm với những cảnh đời lam lũ cơ cực. Trái tim Liên đã hòa chung nhịp đập với con người ở phố huyện-một nhịp đập sâu lắng, nhẹ nhàng mà uất nghẹn khôn nguôi. Để rồi những tình cảm ấy sẽ được phân chất thành một nỗi u sầu đậm đặc trong tâm hồn Liên. Liên thương người là thế, đau xót cho những kiếp khổ triền miên là thế mà cũng đành phải lẳng lặng làm thinh để cho tình thương chôn chặt nơi đáy mắt không thể bật lên thành những hành động cao đẹp. Nỗi đời cơ cực đã chạm những nanh vuốt sắc lạnh của nó đến bên gia đình Liên, đến bên tâm hồn ngây thơ giàu tình cảm của Liên. Tâm hồn ấy mãi cũng chỉ có thể là tiếng khóc thương thầm lặng cho những kiếp người lầm than-một tiếng khóc buồn trong bế tắc khi mà “chính chị cũng không có tiền để cho” những đứa trẻ ấy một chút niềm an ủi mỏng manh.

Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người. Đây cũng là nhân vật mà Thạch Lam gửi gắm tâm tư của mình

– Liên là một cô bé đảm đang, tháo vát, biết phụ giúp mẹ bán hàng.

Cũng chính từ trong bế tắc, tuyệt vọng, tấm lòng của Liên lại hiện lên trước mắt chúng ta vớiđđầy đủ vẻ đẹp của một viên ngọc ngời tỏa. Không những thế, viên ngọc ấy còn như được phủ lên một lớp men đẹp dịu bởi tình thương yêu em và tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ của Liên. Liên không quản đêm khuya nhọc mệt bủa vây xung quanh mình, vẫn chịu khó cùng An trông hàng giúp mẹ. Mắt Liên đã nặng trĩu sau một ngày dài với bao lo toan, mệt mỏi. Thế nhưng với một tình thương cha, tình yêu mẹ cùng sự cảm thông sâu sắc trước những khó khăn của cha mẹ, Liên vẫn âm thầm làm việc từ ngày này sang ngày khác. Đôi mắt ấy đã mở bừng trong những tình thương dào dạt đối với cha mẹ, với An và đối với tất cả những cảnh đời lay lắt nơi phố huyện.

Tình cảm ấy sâu rộng, bao la tựa hồ như một dòng nước suối chảy tràn trong tâm hồn Liên, như làn gió mát dịu vút bay phủ trùm cả phố huyện. Nhẹ nhàng và êm ái, tình cảm của Liên đã đan đầy cả không gian u tối, bộc lộ nên một tính cách đẹp soi rọi cả màn đêm mờ mịt…

– Liên còn là một cô bé có ước mơ và khát vọng.

Hình ảnh của phố huyện chìm vào bóng tối, cách tác giả lấy ánh sáng để miêu tả bóng tối thật đặc sắc.Khi chợ tàn đi đêm bắt đầu buông xuống,Liên mở gian hàng mà cứ ngồi trên chõng tre ngắm ngía nơi ở của mình. Tất cả những hoạt động đều được Liên quan sát bằng một tình cảm yêu thương cái vùng quê hương của bản thân mình.

Thêm một chút gia vị cho tâm hồn liên, hình ảnh con Tàu đêm đến sẽ khiến cho những con người nơi đây kiếm thêm chút gì đó, và Liên cũng thế. Chị em Liên cũng thao thức chờ cho đến khi tàu tới mới thôi. Và cũng chính con tàu là nguồn sáng đưa hai chị em sống về những kí ức thời còn sung sướng, được đi chơi và uống những thức uống xanh đỏ. An đã ngủ rồi, Liên cứ ngồi trên chõng mong đợi thao thức. Việc Liên và em đêm đêm đợi đoàn tàu chạy qua không phải để mong bán được thêm hàng mà là nỗi háo hức được nhìn một hình ảnh sống động, nhộn nhịp đầy ánh sáng … từ Hà Nội đi qua. Con tàu đối với Liên và em còn là những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm… ở Hà Nội, để từ đó hướng đến tương lai. Tâm trạng đợi tàu, tư­ thế háo hức thiết tha nhìn ngắm con tàu ở Liên và An có tác dụng lay tỉnh tâm hồn ngư­ời đọc. Nó thắp lại ở những tâm hồn đang uể oải ngọn lửa của niềm khao khát vư­ơn tới cái đẹp.

Liên đang tìm đến những niềm vui trong quá khứ để bù đắp cho những khó khăn hiện tại của gia đình. Đối với Liên mà nói con tàu là miền kí ức tuổi thơ trở về chính vì thế mà cô luôn trân trọng và muốn nhìn thấy nó qua hình ảnh đoàn tàu. Ánh mắt của Liên tập trung vào ánh sáng của tàu, ánh sáng đó như mở ra bao nhiêu kí ức kỉ niệm, cũng là niềm khát khao của cô khi muốn theo những ánh sáng đó tìm kiếm những điều đẹp đẽ nơi xa xôi mà ngay ở nơi phố huyện nghèo này sẽ rất lâu nữa mới có được.

* Nhận xét:

Đọc “Hai đứa trẻ”, người ta như cùng lúc lắng nghe được nhiều tiếng nói khác nhau, hòa phối trong nhau. Theo đó, truyện ngắn cũng toát lên nhiều ý nghĩa khác nhau, khi nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy vậy cảm hứng bao trùm “Hai đứa trẻ” vẫn là niềm cảm thương chân thành của nhà văn đối với cuộc sống chìm khuất, mỏi mòn, quẩn quanh của những con người nhỏ nhoi nơi phố huyện bình lặng, tối tăm, cùng những điều mong ước khiêm nhường mà thiết tha của họ.

Toàn bộ bức tranh phố huyện được cảm nhận qua con mắt, tâm trạng của hai đứa trẻ mà tập trung chủ yếu qua con mắt, tâm trạng của cô bé Liên, một thiếu nữ dịu hiền, nhân hậu, đa cảm. Điều này có một ý nghĩa khá đặc biệt. Nó làm cho cảnh vật thấm đượm cảm xúc, tâm trạng và trở nên có hồn hơn. Nó làm cho cảnh vốn đơn điệu, tẻ nhạt vẫn mang cái thi vị và sức sống riêng của nó; nó khiến cho thế giới như được lạ hóa qua cảm giác, cảm tưởng của hai đứa trẻ; đồng thời vẻ đẹp tâm hồn cô bé Liên cũng được thể hiện rõ.

Chỉ là một cô gái nhỏ nhưng tâm hồn của cô chẳng khác gì một thiếu nữ trưởng thành, cùng với đó là sự nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn mà không phải ai cũng có. Sự yêu thương cảm thông và cả những ước mơ lẫn kí ức đẹp đẽ đa tạo nên một hình ảnh rất đặc biệt, qua đây cũng thể hiện tâm hồn của chính tác giả Thạch Lam. Miêu vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên, Thạch Lam muốn thể hiện được sự nghèo khổ hiện thực chua xót ấy nhưng vẫn mang những nét thi vị của chốn bùn lầy nước đọng và cũng là sự cảm thông sâu sắc đối với những nhân vật nhỏ bé của mình.

  • Kết bài:

Bằng những nét phác thảo cơ bản nhưng rất đậm sắc, Thạch Lam đã tạc tạo nên những nét đẹp trong tính cách của Liên. Đó là hiện thân của một cô bé giàu lòng nhân hậu và tình yêu thương những cảnh đời khốn khó. Tận sâu trong trái tim non nớt của Liên là sự rung cảm dạt dào và xót xa trước những kiếp người nghèo khổ. Có thể nói Liên là một nhân vật vừa đậm chất hiện thực vừa đậm chất trữ tình được xây dựng qua ngòi bút tài hoa của Thạch Lam. Hình ảnh cô gái mới lớn này mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam (công, dung, ngôn, hạnh), để lại trong cảm xúc của người đọc những ấn tượng sâu đậm, ngọt ngào, dễ thương của một thời Thạch Lam mà hôm nay vẫn còn trân trọng.


Dàn bài cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

  • Mở bài :

– Thạch Lam là nhà văn có sở trường ở thể loại truyện ngắn.Ông thường viết về những người dân nghèo sống mòn mỏi, bế tắc ở những phố huyện nghèo nàn xơ xác bằng sự cảm thương sâu sắc.

– Đọc truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, chúng ta không thể quên nhân vật Liên – một cô bé nghèo có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người.

  • Thân bài:

1. Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

– Khi chiều về, chứng kiến sự tàn lụi của ánh sáng, nghe tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, nghe tiếng muỗi vo ve trong cửa hàng tạp hóa…Liên cảm thấy “lòng buồn man mác”.Trái tim ngây thơ của cô bé chắc chưa hiểu được nỗi buồn của kiếp người nhưng em đã biết rung động trước những đổi thay của thiên nhiên khi chiều xuống.

– Liên còn cảm nhận được mùi riêng của đất, của quê nghèo qua những mùi vị đơn sơ nhưng thân thuộc “một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá”.

– Đêm đầy sao, vũ trụ thăm thẳm đầy bí mật đối với Liên.

– Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu nơi xa xôi cô đơn như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng rất nhỏ

→ Nỗi buồn, cô đơn của Liên cũng chính là tấm lòng đồng cảm của em với những số phận nhỏ bé nghèo khổ nhưng vẫn tự khẳng định mình,vẫn phải sống cuộc sống ở một phố huyện buồn.

2. Liên còn là một cô bé rất đảm đang, tháo vát, lại giàu lòng nhân ái.

– Tuy còn bé, nhưng Liên vừa trông coi em , lại còn thay mẹ trông coi cửa hàng tạp hóa, góp phần giúp cha mẹ.Có thể nói; tuổi thơ của một đứa trẻ nghèo như Liên chẳng còn ,thật đáng cảm thông ,thương xót.

– Đáng trân trọng là tình cảm của Liên giành cho những đứa trẻ nghèo ở phố huyện nhặt rác lúc chợ tàn…, lễ phép với cụ Thi hơi điên ; thông cảm với nỗi vất vả của mẹ con chị Tí phải kiếm sống mỗi ngày từ sáng sớm đến đêm khuya…

Liên cảm nhận được cuộc sống vô vị, buồn tẻ, tăm tối của người dân nơi đây.Họ như những cái bóng âm thầm trong đêm và bóng tối cuộc đời đang bao phủ họ.

3. Liên còn là một cô bé có ước mơ và khát vọng.

– Việc Liên và em đêm đêm đợi tàu không phải để mong bán được thêm hàng mà là nỗi háo hức được nhìn một hình ảnh sống động, nhộn nhịp đầy ánh sáng … từ Hà Nội đi qua.

– Con tàu đối với Liên và em còn là những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm… ở Hà Nội, để từ đó hướng đến tương lai

  • Kết bài:

– Có thể nói Liên là một nhân vật vừa đậm chất hiện thực vừa đậm chất trữ tình được xây dựng qua ngòi bút tài hoa của Thạch Lam.

– Hình ảnh cô gái mới lớn này mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam (công, dung, ngôn, hạnh), để lại trong cảm xúc của người đọc những ấn tượng sâu đậm, ngọt ngào, dễ thương của một thời Thạch Lam mà hôm nay vẫn còn trân trọng.

6 Trackbacks / Pingbacks

  1. Chứng minh: truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài vừa thấm đẫm chất hiện thực vừa giàu chất trữ tình - Theki.vn
  2. Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Liên hệ với tâm trạng của nhân vật Liên khi đợi tàu trong truyện ngắn Ha
  3. Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam - Theki.vn
  4. Phân tích vẻ đẹp tính cách và tâm hồn nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam - Theki.vn
  5. Phân tích tâm trạng chờ tàu của nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam - Theki.vn
  6. Chứng minh Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một truyện ngắn giàu chất thơ - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.